Giăng Vangiăng là một thanh niên nghèo khỏe mạnh sống cùng người em gái đã góa chồng đang nuôi bảy đứa con nhỏ sống rất cơ cực. Anh không có vợ con, chỉ chuyên tâm đi làm thuê qua ngày để nuôi các cháu. Vì khỏe mạnh nên những ngày ban đầu cuộc sống vẫn đủ ăn, nhưng càng về sau công việc càng ít đi, tiền làm thuê không đủ, các cháu anh đã phải nhịn đói mấy ngày. Trước hoàn cảnh đó, Giăng Vangiăng đã đến tiệm bánh mỳ ăn cắp một miếng bánh mỳ nhỏ đem về cho các cháu ăn nhưng không thành công và anh bị bắt, người ta đã tuyên án anh 5 năm tù giam vì tội ăn cắp. Ở trong tù anh tìm cách trốn thoát nhiều lần nhưng đều không thành công, lại bị gia hạn thêm năm tù nên tổng cộng số năm anh ở trong tù là 19 năm. Tại đây anh đã nuôi dưỡng ý chí thù hận đối với cuộc đời. Mãn hạn tù khi đã hơn bốn chục tuổi, anh đi đến đâu cũng gặp sự khinh ghét, xua đuổi của mọi người. Có người đàn bà tốt bụng đã chỉ cho anh đến ngôi nhà của đức Giám mục Myriel để xin ăn ngủ.
Tại nhà của đức Giám mục Myriel, anh được đối xử rất tốt như một con người bình thường, chứ không phải như một người bị người ta xua đuổi khi mang giấy thông hành màu vàng. Tuy nhiên, sự thù hận cuộc đời đã nung nấu trong tù của Giăng Vangiăng đã thôi thúc anh ăn cắp bộ đồ bằng bạc của nhà Giám mục Myriel. Anh bị những người lính bắt lại vì có dấu hiệu khả nghi và đem giải đến chỗ nhà Giám mục Myriel, nhưng Giám mục Myriel bảo rằng đó là các đồ vật ông ta cho anh và yêu cầu họ thả Giăng Van Giăng ra, bảo anh từ nay phải trở thành người lương thiện và đối xử tốt với mọi người.
Sau đó, Giăng Vangiăng đi qua thị trấn Môngtơrơi, anh đã cứu sống con của ông thị trưởng và phát hiện ra cách làm huyền theo phương pháp mới có thể tiết kiệm giá thành nguyên liệu, anh mở một xưởng làm huyền, làm cho Môngtơrơi trở thành một thị trấn giàu có, giải quyết công ăn việc làm cho rất nhiều người. Từ những việc làm đó, anh được nhà nước cho làm thị trưởng của Môngtơrơi dưới cái tên ông Mađơlen, mọi người hay gọi là bác Mađơlen vì hay làm từ thiện và giúp đỡ mọi người. Lúc này ông gặp Phăngtin trong một hoàn cảnh bi đát và cứu sống cô, hứa sẽ đưa con gái về cho cô. Nhưng một biến cố đã xảy ra, chỉ vì để cứu một người điên tránh khỏi tù chung thân ông đã phải tiết lộ danh tính của mình, ông một lần nữa bị bắt lại, Phăngtin thì bị chết.
Nhờ khỏe mạnh, ông một lần nữa chạy thoát khỏi án tù khổ sai, thực hiện lời hứa với Phăngtin để đi cứu bé Côdét lúc đó đang sống ở nhà gia đình Tênácđiê, để chạy trốn khỏi sự truy lùng của Javert, ông đã đưa Côdét vào sống trong một nhà tu kín không ai có thể vào được. Côdét gọi ông là cha.
Vài năm sau, lúc này Côdét đã trở thành một cô thiếu nữ, cô đã gặp và yêu chàng thanh niên quý tộc đang sống nghèo khổ là Mariuýt. Giăng Van Giăng cảm thấy khó chịu vì điều này có thể khiến ông mất Côdét. Ông định đi ra nước ngoài để hai người không gặp nhau nữa.
Lúc này cuộc cách mạng trong nhân dân đang nổ ra mạnh mẽ, Mariuýt đau đớn vì người yêu sắp phải đi xa, anh tham gia vào cách mạng với các đồng chí của mình. Anh gửi cho Côdét bức thư cuối cùng, nhờ chú bé Gavơrốt chuyển đi nhưng bức thư lại đến tay Giăng Vangiăng. Ông đã đến các chiến lũy để bảo vệ và cứu chữa cho Mariuýt và những người khởi nghĩa. Tại đây, nhóm khởi nghĩa đã bắt được viên thanh tra Giave nhưng Giăng Vangiăng không giết mà lại thả cho hắn ta tự do. Cuộc khởi nghĩa thất bại, mọi người đều bị giết chết, chỉ có Giăng Vangiăng là cứu sống được Mariuýt bằng đường cống ngầm khi anh đang bị thương rất nặng, Mariuýt không hề biết ai đã cứu mình. Ra khỏi đường cống ngầm dưới Paris, Giăng Vangiăng gặp lại viên thanh tra Giave, nhưng hắn không bắt ông mà cũng thả ông tự do, còn hắn thì tự tử vì đã không làm tròn trách nhiệm của một cảnh sát. Giăng Vangiăng đưa Mariuýt về nhà ông của anh, một quý tộc già rất yêu thương anh nhưng không muốn anh giống cha anh đi theo Napôlêông.
Mấy tháng sau, Mariuýt khỏi bệnh và cưới Côdét, Giăng Van Giăng cho Côdét của hồi môn là số tiền rất lớn ông kiếm được khi còn làm thị trưởng. Những ngày cuối đời Giăng Vangiăng sống trong cảnh cô đơn, buồn tủi, chỉ được gặp Côdét rất ít bởi vì Mariuýt lúc này vẫn không biết ông là người cứu sống anh, anh vẫn nghi ngờ về số tiền của Giăng Vangiăng cho nên không dùng đến, và biết Giăng Van Giăng từng là một người tù khổ sai. Tuy nhiên, khi Tênácđiê nói ra toàn bộ sự thật thì Mariuýt lúc đó thấy hối hận, anh cùng vợ đi đến chỗ Giăng Vangiăng đang hấp hối. Ông không hề trách ai chỉ khuyên bảo hai vợ chồng yêu thương nhau, ông nhắm mắt trong hạnh phúc với hình ảnh ông Giám mục ở trên thiên đường tươi cười đón ông lên.
***
Cuộc nổi dậy tai hại tháng sáu 1832 là cuộc chiến tranh đường phố lớn nhất trong lịch sử.
Đó là một cuộc nổi dậy khác thường. Chiến lũy mọc lên khắp Paris.
Cái thì chắn cửa ô Saint-Antoine, cái khác lại ngăn cản việc tiến đến gần ô Temple. Chiến lũy Saint-Antoine thật là khủng khiếp, nó cao tới bốn tầng và rộng bảy trăm pi-ê.
Mười chín chiến lũy nhỏ trải ra theo chiều dài các đường phố, đằng sau chiến lũy mẹ đó.
Trên chiến lũy này, một lá cờ đỏ to phần phật trước gió.
Cách đó một phần tư dặm, bên kia con kênh, trên đường phố ngược lên mái dốc Belleville, chỗ đỉnh dốc, người ta nhìn thấy một bức thành lạ, cao tới tầng ba các nhà mặt phố. Bức thành đó được dựng bằng những viên đá lát. Nó thẳng thắn, đúng cách sắp theo dây dọi, lạnh lẽo vuông thành sắc cạnh. Người ta nhận thấy, từng quãng một, trên bề mặt màu xám của bức thành có những lỗ châu mai rất khó nhìn thấy, nó giống như những sợi chỉ đen. ánh nắng chói chang tháng sáu tràn ngập cái vật kinh khủng ấy. Đó là chiến lũy của ô Temple.
ở đó, tám mươi người đã chống chọi lại cuộc công kích của mười nghìn vệ binh. Nó giữ được ba ngày, và chỉ một mình thủ lĩnh Barthélimy thoát khỏi cuộc tàn sát.
Chiến lũy phố Chanvrerie thì chỉ là một phác họa, một phôi thai, so với hai tên khổng lồ mà chúng tôi vừa tả qua, nhưng, đương thời, nó thật đáng gờm.
Jean Valjean vẫn ở chỗ cũ, bất động trên cột mốc. Gavroche đã chết như một anh hùng.
Marius đã lượm xác đứa con của Paris và một viên đạn đã sượt qua trán chàng. Courfeyrac, một bạn chiến đấu, lấy khăn tay của mình băng đầu cho chàng. Tuy vậy, Marius chỉ có một ý nghĩ trong đầu: Cosette.
Tình hình nghĩa quân ngày càng trở nên gay cấn. Người ta làm hết sức mình để củng cố chiến lũy. Đá lát được dùng để lấp kín đến tận nửa chiều cao của cửa sổ tầng hai và các cửa con tầng áp mái. Rồi người ta chặn cửa sổ phía dưới và để sẵn những gióng sắt để, đêm đến, ngáng bên trong cánh cửa quán rượu.
Pháo đài thật hoàn chỉnh. Chiến lũy là thành, quán rượu là chòi canh.
Công việc chuẩn bị pháo kích bao giờ cũng hơi chậm chạp, có phương pháp; sau đó là sấm sét.
Sự chậm chạp đó cho phép Enjolras xem xét lại tất cả và hoàn thiện lại tất cả. Anh cảm thấy rằng tất cả những người như thế sẽ chết và cái chết của họ phải là một kiệt tác.
Anh nói với Marius:
- Chúng ta là hai người chỉ huy. Mình sẽ ra những lệnh cuối cùng ở bên trong pháo đài. Cậu ở lại bên ngoài mà quan sát.
Marius lên vị trí quan sát trên đỉnh chiến lũy.
Enjolras cho đóng đinh cánh cửa nhà bếp mà ta nhớ là nó được dùng làm trạm quân y.
- Không được để nước bẩn bắn lên thương binh. Anh nói.
Anh cho những chỉ thị cuối cùng trong căn phòng thấp, bằng một giọng ngắn gọn, nhưng rất mực điềm tĩnh, Feuilly lắng nghe và, thay mặt mọi người, trả lời:
- ở tầng hai, phải có sẵn rìu để chặt cầu thang. Ta có không?
- Có. - Feuilly nói.
- Bao nhiêu cái?
- Hai cái rìu và một cái búa.
- Được đấy. Chúng ta gồm hai mươi sáu chiến sĩ còn vững vàng. Có bao nhiêu súng?
- Ba mươi tư.
- Dôi ra tám. Cứ giữ tám khẩu súng ấy, nạp đạn như những khẩu khác và cầm ở tay. Đai lưng đeo kiếm và súng ngắn. Hai mươi người ở chiến lũy. Sáu mai phục trên tầng áp mái và ở cửa sổ tầng hai để nổ súng vào bọn tấn công qua những lỗ châu mai. Mong rằng nơi đây không còn một người lao động nào là vô ích. Chốc nữa, khi trống đánh khai hỏa, hai mươi người ở dưới xông ngay lên chiến lũy. Những người tới đầu tiên sẽ là những người chiếm được chỗ tốt nhất.
Cắt đặt xong, anh quay về phía Javert, và bảo hắn:
- Ta không quên ngươi đâu.
Rồi đặt một khẩu súng ngắn lên bàn, anh nói thêm:.- Người cuối cùng ra khỏi đây sẽ bắn vỡ đầu tên gián điệp này.
- ở đây ư? - Một giọng hỏi.
- Không, đừng để lẫn xác tên này với bọn ta. Ta có thể bước qua chiến lũy nhỏ trên ngõ Mondétour. Nó chỉ cao có bốn pi-ê. Tên này đã bị trói chặt. Ta sẽ dẫn hắn ra đấy mà xử.
Lúc này, có ai đó thản nhiên hơn cả Enjolras:
chính là Javert.
Đến đây, Jean Valjean hiện ra.
Ông đã đứng lẫn vào nhóm nghĩa quân. ông bước ra, và nói với Enjolras:
- ông là người chỉ huy à?
- Vâng.
- Lúc nãy ông đã cảm ơn tôi.
- Nhân danh nền Cộng hòa. Chiến lũy có hai cứu tinh, Marius Pommercy và ông.
- ông có nghĩ rằng tôi xứng đáng được một phần thưởng không?
- Tất nhiên rồi.
- Thế thì tôi xin một phần thưởng.
- Thưởng gì?
- Tự tay tôi bắn vào đầu con người này.
Javert ngẩng đầu lên, trông thấy Jean Valjean, liền làm một động tác khó nhận thấy, và nói:
- Đúng đấy.
Còn về Enjolras, anh đã bắt đầu nạp đạn khẩu các bin của mình. Anh đảo mắt nhìn xung quanh:
- ông hãy nhận lấy tên mật thám.
Quả vậy, Jean Valjean chiếm lấy Javert bằng cách ngồi lên đầu bàn. ông cầm lấy khẩu súng ngắn, và một tiếng lạch xạch nhỏ cho biết ông vừa nạp đạn.
Gần như cùng lúc đó, người ta nghe thấy tiếng kèn vang lên.
- Báo động! - Từ trên đỉnh chiến lũy, Marius kêu to.
Javert cất tiếng cười, cái cười không thành tiếng rất riêng của hắn, và, vừa chằm chằm nhìn nghĩa quân, hắn vừa nói với họ:
- Các người chẳng khỏe hơn ta là mấy.
- Tất cả ra ngoài! - Enjolras kêu to.
Nghĩa quân ồn ào lao ra, và, họ nghe được sau lưng, lời nói này của Javert:
- Hẹn tý nữa nhé!
…
Mời các bạn đón đọc Jean Valjean của tác giả Victor Hugo.