Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Mười Rưỡi Đêm Hè - Marguerite Duras

Một anh chồng đã bắn chết cô vợ trẻ, tình nhân của cô ta và đang lẩn trốn trong thị trấn. Mười giờ rưỡi đêm hè ấy, Maria phát hiện ra chỗ trốn của kẻ sát nhân, rồi cứu hắn thoát khỏi vòng vây cảnh sát. Nhưng sau đó hắn lại tự sát. Tại sao Maria lại cứu hắn?

Maria, Pierre, một cặp vợ chồng cùng đứa con gái nhỏ và Claire cùng đi du lịch trên chiếc xe ô tô nhỏ của riêng họ. Trên đường đi họ gặp một cơn mưa bão lớn, họ đành phải dừng nghỉ lại ở một thị trấn nhỏ. Ở đây, ngày hôm ấy xảy ra một vụ án mạng.

Mười giờ rưỡi đêm, mùa hè, Pierre- chồng Maria và cô bạn Claire ôm hôn nhau say đắm trên ban công khách sạn. Cách đó vài mét là Rodrigo Paestra, kẻ bị truy nã vì vừa giết vợ hắn và người tình giữa lúc họ đang ăn nằm với nhau, đang trốn trên ống khói nóc nhà. Những cơn mưa tầm tã của đêm hè kéo đến hết đợt này sang đợt khác, như che giấu sự dan díu của cặp tình nhân, hủy hoại hình thù bất động của Rodrigo Paestra, tất cả những điều này đều diễn ra trong mắt Maria.

Như sự xui khiến của số phận, Maria lẻn ra ngoài đưa Rodrigo Paestra đi trốn. Cô để lại hắn ở đồng lúa mì trên đường đi Madrid và hứa với hắn sẽ quay lại vào giữa trưa rồi trở lại khách sạn. Đêm hôm ấy, trong khách sạn, Pierre và Claire vẫn chưa đến với nhau.

Maria kể lại kế hoạch cứu Rodrigo Paestra cho chồng và bạn, việc mà cô cho rằng sẽ cắt ngang chuyến nghỉ mát ở Madrid, nơi chắc sẽ diễn ra cuộc ái ân vụng trộm. Tuy nhiên, khi họ trở lại cánh đồng lúa mì, Rodrigo Paestra đã tự sát. Vậy là hành trình đến Madrid vẫn phải tiếp tục.

Tại khách sạn họ dừng lại nghỉ trưa, Maria nói muốn ngủ. Claire đợi cô ngủ rồi sấn sổ ve vãn Pierre và họ ăn nằm chớp nhoáng với nhau. Maria biết điều này, cô biết họ sẽ đến với nhau và đã kiên nhẫn chờ đợi nó suốt cả chuyến đi. Trong mơ hay là thức, cô nghĩ đến Rodrigo Paestra tự sát trong đồng lúa mì, cô tưởng mình cũng đã chết giữa cánh đồng cô đơn ấy.

Họ vẫn đến Madrid. Nơi thành phố đẹp rực rỡ ấy, Pierre, trong nỗi ăn năn dày vò, trong sự giãy giụa của mối tình đã chết đột nhiên thèm muốn Maria da diết. Anh gõ cửa phòng cô và điên cuồng ôm hôn cô…

Marguerite Duras viết "Mười giờ rưỡi đêm hè" năm 1960, khi bà đã ở độ chín của đời người phụ nữ cũng như độ chín của sự nghiệp. Cuốn sách, vì vậy, phô diễn sự thăng hoa của một tài năng phóng khoáng và đa dạng. Chủ chương xóa nhòa các ranh giới trong văn chương, Marguerite Duras trong "Mười giờ rưỡi đêm hè" đã pha trộn tinh tế thể loại tiểu thuyết trinh thám và tiểu thuyết tâm lý tạo ra một thế giới hỗn loạn và ám gợi: vụ giết người của Rodrigo Paestra, cuộc lùng bắt kẻ sát nhân, việc Maria phát hiện kẻ tội phạm và sự dan díu giữa chồng cô với người đàn bà khác cùng lúc như một định mệnh… Tẩt cả thù hận - đam mê, tội ác - tình yêu, ý thức - vô thức xâm nhập lẫn nhau, càng cố che đậy càng bùng cháy đã dẫn dắt cốt truyện một cách khôn lường trước sự ngạc nhiên và căng thẳng chờ đợi của độc gỉa. Đặc biệt, Marguerite Duras bộc lộ khả năng đi sâu vào những ẩn ức của con người, năng lực khám phá những dòng mạch của vô thức qua tình cảm của Maria dành cho kẻ trừng phạt Rodrigo Paestra.

Việc Maria mê mệt trong rượu, sắc đẹp của Claire, đôi bàn tay ve vuốt của Pierre,…là những biểu tượng của tình yêu ở tất cả sự ngọt ngào và man trá, gắn liền với vấn đề tình dục - nỗi ảm ảnh trong các tiểu thuyết hiện đại. Tác giả đã để lại nhiều khoảng trắng câm lặng ở những nơi đứt gãy mạch tâm trạng suốt tác phẩm, và cuối cùng là một kết cục dở dang cho số phận của các nhân vật làm cho tiểu thuyết đọng lại ở dư vị buồn thấm thía của bi kịch tình yêu.

Cái kết để ngỏ đặt ra cho độc giả biết bao câu hỏi về sự sống, sự chết, ý nghĩa của cuộc đời, sự chung thủy và phản bội trong tình yêu, hạnh phúc và khổ đau… Một lát cắt trong cuộc đời của các nhân vật chính mà dung lượng tưởng như chỉ đủ cho một truyện ngắn, nhưng dưới ngòi bút tài tình của Marguerite Duras nó trở thành một tiểu thuyết mini với giọng văn hình sự đầy hấp dẫn. Giọng văn đặc trưng của Marguerite Duras khó chịu đến mức cuốn hút buộc người đọc phải đọc liền một hơi cho kỳ hết mới thôi. "Mười giờ rưỡi đêm hè" với những mâu thuẫn nghịch lý giữa tình yêu và tình dục đã biểu hiện tính chất phức tạp, tính hai mặt của cuộc sống con người vì thế mà thấm đượm tinh thần nhân văn của Marguerite Duras.

***

- Pasestra, tên là thế. Rodrigo Paestra.

- Rodrigo Paestra.

- Phải. Và anh chàng bị hắn giết là Perez.

- Toni Perez.

Trên quảng trường, hai viên cảnh sát đi ngang dưới trời mưa.

- Hắn giết Perez vào lúc mấy giờ?

Người khách hàng không biết thật chính xác, khoảng quá trưa về chiều mà lúc này thì trời sắp tối. Đồng thời với Perez, Rodrigo Paestra giết luôn cả vợ mình. Hai nạn nhân được tìm thấy cách đây hai tiếng đồng hồ, mãi trong cùng một cái nhà xe, nhà để xe của Perez.

Trong tiệm rượu, bóng tối đã lan dần. Tận cuối phòng, trên chiếc quầy ướt át, những cây nến được thắp lên và ánh sáng của chúng, vàng vọt, hoà lẫn với ánh sáng phơn phớt xanh của ngày tàn. Trận mưa rào bỗng tạnh đột nhiên như nó đã đột nhiên ầm ầm trút xuống.

- Bao nhiêu tuổi, cô vợ của Rodrigo Paestra? – Maria hỏi.

- Trẻ măng. Mười chín tuổi.

Maria bĩu môi luyến tiếc.

- Tôi muốn một ly rượu manzanilla nữa – chị bảo.

Người khách hàng gọi cho chị một ly. Ông ta cũng uống rượu manzanilla.

- Tôi băn khoăn sao họ vẫn chưa bắt được hắn ta nhỉ - chị nói tiếp – thành phố bé tí tẹo thế này.

- Hắn thông thuộc thành phố còn hơn cả cảnh sát. Rodrigo, một tay cừ khôi đấy.

Quầy rượu đông nghịt. Người ta bàn tán về tội giết người của Rodrigo Paestra. Ai nấy nhất trí về Perez, nhưng về cô nàng thì không. Một cô bé oắt con. Maria uống ly manzanilla. Người khách hàng ngạc nhiên nhìn chị.

- Bà vẫn uống như thế này à?

- Cùng tùy – chị nói – đại khái, vâng, gần gần như thế này.

- Một mình?

- Vâng, vào lúc này.

Tiệm rượu không nhìn trực tiếp ra đường, nhưng ra một dãy nhà cầu hình vuông mà đại lộ chính của thành phố chia cắt, xuyên qua cả bên này lẫn bên kia. Dãy nhà cầu ấy có hàng lan can bằng đá vây quanh, mặt lan can đủ rộng và đủ vững chắc để chịu đựng sức nặng của bọn trẻ con nhảy lên trên hoặc nằm dài ra đấy nhìn những trận mưa rào ập đến và các cảnh sát đi qua. Trong số bọn trẻ ấy có Judith, con gái của Maria. Đứng tì tay lên một chiếc lan can cao đến ngang vai, nó nhìn ra quảng trường.

Lúc này có lẽ vào khoảng sáu, bảy giờ tối.

Một trận mưa rào nữa kéo đến và ngoài quảng trường chẳng còn ai. Những cây cọ lùn thành khóm, ở giữa quảng trường ấy, quằn quại trước gió. Các bông hoa, trong khóm cây, bị dập nát. Judith từ nhà cầu chạy tới và nép vào mẹ. Nhưng nỗi sợ hãi của nó đã bay biến. Những tia chớp loé liên tiếp đến nỗi chúng móc xích lại với nhau và sấm sét ầm ầm không dứt. Đôi khi chúng phá lên như tiếng gang tiếng thép, nhưng liền ngay đó lại chuyển sang tiếng ì ầm cứ nghẹt đi dần theo với trận mưa dịu ngớt. Trong nhà cầu trở nên yên lặng. Judith rời mẹ và chạy ra nhìn mưa cho gần hơn. Rồi nó nhìn quảng trường nhảy múa trong những sọc mưa rơi.

- Mưa đến suốt đêm mất – người khách hàng nói.

Mưa bỗng tạnh đột ngột. Người khách hàng rời quầy rượu và trỏ bầu trời xanh xẫm, nhiều vùng viền quanh bằng màu xám xịt như chì và sà xuống đến tận các mái nhà, vì trời rất thấp.

Maria lại muốn uống nữa. Người khách gọi những ly manzanilla mà chẳng phê bình gì. Ông ta cũng sẽ làm thêm một ly.

- Chính là chồng tôi muốn chọn Tây Ban Nha để đi nghỉ hè đấy. Chứ như tôi thì chắc đã ưng đi nơi khác hơn.

- Đi đâu?

- Tôi chưa nghĩ đến. Cùng một lúc đi khắp nơi. Và cả Tây Ban Nha nữa. Ông đừng để ý đến những điều tôi nói. Thực ra, tôi rất hài lòng được sang Tây Ban Nha mùa hè này.

Ông ta cầm chiếc ly manzanilla của mình và đưa cho chị. Ông trả tiền cho bồi bàn.

- Ông bà tới đây vào khoảng năm giờ phải không? – Người khách hàng hỏi – Hình như ông bà đi trong một chiếc Rover nhỏ màu đen, nó đã dừng lại trên quảng trường chứ gì?

- Vâng – Maria nói.

- Lúc ấy còn rất sáng – ông ta nói tiếp – Trời không mưa. Cả thảy có bốn người trong chiếc Rover màu đen ấy. Có ông chồng bà lái xe. Bà ngồi cạnh ông ta? Đúng không? Và phía sau có một cô bé – ông chỉ nó – cô bé này. Và một phụ nữ nữa.

- Vâng. Chúng tôi gặp cơn dông từ lúc ba giờ chiều, giữa đồng không mông quạnh và con bé của tôi đâm sợ. Vì vậy, chúng tôi đã quyết định dừng lại ở đây chứ không đến Madrid tối nay.

Người khách vừa nói vừa ngóng ra ngoài quảng trường, nhìn những viên cảnh sát do trời tạnh mưa, đã lại thấy đi qua đi lại và ông ta cố lắng nghe những tiếng còi rít lên từ mọi góc phố, lẫn trong tiếng sấm rì rầm.

- Cô bạn tôi cũng sợ cơn dông lắm – Maria nói thêm.

Phía mặt trời lặn là ở đầu đại lộ chính của thành phố. Đó là hướng đi tới khách sạn. Kể ra cũng chưa đến nỗi muộn lắm như người ta tưởng. Cơn dông đã làm rối tung cả giờ giấc, đã thúc đẩy chúng ta nhanh lên, nhưng nay mặt trời đã lại hiện ra, ửng hồng, qua bầu trời sâu thẳm.

- Họ đang ở đâu? – Người khách hỏi.

- Ở khách sạn Principal. Tôi phải về với họ đây.

- Tôi vẫn nhớ. Một người đàn ông, chồng bà, bước một chân ra khỏi chiếc Rover màu đen và ông ấy đã hỏi tốp thanh niên là trong thành phố có bao nhiêu khách sạn. Và ông bà đã đi về hướng khách sạn Principal.

- Chẳng còn phòng nào, tất nhiên. Lúc ấy cũng đã chẳng còn phòng nào.

Bầu trời lại vần vũ đầy mây. Lại chuẩn bị một cơn dông nữa. Cái khối màu xanh sẫm của buổi chiều hôm ùn ùn như đại dương kia tiến lừ lừ phía trên thành phố. Nó từ phương đông kéo tới. Trời chỉ còn đủ ánh sáng lờ mờ để người ta nhìn thấy màu sắc đáng lo ngại của nó. Chắc là họ vẫn đứng ở rìa ban công. Đàng kia ở đầu đại lộ. Nhưng kìa đôi mắt em xanh, Pierre nói, lúc này là do bầu trời.

- Tôi vẫn chưa thể về được. Ông nhìn mà xem, trời lại muốn đổ mưa.

Lần này Judith chẳng vào nữa. Nó nhìn lũ trẻ chân đi đất chơi nghịch trong những rãnh nước ngoài quảng trường. Nước chảy nhớp nháp ở dưới chân chúng. Đó là một thứ nước màu đỏ quạch, đỏ như đá của thành phố và như đất quanh vùng. Tất cả đám thanh niên đều ở bên ngoài, trên quảng trường ấy, dưới bầu trời sấm vang chớp loé liên hồi. Người ta nghe thấy tiếng thanh niên huýt sáo du dương nổi lên giữa tiếng sấm rền.

Mưa ập đến đây rồi. Đại dương trút xuống thành phố. Quảng trường biến mất. Dãy nhà cầu đầy những người. Trong tiệm rượu người ta nói to hơn để nghe cho rõ. Đôi khi người ta hét lên. Với những cái tên của Rodrigo Paestra và Perez.

Mời các bạn đón đọc Mười Rưỡi Đêm Hè của tác giả Marguerite Duras.