Bạn đọc thân mến!
Truyện Kể Về Các Nhà Bác Học Vật Lý đã ra mắt các bạn lần thứ nhất thành 3 tập, xuất bản những năm 1987, 1988, 1990. Lần này sách được chỉnh lý và in gộp làm một tập. Để tiện cho việc theo dõi của bạn đọc, các bài viết được xếp lại theo tên các nhà bác học, theo thứ tự chữ cái.
Nó giúp các bạn làm quen với những nhà bác học vật lý mà các bạn đã biết tên qua các trang sách giáo khoa trường trung học phổ thông, nhưng dù sao cũng vẫn là những người xa lạ. Nó không phải là một tập tiểu sử các nhà bác học. Vì vậy, mặc dù có lúc nói về cuộc đời của họ, nó sẽ không giới thiệu đầy đủ tiểu sử của họ.
Truyện Kể Về Các Nhà Bác Học Vật Lý giới thiệu với các bạn những tấm gương cần cù, vượt khó của các nhà bác học để đến với khoa học. Một số ít người như Daniel Bernoulli, William Thomson, có thể nói là được tắm mình trong không khí khoa học của gia đình, và đi vào khoa học một cách hầu như dĩ nhiên. Nhưng rất nhiều người khác đã phải vượt biết bao trở ngại trên con đường đi tìm tri thức khoa học. Mikhail Lomonosov, James Watt, Michael Faraday xuất thân từ những gia đình nghèo túng, kiếm miếng ăn còn khó khăn, nói chi đến chuyện học hành. Blaise Pascal, Augustin Fresnel, từ nhỏ đã là những chú bé ốm đau, quặt quẹo, luôn luôn bị bệnh tật dày vò, cả khi đã đến tuổi trưởng thành. Con đường họ đi vào khoa học thật là khúc khuỷu, gian truân. Nhưng tính kiên trì vượt khó, lòng say mê đi tìm chân lý, niềm tin vào khả năng vô hạn của khoa học, đã giúp họ vững bước tiến lên, khiến tên tuổi của họ trở thành bất tử.
Truyện Kể Về Các Nhà Bác Học Vật Lý cũng giới thiệu với các bạn con đường dẫn các nhà bác học đi đến những phát minh kỳ diệu. Có người nghĩ rằng các nhà bác học đều là những nhân vật thần kỳ, xuất chúng, bẩm sinh đã là người đầy tài năng. Có người thích cường điệu câu chuyện về quả táo của Isaac Newton: ông chỉ nhìn thấy quả táo rơi mà "bỗng nhiên" phát minh ra định luật vạn vật hấp dẫn vô cùng quan trọng.
Sự thực đâu có như vậy! Các nhà bác học là những người hết sức tò mò, ham hiểu biết. Họ không bằng lòng với những tri thức nửa vời. Họ không mù quáng nghe theo các kết luận của người khác, dù là người có uy tín, có quyền thế, nếu lý trí của họ, nếu thực tiễn khách quan chưa công nhận những kết luận ấy là đúng. Họ luôn luôn tự đề ra những câu hỏi ở những nơi người khác chỉ lẳng lặng thừa nhận như những điều dĩ nhiên. Họ kiên trì, sáng tạo, tìm bằng được cách giải đáp những câu hỏi mà họ đã đề ra. Khi đã tìm ra chân lý khoa học, họ kiên quyết bảo vệ chân lý, không khoan nhượng. Nhưng khi có những chứng minh khách quan chứng tỏ luận điểm của họ là sai, họ cũng có gan công nhận cái sai của mình để tiếp thu cái đúng. Trước sau cũng chỉ nhằm làm cho chân lý khoa học luôn luôn trong sáng.
Truyện Kể Về Các Nhà Bác Học Vật Lý không quên giới thiệu với các bạn ý thức công dân của các nhà bác học. Họ là công dân của nước họ và cũng là công dân của thế giới. Không những bản thân họ đóng góp những phát minh cho khoa học, họ còn chăm lo phát triển khoa học và sử dụng khoa học cho hạnh phúc của loài người.
Pyotr Lebedev đã từ chối một chức vụ lương cao ở nước ngoài để sống thanh đạm, bỏ tiền túi ra xây dựng phòng thí nghiệm cho các học trò mình được tiếp tục nghiên cứu. Ernest Rutherford nghiêm khắc, dễ cáu kỉnh, nhưng thương yêu học trò như thương con, sẵn sàng nhượng lại cả một phòng thí nghiệm quý giá cho học trò yêu là Pyotr Kapitsa mang về Liên Xô xây dựng viện nghiên cứu. Niels Bohr, Albert Einstein, Igor Kurchatov đã phải bớt một phần thời gian nghiên cứu của mình để tham gia vào việc thức tỉnh nhân loại chống chiến tranh nguyên tử bảo vệ hòa bình. Nobel đã dành tất cả tài sản to lớn của mình để đặt ra những giải thưởng khuyến khích những người có công lao lớn phục vụ lợi ích của nhân loại.
Các nhà bác học vật lý không chỉ là những con người tài giỏi, vĩ đại. Họ còn là những người rất gần gũi với chúng ta. Mỗi nhà bác học đều có những cái gì mà chúng ta học tập được. Những cái đó động viên, khuyến khích chúng ta, chỉ cho chúng ta con đường đi vào khoa học. Con đường đó không chỉ dành cho một số người được ưu tiên, ưu đãi, mà sẵn sàng mở rộng cho mọi người có ý chí.
***
Cuốn sách này gồm có:
I. Archimedes xứ syracuse (287 – 216 tcn) Ii. André-marie ampère (1775 – 1836) Iii. Albert einstein (1879 – 1955) Iv. Henri becquerel (1852 – 1808) marie curie (1867 – 1934) pierte curie (1859 – 1906) V. Daniel bernoulli (1700 – 1782) Vi. Niels bohr (1885 – 1962) Vii. Robert boyle ( 1627 – 1691) Viii. Charles-augustin de coulomb (1736 – 1806) Ix. Igor vasilyevich kurchatov (1903 – 1960) X. Rudolf diesel (1858 – 1913) Xi. Michael faraday (1791 – 1867) Xii. Galileo galilei (1564 – 1642) Xiii. Luigi galvani (1737 – 1798) alessandro volta (1745 – 1827) Xiv. Christiaan huygens (1629 – 1695) Xv. James prescott joule (1818 – 1889) Xvi. Pyotr nikolaevich lebedev (1866 – 1912) Xvii. Mikhail vasilyevich lomonosov (1711 – 1765) Xviii. James clerk maxwell (1831 – 1879) Xix. Albert abraham michelson (1852 – 1931) Xx. Edme mariotte (1620 – 1684) Xxi. Isaac newton (1643 – 1727) Xxii. Alfred nobel (1833 – 1896) và giải thưởng nobel Xxiii. James watt (1736 – 1819) Xxiv. Georg simon ohm (1789 – 1854) Xxv. Hans christian ørsted (1777 – 1851) Xxvi. Blaise pascal (1623 – 1662) Xxvii. Augustin-jean fresnel (1788 – 1827) Xxviii. Max planck (1858 – 1947) Xix. Alexander stepanovich popov (1859 – 1906) Xxx. Ernest rutherford (1871 – 1937) Xxxi. Wilhelm conrad röntgen (1845 – 1923) Xxxii. Evangelista torricelli (1608 – 1647) Xxxiii. William thomson, huân tước kelvin (1824 – 1907) Xxxiv. Konstantin eduardovich tsiolkovsky (1857 – 1935)
Mời các bạn đón đọc Truyện kể về Các Nhà Bác Học Vật Lý của tác giả Đào Văn Phúc.