Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Cái Chết Của Ba Người Lính Ngự Lâm - Alexandre Dumas

D'Artagnan là hậu duệ một dòng dõi quý tộc đã sa sút ở xứ Gascony. Năm 18 tuổi, chàng rời nhà trên một con ngựa còm để đến Paris với mong ước trở thành một lính ngự lâm của vua Louis XIII. Dọc đường, d'Artagnan làm mất lá thư tiến cử của cha mình với ông De Treville, đội trưởng lính ngự lâm, do đó ông này đón tiếp anh không mấy nhiệt tình.

Tiếp đó, d'Artagnan húc trúng vào cái vai đang bị thương của Athos, một lính ngự lâm đầy phong cách quí tộc. Anh này đòi quyết đấu với d'Artagnan vào giữa trưa và được đồng ý ngay. Ngay sau đó, d'Artagnan gặp Porthos, một lính ngự lâm khác rất đô con và mang một dải đeo kiếm cực xịn nhưng d'Artagnan khám phá ra rằng chỉ có mặt ngoài là đẹp thôi, còn bên trong làm bằng da bò. Thế là d'Artagnan có cuộc quyết đấu thứ 2 vào sau buổi trưa.

Cuối cùng d'Artagnan nhặt được một chiếc khăn tay của một lính ngự lâm đẹp trai tên Aramis (khăn của tình nhân của anh này), cãi nhau, và có cuộc hẹn đấu kiếm thứ 3 trong ngày. Đến các buổi hẹn đấu kiếm, d'Artagnan thấy 3 người kia đi cùng nhau, họ là bạn thân. Tuy nhiên luật hồi đó cấm đấu kiếm, và các vệ sĩ của Giáo chủ de Richelieu đến bắt họ. Một cuộc chiến diễn ra và d'Artagnan về phe các ngự lâm quân. Họ chiến thắng và d'Artagnan trở thành bạn thân của ba chàng lính ngự lâm kia. Phương châm của họ là "Một người vì tất cả, tất cả vì một người", một câu mà vế thứ hai được d'Artagnan lợi dụng rất tốt.

Tuy có những cái tên thật ghê tởm và không quí tộc chút nào hết, rõ ràng cả ba anh lính ngự lâm đều là quí tộc và họ dùng tên giả. Athos tỏ ra là một quí tộc cỡ bự, và là người rất quí phái. Porthos thuộc loại thích khoe mẽ, còn Aramis là một anh lăng nhăng nhưng muốn làm mục sư. Tuy chơi với ba anh lính ngự lâm nổi tiếng, d'Artagnan không thể trở thành lính ngự lâm ngay được mà phải đi làm lính gác của ông Des Essart để có kinh nghiệm. d'Artagnan thuê một căn phòng, mướn một tên hầu là Planchet, và đem lòng yêu bà chủ nhà, bà Bonacieux. Bà này còn rất trẻ so với ông chồng già, và là chỗ quen biết với hoàng hậu Anne. Hoàng hậu không yêu đức vua Louis XIII, mà lại lăng nhăng với Quận công Buckingham. Bà đã đem chiếc chuỗi hạt kim cương mà đức vua tặng đem tặng lại cho người yêu. Hồng y giáo chủ de Richelieu biết được chuyện này và dùng kế nói đức vua buộc hoàng hậu phải đeo chuỗi hạt đi dự vũ hội. Thông qua bà Bonacieux, hoàng hậu nhờ d'Artagnan đi lấy lại chuỗi hạt. Thế là d'Artagnan cùng ba người bạn lên đường đi nước Anh, nhưng dọc đường cả 3 đều bị rớt lại do những lí do khác nhau, chỉ mỗi d'Artagnan đến được nước Anh và đem chuỗi hạt về. Đêm dạ hội, hoàng hậu đeo chuỗi hạt và ông giáo chủ bẽ mặt.

d'Artagnan lại quay lại để tìm các bạn mà anh bỏ lại dọc đường. Nhưng ông giáo chủ de Richelieu không phải là người dễ tha thứ, và bà Bonacieux bị bắt cóc. d'Artagnan không thể tìm được bà, nhưng lại gặp Milady de Winter, em dâu của bá tước người Anh de Winter, và là một phụ nữ quyến rũ. Như thế là anh kiếm được tình nhân đầu tiên. Tuy nhiên d'Artagnan sớm khám phá ra Milady có một bông hoa huệ trên vai, dấu ấn của một tội phạm, và cô ta chẳng phải người Anh mà là một gián điệp. d'Artagnan lăng nhăng với cô hầu của Milady và lợi dụng cô này để vạch mặt Milady và ăn cắp được một chiếc nhẫn sapphire. Milady nổi khùng cầm dao dí d'Artagnan nhưng anh chạy thoát được.
Giáo chủ de Richelieu ở La Rochelle.

La Rochelle nổi loạn và d'Artagnan phải lên đường ra trận trong khi lính ngự lâm vẫn chưa xuất phát. Cả 4 người đều nghèo đói và chuẩn bị quân trang là một thử thách lớn. d'Artagnan bán chiếc nhẫn chôm được của Milady và chia đôi với Athos. Athos nhận ra chiếc nhẫn này là cái mà anh tặng vợ cũ của mình. Porthos đi lừa tiền của bà biện lý, bà này mê tít Porthos và lấy tiền của ông chồng già cho Porthos, cộng với con ngựa còm mà d'Artagnan trước đó đã bán đi. Aramis cũng kiếm được tiền từ các tình nhân của anh. Ở La Rochelle, họ phát hiện ra Milady được lệnh đi ám sát Quận công Buckingham, để đổi lại cô ta muốn giáo chủ de Richelieu giết d'Artagnan. d'Artagnan phái tên hầu là Planchet đi báo tin cho Buckingham, và Milady bị tóm cổ ở Anh. Ở La Rochelle, d'Artagnan và ba người bạn đi ăn sáng và chống lại cả một "quân đoàn" của địch. Với chiến tích này, anh được lên chức làm ngự lâm quân. Hoàng hậu giải cứu được Constance Bonacieux và họ lập tức đi đến nơi cô bị giam giữ.

Trong khi đó, ở Anh, Milady đang ngồi tù. Cô bịa ra một câu chuyện rất hay để lừa sĩ quan gác ngục là John Felton thả cô ra. Felton còn ngốc hơn cô tưởng, và Milady lừa được anh rằng Quận công Buckingham là một kẻ độc ác còn cô chỉ là nạn nhân. Felton tin rằng một cô gái quá xinh đẹp như Milady không thể nói dối được. Anh xách dao đi tìm quận công và đâm một nhát chí mạng. Trong lúc đó Milady ra thuyền và chuồn thẳng về Pháp. Cô ta trốn ở chính nơi mà bà Bonacieux đang ẩn nấp, và khi biết được Constance Bonacieux là ai, Milady đầu độc Constance để trả thù rồi bỏ chạy.

Sau khi chứng kiến người yêu chết trong tay mình, d'Artagnan cùng Athos (nay được biết là bá tước de la Fère, chồng đầu tiên của Milady), Porthos (tên thật là du Vallon), Aramis (tên thật là d'Herblay), bá tước de Winter (anh của chồng thứ 2 của Milady, tìm cô ta để trả thù cho quận công Buckingham), và một người bí ẩn mặc áo choàng đỏ đi lùng khắp vùng Flanders để bắt Milady. Cô ta cuối cùng bị dồn vào đường cùng. Sáu người đàn ông bao vây một phụ nữ ở giữa, kể ra vô số tội lỗi của cô ta, rồi người mặc áo choàng đỏ đưa Milady ra thuyền để hành quyết. Khi trở về, d'Artagnan gặp giáo chủ de Richelieu. Ông này chẳng tỏ ra đau buồn gì vì dù sao Milady cũng đã hoàn thành nhiệm vụ giết Buckingham. Ông đưa cho d'Artagnan giấy lên chức thiếu úy ngự lâm quân.

d'Artagnan đem đưa giấy phong chức cho Athos, nhưng anh này cho biết mình sắp nghỉ hưu, và từ chối. d'Artagnan đưa cho Porthos nhưng anh này cho biết rằng ông biện lý già mới chết, anh sẽ cưới bà biện lý cùng tài sản khổng lồ mà ông biện lý già để lại. d'Artagnan đưa cho Aramis, nhưng anh này muốn trở thành mục sư chứ không làm lính nữa. Cuối cùng, d'Artagnan và các bạn chia tay. Và mãi 20 năm sau đó họ mới gặp lại nhau, khi mà d'Artagnan một lần nữa muốn lợi dụng phần "mọi người vì một người" của khẩu hiệu của họ.

***

Bộ Ba Chàng Lính Ngự Lâm gồm:

***

Giữa tháng tư năm 1660, vào lúc chín giờ sáng, khi mặt trời đã đủ ấm để làm khô những giọt sương trên các cây đinh hương và tại lâu đài thành Blois, một đoàn kỵ sĩ gồm ba người cùng hai người hầu tiến lên cây cầu dẫn vào thành phố mà không gây một sự chú ý nào cho những người đang dạo mát, ngoại trừ động tác đầu tiên là giơ tay lên đầu chào và động tác thứ hai là uốn lưỡi để diễn tả bằng giọng văn trong sáng nhất nước Pháp:

"Đó là Đức ông đi săn về".

Có vậy thôi.

Tuy nhiên khi đoàn người ngựa leo lên con dốc dẫn từ bờ sông vào lâu đài thì một vài gã bán hàng mập ú mon men tiến lại gần con ngựa đi cuối có treo lủng lẳng nhiều loại chim trên cốt yên.

Thấy kết quả chuyến đi săn nghèo nàn như vậy, các gã hiếu kỳ tỏ ra khinh khi, và sau khi bàn tán hồi lâu về sự bất lợi của việc săn chim, ai nấy lại quay trở về với công việc của mình. Chỉ còn một gã có thân hình béo tròn với cặp má phúng phính, tính tình vui vẻ là còn thắc mắc tại sao Đức ông có nhiều lợi tức, do đó không thiếu gì cách vui chơi lại đi chọn cái trò giải trí thảm hại này.

Có người đã trả lời hắn:

- Ủa, bộ mày không biết trò giải trí chính của Đức ông là sự ưu phiền sao?

Gã mập ú nhún vai, vẻ dứt khoát.

- Nếu vậy thì thà tớ làm Jean phì lũ còn hơn làm ông Hoàng.

Rồi mọi người lại tiếp tục công việc. Còn Đức ông thì tiếp tục đoạn cuối cuộc hành trình với vẻ mặt vừa buồn rười rượi vừa oai nghi. Chắc sẽ có người ngắm nhìn ngài một cách thán phục, - nếu có khán giả. Nhưng các trưởng giả thành Blois đã không tha thứ cho Đức ông cái tội đã chọn thành phố tươi vui của họ để mặc sức ưu phiền. Cho nên, mỗi khi phải trông thấy con người vừa oai nghiêm vừa u sầu đó, họ quay mặt đi chỗ khác hoặc thụt đầu vào trong để tránh bị ảnh hưởng bởi vẻ buồn ngủ của khuôn mặt dài tái xanh, của đôi mắt lúc nào cũng đẫm ướt và của cả cái dáng dấp uể oải chán chường. Thành thử, ông hoàng đáng kính của chúng ta mỗi khi phi ngựa tới đâu đều cũng chỉ thấy toàn đường phố vắng ngắt.

Như vậy là dân thành Blois quả có tội bởi vì, sau Đức vua, và có khi trên cả vua nữa là đằng khác, Đức ông là một nhà quý tộc lớn nhất trong triều.

Thật vậy, nếu Thượng đế đã cho Louis XIV - đang trị vì - cái diễm phúc được là con của Louis XIII thì ngài cũng ban cho Đức ông cái vinh hạnh được nhận Henri IV là cha.

Thành thử, dân chúng ở đây ít ra cũng phải coi là có được một vinh dự không nhỏ khi Gaston d Orléans - Tôn Đức ông. (Đoạn tiếp theo ám chỉ các biến cố xảy ra về trước) tập hợp đám tuỳ tùng của ông trong toà lâu đài. "Các đẳng cấp" cổ kính nơi thành phố Blois này. Nhưng cái nghiệp của ông hoàng vĩ đại này là không hấp dẫn được quần chúng. Cho nên Đức ông lâu dần cũng thành quen!

Có lẽ vì thế mà ngài ưu phiền một cách trầm lặng. Cuộc đời Đức ông rất bận rộn. Chẳng ai chịu để hàng chục người bạn thân nhất của mình bị cứa cổ mà không thấy lo âu chút nào! Mà Mazarin khi nắm quyền bính trong tay thì chẳng thích cắt đầu ai cả. Vì thế Đức ông không còn bận rộn nữa và tinh thần của ngài cũng chịu ảnh hưởng lây.

Vậy nên cuộc sống của vị hoàng thân khốn khổ này thật là đáng buồn. Sau cuộc săn nhỏ vào buổi sáng bên bờ sông Beuvron (Bơ-vrông) hoặc trong rừng Chiverny , Đức ông vượt sông Loire, đến dùng cơm trưa tại Chamberd , bữa ngon bữa không, và cả thành Blois sẽ không còn nghe nhắc nhở gì đến vị thủ lãnh của mình nữa cho đến buổi săn bắn sau.

Đó là những ưu phiền phơi bên ngoài, còn những nỗi buồn sâu kín chúng tôi sẽ cống hiến cho độc giả nếu quý vị chịu khó cùng với chúng tôi theo đoàn người ngựa tiến đến chiếc cổng uy nghiêm của lâu đài "Các đẳng cấp".

Đức ông cưỡi một con ngựa vóc dáng bé nhỏ, ngồi trên chiếc yên rộng bọc bằng nhung đỏ xứ Flandre có bàn đạp giống như một chiếc hia. Con ngựa màu hung hung; bộ quần áo bó chẽn bằng nhung đỏ thẫm, hoà lẫn với chiếc khăn choàng cùng một màu với những thứ trang bị trên con ngựa, và nhờ toàn bộ cái gì cũng đỏ này mà người la có thể phân biệt được Đức ông với hai bạn đồng hành của Ngài, một người thì toàn tím trong khi người kia toàn lục. Người phi ngựa bên trái ăn vận màu tím là người hầu ngựa, bên phải có người vận màu lục coi bầy chó săn.

Một người hầu mang theo đôi chim ưng đong đưa trên cái đu người kia cầm chiếc còi săn, phùng má thổi một cách uể oải rời rạc khi đoàn kỵ sĩ chỉ còn cách toà lâu đài vài chục bước.

Mọi kẻ bao quanh ông hoàng uể oải này đều uể oải làm những gì cần phải làm.

Sau hiệu còi, tám gã lính gác cổng đang rong chơi trên chiếc sân vuông vức của toà lâu đài vội chạy đi tìm vũ khí. Thế là Đức ông oai vệ tiến vào toà lâu đài.

Khung cảnh thật vắng vẻ.

Đức ông lặng lẽ nhảy xuống ngựa, rảo bước vào phòng để người hầu thay quần áo; và vì Bà lớn chưa ra hiệu ăn trưa nên ngài nằm duỗi dài trên ghế đánh một giấc ngon lành như giấc ngủ buổi tối vậy.

Còn tám gã lính hầu thì hiểu rằng nhiệm vụ trong ngày của chúng đến đây là chấm dứt, chúng bèn rủ nhau nằm ườn trên ghế đá dưới ánh nắng mặt trời ấm áp. Gã mã phu (người trông nom, chăm sóc ngựa) dẫn đoàn ngựa vào trong truồng và ngoại trừ mấy chú chim đang chíu chít chòng ghẹo nhau trong các bụi cây đinh tử hoa, người ta có cảm tưởng như vạn vật đều ngủ say như Đức ông vậy.

Mời các bạn đón đọc Cái Chết Của Ba Người Lính Ngự Lâm của tác giả Alexandre Dumas.