Hai Mươi Năm Sau là tập thứ hai trong thiên tiểu thuyết lịch sử gồm: “Ba Người Lính Ngự Lâm”, “Hai Mươi Năm Sau” và “Tử Tước De Bragelonne” (hay Mười Năm Sau Nữa).
Hai Mươi Năm Sau diễn ra trong hoàn cảnh lịch sử nước Pháp những năm 1648 - 1649 khi mà các nhân vật của tập truyện thứ nhất đã thêm hai mươi tuổi đời. Lúc ấy, Giáo Chủ Tể Tướng De Richelieu và Vua Luis XIII đã chết, Vua Louis XIV nối ngôi mới có mười tuổi. Hoàng Hậu Anne D'Autriche làm nhiếp chính và đưa người tình của mình là Giáo Chủ Mazarin gốc Ý lên làm Tể Tướng.
Tính tham lam, biển lận, xảo quyệt và những sự bóc lột tàn tệ của Mazarin cùng những hành vi chuyên quyền độc đoán của triều đình đã dấy lên lòng căm phẫn cao độ trong nhân dân và cả trong lớp Hoàng Thân, quý tộc bị chèn ép, khủng bố.
Thời gian ấy giai cấp tư sản ở Châu Âu đã hình thành và phát triển, bắt đầu bộc lộ những mâu thuẫn gay gắt với giai cấp phong kiến thống trị triều đình của nó. Ở nước Anh, một nước công nghiệp phát triển sớm và mạnh, cuộc cách mạng dân chủ tư sản do Olivier Cromwell lãnh đạo rồi lôi kéo được Nghị Viện và quân đội chống lại Vua Charles I, lật đổ vương quyền và tuyên bố nền cộng hòa, gây ảnh hưởng vang dội đến tình hình các nước Châu Âu, đặc biệt là Pháp. Tại Pháp, những tầng lớp tư sản giành được sự đồng tình của Nghị Viện và một số nhà quý tộc lại được nhiều tầng lớp nhân dân, nhất là thị dân ủng hộ, đã lập ra phong trào La Fronde chống lại Mazarin và triều đình, gây lên những cuộc bạo loạn và dựng những luỹ chiến đấu nổi tiếng ở giữa Paris, buộc triều đình phải trốn khỏi kinh đô và đàm phán.
Trong bối cảnh lịch sử rối ren và sôi động ấy, Alexandre Dumas đưa các chàng ngự lâm quân quen thuộc của chúng ta trở lại sân khấu chính trị - xã hội. D'Artagnan và Porthos phục vụ trong ngự lâm quân trực tiếp dưới quyền của Tể Tướng và Hoàng Hậu, còn Arthos và Aramis bí mật tham gia phong trào La Fronde. Những cuộc chạm trán bất ngờ và đọ kiếm nảy lửa giữa bốn người bạn tâm đắc thuộc hai phe đối lập tưởng như sẽ làm tan vỡ tình bằng hữu, trái lại lại đi đến củng cố tình bạn keo sơn sống chết có nhau. Vì bản chất của bốn con người ấy vẫn là trong sáng, nhân hậu, thủy chung, cùng yêu mến và căm ghét giống nhau, vì nghĩa lớn và tình riêng mà hành động, dù đường đi có khác nhau.
Tính cách của nhân vật được khắc họa trên các bối cảnh lịch sử đang trở dạ, sôi sục những cuộc bạo động và khủng bố, những cuộc đấu tranh giai cấp giữa chủ nghĩa tư bản đang lên và chế độ phong kiến đang suy tàn.
Hoạt động của các chàng ngự lâm quân trong bộ truyện này gắn bó hơn với những sự kiện lịch sử và có thể nói, tham gia trực tiếp vào đó. Cái chất sôi nổi, lãng mạn, hùng tráng của họ trước kia phát triển thành sâu sắc, chín chắn và thực tế hơn, còn mang tính hiện thực đậm đà. Dù ở phe bên này hay phe bên kia, họ đều nhìn thấy sự thối nát của triều đình, bản chất xấu xa ti tiện của Tể Tướng, tính độc đoán, tàn bạo và bạc bẽo của Hoàng Hậu, sự suy vong của các vương triều, sự lợi dụng của những kẻ cầm đầu tranh thủ nhân dân để phục vụ lợi ích của chính mình. Qua lời nói của các chàng ngự lâm quân, tác giả đã nhận xét:
“Ở Pháp lúc này mọi thứ đều tồi tàn nhỏ mọn. Chúng ta có một ông Vua mười tuổi chưa hiểu mình muốn gì. Chúng ta có một Hoàng Hậu mà nỗi đam mê muộn mằn khiến trở thành mù quáng. Chúng ta có một Tể Tướng cai trị nước Pháp như cai quản một trang trại lớn, nghĩa là bận tâm xem ở đó vàng có mọc lên được không khi cày bừa nó bằng âm mưu và thói xảo quyệt Ý. Chúng ta có những Ông Hoàng gây sự chống đối có tính cách cá nhân và ích kỷ chẳng đi tới đâu ngoài việc moi từ tay Mazarin mấy thỏi vàng và vài mảnh quyền thế”.
“Còn nhân dân thì sao?… Tội nghiêp cho những con người kia! Họ tiến ra chỗ chết để người ta trả lại đất Sedan cho ông De Bouillon, để người ta ban quyền tập chức đô đốc cho ông De Beaufort, và để ngài Chủ Giáo được phong làm Giáo Chủ!”
“Dân chúng không kêu ca gì cho các vị Hoàng Thân, mà lại nổi dậy vì Broussel chính vì đây là một người thuộc tầng lớp bình dân, và bảo vệ Broussel, dân chúng cảm thấy một cách tự nhiên rằng họ bảo vệ chính mình”.
Sức mạnh của quần chúng nhân dân khi đã vùng lên là cơn bão táp ghê gớm, thậm chí chỉ một gã trùm ăn mày mà “Chẳng ai hồ nghi rằng hai bàn tay của hắn vừa mới giúp kéo ra khỏi tòa kiến trúc xã hội hòn đá nền tảng của vương quyền”.
Với thái độ thiện cảm, tác giả nhìn Olivier Cromwell như “một thủ lĩnh tài ba và vững vàng, kiên quyết chống lại một vương triều thối rữa và mọt ruỗng, nó sắp sụp đổ một sớm một chiều như một túp lều cũ nát”.
Viết tiếp “Hai Mươi Năm Sau”, A. Dumas chứng tỏ ngòi bút khỏe khoắn, linh hoạt và sức tưởng tượng dồi dào, phong phú của mình. Vẫn những chàng ngự lâm kia nay đã sang tuổi trung niên, rất ít những chuyện đấu kiếm hoặc yêu đương, tập truyện vẫn hấp dẫn người đọc bằng sự kiện, những tình tiết luôn luôn bất ngờ, lý thú và hồi hộp, bằng hơi văn sinh động, tự nhiên, pha chút châm biếm mỉa mai. Tính cách mỗi nhân vật đều độc đáo, phát triển lôgích và đậm nét.
D'Artagnan suốt hai chục năm ròng chỉ là một anh trung úy ngự lâm bị lãng quên, bạc đãi, vẫn là con người vừa trung hậu, tận tâm, vừa thực tế sắc sảo, bằng tài trí và mưu lược của mình nổi bật lên như một ngôi sao sáng mà bao kẻ quyền cao chức trọng khó bề sánh kịp.
Arthos mà lòng nhân ái và cao thượng đã thành truyền thuyết suốt đời, không màng danh lợi, không quản hy sinh, đến mức cứu cả kẻ tử thù và suýt mất mạng vì nó. Tuy nhiên mối tình bất ngờ và ngắn ngủi với bà Công Tước cải trang trên đường đi trốn, mang tính người hơn và tình phụ tử với đứa con chung - Tử Tước De Bragelonne - đã giải thoát anh khỏi nỗi thất vọng nặng nề của mối tình đầu thuở hoa niên bị đầu độc.
Aramis, con người khi là lính ngự lâm thì luôn luôn mơ ước được khoác áo Tu Viện Trưởng, nhưng khi đã trở thành Tu Viện Trưởng lại mang tính ngự lâm hơn bao giờ hết, vẫn thể hiện đúng bản chất nhất quán của mình và tự anh đã vạch trần những mặt trái nực cười của các tu viện và giáo chức.
Vẫn đáng yêu với tính huênh hoang chất phác nhưng bộc tuệch và chân thành của mình, chàng hộ pháp Porthos là một nét tương phản đặc sắc bổ sung cho hình tượng các chàng ngự lâm quân.
Mordount, đứa con trai sống sót của Milady, bước vào truyện với chí báo thù cho mẹ quyết liệt và dai dẳng như chính Milady hiện thân, là một bóng ma, một định mệnh luôn luôn đeo đẳng, ám ảnh, hãm hại các chàng ngự lâm quân và trở thành một đối tượng ghê gớm gây nên biết bao tai họa, biết bao tình huống gay go khốc liệt cho những địch thủ của mình, mang đầy kịch tính xuyên suốt cả cuốn truyện.
Những sự biến cách mạng ở Pháp và Anh thời bấy giờ thường sơ lược và khô khan trên các trang sử ký đã sống dậy dưới ngòi bút tài tình của A. Dumas, với những quang cảnh, những con người, những tình tiết sinh động, linh hoạt, sôi nổi của những cuộc nổi dậy, những cuộc chinh chiến, những cuộc đấu tranh phức tạp, một mặt phơi bày tính chất phản động, xảo quyệt và ngoan cố của giai cấp thống tri, mặt khác làm nổi bật khí thế dũng mãnh, hào hùng, hình ảnh cao đep của quần chúng cách mạng, nó như những cơn bão táp đầu tiên trong lịch sử làm rung chuyển nền móng của các ngai vàng và của mọi chế độ bóc lột. Rất thú vị là giống như trong nhiều tác phẩm của Victo Hugo, những cơn bão táp ấy làm thức dậy và lôi cuốn theo cả vào làn sóng cách mạng những tầng lớp “cặn bã” của xã hội, “những thằng nhóc Paris” đáng yêu và những đội quân hành khất bí hiểm và kỳ lạ.
Đọc “Hai Mươi Năm Sau” chúng ta càng yêu mến các chàng ngự lâm và bùi ngùi cho số phận của họ, số phận của những con người. Cuộc đời của họ rồi sẽ ra sao? Họ vẫn gắn bó với lịch sử, sẽ sống với lịch sử, và cuốn hút chúng ta trong tập truyện cuối cùng “Tử Tước De Bragelonne”.
***
Dumas Davy De La Pailleterie (sau này là Alexandre Dumas) sinh năm 1802 tại Villers Cotterêts trong khu Aisne, ở Picardy, Pháp. Ông có hai chị gái là Marie Alexandrine (sinh năm 1794) và Louise Alexandrine (1796 - 1797). Cha mẹ ông là bà Marie Louise Élisabeth Labouret, con gái của một chủ nhà trọ và ông Thomas Alexandre Dumas.
Ông Thomas Alexandre được sinh ra tại thuộc địa Saint Domingue của Pháp (nay là Haiti), là con lai ngoài giá thú của Hầu Tước Alexandre Antoine Davy De La Pailleterie, một quý tộc Pháp, Cao Ủy Trưởng về pháo binh trong khu thuộc địa với Marie Cessette Dumas, nữ nô lệ da đen có nguồn gốc từ Afro Caribbean. Không ai biết rõ bà được sinh ra tại Saint Domingue hay ở Châu Phi (dù thực tế bà đã có một tên họ bằng tiếng Pháp nên có lẽ bà là người thiểu số Creole) và cũng không biết rằng cội nguồn của bà là ở đâu.
Được cha đem về Pháp và cậu bé Thomas đã sống tự do một cách hợp pháp tại đây, Thomas Alexandre Dumas Davy theo học một trường quân đội và gia nhập quân ngũ khi còn thiếu niên. Khi trưởng thành, Thomas Alexandre lấy tên của mẹ là Dumas làm họ sau khi cắt đứt quan hệ với cha. Dumas được thăng cấp tướng năm 31 tuổi, người lính đầu tiên có gốc gác Afro Antilles đạt được cấp bậc này trong hàng ngũ quân đội Pháp. Ông đã tham gia trong Chiến Tranh Cách Mạng Pháp. Ông trở thành Tổng Chỉ Huy Trưởng trong Quân Đội Pyrenees, người đàn ông da màu đầu tiên đạt được cấp bậc đó. Dù là một vị tướng dưới trướng của Napoléon Bonaparte trong các chiến dịch ở Ý và Ai Cập nhưng Thomas Dumas không còn được tín nhiệm vào năm 1800 nên đã yêu cầu nghỉ phép để quay về Pháp. Trên đường về, tàu của ông phải dừng lại ở Taranto thuộc Vương quốc Napoli, tại đây ông và những người khác bị giữ làm tù binh. Trong hai năm bị giam giữ, sức khỏe ông đã bị yếu đi. Tại thời điểm Alexandre Dumas được sinh ra, cha ông bị suy kiệt nặng nề. Ông Thomas qua đời vì ung thu năm 1806 khi Alexandre lên 4. Người mẹ góa phụ Marie Louise không đủ sức lo cho việc học hành của con trai nhưng Dumas tập đọc mọi thứ trong khả năng và còn tự học tiếng Tây Ban Nha. Những câu truyện kể của mẹ về lòng dũng cảm của người cha trong các trận đánh đã truyền cảm hứng cho trí tưởng tượng sinh động của cậu bé. Mặc dù trở nên nghèo túng, gia đình vẫn có danh tiếng lỗi lạc của người cha để lại và thứ hạng quý tộc để trợ giúp con cái thăng quan tiến chức. Năm 1822, sau khi triều Bourbon phục hưng, Alexandre Dumas 20 tuổi chuyển đến Paris. Ông đã có được một vị trí trong văn phòng thuộc Cung Điện Hoàng Gia của Công Tước Orléans - Louis Philippe.
Ông lớn lên với sự chăm sóc và giáo dục của mẹ Dumas học hành chểnh mảng, khi học xong ông làm thư ký cho một phòng công chứng, và bắt đầu viết những vở kịch đầu tiên cùng với một người bạn, Tử Tước Adolphe Ribbing De Leuven. Nhưng những tác phẩm đầu tay đó thất bại.
Năm 1823, nhờ viết chữ đẹp, ông được tới làm việc cho Công Tước Orléans với công việc giao gửi hàng ở Paris. Dumas tiếp tục viết kịch và cuối cùng cũng tìm được thành công với vở diễn Henri III và triều đình tại nhà hát Comédie Française, công diễn lần đầu ngày 10 tháng 2 năm 1829. Sự nghiệp văn chương của ông tiếp tục thành công, đặc biệt trong hai thể loại ông ưa thích: Kịch và tiểu thuyết lịch sử.
Alexandre Dumas là một nhà văn có sức sáng tác mạnh mẽ. Ông để lại khoảng 250 tác phẩm, gồm 100 là tiểu thuyết, số còn lại là 91 vở kịch, rồi bút ký, phóng sự, hồi ký. Dumas có cả một đội ngũ cộng sự, đặc biệt là Auguste Maquet, người góp phần vào nhiều thành công của Dumas. Trong những tiểu thuyết của ông, nổi tiếng hơn cả là Ba Người Lính Ngự Lâm, còn được dịch Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ (Trois Mousquetaires) và Bá Tước Monte Cristo (Le Comte de Monte Cristo) năm 1844.
Đương thời, Dumas bị chê trách là người ham ăn, ham chơi. Ông thường xuyên thết đãi thịnh soạn bạn bè, người thân, công chúng hâm mộ, với những bữa tiệc sang trọng khiến ngay cả Paris cũng loá mắt, trầm trồ. Ông còn để lại một công trình đặc biệt: Cuốn Đại Từ Điển Ăn Uống, mà ông muốn được hậu thế coi là đỉnh cao sự nghiệp văn chương của mình. Trong đời mình Dumas kiếm được 18 triệu franc vàng, song ông luôn luôn nợ nần, nhiều lần trốn nợ, thậm chí ra nước ngoài, những năm cuối đời, phải đến tá túc ở nhà con.
Dumas nức tiếng là người thay nhân tình như thay áo. Quả thật, ông cưới vợ chỉ một lần, gia đình này tan vỡ rất nhanh. Ông dan díu với 25 người đàn bà, có nhiều con hoang, mỗi con của một mẹ. Chỉ 3 con được công khai, trong đó con trai, cũng tên Alexandre Dumas, thường được gọi Alexandre Dumas con, trở nên một nhà văn lừng danh. Con gái thứ hai thì cuộc đời lỡ làng, con gái út - mà mẹ cô trẻ hơn Dumas đến gần 40 tuổi - thì chết cô đơn năm 1936 ở một làng quê trong nghèo khổ và không được ai biết đến là con gái cưng của một trong những vĩ nhân của nước Pháp. Mãi gần đây, người ta mới vỡ lẽ rằng Dumas đến với nhiều phụ nữ là do thương họ. Ông đồng thời chu cấp tiền nong đầy đủ cho vài người.
Alexandre Dumas Dumas là người hết sức quý trọng tình bạn. Trừ Balzac và Musset, các nhà văn cùng thời đều chơi với ông, thân nhất là Victor Hugo, người đã đánh giá chính xác vai trò của ông ngay khi ông qua đời. Hugo viết: “Trong thế kỷ này, không ai được dân chúng yêu mến sâu rộng và thắm thiết bằng Alexandre Dumas. Các thành công của ông đều tầm cỡ hơn thành công nói chung nhiều. Đó là những đại thắng lợi. Đó là những ngọn đèn pha”. Ông cũng là người đại lượng, năm 1831, do ghen tức với thành công của vở Antony của ông, Hugo cho người viết báo chê bai. Hai người giận nhau. Song năm 1834, ông chủ động giảng hòa.
Để hoàn toàn chủ động trong hoạt động sân khấu, ông bỏ ra một món tiền lớn để xây dựng Nhà Hát Kịch Lịch Sử của riêng ông. Khán giả rất nồng nhiệt, song không bù đắp nổi chi phí bỏ ra, nên cuối cùng nhà hát đóng cửa. Từ năm 1848, ông đã ra tờ báo đầu tiên. Sau đó, ông còn ra nhiều tờ báo nữa. Nhưng do quản lý kém, bị kiểm duyệt gây khó dễ, các tờ báo ấy tồn tại không bền, và ngốn của ông rất nhiều công sức và tiền bạc.
Ông cũng hai lần ứng cử vào Nghị Viện đều thất bại, ứng cử vào Hội Quốc Ước thì chỉ được 261 phiếu, trong khi các đối thủ được 220.000, rồi phải sang Bỉ lưu vong năm 1851, sau cuộc đảo chính của Napoléon III.
Ông mất năm 1870 ở Puys, vùng Dieppe. Thi hài của ông được chuyển về Điện Panthéon năm 2002, bất chấp ý nguyện cuối đời của ông: “Trở về bóng đêm của tương lai cùng nơi tôi ra đời” (rentrer dans la nuit de l'avenir au même endroit que je suis sorti De La vie du passé), “nơi một nghĩa địa đẹp (Villers Cotterêts) trong mùi hoa của rào quanh…” (dans ce charmant cimetière qui a bien plus l'air d'un enclos de fleurs où faire jouer les enfants que d'un champ funèbre à faire coucher les cadavres)
• Các Tác Phẩm