Cuốn tiểu thuyết Kí ức nửa đêm mô tả quá trình phục hồi trí nhớ và quay trở lại xã hội thượng lưu của cô gái Catherine. Đan xen vào đó là những câu chuyện tình tay ba, những vụ thanh toán lẫn nhau cũng như con đường tiến thân đầy tội lỗi của những ông chủ như Constantin Demiric. Tất cả chỉ xoay quanh việc thỏa mãn dục vọng cùng những khát khao quyền lực, tiền bạc của con người. Thế nhưng rồi tất cả đều phải trả giá cho chính mình, gieo nhân nào gặt quả ấy. Là tác giả của rất nhiều cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất trong năm, nữ văn sĩ Mỹ Sidney Sheldon luôn được người đọc chào đón nồng nhiệt mỗi khi một cuốn tiểu thuyết của bà xuất hiện.
Ký ức vốn tập trung những điều có thật và cả sự tưởng tượng về những việc xảy ra trong quá khứ. Ký ức của Catherine chất chứa nỗi đau và cả niềm hạnh phúc. Cô đã bị người chồng phản bội, bị trở thành mục tiêu oan uổng cho những mưu mô thấp hèn. Một điều lạ là những kẻ xấu liên can đến cô đều bị giết. Họ âm mưu thanh toán lẫn nhau để rồi cuối cùng bị giết bởi chính âm mưu của mình. Còn Catherine, người phụ nữ xinh đẹp với ước mơ đơn giản, chỉ mong cầu một mái ấm và một tình yêu chân chính. Cô như con nai vàng giữa bầy sói dữ. Tuy nhiên, cuối cùng cô đã sống sót nhờ vào những hình ảnh của ký ức. Nó như một lời cảnh báo cho những gì sắp xảy ra quanh cô.
***
Sidney Sheldon, tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết thuộc hàng Best-selling được người đọc Việt Nam yêu thích như "Nếu còn có ngày mai", “Âm mưu ngày tận thế”, "Thiên thần nổi giận"…
Warren Cowan, một trong những cố vấn của Sheldon cho biết nhà văn từ trần vào chiều ngày 30/12 tại Bệnh viện Eisenhower ở Rancho Mirage (Mỹ) vì bệnh viêm phổi. Vợ ông, bà Alexandra, con gái Mary Sheldon đồng thời cũng là một nhà văn, đã có mặt bên cạnh Sheldon trong lúc lâm chung. Cowan xúc động nói: “Tôi đã mất một người bạn lâu năm và thân thiết nhất. Trong suốt những năm tháng được làm việc cùng Sheldon, tôi chưa bao giờ nghe thấy ai đó nói một từ không hay về ông”. Sidney Sheldon từng có thời gian làm việc tại Hollywood và là tác giả của nhiều kịch bản phim nhựa và phim truyền hình nổi tiếng.
Tuy nhiên, bước sang 50 tuổi, tức là vào khoảng những năm 1967, ông lại chuyển sang viết tiểu thuyết và nổi tiếng với hàng chục tác phẩm ăn khách nhất hành tinh, được dịch sang nhiều thứ tiếng khác nhau trên toàn thế giới. Những cuốn sách của Sheldon, như “Thiên thần nổi giận”, “Phía bên kia nửa đêm”, “Nếu còn có ngày mai” đã khiến tên tuổi của nhà văn Mỹ luôn tồn tại trong lòng bạn đọc.
Ông là một nhà văn có tài thực thụ. Bằng cách viết và diễn tả tình tiết câu chuyện rất ly kỳ với giọng văn hóm hỉnh nhưng đầy trí tuệ, những tác phẩm của Sheldon thường nói về những nhân vật thành đạt, nổi tiếng nhưng không có thật và thường là phụ nữ.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 1982, Sheldon tâm sự: “Tôi cố gắng viết những tác phẩm để người đọc không thể đặt chúng xuống. Tôi viết để khi người đọc đọc tới cuối chương, họ phải đọc thêm một chương nữa”. Giải thích lý do tại sao có quá nhiều phụ nữ là các nhân vật chính trong các tác phẩm của ông, Sheldon nói: “Tôi thích viết về những người phụ nữ tài giỏi, và quan trọng hơn, là họ vẫn đầy quyến rũ, nữ tính. Phụ nữ có một sức mạnh vô cùng to lớn - đó là nét quyến rũ và người đàn ông không thể làm gì nếu thiếu điều này”. Không giống như những nhà văn khác thường sử dụng máy chữ hoặc máy tính để viết tác phẩm, Sheldon thường đọc ra 50 trang truyện mỗi ngày cho thư ký hay máy thu âm ghi lại. Sau đó, ông sửa bản sáng tác vào ngày hôm sau và cứ tiếp tục công việc như vậy cho tới khi tác phẩm của ông dài từ 1.200 tới 1.500 trang.
Sheldon nói: “Tôi đọc và sửa lại bản viết cuối cùng từ 12 tới 15 lần. Có thể tôi chỉ dùng cả năm để sửa lại bản viết đó”. Sidney Sheldon sinh ngày 11/2/1918 tại Chicago, Illinois dưới tên Sidney Schechtel, trong một gia đình có bố là người Do Thái gốc Đức, mẹ là gốc Nga. Ông bắt đầu việc viết lách ngay từ khi còn rất nhỏ. Lên 10 tuổi, cậu bé Sheldon đã kiếm được 10 USD cho một bài thơ. Thời trai trẻ, Sheldon từng làm nhiều nghề để kiếm sống trong khi là sinh viên tại Northwestern University và tham gia một nhóm chuyên viết những vở kịch ngắn.
***
Đêm nào, nàng cũng nằm mơ, la hét rồi tỉnh dậy.
Nàng cảm thấy như đang lênh đênh ở giữa mặt hồ rộng lớn trong cơn giông tố khủng khiếp, có một người đàn ông và một người đàn bà đang đè đầu nàng dìm xuống nước băng giá để cho nàng chết đuối. Mỗi lần bừng tỉnh như vậy tâm hồn hoảng loạn, nàng cố lấy lại hơi thở và mồ hôi toát ra đầm đìa.
Nàng không biết nàng là ai và nàng không còn trí nhớ về dĩ vãng. Nàng nói tiếng Anh - nhưng nàng cũng chẳng biết nàng là người nước nào và vì sao nàng lại đến đây, đất Hy Lạp này, sống trong tu viện Carmelite nhỏ bé, nơi đã che chở cho nàng.
Rồi thời gian cứ trôi đi, những ký ức quá khứ cứ thoáng hiện như nhử trêu nàng, những ý nghĩ mơ hồ, những hình ảnh mờ ảo hiện lên rồi lại tan đi nhanh chóng không cho nàng tóm chặt được nó, giữ nó và ngắm nghía nó. Những hình ảnh đó xuất hiện đột nhiên ở một lúc nào đó chộp vào đúng lúc nàng không có chút đề phòng, và làm nàng lẫn lộn hết cả.
Lúc mới đầu, nàng còn tự đặt ra những câu hỏi. Các bà xơ ở Carmelite rất tử tế và hiểu nàng nhưng hình như họ được lệnh phải im lặng, và chỉ có một người được phép nói với nàng là Xơ Theresa, người nhiều tuổi nhất và là Mẹ Bề trên yếu đuối.
- Xơ có biết con là ai không?
- Không, con của ta ạ, - Xơ Theresa trả lời.
- Làm sao con lại được đến nơi đây?
- Ở chân những quả núi kia có một cái làng tên là Ioanina. Con ở trong một con thuyền nhỏ lênh đênh trên mặt hồ khi trời giông bão, cái năm ngoái ấy. Con thuyền đang chìm nhưng nhờ ơn Chúa, hai trong các xơ của con đã thấy và cứu sống con. Họ đã mang con về đây?
- Nhưng… trước đó, con từ đâu đến hở Xơ?
- Xin lỗi con, ta không biết.
Nàng không thể thoả mãn với những điều đó.
- Đã có ai hỏi gì về con? Đã có người nào muốn tìm con?
Xơ Theresa lắc đầu.
- Không có ai cả, con ạ.
Nàng muốn oà khóc vì thất vọng. Nàng lại cố nhớ một lần nữa.
- Báo chí… họ phải có chuyện về việc ta mất tích.
- Như con biết. Chúng ta không được phép liên hệ với thế giới bên ngoài. Chúng ta phải theo ý của Chúa, con ạ. Chúng ta phải cám ơn Người về những ban ơn của Người. Con còn sống.
Và đó là tất cả những gì mà nàng có thể biết được.
Thời gian đầu, nàng quá yếu đuối để có thế hiểu được những điều đã xảy ra với mình, nhưng dần dà, sau nhiều tháng qua đi, nàng đã lấy lại được nghị lực và sức khỏe.
Khi nàng đã khỏe hơn để có thể đi loanh quanh, suốt ngày nàng cúi mình trong khu vườn đầy hoa thuộc phần đất của tu viện, dưới ánh sáng ấm cúng đã toả khắp Hy Lạp như trong một thiên đường huyền ảo, với cả những làn gió nhẹ thổi qua, mang theo hương vị thơm ngon của những quả chanh và những chùm nho.
Bầu không khí ở đây thật thần tiên và tĩnh mịch, tuy vậy nàng vẫn cảm thấy không yên. Ta đã bị lạc, nàng nghĩ vậy và chẳng ai chú ý. Tại sao? Ta có làm điều gì độc ác chăng? Ta là ai? Ta là ai? Ta là ai?
Những hình ảnh lại tiếp tục xuất hiện, không theo một đòi hỏi nào cả.
Một buổi sáng, nàng chợt tỉnh vì nhìn thấy mình trong buồng với một người đàn ông trần truồng đang cởi quần áo nàng. Phải chăng là một giấc mơ? Hay có điều gì đã xảy ra trong quá khứ đối với nàng? Người đàn ông đó là ai? Có phải rằng nàng đã lấy một người nào đó trước đây?
Nàng đã có chồng rồi ư?
Nàng không mang nhẫn cưới. Trong thực tế nàng không có một sở hữu gì khác ngoài những lệnh theo thói quen ở Carmelite mà Xơ Theresa đã ban cho nàng, một cái ghim cài áo, một con hoàng anh có đôi mắt mầu ngọc bích và sải cánh rộng.
Nàng chỉ là một người vô danh, một người lạ sống giữa những kẻ lạ. Chẳng có ai giúp đỡ nàng, không có nhà nghiên cứu tâm thần nào có thể bảo cho nàng rằng trí óc của nàng đã bị rối loạn, và chỉ có thể yên ổn nếu ngăn cách hẳn với quá khứ khủng khiếp.
Và rồi những hình ảnh lại đến, nhanh hơn và nhanh hơn.
Cứ như là trí óc của nàng tự dưng rơi vào một trò chơi ghép hình vĩ đại, với các tấm hình rời rạc phải xếp vào đúng chỗ của nó. Nhưng những tấm hình này chẳng có nghĩa gì cả. Nàng như thấy một cảnh trường quay chật những người mặc quân phục. Họ như đang chuẩn bị làm một cuốn phim. Ta có là một diễn viên không?
Một người lính đưa cho nàng một bó hoa. Cô phải trả tiền cho những bông hoa này đấy nhé, anh ta cười.
Sau đó hai đêm, nàng lại mơ về cùng một người đàn ông.
Nàng đã chào tạm biệt người đó tại sân bay, và khi tỉnh dậy, nàng đã thổn thức vì đã để mất ông ta.
- Không còn có những giấc mơ thanh bình những lần sau đó.
Toàn là mộng mị. Đó là những mảnh vụn của đời nàng, quá khứ của nàng. Ta phải tìm ra ta là ai. Hiện ta là ai.
Và vào lúc nửa đêm, đột nhiên, một cái tên lóe ra trong tiềm thức nàng - Catherine - tên mình là Catherine Alexander.
…
Mời các bạn đón đọc Ký Ức Nửa Đêm của tác giả Sidney Sheldon.