Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Lối Đi Ngay Dưới Chân Mình - Nguyễn Lê My Hoàn

Cuốn sách Lối đi ngay dưới chân mình trẻ trung, tươi mới như chính tuổi 20 của Hoà Bình, nữ chính trong truyện, đang sống. Đó là cô gái học phổ thông trường huyện, học đại học ở Hà Nội, ra trường vào TP.HCM tìm vận may. Ở đây, cô không có bà con họ hàng thân thích, không có tiền, cũng không có tài nghề gì đặc sắc, cô phải đối mặt với nhiều khó khăn, gian nan.

Đọc Lối đi ngay dưới chân mình, bạn như được trở lại với cái thời thơ ngây, ngơ ngác. Bước chân chập chững của ngày đầu vào đời ai mà không một lần trải qua, rồi giật mình "có một thời ta cũng giống như nhau" để từ đó mà trưởng thành.

Hoà Bình, một cô gái luôn nhiệt huyết, khiến độc giả hiểu được chỉ có tuổi trẻ mới dám đương đầu trước những lựa chọn đầy rủi ro nhưng không toan tính, dám đối mặt với thử thách một cách hồn nhiên và chấp nhận làm lại từ đầu. Hành trang của tuổi trẻ không có gì quý giá hơn ngoài sự tự tin và căng tràn sức sống.

Ở nhân vật này, chúng ta còn thấy được những chân trời cho ai dám ước mơ và thực hiện ước mơ. Trong cuộc sống, không có gì là không thể thực hiện được và “những con trai có ngọc khởi đầu từ một vết đau…”.

Cuốn sách phù hợp cho những bạn đang phân vân, ngơ ngác, những cái buồn vô cớ, cả hoài nghi về tương lai, tình yêu, tình bạn trong giai đoạn chập chững bước vào đời. Bởi ở đó, bạn đọc sẽ thấy được một cô gái đầy nghị lực, thích hành động để lựa chọn, tự khẳng định mình và đi theo mục tiêu rõ ràng trong tương lai.

Điều ý nghĩa nhất của cuốn sách mang lại cho độc giả đó là sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, dũng cảm bước lên phía trước dù có nhiều chông gai. Đặc biệt, câu nói của tác giả “lối đi ngay dưới chân mình” vẫn vẹn nguyên giá trị trong xã hội hiện đại.

***

Nguyễn Lê My Hoàn đã từng đoạt giải Nhì "Văn học tuổi 20" lần I (báo Tuổi Trẻ, nhà xuất bản Trẻ, Hội nhà văn TPHCM) và một số giải thưởng về truyện ngắn của báo Tiền Phong, Hoa Học Trò, Mực Tím.

Tác phẩm:

Lối đi ngay dưới chân mình (truyện dài) Thơ sĩ dế (tập truyện ngắn) Hoàng điệp (tập truyện ngắn) Trước lúc ngủ say (tiểu thuyết dịch, S.J.Watson)

***

Tằn tiện

Buổi trưa nóng, đường phố Sài Gòn vẫn đông cứng người và xe, và khói xe và bụi. Những khuôn mặt nhăn nhó vì cái hỗn hợp âm thanh lẫn với tạp chất ấy lại càng nhăn nhó hơn mỗi khi dừng xe lại ở ngã tư: đèn đỏ!

Lạy trời giữa trưa nắng này đừng có kẹt xe.

Đèn xanh! Những khuôn mặt nhăn nhó ấy như giãn ra một chút, bắt đầu rùng rùng chuyển động. Hai dòng người xe chạy ngược chiều nhau, dòng nào cũng lốm đốm những mặt người được bịt kín bằng khăn mùi xoa, mắt thì núp hết sau những cặp kính đen ngòm, dưới các vành nón kéo sụp xuống quá trán…

Tôi cưỡi chiếc Tact lùn lùn, bé bỏng, màu sơn đỏ chót như màu xe cứu hoả về đến nhà trọ đã hơn mười hai giờ trưa. Từ đường lên vỉa hè, từ vỉa hè lên thềm nhà, tôi ì ạch đẩy xe lên. Mấy hôm đầu, khi mới mua xe, chưa đẩy quen, lúc nào về tôi cũng phải dựng xe ngoài đường, chạy vào lấy một tấm gỗ lót rồi mới đẩy lên được.

Nó ngồi thu lu bên góc tủ, ngay sát lối tôi đẩy xe, cứ trố mắt nhìn tôi vẻ lạ lẫm. Cái màu áo vàng choé làm tôn thêm nước da đen đen. Chỉ liếc mắt qua tối đã thấy không ưa và tự dưng cảm thấy chột dạ: hay nó là một người bà con nào đó của cô Minh mới từ quê vào tương lai sẽ chiếm lại căn phòng nhỏ của tôi trên tầng ba?

*

Tôi cũng đã từng là dân quê.

Cái quê tôi nó nghèo lắm. Mẹ tôi kể những năm 60, khi nhà ngoại tôi ky cóp mua được chiếc xe đạp Thống Nhất giá hai trăm rưỡi đồng là cả làng đã lác mắt, trầm trồ, ghen tị mãi. Thuở ấy, ai mà có được chiếc xe đạp Pha-vơ-rít, có đài đeo hông về làng đã kể như một kỳ quan rồi.

Chúng tôi không phải lội ruộng nhiều như mẹ, như bà ngoại. Có mỗi hai chị em gái, bố lại làm việc ở Hà Nội, so với dân trong làng, nhà tôi cũng thuộc loại có bát ăn, bát để.

Mẹ tôi khâu nón rất tài, vừa nhanh mà vẫn đẹp. Xong công việc đồng áng, tối về mẹ khâu thoắt đã được hai cái nón, vậy là cũng đủ tiền chợ cho cả ngày hôm sau. Chợ quê, thức ăn, thức uống không đắt đỏ như ở thành phố, rau ráng thì nhà ai cũng có sẵn trong vườn cả rồi, chỉ ra chợ để mua thêm thịt cá mà thôi.

Buổi sáng, chúng tôi phải dậy sớm để giúp mẹ làm vườn. Sau chuồng heo, có một cái hố to, xây chìm xuống đất đựng nước thải, phân và nước rửa chuồng. Chúng tôi lấy đòn gánh, hai chị em hai đầu khiêng một cái thùng tôn đầy cái thứ nước tạp chất ấy ra ẹ tưới cây.

Xong xuôi, chúng tôi tắm rửa, hấp cơm nguội lên ăn với nước mắm hoặc cá kho còn của tối hôm trước, sau đó hoặc học bài, hoặc đi học…

Xong lớp 12, chị tôi vội vã lấy chồng, vội vã rời xa cái làng quê chẳng có gì hấp dẫn chị ấy.

Năm năm sau, tôi thi vào Đại học và đậu.

Lên Hà Nội học, mỗi tháng tôi về thăm mẹ một lần. Lần nào về trong giỏ xách của tôi cũng có một bao đầy nilong tôi đem về ẹ nút các chai nước mắm. Các bao này có từ những lần tôi mua bánh mì ăn, mua nước mía uống, mua các thứ lặt vặt khác… người ta bỏ vào bao, và tôi giặt sạch, phơi khô, bỏ dồn lại. Mẹ chẳng dùng hết được tất cả các bao nilong tôi đem về, nhưng luôn hồ hởi cất nó vào một cái bao to:

- Dồn được nhiều, đem bán ấy bà đồng nát cũng được ít tiền đấy.

*

Nó không đợi tôi hỏi han đã tuôn ra một tràng kể lể:

- Mới ban đầu, người ta mời em vào đây để dạy nghề đan chiếu cói Nga Sơn. Tiền công sáu ngàn một cái, cói người ta sẽ chọn và nhuộm sẵn, chỉ việc ngồi đan. Sau họ lật lọng, chỉ trả có bốn ngàn, lại không chuẩn bị cói sẵn, thành ra chúng em phải tự làm tất. Đan cả ngày mới được có một chiếc, trừ đi tiền ăn còn lại chẳng bao nhiêu. Em hận con mụ ấy, em về đây, xin cô và các anh chị mỗi người một ít, đủ tám chục ngàn mua vé xe là em về. Thật, từ bây giờ “một đời cha, ba đời con”, em lạy cả mớ, em không dám vào

Mời các bạn đọc Lối Đi Ngay Dưới Chân Mình của tác giả Nguyễn Lê My Hoàn.