Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Múa Thiết Lĩnh...Ném Bút Chì...- Toan Ánh

Ngày nay là thời đại của súng đạn, của bom nguyên tử, của hỏa tiễn, của phi thuyền không gian, nhưng trước thời đại này là thời đại của gươm giáo, của võ nghệ.

Tại Việt Nam ta, trước thời Pháp thuộc và ngay trong thời Pháp thuộc, võ nghệ đã có những ngày oanh liệt và những món võ khí cổ truyền của ta như thiết lĩnh, gươm, đao, bút chì, bút thép, mã tấu, khiên v.v… đều đáng ghê sợ và đáng lợi hại đối với người biết sử dụng. Đã có nhiều trường hợp một vài ngọn súng trường hoặc súng săn bắn phát một phải chịu bó tay trước những ngón võ cổ truyền của ta.

Hôm nay, tôi xin hân hạnh mời bạn đọc dạo qua địa hạt của võ nghệ thời xưa với những ngón ném bút chì, múa thiết lĩnh, lăn khiên v.v… đã từng làm say mê những thanh niên thanh nữ nơi bùn lầy nước đọng.

***

Toan Ánh tên thật là Nguyễn Văn Toán (1916 - 14 tháng 5 năm 2009), là nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam.
Nhà văn Toan Ánh sinh tại Thị Cầu, Bắc Ninh, một vùng quan họ nổi tiếng với những lễ hội, đình đám. Mẹ ông làm nghề hàng xáo, ngày bà đi bán, tối về vừa xay gạo vừa dạy chữ Hán cho ông. Sau, ông theo học với thầy Chu Kinh Phượng, là một thầy đồ nổi tiếng khắp vùng Kinh Bắc.

Khi trưởng thành, nhờ ông làm nhiều công việc khác nhau, như thuế vụ, thanh tra, dạy học…và hay thay đổi nơi ở, nên ông biết được nhiều vùng của đất nước. Đến đâu ông cũng chú tâm tìm hiểu tập quán, hội hè, ca dao… và ghi chép một cách rất cẩn thận.

Ông nắm chức giám đốc trong Cục Tâm lý chiến (1963-1966) của Việt Nam Cộng hòa, sau chuyển làm quản thư Bộ Thông tin (1968-1971) rồi phó chủ tịch Hội đồng Văn hóa Giáo dục (1972-1973). Ông cũng từng làm giảng viên ở Viện Đại học Vạn Hạnh và Viện Đại học Huế (phân khoa Nhân văn) trước năm 1975. Ông còn là hội viên Hội Văn bút Việt Nam (Vietnam Pen Club).
Trong lãnh vực chính trị ông là đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng.

Đời tư

Vợ ông là một hoa khôi khi 17 tuổi vùng Vĩnh Yên, Vĩnh Phú. Họ sống với nhau 20 năm, có 11 người con. Tháng 12 năm 1969, vợ ông bị đột tử khi mới 46 tuổi. An táng cho vợ xong, ông đóng cửa nửa tháng để viết hồi ký Nhớ thương rất cảm động.
Từ đó, ở tuổi 55, ông một mình nuôi con cho đến ngày nhắm mắt ở tuổi 96.

Nhà văn Toan Ánh đã trút hơi thở cuối cùng lúc 23g50 ngày 14 ngày 5 năm 2009 tại TPHCM.

Tác phẩm

Toan Ánh bắt đầu viết văn từ năm 1934. Năm 1935, truyện ngắn đầu tay của ông: Chiếc nhẫn quý, được đăng trên báo Tiểu thuyết Thứ Bảy.

Kể từ đó, ông gắn bó mật thiết với đề tài văn hóa truyền thống của Việt Nam từ nông thôn đến thành thị, từ Bắc vào Nam và để lại cho đời khoảng 124 tác phẩm có giá trị học thuật, như:

• Nếp cũ (11 cuốn) • Việt Nam chí lược (5 cuốn gồm: Người Việt Đất Việt, Miền Bắc khai nguyên, Miền Trung kiên dũng, Miền Nam phú cường, và Cao nguyên miền Thượng) • Phong lưu đồng ruộng (1958), biên khảo • Bó hoa Bắc Việt (1958), biên khảo • Ký vãng (1958) • Nếp xưa (1962) • Tiết tháo một thời (1957), tiểu thuyết • Người đẹp thời chiến cuộc tiểu thuyết lịch sử • Thanh gươm Bắc Việt, tiểu thuyết lịch sử • Trong lũy tre xanh, (1957) tập truyện ngắn • Tinh thần trọng nghĩa Đông Phương • Phong tục Việt Nam, biên khảo • Tín ngưỡng Việt Nam, biên khảo • Hội hè đình đám biên khảo • Cầm ca • Hương nước hồn quê (1999)

Tháng 5 năm 2004, NXB Trẻ đã ký hợp đồng mua tác quyền toàn bộ tác phẩm của nhà văn Toan Ánh trong thời hạn đến năm 2015. Từ đó đến nay (2009) đã có gần 20 tác phẩm của ông được in lại một cách có hệ thống theo hình thức Toan Ánh toàn tập.

***

Chuyến xe chở khách chạy đường Sài Gòn – Ban Mê Thuột, sau một hồi nổ máy, từ từ chuyển bánh để rời khỏi bến Sài Gòn thì từ đầu đường chạy lại, với một vẻ hấp tấp, một ông già trạc gần bảy mươi tuổi, chít trên đầu một chiếc khăn lượt cũ đã sờn rách, mình mặc một chiếc áo the đã tàu tàu lưng và hai vai áo đã ngả sang màu nước dưa mang vết thời gian sử dụng. Chân ông lão kéo lê đôi giày Gia Định như chỉ chực văng theo bước ông lão chạy vội vàng. Vừa chạy ông lão vừa giơ tay vẫy chiếc xe và gào:

- Cho tôi đi với, ông tài ơi!

Vài hành khách đi xe, dáng chừng ngồi trên xe đã lâu, thấy ông lão chạy tới thì cau mày như khó chịu. Có người lẩm bẩm:

- Xe có chuyến, đi không chịu tới đúng giờ, làm phiền người khác.

Người tài xế tất nhiên không bao giờ bỏ mối lợi của xe, nên ngừng bánh lại, chờ ông lão tới.

Người lơ xe mở cửa sau để ông lão lên, ấn ông lão ngồi vào hàng ghế cuối, nơi đó còn hơi rộng và bảo:

- Nhanh lên bố già! Đi đâu mà bây giờ mới tới. May mà kịp xe nhé!

Ông lão vừa ngồi xuống ghế vừa nói:

- Nhà lão ở xa!

Xe lại từ từ chuyển bánh.

Hàng ghế ông lão ngồi ở cuối xe, rất xóc, mỗi khi xe tăng tốc lực hoặc lướt trên một ổ gà nhỏ, hành khách đều cảm thấy như muốn tung người lên.

Ông lão phàn nàn:

- Xe xóc quá bác tài ơi!

Người tài xế ngồi ở đầu xe đâu có nghe lời ông lão phàn nàn, nên xe vẫn cứ băng băng, vun vút nhanh rồi lại chậm, rồi lại nhanh và ông lão vẫn cứ chịu đựng cái xóc của xe.

Duy anh lơ xe bảo:

- Thôi bố già ơi! Đến chậm, ráng mà chịu. Kịp xe là may rồi! Để xem có ai ở những hàng ghế trên người ta xuống bấy giờ sẽ mời bố lên.

Chẳng mấy chốc xe đã tới bến Bình Dương.

Ở đây xe phải ngừng mấy phút, vừa chờ lấy thêm hành khách, vừa chờ cho đúng giờ khởi hành.

Ông lão áo the tàu tàu khăn lượt cũ nhìn quanh, rồi bỗng ông mở cửa xe nhảy xuống.

Người lơ xe ngăn lại hỏi:

- Đi đâu đấy bố, xe sắp chạy rồi!

Ông lão gạt người lơ xe ra, rồi cứ nhảy xuống, vừa nhảy vừa nói:

- Lão xuống hút điếu thuốc.

Thì ra ông lão trông thấy ở một ngôi hàng nước ở bến xe có chiếc điếu. Ông muốn hút điếu thuốc lào.

Ông tới hàng nước, uống hớp nước rồi hút điếu thuốc. Ông hút một cách chậm rãi, khoan khoái, thở khói phà lên trời như thích thú lắm.

Ông hút điếu thuốc không lâu nhưng đã đến giờ xe chạy nên anh lơ xe gọi giục:

- Xong chưa bố già? Đến giờ xe chạy rồi, thuốc với men mãi.

Nghe anh lơ xe gọi, ông lão mới thủng thỉnh chùng chình chậm chạp quay trở lại xe. Vừa đi ông vừa thưởng thức cái hương vị điếu thuốc lào vừa hút, đôi mắt lơ mơ.

Mấy hành khách đi xe nhìn vẻ nhàn nhã của ông như sốt ruột. Một người nói:

- Bực mình với cái lão già! Một mình lão làm phiền bao nhiêu người!

Một người khác nói theo:

- Các ông già quê mùa thường cứ khó chịu như vậy. Già nua lẩm cẩm, các ông sống làm chi khổ người khác.

Ông lão vừa tới chân bực xe, anh lơ đã vừa cầm tay ông kéo lên xe rồi ấn ông ngồi xuống, vừa thổi còi cho xe chạy.

Ông lão ngồi vào chỗ cũ, đôi mắt lim dim như đang nghiền ngẫm để tận hưởng lấy cái ngon thơm của điếu thuốc lào vừa hút.

Ông cứ ngồi vậy, không nói chuyện với ai, mặc cho xe chạy mau hay chậm, mặc cho đà xe làm xóc các hành khách, nhiều khi xô lại một phía với nhau.

Chiếc xe bon bon đi, đi mau lắm, suốt đường trường. Những rặng cây hai bên đường như thi đua nhau chạy, vùn vụt theo tốc lực của xe.

Lúc lên dốc, lúc xuống dốc, chiếc xe gầm lên nhưng vẫn vượt những quãng đường trường rất nhanh nhẹn.

Chẳng mấy chốc xe đã qua Bến Cát. Xe đi luôn không ngừng. Chiếc xe còn mới tốt, càng đi nhanh như có bộ càng khỏe ra.

Xe đi, đi mãi.

Xe đã tới quãng đường gần Đồng Xoài.

Anh lơ xe tự nhiên đóng chặt cửa sau lại và bảo hành khách:

- Quãng đường này nguy hiểm lắm, thỉnh thoảng thường có cướp. Xin các ông bà ngồi im để xe chạy cho mau.

Rồi hắn quay lại cười hề hề vào mặt ông lão áo the khăn lượt và nói:

- Còn lão đồng chí có muốn hút thuốc lào xin mời đồng chí xuống để chúng tôi chạy luôn.

Ông lão không nói gì, các hành khách cười ồ như muốn tán thưởng câu khôi hài vô duyên của anh lơ.

Xe vẫn bon bon chạy.

Nhân anh lơ nhắc tới chuyện cướp, hành khách, để quên đường trường và cũng để đánh lừa sự sợ hãi của mình, cùng nhau hết người nọ đến người kia nhắc đến những chuyện cướp đường và chuyện những tên cướp đã bị hạ khi gặp phải những tay can đảm và tài giỏi.

Trên xe, lúc đó có hai thanh niên trạc độ 25, 26 tuổi, người trông lực lưỡng, khỏe mạnh. Nghe các bạn đồng hành nhắc đến những chuyện cướp đường, hai anh chỉ mỉm cười. Rồi một anh vén tay áo lên bảo mọi người:

- Các ông, các bà đi xe cứ yên tâm! Có hai anh em chúng tôi đây! Bọn cướp nào kém phúc đức thì trêu vào tay chúng tôi. Tôi không dám nói khoác, một mình tôi chấp mười tên cướp.

Rồi anh lại chỉ anh bạn bảo:

- Còn anh bạn tôi đây cũng là một tay võ nghệ cao cường, đã từng tốt nghiệp ở một trường võ bị cách mạng. Anh ta đã không ra tay thì thôi, chứ anh ta đã ra tay thì tôi đố cướp nào địch nổi.

Các hành khách đi xe trố mắt nhìn hai thanh niên có vẻ ngợi khen. Và có lẽ họ cũng vững lòng.

Một bà hành khách nói:

- Có hai ông, chúng tôi cũng yên dạ được phần nào. Thế ngộ gặp bọn cướp có súng thì hai ông tính sao?

Một thanh niên đáp:

- Bà cứ yên tâm! Đã gọi là tay võ nghệ thì sợ gì súng. Súng chỉ dùng xa, bọn cướp đường muốn uy hiếp hành khách đi xe phải lại gần, mà đã lại gần chúng tôi là xong! Phúc đức tên cầm súng hết rồi! Chỉ một miếng võ là chúng tôi đoạt được súng của nó như chơi!

Bà hành khách nói tiếp:

- Ông nói vậy chúng tôi đỡ lo. Chúng tôi trông cậy ở cả hai ông.

Trong số các hành khách đi xe lúc đó có một người trông như một sĩ quan, bên cạnh có đeo khẩu súng lục. Thấy hai thanh niên được hành khách đi xe khâm phục, ông ta cũng khoe tài mình. Ông ta góp lời:

- Xin bà con đi xe cứ bình tĩnh. Hai ông bạn đây sẽ giúp đỡ chúng ta, và nếu chúng đứng xa, dùng súng đã có tôi đây!

Vừa nói ông vừa rút khẩu súng lục ra khoe, ông nói tiếp:

- Một khẩu súng lục này đã hạ biết bao nhiêu kẻ địch. Tôi có thể nói không khoe khoang là đối với tôi một viên đạn là một trúng đích. Kẻ cướp cứ xuất hiện đi, rồi chúng sẽ biết tôi.

Hành khách đi xe nghe ông nói mừng lắm. Thế là họ có thể yên trí ngồi xe cho tới Ban Mê Thuột mà không sợ gì bất trắc. Đã có hai thanh niên có võ lại có một ông như sĩ quan có súng, còn lo gì!

Xe vẫn đi, mọi người vẫn chuyện, trong khi ông già áo the khăn lượt đã gục đầu xuống thành xe ngủ vật, ngủ vạ từ lúc nào không rõ.

Anh lơ xe chỉ ông lão nói với mọi người:

- Chỉ đồng chí già này là sướng! Đồng chí ngủ một giấc ngon bất cần kẻ cướp.

Mời các bạn đón đọc Múa Thiết Lĩnh…Ném Bút Chì…của tác giả Toan Ánh.