Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Trang Tử và Nam Hoa Kinh

Nam Hoa Kinh của Trang Tử thuộc loại sách khó dịch nhất trong các sách còn lưu lại của Bách Gia Chư Tử. Ngay từ thế kỷ thứ 3 sau CN, đã có người đứng ra chú giải nó và đến thời cận đại ở Trung Quốc, người ta còn bàn luận về nó rất nhiều. Sở dĩ như vậy, vì ngoài đặc điểm chung của các triết gia Trung Quốc là trình bày tư tưởng của mình một cách lửng lơ, vắn tắt, dành một khoảng trống rất lớn cho sự suy nghĩ của người đọc, tác giả Nam Hoa Kinh còn sử dụng nhiều ngụ ngôn mà ý tứ rất thâm trầm. Lại nữa đây không chỉ là một tác phẩm triết học mà còn thường được coi là một tác phẩm văn chương ( được Thánh Thán xếp vào Lục tài tử và ở vị trí số một). Với việc dịch Nam Hoa Kinh vào thời của mình, ( Có lẽ là cuối những năm 30, đầu 40), Nhượng Tống thực đã đưa Tiếng Việt vào một trường hoạt động mới, làm cho nó thêm chặt chẽ, cứng cáp và cả hàm súc nữa.

***

Trong di sản đồ sộ của Nguyễn Hiến Lê thì có rất nhiều tác phẩm họ không chịu in lại - chắc vì khó đến được số đông. Nguyễn Hiến Lê dành toàn bộ năm tháng cuối đời để viết về “Bách gia chư tử” và nhiều cuốn sau khi in lần đầu vào năm 1993 chưa bao giờ in lại cả. Nay được tái bản, nhiều bạn quan tâm sẽ lần đầu được tiếp cận.

Tuyển tập viết về câc tác gia Triết học tiên Tần của Nguyễn Hiến Lê, Bách Gia Tranh Minh gồm có:

  • [Khổng Tử](https://www.dtv-ebook.com/tim-kiem.html?keyword=Khổng Tử)
  • Lão Tử & Đạo Đức kinh
  • Trang Tử & Nam Hoa kinh
  • Mạnh Tử
  • [Tuân Tử](https://www.dtv-ebook.com/tim-kiem.html?keyword=Tuân Tử)
  • [Hàn Phi Tử](https://www.dtv-ebook.com/tim-kiem.html?keyword=Hàn Phi Tử)
  • [Mặc Tử và Biệt Mặc](https://www.dtv-ebook.com/tim-kiem.html?keyword=Mặc Tử và Biệt Mặc)
  • [Liệt Tử & Dương Tử](https://www.dtv-ebook.com/tim-kiem.html?keyword=Liệt Tử và Dương Tử)

***

Trước ngày 30-04-1975, cụ Nguyễn Hiến Lê đã có một trăm tác phẩm được xuất bản và mười tác phẩm khác chưa in: Tôi tập viết tiếng Việt, Đời nghệ sĩ, Con đường thiên lí, Một mùa hè vắng bóng chim, Những quần đảo thần tiên, Gogol, Tourguéniev, Tchékhov, Lịch sử văn minh Trung Quốc, Trang tử và Nam Hoa kinh. Mười tác phẩm đó được cụ đã giới thiệu sơ lược trong Hồi kí (Phần VI: Từ ngày giải phóng (1975-81), chương XXXIII: Lại tiếp tục viết, mục Sửa lại bản thảo chưa in); riêng cuốn Trang tử và Nam Hoa kinh[1] (về sau gọi tắt là TT&NHK) cụ viết như sau:

“Trang tử có địa vị rất lớn trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc, ngang với Mạnh tử, hơn Tuân tử, hơn cả Mặc tử nữa. Nhờ ông một phần lớn mà tư tưởng của Lão tử mới được phổ biến mạnh: chỉ giới trí thức mới quí những cách ngôn trong Đạo Đức kinh, còn giới bình dân thì ai cũng biết ít nhiều những ngụ ngôn của Trang tử. Tên ông gắn liền với tên của Lão tử và cả hai có công làm cho dân tộc Trung Hoa bớt thực tiễn, yêu thiên nhiên, tự do hơn, khoan dung hơn, khoáng đạt hơn… thơ văn cũng như hội hoạ từ Lục triều trở đi, nhất là dưới đời Tống đều mang dấu vết của Trang[2].

Ở nước ta ông Nguyễn Duy Cần đã giới thiệu học thuyết của Trang, nhưng chỉ dịch ít chương trong Nội thiên, Ngoại thiên và Tạp thiên[3]; lại không đặt chân nguỵ của những thiên đó, cho nên gán cho ông vài tư tưởng không thực của ông. Ông nhằm mục đích phổ thông hơn khảo cứu.

Người đầu tiên nêu ra vấn đề chân nguỵ trong bộ Trang tử (cũng có tên là Nam Hoa Kinh[4]) là Tô Đông Pha đời Tống. Sau ông, số học giả nghi ngờ sự nguỵ tác trong Trang tử càng ngày càng nhiều. Đại khái ngày nay ai cũng nhận rằng Nội thiên là của Trang tử (trừ một số bài), còn Ngoại thiên và Tạp thiên là của người đời sau.
Tôi kiếm được năm bản Trang tử, quan trọng nhất là Trang tử toản tiên của Tiền Mục, Tân dịch Trang tử độc bản của Hoàng Cẩm Hoành (1974) và L’œuvre complète de Tchouang-tseu của Liou Kia – hway (1969); dịch tất cả các chương trong Nội thiên, Ngoại thiên, Tạp thiên, không bỏ một bài nào; cuối mỗi chương đưa ra nhận định của các học giả gần đây, và một số nhận định của tôi về chân, nguỵ; nếu là nguỵ tác thì người viết thuộc về phái nào: chẳng hạn phái quá khích của Lão giáo, phái ôn hoà của Lão giáo, phái theo Trang, phái theo Khổng, phái theo Đạo gia (tu tiên) hay Pháp gia…

Tôi chỉ dùng những chương chắc chắn của Trang để phân tích tư tưởng của Trang, rán không gán cho Trang những tư tưởng của người sau. Cuối cùng tôi chỉ cách nên đọc Trang ra sao.

Tác phẩm khá dày: trên 500 trang (riêng phần giới thiệu trên 300 trang)[5]. Và có thể coi là công trình đầy đủ nhất về Trang tử từ trước tới nay, tiếc là chưa in được” (Hồi kí Nguyễn Hiến Lê, Nxb Văn học, 1993, trang 537-538).

Tuy bảo là “dịch tất cả các chương trong Nội thiên, Ngoại thiên, Tạp thiên, không bỏ một bài nào”, điều này cũng được nói đến trong lời giới thiệu ngắn ở đầu bộ Trang tử; nhưng vẫn còn hai đoạn cụ Nguyễn Hiến Lê phải lược bỏ như lời của cụ bảo trong tiết “Chúng tôi dịch ra sao” (phần nhì: Nội thiên):

“Tuy nhiên, có hai đoạn trong bài XXIII.3 và 4, mỗi đoạn độ mười hàng, đọc kĩ năm bản tôi có trong tay (coi chương III) tôi vẫn không hiểu tác giả muốn nói gì, nên tôi dịch không nổi, phải bỏ”.

Ngoài ra, vì trong Ngoại thiên và Tạp thiên có nhiều bài như Đạt sinh 3, Đạt sinh 9, Sơn mộc 9, Trí Bắc du 4, Từ Vô Quỉ 7, Ngụ ngôn 7, Nhượng vương 6 cũng chép trong bộ Liệt tử. Bảy bài đó cụ đã dịch trong bộ Liệt tử và Dương tử (LT&DT) và cho xuất bản trước đó rồi (năm 1972, Nxb Lá Bối), nên trong bộ TT&NHK này cụ đã không dịch lại mà cũng không chép lại. Cũng có bài, như bài Liệt Ngự Khấu 1, cụ đã dịch trong LT&DT (bài II.14: Đừng làm cho người ta biết mình) nhưng ở đây cụ dịch lại để “sửa vài chữ”. Ngược lại, có bài cụ không dịch trong LT&DT nhưng được cụ dịch trong bộ TT&NHK như truyện người say rượu té xe (tức bài Đạt sinh 2), truyện luyện gà đá (bài Đạt sinh 8)… Như vậy, người đọc muốn đọc được các bài hoặc các đoạn bị lược bỏ trong bộ này thì phải tìm trong bộ kia và ngược lại.

Cũng về việc dịch lại, tuy cụ Nguyễn Hiến Lê không nói ra, nhưng tôi thấy có nhiều câu trong TT&NHK không giống với những câu tương ứng đã được cụ và cụ Giản Chi dịch trong bộ Đại cương triết học Trung Quốc (ĐCTHTQ) từ năm 1962-63[6]. Ví dụ hai câu: 1.- Sát sinh dã bất tử. Sinh sinh giả bất sinh 殺生者 不死。生生者不生, trong ĐCTHTQ dịch là: “Cái giết được cái sống thì cái đó không chết. Cái sinh ra được cái sinh ra thì cái đó chính nó không từ đâu sinh ra” (bản của Nxb Thanh Niên, 1994, Tập 1, trang 181), trong TT&NHK, bài Đại Tôn sư 2 dịch là: Bậc chủ tể giết sinh mệnh thì không chết, bậc đó sinh ra sinh mệnh mà cũng lại không sinh (nghĩa là không có cái gì sinh ra cả)”; 2.- Chiêu ư minh minh, hữu luân sinh ư vô hình” 昭昭生於冥冥,有倫生於無形, trước dịch là: “Cái sáng láng sinh ra từ cái mịt mờ, cái có loại (tức vật hữu hình) sinh ra từ cái vô hình” (Sđd, Tập 1, trang 183); sau dịch là: “Cái sáng sủa phát sinh từ cái tối tăm; cái hữu hình phát sinh từ cái vô hình” (Trí Bắc du 5); 3.- Phù tri hữu sở đãi nhi hậu đáng, kì sở đãi giả đặc vị định dã 夫知有所待而後當,其所待者特未定也, trước dịch là: “Sự biết phải trông chờ nhờ cậy vào cái gì đó mà sau mới được chính xác. Nhưng cái mà cái biết trông chờ nhờ cậy đó lại chưa biết nhất định đích thật là cái gì” (Sđd, Tập 1, tr.695), sau dịch là: “Tri thức nào cũng phải có đối tượng [rồi mới biết được là đúng hay sai], mà đối tượng lại không xác định được” (Đại tôn sư 1).

Trong TT&NHK, phần Nội thiên, Ngoại thiên và Tạp thiên, cụ Nguyễn Hiến Lê không chép nguyên tác chữ Hán lẫn phiên âm; và trong phần chú thích, cụ cho biết: “nếu thấy cần, sẽ chép thêm nguyên văn phiên âm (chứ không có chữ Hán vì công việc ấn loát lúc này khó khăn và tốn kém)”[7]. Do không có chữ Hán, nên trong quá trình gõ, khi gặp những chỗ ngờ in sai, hoặc có sự khác biệt với bản Nguyễn Duy Cần, tôi phải tra cứu các trang web chữ Hán để, nếu sai thì sửa lại, và nếu thấy cần tôi chép thêm chữ Hán vào để chúng ta cùng tham khảo.

Và cũng để tiện tham khảo, trong phần Phụ lục, tôi chép lại bảy bài cụ Nguyễn Hiến Lê đã dịch trong bộ LT&DT mà cụ không chép vào bộ TT&NHK, tôi cũng chép thêm bảng niên biểu Những biến cố lớn xảy ra trong đời Trang tử (trích trong cuốn Mạnh tử của cụ Nguyễn Hiến Lê).

Trong số các triết gia thời Tiên Tần, Trang tử của lẽ là người duy dùng của ba thể: kí ngôn, lí luận và ngụ ngôn để trình bày học thuyết của mình. Trong cuốn Hàn Phi Tử, cụ Nguyễn Hiến Lê bảo:

“Mới đầu là bộ Luận ngữ chỉ dùng một thể đơn giản nhất là kí ngôn; môn sinh của Khổng Tử ghi những lời của thầy. Rồi tới các cuốn Trung Dung, Đại học cũng vẫn là kí ngôn thêm những đoạn nghị luận ngăn ngắn. Bộ Mặc tử mở đầu cho thể nghị luận – hay biện luận – nhưng lí luận lắm chỗ ngây thơ và rườm. Bộ Mạnh Tử cũng là kí ngôn như Luận ngữ, đúng ra là ghi những đối thoại giữa Mạnh Tử và một số vua chư hầu hoặc một số học giả đương thời. Trang tử dùng ba lối: kí ngôn, lí luận vắn tắt và ngụ ngôn. Tới Tuân tử mới bỏ hẳn lối kí ngôn mà dùng thể lí luận theo đề tài. Sau cùng là Hàn Phi dùng hết các thể của người trước”.

Riêng về thể ngụ ngôn, Trang tử là có tài nhất, như lời cụ Nguyễn Hiến Lê trong bộ Sử Trung Quốc:

“Ông là một triết gia tư tưởng độc đáo, một nghệ sĩ đa tài, văn ông vừa lãng mạn, nên thơ, vừa trào phúng, cay độc, ông sử dụng thuật ngụ ngôn không ai bằng”.

Đọc bộ Cổ học tinh hoa của hai cụ Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân, ta bắt gặp nhiều truyện ngụ ngôn trích trong bộ Trang tử như: Bắt chước nhăn mặt (trích trong bài Thiên vận 4), Trọng thân hơn làm vua (Nhượng vương 3), Người bán thịt dê (Nhượng vương 7)[8], Nuôi gà chọi (Đạt sinh 8), Chiếc thuyền dụng chiếc đò (trích trong Sơn mộc 2), Nhường thiên hạ (Tiêu dao du 2)… Cụ Nguyễn Duy Cần cũng chọn một số bài trong sách Trang tử cho vào cuốn Cái cười của thánh nhân, mặc dù cụ không ghi nguồn, như: Nước thu, Chim biển, Mộng hồ điệp. Các bài đó lần lượt tương ứng với các bài Thu thủy 1, Chí lạc 5, một phần của bài Tề vật luận 15.

Trong bộ Cổ học tinh hoa có chép khá nhiều danh ngôn, nhưng tôi không thấy chép câu nào trích trong bộ Trang tử, trong cuốn Tôi tự học của cụ Nguyễn Duy Cần cũng không chép. Dưới đây tôi xin được chép 3 danh ngôn trong số 84 danh ngôn đăng trên trang http://lizi.blogbus.com/logs/10224066.html, tạm phiên âm, chép thêm lời dịch của cụ Nguyễn Hiến Lê[9]:

  1. 夫相收之與相棄亦遠矣,且君子之交淡若水,小人之交甘若醴。君子淡以親,小人甘以絕。《山木》
    Phù tương thu chi dữ tương khí diệc viễn hĩ, thả quân tử chi giao đạm nhược thủy, tiểu nhân chi giao cam nhược lễ. Quân tử đạm dĩ thân, tiểu nhân cam dĩ tuyệt. (Sơn mộc).
    Nâng đỡ nhau và bỏ nhau, hai cái đó khác nhau rất xa. Người quân tử giao du với nhau, tình như nước lã; kẻ tiểu nhân giao du với nhau nồng như rượu. Tình người quân tử nhạt mà càng thân, tình kẻ tiểu nhân nồng mà sẽ tới sự tuyệt giao. (Sơn mộc).

  2. 人生天地之間,若白駒過隙,忽然而已。《知北游》
    Nhân sinh thiên địa chi gian, nhược bạch câu quá khích, hốt nhiên nhi dĩ. (Trí bắc du).
    Con người ở trong khoảng trời đất cũng như con ngựa trắng, vụt qua cái khe hở, một nháy mắt rồi biến mất. (Trí bắc du).

  3. 毛嬙麗姬,人之所美也;魚見之深入,鳥見之高飛,麋鹿見之決驟,四者孰知天下之正色哉?《齊物論》
    Mao Tường Lệ Cơ, nhân chi sở mĩ dã; ngư kiến chi thâm nhập, điểu kiến chi cao phi, mi lộc kiến chi quyết sậu, tứ giả thục tri thiên hạ chi chính sắc tai? (Tề vật luận).
    Nàng Mao Tường và nàng Lệ Cơ được mọi người khen là đẹp, vậy mà thấy họ tới thì cá lặn sâu, chim bay cao, hươu nai chạy dài. Cái đẹp theo bốn loài đó, cái đẹp nào là lí tưởng (chính sắc)? (Tề vật luận).

Tôi chọn ba danh ngôn trên là vì danh ngôn 1 có liên quan ít nhiều đến câu sau đây trong Hồi kí Nguyễn Hiến Lê: “Bốn anh em tôi (tức các cụ: Nguyễn Hiến Lê, Đông Hồ, Hư Chu, Giản Chi) giao du với nhau, tình “đạm nhục thuỷ” tuy thắm thiết mà không vồn vã, ồn ào”. Hai danh ngôn 2 và 3 liên quan đến hai điển tích: “bóng câu qua cửa sổ” và “chim sa cá lặn”. Điển tích trước do bốn chữ “bạch câu quá khích”, được dùng trong câu: “Bóng câu thoáng bên mành mấy nỗi” (Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều), hay “Thấm thoát xem bằng bóng ngựa qua” (Tự thuật của Nguyễn Bỉnh Khiêm). Điển tích sau, cũng được gọi là “trầm ngư lạc nhạn”, không được dùng với ý nghĩa là không có cái đẹp nào được xem là “chính sắc” cho mọi loài, mà được dùng để chỉ người đàn bà cực đẹp, như trong các câu: “Chìm đáy nước cá lờ đờ lặn, Lửng da trời nhạn ngẩn ngơ sa” (Cung oán ngâm khúc), “Mặn mà chìm cá rơi chim” (Hoa tiên truyện của Nguyễn Huy Tự). Điển tích “Mộng hồ điệp” hay “Trang Chu mộng hồ điệp” được dùng trong Truyện Kiều của Nguyễn Du: “Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh” cũng có xuất xứ từ sách Trang tử, thiên Tề vật luận. Các thành ngữ sau đây cũng có xuất xứ từ sách Trang tử: Ếch ngồi đáy giếng (Thu thuỷ 1), Lết đuôi trong bùn (Thu thuỷ 1), Lấy lửa cứu lửa (Nhân gian thế 1), Được cá quên nôm (Ngoại vật 13), Thân như cây khô (Điền Tử Phương 4), Không biết trời cao đất dày (Nhượng vương 12)…

Trong thời gian chỉnh sửa và bổ sung chữ Hán cho bản đánh máy tác phẩm Trang Tử – Nam Hoa Kinh (Phần Thượng) của Nguyễn Duy Cần (bản đánh máy do bạn Fatman1702 cung cấp); và thực hiện ebook TT&NHK của cụ Nguyễn Hiến Lê, bác Vvn đã nhiệt tình giải đáp giúp tôi rất nhiều nghi vấn; một phần nhỏ những giải đáp đó, tôi có ghi lại trong chú thích. Ngoài ra, bác Vvn còn giúp tôi sửa lỗi nữa[10]. Xin chân thành cảm ơn bác Vvn.

Nhờ sửa lỗi, rồi sau đó bổ sung phần chữ Hán cho bản đánh máy do bạn Fatman1702 cung cấp, như đã nói ở trên, tôi mới có dịp đọc lại bộ TT&NHK của cụ Nguyễn Hiến Lê mà tôi đã đọc từ năm 1996; và nhân đó tôi gõ phần II: Nội thiên để chúng ta có thể so sánh hai bản dịch của hai cụ Nguyễn, mà theo lời cụ Nguyễn Hiến Lê thì: “Trước chúng tôi đã có hai bản Tuyển dịch Trang tử (tức một của Nhượng Tống và một của Nguyễn Duy Cần). Sau chúng tôi chắc sẽ còn nhiều người dịch nữa, mà bản dịch nào cũng sẽ có nhiều chỗ không giống các bản khác… Tôi mong độc giả hiểu cho lẽ đó mà coi bản của chúng tôi may mắn lắm là có giá trị ngang các bản khác thôi”. Ban đầu tôi chỉ mong gõ xong phần II thôi, nhưng rồi lần hồi tôi cũng gõ được trọn bộ TT&NHK của cụ Nguyễn Hiến Lê. Xin cảm ơn bạn Fatman1702, và xin hân hạnh được chia sẻ cùng các bạn ebook này.

Goldfish – Mùa hè 2009 Sửa chữa và bổ sung tháng 12 năm 2011.

Mời các bạn đón đọc Trang Tử và Nam Hoa Kinh của tác giả Nguyễn Hiến Lê