Một Dublin hiện lên với những đường phố, nhà thờ, quán rượu, sòng bạc…cùng tiếng nói cười ồn ã, xô bồ của những con người sống trong những không gian chật chội, xám xịt, trong những khoảnh khắc ngày đêm bất chợt…Các nhân vật của Người Dublin đang cố gắng giãy giụa, vượt thoát khỏi cuộc sống thường ngày đáng chán…Ai vượt qua, người đó sẽ là anh hùng như Ulysses. Anh hùng, trong đời sống hàng ngày, trong từng thời khắc sống. Hình như James Joyce đang từ nơi xa lắm vẫy gọi chúng ta: “Bạn ơi! Can đảm lên mà sống. Hãy là Ulysses”
Một tập truyện ngắn day dứt lòng người với những bí ẩn, những khoảng tối tăm nơi tâm hồn con người trong cái xã hội tê liệt, tù đọng, dối trá, đói khổ…
Nó hé mở cho bạn đọc những bí ẩn tâm hồn, chìm lấp rất sâu nhưng luôn hiện lộ và được che giấu dưới vẻ bề ngoài “lịch sự”, những lời hoa hòe hoa sói, những cử chỉ thanh tao.
***
Jame Joyce (1882-1941), một trong những nhà văn vì đại nhất của thế kỷ XX, là người Ireland, viết rất ít. Bốn tác phẩm chính của ông gồm: Ngươi Dublin (Dubliners, 1914), A Portrait of the Artist as a Young Man (1916), Ulysses (1922) và Finnegans Wake (1939). Ngoài ra ông còn viết thơ (tập Chamber Music, 1907), và kịch (Exiles, 1918). Trong cuộc bình chọn gần đây (2007), do nhà xuất bản danh tiếng về sách chuyên khảo W.W. Norton (Anh) tiến hành với sự tham gia của 125 trong số những nhà văn lớn nhất thế giới, Ulysses và Dubliners của Joyce nằm trong danh sách 20 cuốn sách được yêu thích nhất.
I. Một James Joyce quốc tế
Nằm ở Tây Bắc châu Âu, Ireland là hòn đảo lớn thứ ba châu Âu với diện tích trên 70.000 km2. Còn được gọi là hòn đảo ngọc lục bảo bởi vùng đồng quê xanh tươi tuyệt đẹp với những con sông và hồ đầy nước mát, những trận mưa thường xuyên, những màn sương mù, cùng với nền văn hóa Celtic lâu đời, Ireland đã sinh ra những nhà văn nhà thơ, nhà viết kịch nổi tiếng thế giới. Jonathan Swift, James Joyce, George Bernard Shaw, Patrick Kavanagh, Oscar Wilde, W.B. Yeats, Samuel Beckett, Seamus Heaney…Tuy không được trao giải Nobel văn học như Shaw, Yeats, Beckett và Heaney bởi một số lý do ngoài văn chương, James Joyce luôn được coi là một trong những nhà văn vĩ đại nhất, có ảnh hưởng nhất của thế kỷ XX.
James Joyce sinh ngày 2 tháng 2 năm 1882 tại Rathgar, ngoại ô thủ đô Dublin, là con cả của John Stanislaus Joyce và Mary Jane Murray, gia đình khá giả, nhưng nhanh chóng sa sút, có tới mười người con. Tuổi thơ Joyce gắn bó thân thương với Dublin, là trung tâm hành chính của chính quyền Anh tại Ireland. Dạo luật Liên hiệp giữa hai nước được thông qua năm 1800. Từ thời vua Henry VIII (1509-1549) khi nước Ireland Công giáo bị đặt dưới sự cai trị của nước Anh Tin Lành đã xuất hiện căng thẳng giữa hai phái Thiên Chúa giáo và Tin Lành. Vào đầu thế kỷ XVII, dưới thời vua James I (1603-1625), một lực lượng lớn người Tin Lành bắt đầu sinh sống tại miền Bắc Ireland, trong đó có Belfast, thành phố nằm ở phía đông bắc đảo Ireland (nay là thủ đô Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh), hình thành ở đây cộng đồng da số Tin Lành, vẫn tồn tại ngày nay. Phần còn lại của Ireland chủ yếu là người công giáo. Cuối thế kỷ XVII, phần lớn đất đai của Ireland nằm dưới quyền kiểm soát của những người Tin Lành. Đạo luật Chính phủ Ireland năm 1920 công nhận thực tế phân chia tôn giáo này bằng cách tuyên bố tách Ireland thành hai chính thể riêng biệt, miền nam Ireland chủ yếu là Công giáo, miền bắc Ireland chủ yếu là Tin lành. Sau đó miền nam cắt đứt mọi liên hệ với Anh, tách ra độc lập thành nước Cộnghòa Ireland vào năm 1949. Miền Bắc Ireland tiếp tục thuộc Vương quốc Anh.
Joyce học giỏi, có năng khiếu ngôn ngữ, tự học, say mê trường ca Odyssey, tính khí bất thường, rất gần gũi mẹ, bị tác động mạnh bởi cái chết của bà năm 1903. Joyce từ chối theo đạo Thiên Chúa, mặc dù nó rất quan trọng với mẹ ông. Thế nhưng triết lý của Thiên Chúa giáo vẫn ảnh hưởng đến Joyce mạnh mẽ suốt cuộc đời. Cha ông trực tính, sau khi kinh doanh sa sút phải bươn chải đủ nghề, từ làm chính trị đến đi thu thuế. Mẹ ông sùng đạo Thiên Chúa, bất lực trước cảnh gia đình ngày càng túng quân, chỉ biết là một cái bóng dưới ảnh hưởng của ông chồng.
Thời thơ ấu, Joyce được học trường dòng Clongowes Wood nổi tiếng gần Dublin, cha mẹ cậu đồng tình nếu chính cậu cảm thấy linh hồn mình có sức khát khao gia nhập Giáo hội. Sau vài lần tiếp xúc với tôn giáo, cậu mất niềm tin và thay đổi cách nghĩ về những gì cậu đã từng cho là vĩ đại. Nền giáo dục của thế giới Giáo hội đã dạy Joyce hơn cả những gi họ định đào tạo cậu. Nó đã giúp cậu mở to cặp mắt trong sáng để nhìn thấy sự giả dối, lừa đảo của giới thây tu, cha cố. Và cả niềm tin kính Chúa cũng bị đổ vỡ trước dòng đời bế tắc, những thân phận bất hạnh, đói khổ và đau ốm…ngay chính từ người mẹ yêu thương của cậu.
Năm 1898, Joyce nhập học Đại học Tổng hợp Dublin ngành Ngôn ngữ, học tiếng Anh, Pháp và Ý. Ở đây cậu bắt đầu tìm thấy niềm đam mê văn chương qua các tác phẩm, nhất là của nhà viết kịch Na Uy Henrik Ibsen. Lúc này Joyce bắt đầu viết văn và sáng tác thơ.
Tốt nghiệp đại học năm 1902, chàng thanh niên 20 tuổi Joyce quyết định rời bỏ thành phố Dublin nhỏ bé để tìm đường sang Paris, với ý định ban đầu sẽ học Y khoa. Sau đó, cái chết của mẹ ông khiến ông phải quay lại Ireland, nhưng không lâu sau, sau khi gặp Nora Barnacle vào ngày 16 tháng 6 năm 1904, người chính thức trở thành vợ ông năm 1931, Joyce rời bỏ Dublin, sống lưu vong suốt đời và trở thành một trong những nhà văn vĩ đại nhất của thế kỷ XX. (Lần cuối cùng ông quay lại quê hương là năm 1912, để thu xếp việc in Dubliners, sau đó Joyce không bao giờ trở lại Ireland nữa).
Cùng với Nora, Joyce chuyển đến và sống bằng nghề dạy tiếng Anh từ năm 1905 đến năm 1915 tại Trieste, nay thuộc Ý, lúc đó được xếp vào hàng những thương cảng lớn nhất thế giới. Những năm tháng nghèo túng ở Trieste chính là thời gian Joyce có nhiều sáng tác được xuất bản nhất - tập truyện ngắn Dubliners, tiểu thuyết A portrait of theArtist as a Young Man, kịch Exiles và cũng tại đây ông bắt tay viết tác phẩm quan trọng nhất Ulysses. Tên tuổi Joyce bắt đầu gây được sự chú ý với phong cách viết theo dòng ý thức.
Chiến tranh thế giới thứ nhất đe dọa, Joyce đưa gia đình mình (khi đó có thêm hai con Georgio và Lucia) sang Zurich Thụy sĩ để sống rất nghèo khổ trong lúc Joyce tiếp tục viết Ulysses và trải qua những lần phẫu thuật mắt liên miên. Chiến tranh kết thúc, mặc dù Joyce muốn quay trở lại định cư ở Trieste nhưng bạn bè đã thuyết phục họ ở lại Paris 20 năm. Tại đây, Joyce hoàn thành và cho xuất bản Ulysses và sáng tác toàn bộ cuốn Finnegans Wake.
Đại chiến thế giới lần thứ hai bùng nổ, gia đình Joyce quay lại Zurich, tháng1 năm 1941, ông mất tại đó.
II. James Joyce - nhà văn khởi đầu Chủ nghĩa hiện đại.
James Joyce được xem là nhà cách mạng tiên phong trong nghệ thuật viết tiểu thuyết của thế kỷ XX. Theo kết quả thăm dò của báo Time (Mỹ) và Le Figaro (Pháp), hai tờ báo uy tín trên thế giới, thì dẫn đầu các nhà văn nổi tiếng nhất thế kỷ XX là James Joyce, tiếp theo là Franz Kafka (Tiệp Khắc), Virginia Woolf (Anh), Ernest Hemingway (Mỹ), Gabriel Garcia Maquez (Colombia)…
Có thể coi Joyce là một trong những nhà văn hàng đầu của lối viết "dòng ý thức" với bút pháp độc thoại nội tâm chân thật nhất trong văn học hiện đại. Chủ nghĩa hiện đại hay chính là James Joyce - không chấp nhận lối sáng tác giống các thể loại văn học truyền thống. Nhà văn phá bỏ hoặc tưởng tượng lại các cấu trúc đã được nhận thức và nỗ lực tạo ra chính xác những dòng suy nghĩ theo quy luật hàng ngày với những gì xảy ra. Trong bài viết của nhà nghiên cứu Paul Gray về James Joyce đăng trong tuyển tập 100 con người tạo nên thế kỷ XỬ do báo Time (the Time 100, ngày 6 tháng 8 năm 1998) bình chọn, ông cho rằng chính Ulysses đã mở đường và in dấu sâu đậm trong tác phẩm của nhiều nhà văn lớn của thế giới sau đó như William Faulkner, Albert Camus, Samuel Beckett, Saul Bellow, Gabriel Garcia Marquez và Toni Morrison. Các tác giả này, Paul Gray viết một cách châm biếm, không như Joyce, đều đoạt giải Nobel văn học.
James Joyce từng nói "Một trong những điều khi còn trẻ tôi không tài nào quen được là sự khác biệt tôi nhận thấy giữa cuộc sống và văn chương" (trích từ bài của Paul Gray). Joyce dường như đã dành cả sự nghiệp của mình để xóa bỏ sự khác biệt này, đồng thời cách mạng hóa cả nền văn chương thế kỷ XX. Cuộc sống trong tác phẩm của Joyce phần lớn là cuộc đời của chính ông.
Tác phẩm được xuất bản đầu tiên của ông, người Dublin, gồm 15 truyện ngắn, bề ngoài có vẻ đơn giản và truyền thống nhưng lại theo một phong cách và ngôn ngữ đa chiều lạ lẫm.
Tiếp sau đó là tiểu thuyết mang đậm tính tự thuật A Portrait of the Artist as a Young Man, câu chuyện của chàng Stephen Dedalus, hay chính là Joyce, từ những ngày thơ ấu ở Dublin đến khi quyết định rời quê hương ra đi theo đuổi nghệ thuật. Với độ phức tạp, sáng tạo về ngôn ngữ mô tả những bí ẩn nội tâm thường hiếm khi được tiết lộ, cuốn sách, dù không bán chạy nhưng đã thu hút được sự chú ý của một số nghệ sĩ thuộc trường phái cách tân nổi tiếng thời đó, cho rằng thế kỷ mới đòi hỏi mọi thứ - nghệ thuật, thi ca, văn chương, âm nhạc…cũng phải có gương mặt mới. Vậy là thử nghiệm ngôn từ của James Joyce đã được ủng hộ, và ông cũng không làm họ phải thất vọng.
Joyce bắt tay viết Ulysses năm 1914, một số phần của tác phẩm xuất hiện trước trên tạp chí Egoist ở Anh và Little Reivew ở Mỹ, cho đến khi ba số tạp chí bị đình chỉ và chủ báo bị phạt 100 đô la vì bị buộc tội đã đăng bài tục tĩu, không phù hợp với đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục. Tuy nhiên việc này chỉ càng làm tăng thêm sự tò mò của độc giả đối với tác phẩm sắp chào đời. Thậm chí trước khi Ulysses được xuất bản năm 1922, các nhà phê bình đã so sánh những sáng tạo của Joyce với khám phá của Einstein và Freud.
Được ca ngợi là tiểu thuyết vĩ đại nhất trong lịch sử, Ulysses, như tên gọi của nó, được sáng tác với cảm hứng từ Odyssey của Homer (khoảng thế kỷ VIII trước công nguyên). Khi còn bé, Joyce đã bị mê hoặc bởi sử thi Odyssey. Năm 20 tuổi, khi được viết về người anh hùng yêu thích nhất của mình, Joyce đã chọn Ulysses, người chiến thắng bằng chính sự khéo léo và thông minh hơn là dùng bạo lực. Khi viết Ulysses, (tên của Odysseus theo cách gọi của người La Mã), Joyce đã nói rằng Odysseus là một tính cách toàn diện và mang tính nhân văn nhất trong văn học.
Trường ca Odyssey kể chuyện Ulysses, người anh hùng muôn vàn trí xảo, au khi dùng mưu hạ được thành Troy thần thánh, đã phiêu lưu khắp nơi, chiến đấu bảo vệ tính mạng của mình và để cho các bạn đồng hành được trở về xứ sở. Ulysses đã chịu nhiều đắng cay, cám dỗ, những gian nan, nguy hiểm…và chàng đã chiên thắng tất cả bằng mưu trí. Ulysses là hiện thân của trí tuệ, sự thông minh. Chàng không biết khuất phục, không biết nản lòng, là hình tượng người đi tiên phong mở đường cho một sự nghiệp lớn. Ulysses đã tự tạo nên số phận mình bằng tinh thần đấu tranh không mệt mỏi với các lực lượng tự nhiên cũng như với những kẻ thù trong xã hội. Ulysses tiêu biểu cho sự giải phóng tinh thần quan trọng, chứng tỏ sự trưởng thành mạnh mẽ của con người. Sau 20 năm lưu lạc, Ulysses đặt chân lên mảnh đất quê nhà, sống trọng nghĩa vợ chồng, tình cha con, tình cảm bè bạn, giống nòi, quê hương, đất nước…
Tiểu thuyếy Ulysses của James Joyce sử dụng thiên trường ca cổ điển Odyssey như một phương pháp sắp đặt những trải nghiệm của con người hiện đại, để miêu tả cuộc sống đương đại. Ông sáng tạo Ulysses là một người đàn ông bình thường tên là Leopold Bloom, đấu tranh trước những thử thách thường ngày, trong một ngày bình thường. Cuốn tiểu thuyết dõi theo những khoảnh khắc hành động và suy nghĩ, ẩn ức, tưởng tượng của Leopold Bloom, của vợ anh ta, Molly, và Stephen Dedalus (nhân vật trong A Portrait of the Artist as a Young man) trong một ngày trọn vẹn ở Dublin, ngày 16 tháng 6 năm 1904 (là món quà của Joyce dành cho Nora Barnacle, ngày đầu tiên hai người hẹn hò). Cùng với ba nhân vật chính, tác phẩm đã tải hiện cuộc sống của người dân Dublin trên đuờng phố, những cảnh tượng, không gian, âm thanh, thậm chí cả mùi vị của Dublin. Mọi hoạt động diễn ra tưởng chừng ngẫu nhiên, nhưng ẩn sau chúng là rất nhiều bí ẩn và câu đố đến mức nó sẽ khiến cho các giáo sư phải bận rộn trong hàng thế kỷ để tranh cãi điều tác giả muốn nói, như Joyce từng tuyên bố.
Sáng tạo ngôn từ không mệt mỏi của Joyce (nhiều đoạn trong Ulysses ông viết liên tục không hề có dâu câu) cùng thủ pháp "dòng ý thức" miên man giữa hiện tại, quá khứ và tương lai, và tâng tầng lớp lớp ám chỉ về tôn giáo lịch sử, thần thoại trong mỗi từ, mỗi câu nói, đã khiến Ulysses trở thành một cuốn từ điển về bản chất con người, tiến gần nhất đến sự khám phá hoàn hảo về con người, nhưng cũng trở thành cuốn sách khó đọc, và có lẽ chỉ dành riêng cho "một số độc giả nhạy cảm, tinh tế" như nhà phê bình Joseph Collins nhận xét.
Một tác phẩm quan trọng khác của Joyce sau đó, và cũng là tác phẩm cuối cùng của ông, Finnegans Wake, thậm chí còn khó đọc hơn cả Ulysses, được viết với ngôn ngữ riêng do Joyce sáng tạo ra. Nếu Ulysses nói về Dublin ban ngày thì Finnegans Wake mô tả cuộc sống ban đêm của Dublin theo logic của những giấc mơ, hơn 600 trang sách tưởng như ngớ ngẩn với những suy nghĩ được mô tả bằng ngôn ngữ đứt đoạn và ngoại lai, thách thức mọi quy ước về cốt truyện và nhân vật. Thủ pháp dòng ý thức, ám chỉ và những giấc mơ, ẩn ức lộn xộn của Joyce trong Ulysses đã được đẩy đến đỉnh cao với Finnegans Wake. Joyce đã vượt lên chính mình, vượt qua bộ bách khoa Ulysses của chính mình mà không ai vượt nổi.
Viết về Joyce, Allen Ruch ca ngợi "James Joyce là nhà văn duy nhất chúng ta có thể hoàn toàn đặt niềm tin, con người duy nhất mà chúng ta có thể chắc chắn 1000 năm sau vẫn sẽ được nhớ đến, nếu như có con người ấy. Như câu nói nổi tiếng của một nhà phê bình: James Joyce đã và sẽ là nhà văn độc nhất trong lịch sử bởi chỉ xuất bản không gì ngoài kiệt tác.
III. Người Dublin:
Tuy Joyce thường được biết tới với tiểu thuyết Ulysses, nhưng giờ đây khi nhắc đến phong cách truyện ngắn hiện đại, James Joyce cùng với tập người Dublin vẫn sánh vai với những tên tuổi đi tiên phong lĩnh vực này như Guy de Maupassant, Katherine Mansfield, Ernest Hemingway…Người Dublin được đánh giá là một trong số ít tậptruyện có sức ảnh hưởng lớn nhất, góp phần làm nên diện mạo của truyện ngắn hiện đại.
Một số nhà nghiên cứu đã so sánh Người Dublin với "thời kỳ Hồng" và "thời kỳ Xanh" của Picasso, giai đoạn họa sĩ hoàn thiện kỹ thuật của mình qua hình thức tả thực quen thuộc trước khi bắt đầu thử nghiệm với những khối lập thể trừu tượng phá cách. Quả thật, tập truyện ngắn Người Dublin dễ đánh lừa người đọc với ấn tượng đây là tác phẩm "dọn đường" bởi cái vẻ đơn giản, dễ hiểu, dề "vào" nếu đặt bên những Ulysses và sau đó là Finnegans Wake, hai tác phẩm với những sáng tạo đột phá về mặt ngôn từ. Nhưng, cũng giống như bức "Cậu bé và chiếc tẩu (thời kỳ HỒng)" về sau kiêu hãnh sánh ngang với "Dora Maar với con mèo (thời kỳ Lập thể) trong 10 bức tranh đắt nhất thế giới, có thể nói Người Dublin cũng chứa đựng những giá trị khiến người đọc đau đầu không kém gì Ulysses.
Người Dublin gồm 15 truyện ngắn James Joyce viết từ năm 1904 đến năm 1907. Tuy nhiên, phải 1o năm sau, năm 1914, Người Dublin mới được in. Nhiều nhà xuất bản phản đối vì ngôn ngữ truyện thông dụng đời thường, nó nêu tên thật của các nhà kinh doanh, các địa danh có thể xác định, và quan trọng hơn cả, đây là cuốn sách phản ánh những mảng đen tối của cuộc sống đương đại, trong bối cảnh phong trào đòi độc lập từ Anh đang lên cao tại Ireland - xã hội Ireland bị chia cắt bởi khác biệt chính trị, tôn giáo và văn hóa.
Tập truyện là những trải nghiệm của James Joyce trong bối cảnh đó, và có thể nói, nó làm nên nền tảng cho toàn bộ văn chương của ông, là bối cảnh cho các tác phẩm ông viết sau này. Người Dublin là những bí ẩn, những khoảng tối nằm sâu trong tâm hồn con người trong cái xã hội tê liệt, tu đọng, dối trá, đói khổ, tối tăm và bế tắc của Dublin. Cách viết Người Dublin khác hẳn lối kể truyện truyền thống. Tác giả chỉ kể lại, một cách chậm rãi, kiệm lời, còn để người đọc tự suy ngẫm, phỏng đoán, kết luận. Không có cốt truyện rõ ràng. Không tiền khoáng hậu. Không có xung đột kịch tính. Là những khoảnh khắc bất ngờ, ngẫu nhiên, bình thường và lặng lẽ, là giây phút mà tính cách bên trong của con người bỗng biểu lộ qua những chi tiết sinh hoạt thường ngày chân thật. Joyce gọi đó là "hiển lộ" - epiphany.
Joyce viết Người Dublin trong nhiều năm, song thứ tự các truyện trong tác phẩm được xếp theo trật tự diễn biến tâm hồn bí ẩn của con người, từ thời thơ ấu, đến thanh niên, trưởng thành, tuổi già và cái chết. Trong Người Dublin, thành phố Dublin hiện ra rõ ràng cảnh sắc, con người, đường phố, nhà thờ, quán rượu, bàn tiệc, tiệm ăn, khách sạn, nhà trọ, công sở, rạp hát, dạ hội, sòng bạc…vang lên những tiếng nói ồn ã, xô bồ, bởi trò chuyện của những con người sống trong những không gian chật chội, xám xịt, trong những khoảnh khắc ngày đêm bất chợt. Họ là tất cả những người đang sống ở Dublin cùng với Joyce thời ấy: những chú bé, những gã ga lăng vô công rồi nghề, cô hầu, gái điếm, cha cố, những bà chị, cô em, bà góa, những người mẹ, những người đàn ông…Họ đang sống và chết dần chết mòn. Các nhân vật trong Người Dublin đều nhận thấy thực chất cuộc sống bi thảm của mình, luôn bị giằng xé bởi thực tại, muốn vươn cao hơn, muốn thay đổi, nhưng họ không làm gì được. Tất cả đều rơi vào tình trạng bế tắc đến nghẹt thở qua từng câu chữ của Joyce.
Phương pháp kể chuyện của Joyce trong Người Dublin là dùng chính những ngôn ngữ đuờng phố, chính tiếng nói, hành động, cử chỉ, dáng điệu của mọi người, để tự nó phơi bày những tính cách xấu xa sâu kín của nó, những tầng ngầm bí ẩn tâm hồn. Những lời trò chuyện, những tiếng nói, những đối thoại, những hành vi ứng xử thường ngày của Dublin đã được Joyce cấu trúc lại trong văn bản nghệ thuật của mình như một trò giễu nhại, như một công cụ lợi hại để chỉ ra những sự thật đáng ghét, những bế tắc, tuyệt vong chìm sâu, đóng kín nơi tâm hồn. Đàng sau những lời nói hoa mỹ, những câu diễn thuyết hào hùng, những cử chỉ, điệu bộ vờ vịt tưởng như hào hoa phong nhã, lịch lãm, thiêng liêng là những trò bịp bợm, đê tiện lừa dối, đạo đức giả, âm mưu, tội lỗi, ám ảnh tình dục, lòng tham, sự ham hố hão huyền, sự tàn ác, nhẫn tâm…của con người. Cuối cùng là nỗi ân hận, day dứt triền miên mang xuống tuyền đài chưa tan…
Có thể tiếp cận Người Dublin từ góc độ xã hội, lịch sử, tôn giáo hay âm nhạc. Và tiếp cận cách nào, người đọc cũng sẽ luôn tìm thấy nhiều bất ngờ qua những ẩn ý của Joyce - tưởng như vậy nhưng lại không phải là vậy. Người Dubiin dẫn người đọc tham dự vào cuộc sống thường ngày hết sức sinh động, chân thực của Dublin, nhưng đó chỉ là bề nổi, còn cái "phần bí ẩn tâm hồn" nằm sâu trong trò chơi chữ của Joyce mới là cuộc sống thật, tâm trí thật đầy bí ẩn và không thể lường được, khó mà hiểu hết.
Với Người Dublin, người đọc không thể đọc một cách dễ dàng, lướt qua câu chữ, hay tìm cốt truyện ra sao, như cách đọc văn chương thế kỷ XIX, mà phải đọc và suy nghĩ để tìm bí ẩn tâm hồn hay "phần chìm của tảng băng trôi" qua những lớp ý nghĩa chìm ẩn trong từng câu chữ. Người Dublin là nghệ thuật văn chương hiện đại. Nó đáp ứng lối tư duy của con người hiện đại. Đó làcách nghĩ không theo quy luật một chiều và thứ tự giờ giấc như ngày và đêm. Đó là lối suy nghĩ tầng này lớp nọ, xuyên thời gian, không gian, chằng chéo, đa chiều, đa phương, khôn khéo che đậy, thậm chí nghĩ một đàng làm một nẻo và nghĩ như thế này, nói như thế kia, đổi thay, quay quắt…với tốc độ cao.
James Joyce đã dùng trò chơi chữ để mô tả bí ẩn tâm hồn con người hiện đại trong Người Dublin với những nhan đề mỗi truyện tưởng chừng như bình thường, nhạt nhẽo, không hề tạo sự hấp dẫn. Chị em gái, Một cuộc chạm trán, Araby, Everline, Sau cuộc đua, Hai chàng ga lăng, Nhà trọ, Đám mây nhỏ, Những bản sao, Đất sét, Một trường hợp đau lòng, Ngày Thường xuân trong phòng hội đồng, Một người mẹ, Ân sủng, Người chết.
Gói trong 15 truyện ngắn ấy là những thông điệp gì? James Joyce muốn nói gì với loài người qua văn bản nghệ thuật Người Dublin?
Bạn phải đọc và tự ngẫm mà thôi! Đọc Người Dublin lần đầu thì thấy chán lắm. Nó chán như chính cuộc sống buồn tẻ, tù túng, không lối thoát, đầy ám ảnh và day dứt ở Dublin vậy. Nó chán như chính bản thân ta có những phút giây phải sống trong tình trạng chán nản, tắc tị vậy, lúc này hay lúc khác trong ngày, trong đêm. Nó chán từ trong ngôn ngữ kể chuyện của Joyce. Chính Joyce đã cố tình gieo những chữ, những từ hiển thị về nỗi chán nản của đời sống thực tại trong tác phẩm, truyền sự buồn chán ấy cho người đọc, để thức tỉnh họ nhìn sâu vào cuộc sống với những bí ẩn tâm hồn.Joyce đã buộc ta phải chịu khó suy nghĩ, tìm ra phút tâm hồn "hiển lộ" hay phần chìm dưới lớp vỏ ngôn ngữ của các nhân vật trong Người Dublin. Bởi vậy người đọc phải đọc đi đọc lại Người Dublin, cốt tìm ý nghĩa sâu xa và vẻ đẹp của nghệ thuật ngôn từ mà Joyce đã dày công sáng tạo.
Nhờ kiên nhẫn đọc Joyce, chúng ta đã lờ mờ hiểu "bí ẩn tâm hồn", nó chìm rất sâu. Nó luôn hiển lộ, nhưng lại được che giấu dưới vẻ bề ngoài "lịch sự", những lời hoa hòe hoa sói, những cử chỉ "thanh tao". Nó làm cho những ai ngây thơ hồn nhiên nhẹ dạ tin người, khó phát hiện ra bản chất vô cùng khủng khiếp của nó. Nó dẫn đến cái chết. Nhiều kiểu chết. Chết thân xác. Chết tâm hồn. Chết ngay trong những giây phút ta đang tồn tại. May sao, con người kịp nhận ra chính mình, day dứt và đau đớn. Các nhân vật trong Người Dublin đều day dứt, muốn sống tốt hơn. Hãy yêu thương khi chưa muộn. Hãy sống trong sự tỉnh thức mọi lúc, mọi nơi để bớt bị day dứt và giảm được những kiểu chết.
Truyện ngắn "chị em gái" có gì đâu, ngoài cái tin "Đức cha James Flynn đã mất, thọ sáu mươi lăm tuổi". Đám tang của ông ấy, mấy chị em hàng ngày vẫn chăm sóc cha, trò chuyện với nhau về người quá cố. Sự thật về nhân cách của cha cứ hé lộ dần qua từng lời đối thoại buồn tẻ, không đầu, không cuối của Chị em gái. Người ta nhầm tưởng cha đã sống không đến nỗi tồi trong vai kịch "cha cố" của mình. Người ta bảo cha ra đi thanh thản và cam chịu…Nhưng cậu học trò của cha lại nhìn thấy "khuôn mặt xám vẫn không chịu buông tha tôi. Nó mấp máy, và tôi hoàn toàn nó muốn xưng tội.(..). Nó bắt đầu xưng tội với tôi bằng một giọng thầm thì (…) nó luôn mỉm cười (…) và tôi cảm thấy tôi cũng đang hơi mỉm cười như để tha thứ tội buôn thần bán thánh của nó". Bí ẩn tâm hồn ông cha cố lộ ra qua những câu chữ rất bí ẩn đó. Nó thông báo rằng cuộc đời cha đã sống không phải là tử tế, như người ta tưởng.
Trong Một cuộc chạm trán, Joyce kể cuộc gặp ngẫu nhiên của đám học trò lang thang với người đàn ông trông giống một học giả, nhà giáo dục, nhưng hắn thốt ra những lời dạy đời giả dối, khoe khoang, và bài độc thoại đầy ám ảnh tình dục. Chính hắn đã tự tố cáo bí ẩn tâm hồn bẩn thỉu của mình bằng tiếng nói của hắn. Và James Joyce đã khôn khéo chộp được "Phút giây hiển lộ" sự giả trá, vờ vĩnh ẩn sâu trong tâm hồn hắn để nói với loài người về vấn đề giáo dục, về nhân cách tồi tệ của những kẻ mang danh học thức mà tâm hồn chẳng đẹp đẽ gì, trí tuệ rỗng tuếch, lại chuyên đi dạy người khác, nhất là bọn trẻ, làm cho chính chúng cũng nhận ra bộ mặt giả tạo và co cẳng chạy trốn "bọn hắn" như bị ma đuổi.
Hai chàng ga lăng cũng xuất hiện trong văn cảnh đầy bí ẩn. Bọn hắn la cà trong quán rượu, tán gái trên góc phố bằng tài ngoai giao và hùng biện, vũ khí là một kho truyện cười, thơ nhại, câu đố, những đối thoại láu lỉnh, những độc thoại mua vui, khoác lác, với những cử chỉ ra vẻ cao sang, sành điệu trong quán rượu, bàn ăn…cuối cùng là hành động móc túi bất kỳ ai, kể cả những cô hầu, gái điếm. Bộ mặt thật - "tâm hồn bí ẩn" - của chúng lộ ra bằng tiếng lóng bọn hắn vẫn thường dùng "Có xoay được không?"
Chuyện tình trong "Nhà trọ" giữa chàng khách trọ với con gái bà chủ được Joyce kể bằng giọng điệu nhạt nhẽo, chỉ là phút ham mê xác thịt bản năng, nhưng cách giải quyết lại gây khiếp sợ. Đôi tình nhân bị đưa ra thành món hàng đền bù thiệt hại. Cuộc tranh đấu bản năng diễn ra. Hắn không muốn cưới cô. Đó chỉ là những cơn điên của hắn. Cô sống trong bản năng sợ hãi, khoái lạc, hy vọng và thất vọng…Không tình yêu, không lối thoát.
Truyện ngắn Eveline là những hồi tưởng, độc thoại nội tâm và sự khủng hoảng tuyệt vọng của chính cô trong khoảnh khắc. Evelyne ngồi bên cửa sổ ngắm buổi tối lan dần trên phố. Cô sắp bỏ nhà mình, rời xa Dublin lên tàu ra biển với Frank. Chàng sẽ mang lại cho cô cuộc sống không phải chịu bất hạnh và cả tình yêu nữa. Cô hồi tưởng "Hình ảnh tội nghiệp của cuộc đời mẹ cô phủ màu đen tối như muốn trùm lên chính cuộc đời cô - một cuộc đời chỉ toàn những hy sinh vụn vặt để rồi kết cục là những cơn điên loạn. Cô rùng mình khi lại nghe thấy bên tai giọng mẹ lặp đi lặp lại trong man dại "…Eveline rùng mình chạy trốn! Frank sẽ cứu cô. Nhưng ngay lập tức, từ đáy thẳm tâm hồn, Eveline rơi vào tuyệt vọng "Tất cả đại dương trên thế giới quay cuồng trong cô. Anh đang lôi tuột cô vào chúng. Anh sẽ dìm chết cô. Cô túm chặt lấy hàng rào chắn bằng sắt. (…) Không! không! không! không thể được. (…) Giữa đại dương cô hét lên đau đớn. (…) Anh chạy phía trước hàng rào và kêu to bảo cô chạy theo. (…) CÔ quay khuôn mặt trắng bợt của mình về phía anh, bị động, như một con thú tuyệt vọng. ánh mắt cô nhìn anh không có chút biểu hiện nào, không tình yêu hay lời vĩnh biệt hay nhận ra anh". Thời gian trong truyện bị nén đến cực độ. Tâm hồn bí ẩn bỗng vỡ òa, biến động, quay cuồng, nhảy từ cực này sang cực khác, nhanh như chớp mắt. Ngôn ngữ kể chuyện nổ bùng như những quả bom tấn. Eveline làm cho chúng ta lạnh sống lưng, nhận ra thân phận con người bị dồn vào đường cùng. Không lối thoát. Không tình yêu. Không hy vọng ở bất kỳ ai, bất kỳ nơi nào trên trái đất. Chỉ có sự tuyệt vọng.
Sự tuyệt vọng, cô đơn trong thân phận Ngươi Dublin được James Joyce nhìn ra từ nhiều góc độ, nhiều chiều đen tối, nhiều cảnh ngộ đáng sợ, ở nhiều số phận và hoàn cảnh sống khác nhau, trong những khoảnh khắc thường ngày. Và cách kể chuyện về từng nhân vật trong mỗi truyện của Joyce cũng khác, không lặp lại, sáng tạo đến bất ngờ.
Trong Một trường hợp đau lòng, Joyce dẫn chuyện và kể chuyện tài tình đến mức câu chuyện ăn nhập nhuần nhuyễn với một mẩu tin trên nhật báo. Hình như Joyce đã chép nguyên xi mẩu tin trên báo để cấu trúc thành một truyện ngắn với dụng ý bày ra cả một luận đề về tình yêu, lòng trắc ẩn, sự cô đơn, tuyệt vọng, thế giới tinh thần, sự vô cảm, xã hội đạo đức giả, con người đạo đức giả…Hay Joyce đã bịa ra cái tin ấy để gắn hư cấu nghệ thuật của mình vào đời sống hàng ngày cho nó sinh động? thật khó mà phân giải. Chỉ biết truyện ngắn này có nguồn gốc là một mẩu tin trên báo. Mẩu tin tường thuật về cái chết của một quý bà cố vượt qua đường ray khi tàu chuyển bánh trên sân ga. Thực chất là bà tự tử. Nhưng cái xã hội Dublin giả dối, gia đình giả dối không thích nói đến chuyện ai đó tự tử, nên mẩu tin kể lể vòng vo tam quốc, chia buồn nhì nhằng để che đậy hai từ "tự tử". Quan trọng hơn mẩu tin nhằm mục đích khẳng định "Không ai bị truy cứu trách nhiệm". Những ngôn từ báo chí ấy được che chắn gian ngoan, lộn lèo, người đọc vẫn dễ dàng nhận ra sự giả trá từ mớ ngôn ngữ đó "Những lời lẽ sáo mòn, những câu chữ tỏ ra chia sẻ được viết một cách ngu ngốc, những từ ngữ thận trọng của một ký giả bị thuyết phục phải che đi những chi tiết của một cái chết tầm thường đáng kinh tởm, tất cả co thắt bụng ông đến buồn".
Ẩn ý câu chuyện không dừng lại ở đó. Sâu sắc hơn, nhân bản hơn, James Joyce đã đi tìm nguyên nhân dẫn đến hành động tự tử của Mrs Emily Sinico. Thủ phạm là ai? Ai đã đẩy bà đến cái chết chán ghét, ghê tởm ấy?
Phạm nhân hiện dần sau những độc thoại nội tâm của Mr James Duffy, nhân viên một nhà băng tư "không sống chung với ai, mà cũng không có bạn bè, không đi lễ mà cũng không có đức tin". Rồi ông gặp quý bà đang sống trong nỗi cô đơn, dù bà ở cùng chồng và con gái. Họ bỏ quên bà. Ông và bà bỗng hòa nhập và chia sẻ, chuyện trò. Tâm hồn ông thăng hoa. Nhưng ông đã dập tắt ngay mối tâm giao đó chỉ vì "giữ sự đừng đắn chính trực của cuộc đời ông". Vì hai quyển sách của triết gia Nietzsche. Vì những câu đại loại như "Tình yêu giữa đàn ông và đàn bà là không thể vì không thể có quan hệ tình dục, và tình bạn giữa đàn ông và đàn bà là không thể vì bắt buộc phải có quan hệ tình dục". Sau cái chết của bà "ông mới hiểu cuộc đời bà chắc hẳn đã cô đơn đến thế nào, ngồi đêm này qua đêm khác một mình trong căn phòng đó. Cuộc đời của ông cũng sẽ cô đơn cho đến khi, chính ông, cũng, chết (…) màn đêm im lặng tuyệt đối. Ông lắng nghe lần nữa: im lặng tuyệt đối. Ông cảm thấy ông chỉ còn lại một mình". Ông biết, nếu ông không vô cảm, nếu biết yêu thương, ông sẽ cứu được bà khỏi cái chết chán nản đó. Ông không vô can. Và còn hai thủ phạm nữa là chồng và cô con gái yêu quý của bà. Chính họ đã đẩy bà đến cái chết mà họ vẫn dửng dưng.
Cái chết vì cô đơn, vụ tự tử như Mrs Emily Sinico thật đáng sợ, nhưng James Joyces còn nhìn thấy Người chết từ những hình bóng đang tồn tại, đang đi lại, nói cười, ăn uống, tiệc tùng, dạ hội, chiêu đãi và ngay cả phút ái ân…Người chết (được dựng thành phim năm 1987) là truyện dài nhất trong tập Người Dublin.
Người chết kể về một đêm dạ hội trọng đại hàng năm của nhà Morkan. Người đến dự rất đông, họ hàng, người thân, bạn cũ, thành viên đoàn Thánh ca, học trò…đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi ngành nghề. Đêm tối. Tuyết rơi. Trong phòng, mọi người đón tiếp nhau, trò chuyện, nói cười, dạo đàn piano, khiêu vũ, ca hát, đọc thơ, đọc diễn văn…Trên bàn tiệc vô vàn thức ăn ngon, trang trí đẹp, họ xẻ bánh, rót rượu, cắt thịt ngỗng mời nhau, ca tụng nhau, nịnh nọt, khen nhau hết lời. Tiếng nói cười, tiếng thầm thì, tiếng rầm rì, tiếng nhạc, tiếng hát, lời ca, tiếng cốc đĩa, thìa dĩa chạm vào nhau, tiếng diễn thuyết ra vẻ hào hứng, tiếng hoan hỗ, vỗ tay…vang lên không ngớt. Vậy mà chẳng có gì ăn nhập vào nhau. Không khí rời rạc. Đơn điệu. Giả dối. Gượng ép. Vờ vịt. Người này nói với người kia, nhưng chẳng ai chú ý vào câu chuyện. Mỗi người đều bận mải với những suy nghĩ của riêng mình, một ký ức chợt đến, một nỗi buồn lo ẩn hiện, một mơ tưởng hão huyền…Thức ăn ngon mà chẳng ai cảm thấy ngon miệng. Đầu họ mải nghĩ những chuyện đâu đâu, đôi khi họ mang cả chuyện chính trị, văn chương, dòng tu, tôn giáo, giáo hoàng, thời cuộc để khoe kiến thức, cãi vã, ba hoa, khích bác, châm chọc, giễu cợt nhau. Nỗi bực bội của kẻ này dồn vào điệu nhảy với người kia. Dì Julia cất giọng già nua hát bài Điểm trang vì cô dâu dù đời dì đã không bao giờ được làm cô dâu. Mọi người ồ lên, thi nhau khen ngợi giọng ca vàng thánh thót của dì, nghe mới giả dối làm sao! Mỉa mai thay, họ đồng ca những lời sáo rỗng, cốt để che đậy khoảng tối trong lòng mình:
Bởi họ thật vui vẻ tốt bụng
Bởi họ thật vui vẻ tốt bụng
James Joyce đã chụp ảnh, quay phim, ghi âm được chính xác cái không khí dạ hội hỗn độn ấy, và dùng chính những câu đối thoại, những lời thăm hỏi hời hợt, những tiếng thì thầmnhát gừng, những câu xã giao mách qué, những lời ca, những cử chỉ, những lời nịnh khen, dáng điệu giả vờ, gượng ép, hành động miễn cưỡng, cả những độc thoại nội tâm…để phơi bày trên trang giấy "bí ẩn tâm hồn". Khi bí ẩn tâm hồn của ai đó hiện ra thì toàn bộ thân phận của họ, cuộc sống tù túng ngột ngạt, giả dối, khổ đau của họ, sự tốt xấu của họ cũng hiện ra, muôn màu sắc. Không ai giống ai. Người Dublin là thế. Họ đang tồn tại mà như đã chết. Cái chết của họ hiện ra trong chính những từ ngữ tẻ ngắt và lạnh lẽo của chính họ, mà James Joyces đã chép lên trang giấy.
Người chết trong lúc thân xác đang tồn tại được Joyce khắc họa đậm nét với cảnh tan dạ hôi, vợ chồng Gabriel ở trong căn phòng của họ tại khách sạn. Giây phút cô đang cởi mũ áo. Giây phút tưởng như anh và cô đang vùng thoát khỏi cuộc sống, trở về cùng trái tim bùng cháy hoang dại ái ân..Giây phút Gabriel run lên vì nụ hôn bất ngờ của cô….Bỗng cô òa khóc. Cô nhớ đến bài hát Cô gái làng Aughrim. Nó làm cô nhớ đến anh chàng người yêu đã chết rất lâu rồi. Cô vùng khỏi vòng tay ân ái của chồng, thản nhiên kể với anh về mối tình mong manh xa vời ấy. Và cô ngủ thiếp đi…Gabriel như bị một cú đấm mạnh, bừng tỉnh nhận ra mình "như một gã lố bịch, đóng vai một thẳng hầu sai vặt cho các dì mình, một người đa cảm đầy thiện ý, đầy lo lắng, diễn thuyết cho những kẻ trưởng giả thô lậu và lý tưởng hóa những ham muốn nực cười của chính mình, một gã đần độn đáng thương". Anh nhìn thấy "tuyết đang rơi nhiều trên khắp Ireland (…) Hồn anh lắng dần khi anh lắng nghe tuyết rơi dịu nhẹ trên toàn vũ trụ, rơi dịu nhẹ, như sự rơi xuống của kết thúc cuối cùng của họ, lên tất cả những người sống và người chết". Gabriel cay đắng nhận ra rằng người duy nhất có trái tim nồng nhiệt như anh, người thật sự sống, lại chính là người đã chết.
James Joyce đã viết những dòng chữ trên vào những năm Đại chiến thứ nhất và dự báo đại chiến thứ hai bùng nổ. Không phải ông chỉ viết về Người Dublin mà ông đã viết về cả loài người và vũ trụ đang sống dở chết dở, sống cùng cái chết, sống mà như chết…thông qua Người Dublin. Bởi thế, Người Dublin cùng với Ulysses của James Joyce được xếp vào danh sách 20 cuốn tiểu thuyết được yêu thích nhất mọi thời đại.
James Joyce muốn con người nhìn thấu chính mình. Loài người tự ảo tưởng về mình, không nhận ra mình là loài sinh vật không bình thường, xuất hiện trên hành tinh này cùng vô vàn những loài sinh vật khác. Phải giải phẫu tâm hồn sâu kín, tinh vi của nó. Phải nhìn nó, soi xét nó từ rất nhiều góc độ, nhiêu chiều kích thời gian, không gian và mô tả nó bằng rất nhiều thủ pháp nghệ thuật. Bởi thế, các bác sĩ thần kinh cũng tìm đọc James Joyce. Bởi vậy, nhân loại gọi James Joyce là Freud, hay Picasso. Họ nói văn chương của James Joyce là một phát minh khoa học trong thế kỷ XX. James Joyce đã dũng cảm, đã trung thực và thẳng thắn. James Joyce là anh hùng Ulysses của thế kỷ 20 trong cuộc hành trình của con người đi tìm chính mình.
James Joyce yêu loài người, yêu quê hương Dublin máu thịt của ông. Ông viết "Tổ tiên tôi vứt bỏ tiếng nói của mình vì một thứ tiếng khác. Họ để cho một nhúm mấy kẻ ngoại bang đô hộ. Có thể tưởng tượng ra nổi chính cuộc đời tôi đây sắp phải trả những món nợ họ gây ra? Từ thời Tome đến thời Parnell có người đàn ông đáng kính và trung thực nào dù từ bỏ cả cuộc đời, tuổi trẻ và tấm lòng của anh ta cho Ireland mà không bị Ireland bán đứng, lợi dụng, chửi rủa, bội bạc, Ireland là con lợn nái già ăn thịt cả con mình".
Cả cuộc đời, James Joyce đã phải sống lưu vong trong khổ ải, lầm than, đói khát để sống sót trong nhiều hoàn cảnh xã hội khốc liệt, trong hai cuộc Đạichiến khủng khiếp của thế kỷ 20, chống đỡ với bệnh tật, phẫu thuật mắt hơn 25 lần, có khi không nhìn thấy phải nhờ bạn chép…để viết bốn tác phẩm bất hủ hiến dâng cho loài người, như một sự trả giá cho tình yêu ấy. James Joyce anh hùng, vĩ đại, tài năng từ trong cuộc đời đến hành trình sáng tạo. Ông đã can đảm soi xét, tìm ra những "bí ẩn tâm hồn" nhân loại. Đọc Người Dublin, chúng ta thật sự cảm thấy đời sống thường ngày của loài người thật đáng chán. Ta tuyệt vọng và muốn vượt lên, thoát khỏi tình trạng đáng chán ấy. Ai vượt qua, người đó sẽ là anh hùng như Ulysses. Anh hùng trong đời sống hàng ngày, trong từng thời khắc sống. Hình như James Joyce đang từ nơi xa lắm vẫy gọi ta "Bạn ơi! Can đảm lên mà sống. Hãy là Ulysses".
Hà Nội, tháng 1 năm 2009
Nhà văn Mai Thục
Mời các bạn đón đọc Người Dublin của tác giả James Joyce.