Năm 1907, Jack London cho ra đời cuốn tiểu thuyết Gót sắt. Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của nền văn học Mỹ đề cập đến cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước Mỹ. Đây là cuốn tiểu thuyết viễn tưởng thể hiện những tư tưởng ước mơ xã hội của ông. Nhà văn đã tự đặt mình là con người sống vào thế kỷ XXVI, lúc loài người đã trải qua bốn thế kỷ đại đồng và sau khi đã đập tan cái gót sắt là sự áp bức con người.
Tiểu thuyết của nhà văn Mỹ Jack London được sáng tác theo hình thức viễn tưởng, thể hiện lòng khao khát tự do, công lý và niềm tin sâu sắc vào tương lai tất thắng của cách mạng vô sản trên toàn thế giới.
***
Jack London là nhà văn nổi tiếng người Mỹ, tác giả Tiếng gọi nơi hoang dã (The Call of the Wild), Gót sắt (Iron Heel), Martin Eden, Tình yêu cuộc sống (Love of Life), Nanh trắng (White Fang) và hơn 50 tác phẩm khác. Các tác phẩm của ông được dịch ra hàng chục ngôn ngữ khác nhau trên thế giới và cho tới nay vẫn được độc giả tìm đọc.
Jack London năm 1876 ở thành phố San Francisco, và mãi ra đi vào ngày 22/11/1916 khi mới tròn 40 tuổi.
Năm 1896, do mong muốn làm giàu nhanh chóng, ông đã theo chân những người tìm vàng đến vùng Krondike thuộc Canada và đã nếm đủ mùi vất vả. Tại đây, Jack London đã được nghe những kẻ tha phương kể lại những câu chuyện về đói ăn, mất của và về những con chó trung thành.
Tất cả những mẩu chuyện này đã ám ảnh Jack London và ông đã viết thành những câu chuyện danh tiếng như: Đứa con của chó sói (viết năm 1902), Răng nanh trắng (1906), Ánh sáng ban ngày cháy đỏ (1910) và đặc biệt là tác phẩm Tiếng gọi nơi hoang dã (1903) đã gây được tiếng vang lớn, và từ đó Jack London đã có thể sống được bằng nghề viết truyện.
***
Gió mùa hè hiu hiu lay động những cây thông khổng lồ và sông Wild-Water vỗ sóng nhịp nhàng vào những tảng đá xanh rêu. Bướm lượn dưới nắng và bốn bề tiếng ong bay vù vù như ru ngủ. Yên tĩnh quá. Thái bình quá. Và tôi ngồi đây, lo lắng, bồn chồn. Chính cái yên tĩnh làm cho tôi bồn chồn. Nó hư hư thực thực thế nào ấy. Khắp thế giới yên tĩnh, nhưng đó là cái yên tĩnh trước cơn giông tố. Tôi lắng tai nghe và tất cả các giác quan của tôi cũng căng lên chờ đón dấu hiệu của cuộc đại biến sắp nổ ra 1. Phải, miễn nó đừng nổ non! Miễn nó đừng bùng ra sớm quá!
Tôi bồn chồn cũng không có gì lạ. Tôi suy nghĩ, suy nghĩ liên mien, và không thể đừng suy nghĩ. Tôi vật lộn với cuộc sống đã từ lâu, đến nỗi thấy yên tĩnh là tức thở, không chịu được. Và tôi không thể không nghĩ đến trận cuồng phong chết chóc và tàn phá sắp sửa nổi lên. Trong tai tôi vang lên tiếng kêu gào của những người gục xuống, và tôi có thể nhìn thấy, cũng như tôi đã từng nhìn thấy 2 da thịt mơn mởn của con người bị dập vùi, tan tác, linh hồn con người bị giằng khỏi những tấm thân đầy kiêu hãnh và ném cho Thượng đế. Khốn khổ thay nhân loại chúng ta, muốn đạt đến mục đích của mình phải cố giết chóc, tàn phá, để đem lại cho trái đất một nền hoà bình và hạnh phúc bền vững.
Vả chăng, tôi chỉ có một mình. Lúc nào không nghĩ đến những điều tất phải xảy đến thì tôi nghĩ đến những điều đã qua, những điều không còn nữa. Tôi nghĩ đến con Đại bàng của tôi trước kia vẫn dang đôi cánh không biết mỏi ra vùng vẫy giữa trời xanh để bay về phía lí tưởng chói lọi của tự do nhân loại. Lí tưởng đó chính là mặt trời của anh. Tôi không thể ngồi yên để chờ đợi cái biến cố lớn lao do bản thân anh làm ra, mặc dầu anh không còn sống để nhìn thấy nó. Bao nhiêu năm anh sống làm người thì bấy nhiêu năm anh cúc cung tận tuỵ vì nó. Anh đã hiến cả đời anh cho nó. Nó là sự nghiệp của tay anh. Chính anh đã làm ra nó 3.
Cho nên trong thời gian chờ đợi lo lắng này, tôi sẽ viết về chồng tôi. Có nhiều điều chỉ mình tôi có thể nói rõ về anh, một con người cao quý dù ca ngợi bao nhiêu vẫn chưa đủ. Tâm hồn anh bao la như biển cả. Và khi tình yêu của tôi đã gột hết lòng vị kỉ thì tôi tiếc nhất là anh không còn sống để chứng kiến buổi bình minh sắp ló ra. Chúng tôi không tài nào thất bại được. Anh đã xây dựng vững chãi quá, chắc chắn quá rồi. Thảm hại thay cái Gót sắt đang dận trên ngực nhân loại! Chẳng bao lâu nữa, nó sẽ bị nhổ bỏ. Khi nào hiệu lệnh tung ra, lao động khắp thế giới sẽ dấy lên tầng tầng lớp lớp. Chưa bao giờ có một việc như thế trong lịch sử loài người. Sự đoàn kết của lao động đã được đảm bảo, và lần đầu tiên sẽ nổ ra một cuộc cách mạng quốc tế bao trùm cả thế giới 4.
Như các bạn đã thấy, óc tôi nghĩ miên man về sự kiện sắp xảy ra. Tôi sống miệt mài với nó, sống ngày, sống đêm, sống rất lâu, đến nỗi nó luôn luôn hiện ra trong tâm trí tôi. Tôi không thể nghĩ đến chồng tôi mà không nghĩ tới nó. Chồng tôi là linh hồn của nó, làm sao trong tư tưởng tôi có thể tách rời chồng tôi với nó được?
Như tôi đã nói, có nhiều điều chỉ mình tôi có thể nói rõ về anh. Ai cũng biết anh đã vì tự do mà chịu nhiều gian truân, đau khổ. Anh đã làm việc cực nhọc đến thế nào, đã đau khổ ghê gớm như thế nào, tôi biết hết. Vì tôi đã sống bên anh suốt hai mươi năm sóng gió vừa qua và tôi biết rõ lòng kiên trì, sự cố gắng không mệt mỏi và sự tận tuỵ không bờ bến của anh đối với Sự Nghiệp chung. Anh đã chết cho Sự Nghiệp, mới cách đây hai tháng.
Tôi sẽ cố viết giản dị và kể ra đây Ernest Everhard đã bước vào đời tôi như thế nào – thoạt tiên, tôi gặp anh ra sao, vì duyên cớ gì tôi đã thành một phần của chính mình anh, và anh đã gây cho đời tôi những biến đổi ghê gớm như thế nào. Như vậy, các bạn có thể nhìn anh qua mắt tôi, và biết về anh cũng như bản thân tôi – biết hết, trừ những chuyện riêng của vợ chồng chúng tôi.
Tôi gặp anh lần đầu tiên vào tháng 2 năm 1912. Anh là khách của ba tôi và hôm ấy anh đến ăn cơm ở nhà tôi, tại thành phố Berkeley. Có thể nói, ngay từ lúc đầu, tôi không có cảm tình với anh. Ngoài anh ra, còn nhiều khách khứa khác. Chúng tôi đang ngồi trong phòng khách chờ mọi người đến đông đủ thì anh vào, trông đến là thảm hại. Tối hôm ấy là tối họp mặt của các mục sư – ở nhà, ba tôi 5 vẫn thường gọi thế. Ngồi giữa các nhà tu hành, Ernest nhất định là lạc lõng.
Trước hết, quần áo anh không vừa người anh. Anh bận một bộ đồ may sẵn bằng vải sẫm, xộc xà xộc xệch. Trong thực tế, chẳng có thứ quần may sẵn nào mà anh mặc vừa. Tối hôm ấy, mà bao giờ cũng thế: các bắp thịt của anh hằn lên mặt vải. Vai anh u lên, và cái áo vét-tông anh bận dăn dúm cả ở giữa hai vai. Cổ anh banh ra, chắc nịch: giống hệt cổ những kẻ đi đánh nhau ăn giải 6. Tôi nghĩ bụng: Té ra nhà triết học xã hội, nguyên làm nghề bịt móng ngựa, mà ba tôi đã phát hiện được, ngài là như thế đấy. Vai u thịt bắp như thế, thật đúng quá đi rồi. Tôi liền liệt anh vào hạng dị nhân và coi anh như một lão Blind Tom 7 của giai cấp công nhân.
Rồi anh lại bắt tay tôi nữa kia chứ! Anh xiết mạnh quá, chặt quá, nhất là anh nhìn tôi một cách táo tợn bằng cặp mắt đen lay láy – táo tợn quá, theo ý tôi. Các bạn cũng thừa hiểu tôi là sản phẩm của hoàn cảnh và khi ấy bản năng giai cấp của tôi rất mạnh. Giá một người đàn ông thuộc giai cấp tôi cũng táo tợn như thế thì không thể nào tha thứ được. Tôi đành cúi nhìn xuống đất. Lúc anh đi khỏi, tôi nhẹ cả người, quay lại nhìn đức Giám mục Morehouse. Đức Giám mục là một người tôi rất mến, một người đứng tuổi, hiền hoà, nghiêm chỉnh, tướng mạo và từ tâm hệt như đức Chúa. Chẳng những thế, Người còn là một nhà học giả.
Nhưng cái táo tợn mà tôi tưởng là tự phụ đó lại là đầu mối cho tôi tìm hiểu bản chất của Ernest Everhard. Anh giản dị, ngay thẳng, chẳng biết sợ cái gì và không thích mất thì giờ vào việc xã giao. kiểu cách. Mãi về sau, anh giải thích: “Em rất hợp ý anh, làm sao anh lại không nhìn thẳng vào người mà anh ưa thích?” Tôi đã bảo, anh chẳng sợ một cái gì. Anh là người bản chất quý phái, mặc dầu anh đứng trong phe thù địch của bọn quý phái. Anh là một siêu nhân, một “Con vật tóc vàng” như Nietzsche 8 đã miêu tả, và cộng thêm vào đó, anh mang những tư tưởng dân chủ cháy rực trong người.
Vì mải tiếp những người khác, và cũng vì sẵn có ấn tượng xấu, tôi quên khuấy mất nhà triết học của giai cấp công nhân, mặc dầu tôi có chú ý đến anh một hai lần trong bữa ăn – đặc biệt là lúc anh long lanh đôi mắt nghe các vị mục sư nói chuyện. Tôi nghĩ bụng: anh là người vui tính và tôi hầu như tha thứ cho cách ăn mặc của anh. Nhưng thời gian cứ đi, bữa ăn cứ tiếp tục, anh vẫn không buồn nói nửa lời. Trong khi ấy, các vị mục sư bàn luận miên man về giai cấp công nhân, về quan hệ của nó với Nhà thờ. Nhà thờ đã làm gì và đang làm gì cho nó. Tôi nhận thấy Ernest không nói làm cho ba tôi không bằng lòng. Nhân một lúc im lặng, ba tôi yêu cầu anh phát biểu, nhưng Ernest nhún vai: “Tôi chẳng có điều gì muốn nói cả” và lại ngồi ăn hạnh đào muối.
Nhưng ba tôi không chịu. Một lúc sau ba tôi bảo:
- Chúng ta có một người giai cấp công nhân ở đây. Tôi tin chắc người đó có thể trình bày các việc theo một quan điểm mới, vừa hay lại vừa bổ ích. Tôi muốn nói ông Everhard.
Những người khác tỏ vẻ thích thú một cách lịch sự và giục Ernest tuyên bố những quan điểm của mình. Thái độ của họ hết sức khoan dung, hoà nhã: đúng là thái độ của những kẻ đỡ đầu. Tôi thấy Ernest cũng nhận ra điều ấy và anh lấy thế làm khoái lắm. Anh chậm rãi nhìn bốn xung quanh và mắt anh sáng lên một cách ranh mãnh.
- Tôi quả thật không quen với những cuộc tranh luận tao nhã của Giáo hội, – anh bắt đầu được mấy lời đã ngập ngừng ngay, vẻ mặt khiêm tốn và do dự.
Họ giục: “Ông cứ tiếp tục đi!” và bác sĩ Hammerfield bảo: “Chân lí dù ở miệng ai nói ra chúng tôi cũng đều không ngại. Miễn là nó trung thực”.
- Vậy ra ngài tách rời trung thực khỏi chân lí ư? – Ernest cười hỏi rất nhanh.
Bác sĩ Hammerfield luống cuống trả lời:
- Giỏi đến đâu cũng phải có lúc nhầm, ông bạn trẻ ạ. Người giỏi nhất trong chúng ta cũng phải có lúc nhầm.
Ernest bỗng thay đổi hẳn. Anh đã thành một người khác.
- Vâng, được, – anh đáp. – Và tôi xin phép bắt đầu bằng câu này: là các ngài nhầm tuốt. Các ngài không biết gì về giai cấp công nhân, không biết một tí gì hết. Khoa xã hội học của các ngài sai bét và vô giá trị, cũng như phương pháp suy luận của các ngài.
Những lời anh nói chính lại không nặng bằng cách anh nói. Tôi giật cả mình trước hết vì giọng nói của anh. Nó cũng táo tợn không khác gì hai con mắt anh. Nó là một tiếng kèn chiến đấu và nó làm cho toàn thân tôi rung lên. Bàn tiệc xao động. Cái không khí đều đều buồn tẻ bị phá vỡ.
- Ông bạn trẻ tuổi! Phương pháp suy luận của chúng tôi có chỗ nào sai lầm và vô giá trị ghê gớm đến thế kia, thưa ông? – Bác sĩ Hammerfield hỏi, vẻ khó chịu thoáng hiện ra giọng nói và cách phát biểu của ông.
- Các ngài là những nhà siêu hình học. Các ngài có thể dùng siêu hình học để chứng minh bất cứ một cái gì, và xong thì mỗi nhà siêu hình học lại có thể tuỳ thích chứng minh rằng các nhà siêu hình học khác là sai. Các ngài là những kẻ vô chính phủ trong lĩnh vực tư tưởng. Các ngài là những nhà chế tạo ra vũ trụ. Điên rồ ơi là điên rồ! Mỗi ngài sống trong một vũ trụ riêng, do trí tưởng tượng riêng và những sở thích riêng của mình tạo nên. Các ngài không biết gì về cái thế giới thực các ngài đang sống, và tư tưởng điên loạn của các ngài hoàn toàn không có chỗ đứng trong thực tại.
…
Mời các bạn đón đọc Gót Sắt của tác giả Jack London.