Một cô gái quê sống ở ngôi làng hẻo lánh xứ Cisjordaine, Palestine, bị đánh đập dã man hàng chục năm, bị gia đình tẩm xăng đốt cháy vì không chồng có con. Tác phẩm 'Bị thiêu sống' là hồi ký rung động lòng người về tội ác với phụ nữ.
Cuốn hồi ký khá đặc biệt, bởi nhân vật chính không muốn nêu tên thật, không tiết lộ nơi ở hiện tại vì mối lo sợ bị truy đuổi và trả thù. "Một nơi nào đó ở châu Âu" và cái tên giả Souad là hai điều riêng nhất của người phụ nữ trong cuốn sách mà độc giả có thể hình dung.
Như phần lớn các cô gái sống ở vùng nông thôn hẻo lánh của Palestine, Souad chỉ được xem như là nô lệ trong gia đình. Cô cùng mẹ, các chị em gái phải làm việc quần quật từ sáng đến tối trên cánh đồng, trên vườn nhà, trong xó bếp, chuồng cừu… Chỉ cần cô gái nói chuyện với người đàn ông ngoài gia đình, cô ta sẽ bị kết tội là charmuta (con đĩ) và mang nỗi nhục suốt đời.
Khi nhận thức được cuộc sống quanh mình, Souad biết, sinh ra là con gái, điều đó có nghĩa là suốt đời phải cúi đầu vâng lệnh, nghe theo mọi chỉ dẫn, sai khiến của cha, anh em trai và sau này là người chồng.
Sống trong tuổi thơ khiếp hãi và bị ám ảnh về cái chết chỉ vì mình "không có cái ấy giữa hai chân", Souad từng chứng kiến mẹ ruột của mình, vì trót sinh quá nhiều con gái nên những lần vượt cạn sau phải giết ngay đứa con lọt lòng, để chúng không trải qua nỗi tủi hổ khi lớn lên.
Đến độ tuổi vừa chín của người con gái, Souad không thể nào lấy được chồng chỉ vì người chị trước của cô chưa có ai ngỏ lời cầu hồn. Tuyệt vọng, cô tìm mọi cách quyến rũ một người đàn ông với mong mỏi anh ta giải thoát mình khỏi cuộc sống hiện tại. Nhưng kết quả cô gái mười bảy tuổi nhận được là: ba lần bị buộc làm tình trong sợ hãi, một bào thai, bị người tình bỏ rơi và sự trừng phạt "vì danh dự" của dòng tộc.
Jacqueline, một nhân viên của tổ chức nhân đạo Surgir (Thụy Sĩ) vượt qua nhiều khó khăn, nguy hiểm để giải thoát cô gái bị chính gia đình tẩm xăng đốt cho kỳ chết. Souad được đưa ra khỏi Palestine và cô là một trong những nạn nhân ít ỏi còn giữ được mạng sống, dù phải từ bỏ quê hương vĩnh viễn.
Bên cạnh sức hấp dẫn đặc biệt từ thực tế rùng mình áp đặt lên người phụ nữ, Bị thiêu sống còn thu hút độc giả qua giọng văn giản dị, truyền cảm. Những đoạn miêu tả nội tâm của nhân vật lẫn miêu tả phong tục, sinh hoạt, nét văn hóa riêng của một làng quê Ảrập rất sống động, giàu hình ảnh.
Nhà văn Marie Thérèse Cuny, người cộng tác với nhân chứng Souad thực hiện cuốn Bị thiêu sống, nhận xét: "Souad là người phát ngôn cho tất cả phụ nữ trên toàn thế giới là nạn nhân của thứ luật hà khắc do đàn ông đặt ra. Cô chính là vị anh hùng. Tôi rất vinh hạnh là người chấp bút cho cô".
***
Tôi là một đứa con gái, và là con gái thì phải bước nhanh, đầu lúc nào cũng phải cuối xuống đất như thể đang đếm bước. Mắt không được nhìn lên, không được liếc sang phải hay sang trái trên đừờng đi. Vì nếu lỡ để ánh mắt mình bắt gặp ánh mắt của một người đàn ông thì sẽ bị cả làng gọi là “charmuta[1]”
Nếu để một chị hàng xóm đã có chồng, một cụ già hoặc bất cứ một người nào khác bắt gặp cô gái đi một mình trong hẻm nhỏ, không có mẹ hay chị đi kèm, không dắt cừu, không đội bó rơm hay sọt đựng quả vả thì cũng bị gọi là “charmuta”.
Con gái phải có chồng mới được phép nhìn thẳng về phía trước, mới được phép bước vào hàng quán, mới được phép tự nhổ lông và đeo nữ nữ trang.
Khi bước sang tuổi mười bốn mà chưa có chồng như mẹ tôi thì người con gái bắt đầu bị cả làng chế nhạo. Nhưng muốn được lấy chồng thì phải đợi đến lượt mình. Chị cả trong nhà lấy trước, sau đó mới tuần tự đến các cô em.
Trong nhà bố tôi có quá nhiều con gái, bốn đứa lớn đều đến tuổi lấy chồng. Ngoài ra còn có hai đứa em gái cùng cha khác mẹ do bà vợ hai của cha tôi sinh ra. Chúng vẫn còn nhỏ. Đứa con trai duy nhất trong gia đình mà ai cũng yêu quí là thằng Assad đã chào đời trong vinh quang giữa bấy nhiêu đứa con gái, nó là đứa thứ tư trong nhà. Tôi là đứa thứ ba. Cha tôi (ông tên là Adnan) vẫn tỏ ý không bằng lòng với mẹ tôi (bà tên Leila) bởi bà đã sinh cho ông quá nhiều con gái. Ông cũng không ưa bà vợ hai Aicha, vì bà này đẻ toàn con gái.
Noura, chị cả tôi lấy chồng muộn, lúc tôi khoảng mười lăm tuổi. Chị thứ Kainat thì chẳng được người đàn ông nào hỏi đến.Tôi có nghe nói có người gặp cha tôi để dạm hỏi tôi nhưng tôi còn phải đợi chị Kainat đi lấy chồng thì mới dám nghĩ đến chuyện cưới xin của mình. Nhưng chị Kainat có lẽ không có nhan sắc mấy hoặc giả chị làm việc gì cũng chậm chạp….Tôi không rõ tại sao chị không được ai hỏi đến nhưng nếu chị ế chồng và trở thành gái già thì chị sẽ bị cả làng chế giễu và tôi cũng sẽ bị như vậy.
Từ ngày đầu óc tôi ghi nhớ được sự việc, tôi nhận ra mình chưa một lần được sung sướng, được chơi đùa. Sinh ra là con gái trong làng tôi là một điều bất hạnh. Niềm mơ ước tự do duy nhất là lấy chồng. Rời nhà cha mẹ đẻ để về nhà chồng và không bao giờ được phép quay lại dù có bị chồng đánh đập. Con gái có chồng mà trở về nhà cha mẹ là một điều sỉ nhục. Cũng không được phép xin một nhà nào khác che chở.Gia đình người con gái có nghĩa vụ đưa con gái trở lại nhà chồng.
Chị cả tôi bị chồng đánh đập dám quay về thở than khóc lóc khiến cả nhà tôi mang nhục.
Có được một tấm chồng là cái may của chị. Tôi vẫn mơ ước được như thế.
Từ hôm nghe có người đến gặp cha tôi xin cưới tôi, tôi đâm ra vừa tò mò vừa bồn chồn. Tôi biết anh ấy chỉ cách nhà tôi ba bốn bước chân. Thỉnh thoảng khi lên sân thượng phơi quần áo tôi vẫn thoáng thấy anh. Tôi biết anh có một chiếc ôtô, mặc âu phục, tay lúc nào cũng xách cái cặp nhỏ đựng giáy tờ và anh làm việc ngoài thành phố, một công việc khá tốt vì anh không bao giờ ăn mặc như công nhân mà luôn luôn chỉnh tề, sang trọng. Tôi rất muốn được nhìn mặt anh rõ hơn nhưng lại sợ bị gia đình bắt gặp tôi đang ngóng anh. Vì thế, khi đi lấy rơm cho một con cừu ốm ở ngoài chuồng, tôi bước thật nhanh trên đường với hy vọng nhìn thấy anh gần hơn. Nhưng anh lại đỗ xe xa quá. Nhờ quan sát, tôi đại khái biết được mấy giờ anh đi làm. Bảy giờ sáng, tôi giả vờ lên sân thượng thu quần áo hay nhặt một quả vả chín hoặc giũ tấm chăn để được, trong một thoáng chốc không đầy một phút, nhìn thấy anh bứơc lên ôtô đi làm. Tôi phải thật nhanh để không ai chú ý.
Tôi lên cầu thang, băng qua mấy gian phòng để ra tới sân thượng, vừa cầm một tấm thảm giũ mạnh vừa đưa mắt nhìn qua bức tường xi măng, liếc nhẹ sang phải. Từ xa nếu có ai trông thấy cũng không thể ngờ là tôi đang ngó xuống đường.
Thỉnh thoảng tôi cũng có đủ thời gian nhìn thấy anh. Tôi đâm ra phải lòng anh cùng chiếc ôtô của anh! Đứng trên sân thượng, tôi tưởng tượng ra khối chuyện: tôi kết hôn với anh và như hôm nay, tôi nhìn theo chiếc ôtô cho đến khi khuất bóng nhưng đến chiều, khi mặt trời lặn, anh sẽ trở về từ nơi làm việc. Tôi sẽ cởi giày cho anh và tôi sẽ quì xuống lau chân cho anh như mẹ tôi vẫn thường làm cho cha tôi. Tôi sẽ pha trà mời anh, sẽ nhìn anh ngồi oai vệ như một ông vua phì phà chiếc tẩu dài ngay trước cửa nhà. Tôi sẽ là một phụ nữ có chồng!
Và thậm chí tôi có thể trang điểm, dạo phố mua hàng, cùng chồng ngồi vào xe và lên thành phố. Tôi sẵn sàng chịu đựng mọi điều tệ hại nhất, miễn là khi nào thấy muốn, tôi được tự do một mình bước qua cánh cửa kia để đi mua bánh mì!
Nhưng tôi sẽ không bao giờ là một “charmuta”. Tôi sẽ không nhìn những người đàn ông khác, tôi sẽ tiếp tục bước nhanh, giữ người thẳng, vẻ kiêu hãnh, nhưng không đếm bước, mắt vẫn nhìn xuống và cả làng không ai còn có thể nói xấu tôi bởi lẽ tôi đã có chồng.
Câu chuyện kinh khủng của tôi bắt đầu ngay trên cái sân thượng ấy. Tôi đã nhiều tuổi hơn chị cả tôi nếu so với ngày chị ấy lấy chồng, và tôi đã hy vọng để rồi thất vọng.
Dạo ấy tôi khoảng mưới tám tuổi hay hơn. Tôi cũng không biết nữa. Ký ức tôi đã tan thành mây khói ngay hôm hoả hình ập xuống đầu tôi.
Chú thích
[1] Charmuta (Tiếng Ả Rập): Đồ lăng loàn, con đĩ.
…
Mời các bạn đón đọc Bị Thiêu Sống của tác giả Souad.