Trong khi hầu hết tiểu thuyết tình báo ở nước ta đều dựa vào một nguyên mẫu có thật: “Ông cố vấn” của Hữu Mai có nguyên mẫu là điệp viên huyền thoại Vũ Ngọc Nhạ; “Tiếng nổ trên chiến hạm Amyot D’inville” của Văn Phan đi từ câu chuyện của Anh hùng liệt nữ Nguyễn Thị Lợi; “Ông tướng tình báo với hai bà vợ” của Nguyễn Trần Thiết cũng là câu chuyện hoàn toàn có thật… thì “Sao đen” của Triệu Huấn lại có “nguyên mẫu” từ… “nhiều trong một” hư cấu mà thành.
Ngay sau khi xuất hiện, (năm 1986) tiểu thuyết tình báo (TTTB) “Sao đen” (sau thành tên của cả bộ sách) của nhà văn Triệu Huấn đã gây được hiệu ứng nồng nhiệt với độc giả. Số lượng in hơn 200.000 bản mà nhiều người vẫn phải mua sách “chợ đen”. “Ly hương” (tập 2) cũng có số lượng không kém. “Cái tẩu” (tập 3), “Những người đến muộn” (tập 4) và “Vũ điệu thoát y” (tập 5) in vào thời điểm TTTB đã qua thời hoàng kim mà vẫn ở mức 30.000 bản… Cho đến nay, cả 5 tập đều đã được NXB CAND tái bản nhiều lần. Những con số lặng lẽ khiêm nhường mà có sức lan tỏa khi phần nào nói được sức hấp dẫn của “Sao đen”.
Văn học là nhân học! “Sao đen” đã có cái kết nhân bản và hòa hợp, bởi tác giả có quan điểm rõ ràng: cần phải kết thúc đau thương và bớt tranh chấp, vì cuộc chiến 30 năm nhưng lại nhỏ bé so với chiều dài lịch sử dân tộc, nên cần lấy cuộc sống con người với con người làm trọng. Như khi trả lời phỏng vấn một phóng viên nước ngoài, ông cũng nói: “Quá khứ nên khép lại, nhưng không có nghĩa là bỏ và quên nó đi, bởi lịch sử là bất biến!”.
***
Vừa hành quân từ Điện Biên Phủ về Phan Lương nghỉ ngơi được vài ngày thì đồng chí đại đội trưởng gọi tôi lên gặp riêng. Anh nói:
- Cấp trên có lệnh điều cậu đi nhận công tác mới. Mình cũng chưa biết nội dung công việc, nhưng mình cứ chúc cậu gặp nhiều may mắn. Chỉ có điều là cả trung đoàn ta trên chỉ gọi mình cậu, do đó cậu cũng không nên nói rộng chuyện này cho ai. Chia tay anh em thì cậu cứ nói ra được chuyển sang đơn vị khác.
Việc điều động quả bất ngờ với tôi. Thật tình tôi luôn luôn bị ám ảnh về thành phần giai cấp của của mình, khó mà có thể nhận được một sự tín nhiệm lớn lao. Tôi biết có một số con em địa chủ lúc đó buộc phải rời khỏi quân đội. Một số tuy là rất ít có vấn đề đối với nông dân được trả về địa phương để đối chứng với cuộc đấu tranh giai cấp. Phải chăng tôi cũng thuộc loại này? Tôi thấy tâm hồn mình u tối lại. Nhưng rồi lý trí cũng đánh thức tôi. Khi ở nhà tôi hãy còn trẻ đã làm nên tội lỗi gì. Hơn nữa vùng quê tôi còn trong địch hậu, chưa có cải cách ruộng đất. Như vậy làm gì có chuyện nông dân đòi tôi về. Thế là tôi lại yên tâm vui vẻ lên đường.
Tôi nhớ mãi hôm chia tay đồng đội. Anh em nhìn tôi lưu luyến, nhưng cũng có những cặp mắt chứa đựng những dấu hỏi im lặnng. Đã vào sinh ra tử với nhau ngoài mặt trận, đã chân thành với nhau trong chỉnh quân chính trị thì mối thiện cảm với nhau cũng đã được xây dựng bền vững. Chúng tôi ôm nhau xúc động. Tôi ra đi một mình không ai đưa tiễn. Chỉ khi lên đến Phòng chính trị sư đoàn đồng chí trợ lý cán bộ mới đưa cho tôi giấy tờ và một bức thư nhỏ. Tôi mở ra đọc vội. Bức thư chỉ vẻn vẹn có mấy dòng:
Cháu Phan Quang Nghĩa.
Mẹ cháu ốm. Cậu xin phép cho cháu về thăm, tiện chuyến về Khu Ba công tác. Cậu chờ cháu ở xóm Trung xã Hoàng Văn Thụ, Đại Từ - Thái Nguyên. Cháu phải thu xếp nhanh, cậu sợ không kịp.
Cậu của cháu - Nguyễn Hữu Đức
11 tháng 6 năm 1954
Thì ra câu chuyện chỉ có thế. Tôi vừa mừng vừa lo cho mẹ tôi. Không hiểu tại sao cậu Đức lại biết tôi hành quân về mà xin cấp trên cho tôi nghỉ phép. Câu chuyện đơn giản thế mà đại đội lại không thông báo cho tôi rõ ràng? Tại sao tôi lại phải mang toàn bộ tư trang và tấm giấy phép lại kèm theo cả giấy chuyển cung cấp về P.46? Khi tôi chưa thể lý giải được những sự kiện trên thì ký ức về người cậu họ lại dần dần tái hiện trong tôi lọc qua những lớp bụi thời gian mờ ảo.
Cậu Đức là em họ xa của mẹ tôi. Là người có học hành đỗ đạt nên cậu nổi bật trong số những người thân bên ngoại. Quê mẹ tôi ở xa nên từ nhỏ tôi chỉ về thăm vài lần và cũng chưa được gặp cậu. Nhưng lần nào về tôi cũng được nghe họ hàng nói về cậu. Mười hai tuổi đầu cậu đã học xong những bộ sách chữ nho Luận ngữ, Mạnh Tử, Đại học, Trung Dung… dày cộp mà nhiều người khác sôi kinh nấu sử từ thuở thiếu thời tới lúc vợ con đàn đống mà vẫn chưa thông hiểu chữ nghĩa của Thánh hiền. Gia đình thấy cậu sáng dạ và cái chữ Nho cũng đến thời mạt vận nên quyết định cho cậu theo tân học. Nhà ông bà nghèo nhưng cả họ xúm vào giúp đỡ, cậu được ra tỉnh theo việc đèn sách và cậu đã không phụ lòng cha mẹ. Tám năm sau cậu kiếm được cái bằng "đíp-lôm", làm rạng danh tổ tông làng xóm. Cậu không tiếp tục học nữa mà đi kiếm việc làm. Nhưng hình như cậu cũng không gặp may vì tuy chí thú như vậy cậu cũng chẳng đưa được đồng nào về nuôi dưỡng mẹ cha, đền ơn họ mạc. Năm 1944 không còn ai gặp cậu. Người đồn cậu bị vào tù, người nói cậu trốn đi Xiêm. Năm 1945 cách mạng thành công mọi người mới vỡ lẽ là cậu theo Việt Minh lên chiến khu hoạt động. Tôi đã tưởng tượng ra cậu và luôn luôn tự hào qua những giai thoại về cậu được bà con kể lại. Mãi tới sau ngày kháng chiến toàn quốc, trong một lần đi công tác cậu mới tạt qua thăm gia đình chúng tôi. Tôi được nhìn cậu lần đần trong bộ ka ki màu vàng của Vệ quốc quân, một khẩu súng ngắn đeo lệch bên sườn, một chiếc thắt lưng tổ ong to bản "rất đúng mốt" vào những năm 47, 48. Mẹ tôi rất kiêu hãnh về người em họ của mình, đặc biệt khi cậu ngồi nói chuyện về thời sự đất nước và quốc tế trước đám cử tọa gọi là am hiểu nhất của cánh nội chúng tôi. Tôi thấv trái tim mình tràn đầy lòng yêu nước, và nếu như lúc này người ta chấp nhận cho tôi đứng dưới lá Quân kỳ thì tôi sẽ không bao giờ lùi bước trong những trận đánh đầu rơi máu chảy. Đêm hôm đó hai cậu cháu tôi nói chuyện với nhau đến khuya. Tôi ngỏ ý xin đi theo cậu nhưng cậu chê tôi còn nhỏ quá. Cậu khuyên tôi cố gắng học hành, sớm muộn nguyên vọng của tôi sẽ được thực hiện. Từ đó thỉnh thoảng tôi có thư từ qua lại với cậu theo nhiều địa chỉ.
…
Mời các bạn đón đọc Sao Đen của tác giả Triệu Huấn.