AQ có nhiều tình huống lý luận đến "điên khùng". A Q hay bắt nạt kẻ kém may mắn hơn mình nhưng lại sợ hãi trước những kẻ hơn mình về địa vị, quyền lực hoặc sức mạnh. …
Lỗ Tấn đã cho thấy những sai lầm cực đoan của A Q, đó cũng là biểu hiện của tính cách dân tộc Trung Hoa thời bấy giờ.
Bối cảnh lịch sử của câu chuyện là thời kỳ trước sau cách mạng Tân Hợi (1911) với những thế lực phong kiến hiện vào các tên địa chủ. Trong A.Q chính truyện, Lỗ Tấn cũng vạch trần tính chất giả dối và phản động của giai cấp tư sản lãnh đạo cuối cùng hoàn toàn do một bọn đầu cơ thao túng. Nhờ tin tức nhanh chóng, cụ Triệu biết rằng bọn cách mạng đã vào huyện đêm hôm trước. Cụ liền quất đuôi sam vòng lên đầu… qua nhà họ Tiền thăm thằng Tây giả… hẹn hò cùng nhau làm cách mạng. Chính quyền cũng rơi vào tay bọn địa chủ phong kiến và quân phiệt. Những người như A.Q không được làm cách mạng. Đời sống xã hội không chút thay đổi, A.Q cũng phải thốt lên: "Đã cách cái mạng đi rồi mà vẫn thế này thôi ư?"
***
…Riêng về phần tôi, tôi vẫn cho rằng hiện nay, tôi không còn phải là người có điều gì bức thiết lắm, không nói ra không được nhưng hoặc giả, bởi vì chưa thể nào quên hết những nỗi quạnh hiu, đau khổ của mình ngày trước, nên có lúc không thể không gào thét lên mấy tiếng, để an ủi những kẻ dũng sĩ đang bôn ba trong chốn quạnh hiu, mong họ ở nơi tiền khu được vững tâm hơn. Còn như tiếng gào thét của tôi hùng dũng hay bi ai đáng ghét hay đáng buồn cười điều đó tôi không hơi đâu nghĩ đến. Nhưng đã gào thét, thì tất nhiên phải gào thét theo mệnh lệnh của vị chủ tướng. Cho nên đôi khi tôi không ngại viết những điều xa với sự thực. Trong truyện Thuốc, bỗng dưng tôi thêm một vòng hoa trên nấm mộ anh Du, hay trong truyện Ngày mai, tôi không kể chuyện chị Tư Thiền cuối cùng vẫn không nằm mộng thấy đứa con của chị, bởi vì vị chủ tướng bấy giờ chủ trương không để cho người ta đi đến chỗ tiêu cực. Còn tôi, tôi cũng không muốn đem nỗi quạnh hiu mà mình cho là đau khổ làm lây sang những người thanh niên đang ôm ấp những mộng đẹp như tôi hồi còn niên thiếu.
Nói như vậy là có thể biết ngay rằng tiểu thuyết của tôi còn xa với nghệ thuật lắm, thế mà cho đến naỵ vẫn mang tên là tiểu thuyết, thậm chí bây giờ đây, lại có dịp xuất bản thành tập nữa. Dù thế nào mặc lòng, không thể không nói đó là một điều may mắn. Điều may mắn ấy tuy làm cho tôi không yên tâm, nhưng nghĩ rằng trong đời, tạm thời còn có người đọc, thì tôi cũng vẫn cứ lấy làm thích thú như thường.
Bởi vậy, tôi đã thu thập những truyện ngắn của tôi và đem in lại vì những duyên cớ nói trên, nên đặt tên là Gào Thét.
Lỗ Tấn
***
A Q không những tên, họ, quê quán đều mập mờ, cho đến "hành trạng" trước kia ra sao cũng không rõ ràng nốt. Số là người làng Mùi đối với A Q xưa nay thì cần y làm công cho, hoặc chỉ đem y ra làm trò cười mà thôi, chứ không bao giờ có ai chú ý đến "hành trạng" của y cả. Mà chính y tự mình cũng chưa hề bao giờ nói tới chuyện đó hết. Chỉ có những lúc cãi lộn với ai thì họa hoằn y mới trừng ngược mắt lên mà tuyên bố :
- Nhà tao xưa kia có bề có thế bằng mấy mày kia ! Thứ mày thấm vào đâu !
A Q không hề có nhà cửa. Y trọ ngay trong đền Thổ Cốc làng Mùi. Y cũng không có nghề nghiệp nhất định, chỉ đi làm thuê làm mướn cho người ta, ai thuê gặt lúa thì gặt lúa, thuê giã gạo thì giã gạo, thuê chống thuyền thì chống thuyền. Ngộ những lúc công việc kéo dài thì y ở lại trong nhà chủ tạm thời hôm đó, xong công việc lại đi. Cho nên, người ta có công việc bận bịu lắm thì còn nhớ đến A Q, nhưng nhớ là nhớ công ăn việc làm, chứ nào phải nhớ gì đến "hành trạng" ! Rồi đến lúc công việc rỗi thì luôn cả A Q người ta cũng chả nhớ nữa, còn nói gì đến "hành trạng" !
Ấy thế mà có một lần, một ông lão nào đã tâng bốc y một câu như sau : "A Q được việc thật !" Lúc đó A Q đang đánh trần đứng trước lão, người gầy gò và bộ uể oải ; người ngoài chả ai hiểu lão kia nói thật hay chế giễu, nhưng A Q rất lấy làm đắc ý.
A Q lại có tính tự cao. Cả bấy nhiêu mặt dân trong làng Mùi, y tuyệt nhiên không đếm xỉa đến ai cả. Cho đến hai cậu đồ trong làng cũng vậy, y vẫn xem thường hết sức. Phú cậu đồ giả, ngày sau có thể thành thầy tú giả dã. Cụ Cố nhà họ Triệu và Cụ Cố nhà họ Tiền là hai người mà trong làng ai ai cũng kính trọng, bởi vì hai cụ gia tư đã giàu có, lại hai cậu con là hai cậu đồ ; thế mà chỉ một mình A Q là không ra vẻ sùng bái lắm. Y nghĩ bụng : "Con tớ ngày sau lại không làm nên, to bằng năm bằng mười lũ ấy à !". Hơn nữa, A Q lại có thể lên mặt với cả làng Mùi ở chỗ y đã lên huyện mấy bận, mặc dù y có trọng gì lũ phố phường. Thì chẳng hạn như cái ghế dài ba thước, rộng ba tấc, ở làng Mùi gọi là cái "ghế dài", A Q cũng gọi là "ghế dài", thế mà trên huyện họ lại gọi là "tràng kỷ" ! Y nghĩ bụng : "Gọi như thế là sai ! Là đáng cười !" ở làng Mùi, rán cá, người ta bao giờ cũng cho thêm một vài lá hành dài bằng ba đốt tay, thế mà trên huyện, họ lại cho nhánh hành thái thỏ vào ! A Q nghĩ bụng : "Thế là sai, là đáng cười!" Nhưng người làng Mùi là những người nhà quê, chưa hề đi đâu cả, lại chẳng đáng cười hơn ai hết hay sao ? Một đời chúng nó chưa hề biết trên huyện người ta rán cá như thế nào kia mà !
A Q là người "trước kia có bề có thế", kiến thức rộng, lại "được việc", kể ra cũng đã có thể gọi là người "hoàn toàn" lắm rồi. Chỉ đáng tiếc là trong người y còn có một tí khuyết điểm. Bực bội nhất là ngay trên đầu có một đám sẹo to tướng chẳng biết từ bao giờ. Mặc dù đám sẹo đó cũng là vật sở hữu của y, nhưng xem trong ý tứ y thì hình như y cũng chẳng cho là quý báu gì, bởi vì y kiêng tuyệt không dùng đến tiếng "sẹo" và tất cả những tiếng âm gần giống âm "sẹo". Về sau cứ mở rộng phạm vi dần, tiếng "sáng", tiếng "rạng" cũng kiêng, rồi tiếng "đèn", tiếng "đuốc" cũng kiêng tuốt. Chẳng cứ người nào, bất kỳ vô tình hay hữu ý mà phạm phải huý là A Q nổi giận, cái đám sẹo đỏ ửng lên, y nhìn để đánh giá đối thủ rồi kẻ ít mồm ít miệng là y chửi, kẻ sức yếu là y đánh. Nhưng chẳng biết thế quái nào, A Q thường vẫn thua nhiều hơn là được. Do đó y thay đổi dần dần chính sách, về sau chỉ lườm kẻ thù bằng một cặp mắt giận dữ nữa mà thôi.
Nào ngờ, sau lúc A Q thi hành cái chính sách "lườm nguýt" đó thì bọn vô công rồi nghề ở làng Mùi lại càng thích chọc ghẹo y hơn. Hễ thấy mặt A Q đâu là y như chúng nó giả vờ làm bộ ngạc nhiên nói :
- Ơ kìa ! Sáng quang lên rồi kia kìa !
A Q lại nổi giận, lại lườm bằng một cặp mắt rất dữ tợn.
Nhưng chúng nó vẫn không sợ, cứ nói :
- À té ra có ngọn đèn bảo hiểm kia kìa !
Không có cách gì đối phó, A Q đành nghĩ ra một câu để trả thù :
- Thứ chúng mày không xứng …
Lúc đó, y lại có cảm tưởng rằng cái sẹo trên đầu y không phải là một cái sẹo tầm thường mà là một cái sẹo vinh diệu, danh giá nữa kia. Nhưng như trên kia đã nói, A Q là người kiến thức rộng, y biết ngay rằng nếu y nói nữa nhất định sẽ phạm húy, nên y không nói hết câu.
…
Mời các bạn đón đọc AQ Chính Truyện của tác giả Lỗ Tấn.