Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Dòng Sông Tuổi Dại - George Eliot

Từ nhiều thế hệ nay, gia đình Tulliver sống tại cối xay gió Dorlcote. Chính vì vậy mà cuộc sống của ông chủ cối xay trôi đi bình an hệt như dòng sông nhỏ bao quanh cối xay gió, nơi Tom và em gái Maggie của cậu thả mồi câu cá bình an vô sự. Nhưng thói thường, các tuyệt tác thì không chỉ xây lên những nhân vật mà không có sóng gió ba đào, và trong cuốn tiểu thuyết này cũng vậy, câu chuyện an bình dần dần bị xô vào thảm kịch. Một vụ kiện do ông Tulliver đưa ra nhằm ngăn cản sự tưới tiêu sẽ khiến dòng sông bị đổi dòng chảy, dẫn đến sự hủy hoại và sẽ buộc phải bán cối xay gió, đã bị thua. Khoảng thời gian ngây thơ bị gián đoạn một cách bất ngờ và dữ dội, kể từ đây Tom phải tái lập lại danh dự của gia đình và lo mọi nhu cầu thiết yếu cho các thành viên.

Maggie, một thiếu nữ có óc tưởng tượng vô bờ bến, bốc đồng và đầy đam mê. Cô bé rất cần sự trìu mến mà cô luôn nhận được từ cha mình nhưng anh trai Tom lại từ chối không cho cô điều ấy. Hai đứa trẻ nhà Tulliver rất khác nhau về mặt thể hình cũng như trí thông minh. Nhưng Tom là con trai, vậy nên anh sẽ được học tiếng la tinh và toán, những môn mà Tom chẳng có tham vọng gì lớn, kết quả do vậy cũng chẳng cao gì. Là con trai quả có nhiều ưu đãi hơn, nhất là luôn nhận được tiền bỏ túi nhiều hơn. Tom học cùng với Philippe Wakem, nhưng họ không phải là bạn nhau, ngược hẳn với Maggie, cô đã kết thân với Philippe mà không hề bận tâm đến việc cha của Philippe, một trưởng khế Wakem của thành phố đã có cuộc chiến tranh ngầm với chính chủ cối xay gió Tullivier. Chính do Wakem mà Tulliver khánh kiệt.

Rồi Tom cũng thành đạt trong công việc làm ăn, không phải nhờ học hành của anh mà nhờ những phẩm chất và tính kiên trì đến ám ảnh của mình, cộng thêm sự trợ giúp của người chú. Anh đã trả nợ được cho gia đình mình. Lúc ấy Philippe Wakem tỏ tình với Maggie, cô gái trẻ không phải không biết rằng thứ tình cảm đó sẽ chẳng có tương lai, chiểu theo sự thù hận mà cha và anh trai cô dành cho trưởng khế Wakem.

Maggie là một cô gái đáng yêu, có lẽ không phải là hoàn hảo nhất, nhưng cô biết nhận ra những sai lầm của mình. Maggie tôn thờ anh trai Tom của mình nhưng vẫn e ngại anh bởi tính cương quyết của anh. Những tình cảm thời niên thiếu của Maggie được tác giả miêu tả rất tinh tế. Thiếu nữ đã rất đau khổ vì thấy mình không xinh, không ngoan, không kiên nhẫn và nhất là không cẩn thận. Tại điểm này, Eliot George đưa chúng ta quay về với tình cảm thời trẻ thơ của mình để không coi những phản ứng của trẻ như thể chúng đã là người lớn.

Xuất hiện năm 1860, Dòng sông tuổi dại - The Mill on the Floss là cuốn tiểu thuyết tự truyện của George Eliot. Trong tác phẩm, bà khiến chúng ta sống lại những cảm xúc thời niên thiếu và lồng thứ tình cảm đó vào trong nhân vật Maggie, nữ người hùng nổi loạn không chấp nhận vai trò được gán cho phụ nữ trong thời kỳ trị vì của nữ hoàng Victoria.

Dòng sông tuổi dại được tạp chí Lire của Pháp bình chọn là một trong mười tác phẩm đáng đọc trước khi đến ngày tận thế.

Một tác phẩm đáng đọc, đáng suy ngẫm.

***

Vài nét về tác giả:

George Eliot là bút hiệu của Mary Ann hay Marian Evans, là tiểu thuyết gia, nhà văn tiên phong của thời đại Victoria và nổi tiếng với các tác phẩm The Mill on the Floss, Silas Marner, Romola, Felix Holt, the Radical, Middlemarch, Daniel Deronda. Các tác phẩm của bà phản ánh đời sống trung lưu tại miền nông thôn, liên quan tới thuở thiếu thời và thanh niên của tác giả, mô tả đời sống đơn giản cùng với các cảm xúc, tình cảm và trí hiểu biết của người dân miền quê và người dân tỉnh nhỏ.

Nhà văn George Eliot đã phá vỡ mọi khuôn mẫu bằng những tác phẩm viết về các vấn đề chính trị và xã hội thời bấy giờ. Bà sử dụng bút danh nam George Eliot để đảm bảo các tác phẩm của mình được chú trọng và không muốn bị coi là một nhà văn lãng mạn đơn thuần.

***

BĂNG NGANG MỘT CÁNH ĐỒNG RỘNG LỚN, DÒNG sông Floss trườn mình giữa hai bờ cây cối xanh um, cuồn cuộn mang cả triều lưu xinh xắn, tâm sự cùng biển cả.

Trên mặt nước hùng vĩ đó, những chiếc tàu đen đúa - chở đầy gỗ bạch còn thơm phức, hạt dầu và than đá chiếu ngời - nối đuôi nhau xuôi về St. Ogg’s, một thành phố lớn cổ kính với những mái nhà ngói đỏ có gắn kiếng ở đầu hồi, nhô lên khoảng giữa đồi cây thấp với bến sông, khiến dòng nước biến thành màu đỏ nhẹ nhàng dưới ánh mặt trời tươi dịu của tháng hai. Hai bên thành phố trải dài những mục trường phồn thịnh cùng những cánh đồng nâu thẳm, sẵn sàng tiếp nhận hạt mầm cho mùa kế tiếp chắc chắn sẽ tươi xanh, hoặc đang phe phẩy của mùa bắp sắp tới vào tháng tám. Rải rác đây kia là những đụn rơm vàng ối còn lại của năm qua, người ta có cảm tưởng dường như những con tàu trên sông muốn vươn cột buồm nâu của chúng tới tận những cành cây nhô hẳn ra ngoài xa.

Ngay sát những thành phố lâu đời đó, con sông nhánh Ripple ồ ạt đổ vào dòng Floss. Dòng sông nho nhỏ ấy mới đẹp làm sao với những đợt sóng gợn lăn tăn. Đối với tôi, nó là một người bạn đồng hành sống động trong khi tôi lang thang thả dọc theo bờ, lắng nghe tiếng nước thì thầm êm dịu. Tôi nhớ mãi hình ảnh những cây liễu ven sông, tôi nhớ mãi cây cầu đá.

Và đây là nhà máy xay Dorlcote. Lần nào cũng thế, cứ mỗi lúc qua cầu là tôi lại dừng chân đôi ba phút để ngắm nhìn ngôi nhà máy đó, mặc dầu mây báo hiệu sắp mưa và trời đã về chiều. Ngay cả thời kỳ cây cối đều trụi là của tháng Hai sắp đi qua, nhà máy xay Dorlcote cũng vẫn còn giữ được cái dáng vẻ ưa nhìn. Có lẽ cái không khí rét và ẩm ướt trong mưa đã tăng thêm phần duyên dáng cho ngôi nhà trú ngụ, cũng già cỗi không thua gì các cây du, cây dẻ đang làm thành bức chắn ở một phía nhà để che luồng gió bấc. Thủy triều đã dâng cao tại nơi trồng liễu và tràn lên tới tận bờ khoảnh đất rào ở trước nhà.

Nhìn mặt sông căng phồng, nhìn đám cỏ mượt non cùng bụi phấn xanh trong bám vào các thân cây bên dưới những nhánh, cành nâu sậm trơ trụi lá, tôi thấy yêu sự ẩm ướt của tiết trời, tôi thèm được biến thành những con ngỗng trắng đang dìm đầu vào nước giữa những hàng cây liễu, chẳng mãy may chú ý tới cái cảnh sắc khô ráo hơn đôi chút ở bên trên.

Giòng sông chảy siết và tiếng động ầm ầm của nhà máy xay lấn át tất cả mọi âm thanh dường như tăng thêm sự an hòa của cảnh vật. Những tiếng động ầm ỉ và dầu điều đó tạo thành một bức tường âm thanh dày kín, khiến có cảm tưởng như mình đã được hoàn toàn cô lập với thế giới bên ngoài. Rồi tiếng ầm vang như sấm dậy của cổ xe khổng lồ chở đầy hạt về nhà. Người lái xe ngay thật đó chẳng nghĩ gì khác hơn là bữa ăn đang chờ đợi ông ta ở bếp lò, nhưng ông ta vẫn chưa thể nào bàn được ngay vì còn phải lo cho cặp ngựa ăn – hai con vật khỏe mạnh và thuần tính – đang nhìn chủ với ánh mắt trách phiền là tại sao đã quất roi vào lưng chúng lúc đi đường, làm như chúng là loại vật hay ươn ngạnh! Cứ nhìn lúc chúng vươn vai, cố gắng vượt lên dốc cầu thì đủ biết chúng cũng nôn nóng được về mau chẳng thua gì chủ. Hãy nhìn vào những đôi chân to lớn, dầy lông của chúng cứ như muốn vồ lấy từng khoảng đất dài; hãy nhìn sức chịu đựng nhẫn nại nơi cổ chúng, những bắp thịt đùi vồng lên cũng đủ biết chúng đã nổ lực đến dường nào. Tôi vẫn thích nghe chúng hí bên máng bắp chẳng mấy gì nhiều, tôi thích nhìn vồng cổ mượt mồ hôi của chúng khi được tháo gỡ yên cương, tôi cũng thích thú vô cùng khi chúng được tự do chúi mũi vào vũng nước bùn để uống. Bây giờ, chúng đang lao xuống dốc cầu và vồng mui căng tròn của cổ xe mất hút sau một khúc quanh đầy cây cối.

Tôi lại hướng mặt về nhà máy xay, ngắm nhìn bánh xe quay tròn không ngừng nghỉ và hất tung ra từng cụm kim cương nước. Cô bé cũng đang nhìn vào đó. Từ lúc tôi dừng lại trên cầu, cô gái nhỏ vẫn đứng yên một chỗ cạnh bờ sông trong khi con chó xù lông trắng, tai nâu, nhảy dựng từng hồi, vừa nhìn vào guồng nước vừa sũa oang oang. Có lẽ nó đang ghen tị với cái bánh xe vô tình kia bởi vì người bạn đội mũ sụp của nó cứ mê mãi nhìn vào đó mà quên phứt nó đi. Đã tới giờ người bạn nó phải về nhà, tôi nghĩ thế, bởi vì có một ánh lửa ấm đang chờ, ánh lửa đang chiếu ra giữa nền trời càng lúc càng xám mịt. Cả tôi nữa, cũng đã tới lúc phải nhấc đôi tay mình ra khỏi thành cầu giá lạnh…

Tay tôi đã bị tê cóng thật sự rồi! Tôi phải tựa cả hai vào thành ghế đang ngồi quá lâu để hồi tưởng lại lúc đứng trên cầu, đối diện với nhà máy xay Dorlcote vào một chiều tháng hai nhiều năm trước. Trước khi ngủ thiếp đi, tôi xin mạn phép kể lại quý vị nghe những gì đã được bàn tới giữa ông và bà Tulliver, trong khi họ đang ngồi bên cạnh lò sưởi đỏ ngời ở cánh trái phòng khách, ngay vào chính buổi chiều mà tôi vừa tưởng nhớ lại.

Mời các bạn đón đọc Dòng Sông Tuổi Dại của tác giả George Eliot.