Mark Monson, một blogger, tác giả trẻ nổi tiếng trên mạng đã chia sẻ những góc nhìn rất độc đáo về cuộc sống cũng như nghệ thuật mặc kệ mọi thứ. Những bài học của Mark Manson về cuộc sống được nhiều người khen ngợi và học tập.
Trong cuốn sách mới của anh với tựa "Nghệ thuật tinh tế của việc không quan tâm" anh đã có những góc nhìn hết sức độc đáo. Dưới đây là đoạn trích trong blog của anh về vấn đề này.
"Trong cuộc sống của tôi, tôi đã từng rất quan tâm về nhiều người và nhiều điều. Tôi cũng đồng thời không quan tâm tới nhiều người và nhiều điều. Những thứ tôi chẳng thèm quan tâm ấy đã tạo nên tất ca những khác biệt."
Mọi người vẫn thường cho rằng chìa khoá của sự tự tin và thành công trong cuộc sống đơn giản chỉ là "kệ nó đi". Sự thật là, chúng ta thường liên tưởng tới những người mạnh mẽ, đáng ngưỡng mộ nhất, những người chả bao giờ quan tâm tới thứ gì. Kiểu như "Này, xem bé A nghỉ làm cả tuần kìa, nó chẳng thèm quan tâm đến ai" hoặc tựa như "Hôm qua nghe ông B mắng sếp mà vẫn được tăng lương kìa, ôi giời ơi, ông đấy thì quan tâm gì"…
Khả năng lớn là trong cuộc đời, bạn sẽ gặp một hoặc nhiều người chẳng bao giờ quan tâm đến ai, cái gì nhưng vẫn đạt được nhiều thành quả lớn. Hoặc một lần nào đấy trong đời bạn mặc kệ mọi thứ nhưng vẫn đạt được những đỉnh cao ngoài mong đợi. Ví dụ của bản thân tôi này, nghỉ việc ở một công ty tài chính chỉ sau 6 tuần làm việc sau đấy ném vào mặt sếp những ý tưởng cá nhân và rồi bán toàn bộ tài sản để sang Nam Mỹ sống. Tôi có quan tâm không? Không, mình thích thì mình cứ làm thôi!
***
Charles Bukowski[1] là một gã nghiện rượu, một kẻ lang chạ với nhiều phụ nữ, con nghiện cờ bạc kinh niên, một tên thô thiển, một gã keo kiệt, một kẻ lười biếng, và tệ hại hơn cả, ông ta là một nhà thơ. Ông ta có lẽ là người cuối cùng trên trái đất này mà bạn nên tìm tới để xin một lời khuyên cuộc sống hay sẽ hi vọng bắt gặp trong những cuốn sách về hoàn thiện bản thân.
Vì lẽ đó mà ông ta là sự mở đầu hoàn hảo
Bukowski mong muốn trở thành một nhà văn. Nhưng trong nhiều thập kỷ những tác phẩm của ông ta đều bị các tờ báo, tạp chí, tập san, nhà xuất bản từ chối. Các tác phẩm của ông ta thật là kinh khủng, họ nói vậy. Thô thiển. Ghê tởm. Sa đọa. Và khi mà những lời từ chối chất cao như núi, thì cảm giác thất bại đã đẩy ông chìm sâu vào rượu và nỗi chán chường theo đuổi ông gần như suốt cả cuộc đời.
Bukowski làm công ăn lương tại một bưu điện. Ông lĩnh số tiền lương bèo bọt và dành phần lớn số đó vào rượu chè. Ông ném phần còn lại vào mấy kèo cá cược trên trường đua ngựa. Và khi đêm xuống, ông lại nốc rượu một mình và đôi khi rặn ra vài vần thơ từ chiếc máy đánh chữ già nua. Thường thường, ông sẽ tỉnh dậy trên sàn nhà, sau một đêm ngất lịm.
Ba mươi năm cuộc đời cứ thế trôi qua, hầu như là một sự vô nghĩa mơ hồ giữa rượu, ma túy, cờ bạc, và đĩ điếm. Và rồi, khi Bukowski bước sang tuổi năm mươi, sau một quãng đời thất bại ê chề và chán ghét bản thân, một biên tập viên của một nhà xuất bản độc lập nhỏ bỗng có hứng thú kỳ lạ với ông ta. Nhà biên tập không thể trả được cho Bukowski nhiều tiền hay hứa hẹn về một doanh số lớn từ việc bán sách. Nhưng anh ta lại có hảo cảm với gã thất bại nghiện ngập này, nên anh ta quyết định sẽ một lần đánh cược. Đó là lời đề nghị đầu tiên mà Bukowski từng nhận được, và, ông nhận ra, rất có thể cũng là lời đề nghị duy nhất mà ông được nhận trong cuộc đời mình. Bukowski hồi đáp lại nhà biên tập rằng: “Tôi có một trong hai lựa chọn – hoặc ở lại bưu điện và phát điên… hoặc là thành người tự do và chơi trò viết lách và chết đói. Tôi đã quyết định chọn chết đói. ”
Sau khi ký kết hợp đồng, Bukowski hoàn thành cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình trong ba tuần. Nó được đặt tên đơn giản là Post Office (tạm dịch: Bưu điện). Trong phần đề tặng, ông viết, “Không dành cho ai hết. ”
Bukowski trở thành nhà viết tiểu thuyết và nhà thơ. Ông viết liên tục và xuất bản sáu cuốn tiểu thuyết và hàng trăm bài thơ, bán được tới hơn hai triệu bản sách. Sự nổi tiếng của ông nằm ngoài dự đoán của tất cả mọi người, bao gồm cả chính ông.
Câu chuyện của Bukowski thật ra rất quen thuộc trong xã hội của chúng ta. Cuộc đời của Bukowski chính là một minh chứng cho cái gọi là Giấc mơ Mỹ: một người đàn ông tranh đấu cho điều mà anh ta mong muốn, không bao giờ từ bỏ, và còn có thể đạt được giấc mơ lạ lùng nhất của anh ta. Người ta còn có thể dựng phim về nó nữa cơ. Chúng ta đều nhìn vào những câu chuyện như của Bukowski và kết luận, “Thấy chưa? Ông ta không từ bỏ. Ông ta không ngừng cố gắng. Ông ta luôn tin vào chính mình. Ông ta vượt qua mọi sóng gió và khẳng định bản thân!”
Điều kỳ lạ chính là dòng chữ được khắc trên bia mộ của Bukowski: “Đừng cố!”
Xem này, ngoài tiền bán sách và danh tiếng, Bukowski là một kẻ vứt đi. Ông cũng biết vậy. Và thành công của ông không xuất phát từ quyết tâm trở thành người chiến thắng, mà từ thực tế rằng ông biết mình là kẻ thua cuộc, chấp nhận nó, và rằng ông đã viết rất chân thật về điều đó. Ông không bao giờ cố gắng trở thành một điều gì khác ngoài chính mình. Điều tuyệt vời trong tác phẩm của Bukowski không phải nằm ở việc vượt qua những sự khác biệt khó tin hay nâng tầm bản thân thành một hình tượng sáng chói trong nền văn học. Mà là sự trái ngược hoàn toàn. Đó đơn giản là khả năng của ông trong việc hoàn toàn và không sợ hãi khi thành thật với bản thân – đặc biệt là những phần tệ hại nhất – và chia sẻ những thất bại của mình mà không hề ngại ngần hay nao núng.
…
Mời các bạn đón đọc Nghệ Thuật Tinh Tế Của Việc Đếch Thèm Quan Tâm của tác giả Mark Manson.