Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Những Người Vay Mượn Tí Hon - Mary Norton

Biết bao câu chuyện về người tí hon đã từng làm say đắm cả thế giới. Nhưng chẳng phải ai cũng biết rằng họ thực sự tồn tại. Và trong câu chuyện này họ lại là những người vay mượn sinh sống bên dưới thế giới con người.

Bên dưới sàn nhà căn bếp của một tòa lâu đài cổ có gia đình Clock tí hon, gồm ông Pod, bà Homily và con gái họ, Arrietty. Hễ cần cái gì, ông Pod chỉ việc lên “mượn” con người. Nhưng chỉ mình ông được ngao du lên trên, bởi luôn còn đó nguy cơ người vay mượn bị “nhìn thấy” và không thể trở về nhà. Cuộc sống của nhà Clock dễ dàng, nhưng lại quá buồn tẻ với một đứa trẻ như Arrietty. Cô chỉ có thể nhìn trời xanh qua ô lưới sắt, hít thở từ khe ván gỗ, lủi thủi chơi một mình. Arrietty đang vô cùng khao khát được kết bạn Trong khi ở trên kia có mây rợp bay, cây cối mát rượi, những cánh đồng hoa bát ngát. Và có cả một cậu bé tốt bụng…

***

Bà May là người đầu tiên kể cho tôi nghe về họ. Không, không phải tôi. Sao có thể là tôi - một con bé ngông cuồng, bừa bộn, bướng bỉnh, lúc nào cũng nhìn chằm chằm với cặp mắt tức giận, lại còn bị nói là có thói nghiến răng? Kate, cô bé thực ra nên được gọi như vậy. Phải, đúng thế - Kate. Dù sao đi nữa thì cái tên đó cũng chẳng quan trọng lắm: cô bé gần như không xuất hiện trong câu chuyện.

Bà May sống tại hai căn phòng trong ngôi nhà của bố mẹ Kate ở London; bà ấy, theo tôi nghĩ, là họ hàng gì đó. Phòng ngủ của bà ở tầng hai, còn phòng khách của bà là cái nơi trong ngôi nhà được gọi là “phòng ăn sáng”. Thường thì các phòng ăn sáng đều khá ổn vào buổi sáng khi ánh mặt trời ùa vào trên bánh mì nướng và trên mứt, nhưng đến buổi chiều chúng lại có vẻ như tan biến đi đôi chút và chìm trong một thứ ánh sáng bạc kỳ lạ, buổi chạng vạng riêng của chúng; khi đó chúng chứa đựng một kiểu buồn riêng, nhưng hồi Kate còn nhỏ thì đó lại là kiểu buồn mà cô bé thích. Cô bé thường lẻn vào phòng bà May ngay trước giờ uống trà chiều và bà May thường dạy cô đan lát.

Bà May đã già, các khớp xương của bà đã bị tê cứng, và bà không hẳn nghiêm khắc mà thay vào đó bà có sự vững vàng bên trong. Kate không bao giờ “ngông cuồng” với bà May, cũng không bừa bộn, không bướng bỉnh; còn bà May thì dạy cho cô bé nhiều thứ ngoài đan lát: cách quấn len thành một trái bóng hình quả trứng; cách dọn dẹp ngăn kéo và cách phủ, như một lời ban phước, một tấm giấy lụa sột soạt lên trên đồ đạc để chống bụi.

“Sao im hơi lặng tiếng thế, cô bé?” một hôm bà May hỏi, trong khi Kate đang ngồi khom lưng im lặng trên chiếc gối quỳ. “Cháu sao vậy? Mất lưỡi rồi à?”

“Không ạ,” Kate vừa nói vừa kéo nút giày, “cháu bị mất que đan rồi.” Họ đang đan một chiếc chăn trải giường ghép bằng các ô vuông nhỏ bằng len: vẫn còn phải đan ba mươi ô vuông nữa. “Cháu biết mình để nó ở đâu,” cô bé hấp tấp nói tiếp, “cháu đã để nó ở ngăn dưới cùng trên giá sách ngay cạnh giường cháu.”

“Ở ngăn dưới cùng ư?” bà May nhắc lại, cây kim của bà vẫn vẩy đều trong ánh lửa. “Gần sàn nhà à?”

“Vâng,” Kate nói, “nhưng cháu tìm trên sàn nhà rồi. Dưới cái thảm. Khắp mọi nơi. Len thì vẫn còn đó. Đúng chỗ cháu đã để.”

“Ôi trời,” bà May khẽ thốt lên, “đừng nói là họ cũng ở trong ngôi nhà này đấy chứ!”

“Ai cơ ạ?” Kate hỏi.

“Những Người Vay Mượn,” bà May nói, và trong ánh sáng chập chờn bà trông như đang mỉm cười.

Kate nhìn chằm chằm hơi sợ hãi. “Có những thứ như thế ư?” cô bé hỏi sau giây lát.

“Như gì nào?”

“Như là người, loại người khác, sống trong một ngôi nhà và… mượn đồ đạc?”

Bà May đặt miếng đan xuống. “Cháu nghĩ sao?” bà hỏi.

“Cháu không biết,” Kate vừa nói vừa giật mạnh nút giày. “Không thể có những người như thế được. Nhưng vẫn có,” cô bé ngẩng đầu lên, “… vẫn có những lúc cháu nghĩ chắc chắn là có.”

“Tại sao cháu lại nghĩ chắc chắn là có?” bà May hỏi.

“Vì tất cả những thứ đã biến mất. Kim băng chẳng hạn. Các nhà máy cứ tiếp tục sản xuất kim băng, và hàng ngày người ta cứ tiếp tục mua kim băng ấy thế nhưng chẳng hiểu sao cứ đến lúc ta cần thì lại không có chiếc kim băng nào hết. Chúng đâu cả rồi? Bây giờ, ngay đúng phút này? Chúng đi đâu kia chứ? Chẳng hạn như những cái kim,” cô bé nói tiếp, “Tất cả những cái kim mẹ cháu từng mua - phải đến hàng trăm cái - không thể nào chỉ nằm lăn lóc trong ngôi nhà này.”

“Không nằm lăn lóc trong nhà, không,” bà May đồng ý.

“Và tất cả các đồ vật khác mà chúng ta vẫn mua hết lần này đến lần khác nữa. Nữa, nữa và nữa. Như bút chì rồi hộp diêm rồi xi gắn rồi kẹp tóc rồi đinh ghim rồi cái đê…”

“Và kim kẹp mũ,” bà May chen vào, “và giấy thấm.”

“Vâng, giấy thấm,” Kate đồng ý, “nhưng không có kim kẹp mũ.”

“Điều đó thì cháu nhầm rồi,” bà May nói, và bà lại tiếp tục đan. “Có một lý do cho kim kẹp mũ.”


Mời các bạn đón đọc Những Người Vay Mượn Tí Hon của tác giả Mary Norton.