Thủy tiên đã cưỡi chép vàng đi là khúc nhạc buồn bã, đẹp đến kì dị về cuộc đời của những bông thủy tiên.
Thủy tiên là một ẩn dụ, từ điển tích chàng trai Narcisuss xinh đẹp trong thần thoại Hi Lạp, vì quá yêu bản thân mình nên đã bị hóa thành bông hoa Thủy Tiên. Trong tiểu thuyết này, hình tượng Thủy Tiên xuất hiện trong ba nhân vật nữ. Đó là Tùng Vy – dù phần lớn chỉ xuất hiện trong tâm tưởng của Quỳnh – nhưng có lẽ là bông thủy tiên rực rỡ, ấn tượng nhất. Bà có tâm hồn sôi nổi, mãnh liệt tới mức vì quá yêu bầu trời tự do và rồ dại của mình, bà đã từ bỏ Tôn Dật Hán để trôi dạt về phương trời xa lắc, sống cuộc đời bấp bênh, vô định…Đó là Quỳnh, cô gái luôn thần tượng Tùng Vy và cố gắng trở thành một tiểu thuyết gia tài hoa.
Nhưng Quỳnh lại yêu cái bóng của mình theo một cách khác: cô sống quá nhiều với ký ức, ngày ngày vuốt ve những vết thương. Thế nên vết thương cũ chẳng thể lành, mà cô lại vô tình rạch thêm những vết thương mới… Và đó còn là Mạn, người mẹ ruột đài các của Quỳnh. Bà Mạn là hình ảnh bông thủy tiên Narcissus với cái nghĩa đơn giản, trần thế nhất: bà quá yêu mến, quyến luyến nhan sắc của mình, tới nỗi bà oán hận Quỳnh – bởi việc mang thai, sinh nở Quỳnh khiến bà mất đi vẻ trẻ trung thời con gái, mất bao nhiêu ánh mắt đàn ông ngưỡng mộ, xuýt xoa…
Những bông thủy tiên xinh đẹp, kiêu hãnh, với một thế giới nội tâm đầy phức tạp, nhạy cảm và nhiều độc tố, họ rồi sẽ tới đâu trong cuộc đời này?
Trương Duyệt Nhiên bao giờ cũng vậy, tài hoa và u oán, giọng văn mềm mại như nước, mãnh liệt như lửa, cốt truyện hấp dẫn, thế giới nội tâm được miêu tả tinh tế đến nỗi ta cảm thấy đây chính là câu chuyện của mình, ta thấy đau trong tim.
Thủy tiên đã cưỡi chép vàng đi sẽ là cuốn sách phù hợp cho một buổi chiều mưa, khi bạn đang cần một cớ nào đó để được khóc.
***
C on yêu, những điều này mẹ muốn nói với con:
1. Con hãy nhớ rằng đã từng đến , mẹ con mình từng cùng sống những tháng ngày, dù ngắn ngủi.
2. Con hãy nhớ rằng đã từng đau , nhớ những nuối tiếc mà bất lực của mẹ khi xa con.
3. Con hãy nhớ rằng đã từng nghe , một câu chuyện được kể bằng tình yêu – truyền từ mẹ sang con.
Mồng 6/1, mình ăn sáng với bánh mì lát và mứt hạnh. Đó là bữa sáng cuối cùng, con yêu ạ.
Sẽ đến một ngày, mẹ già đi, là lúc con khôn lớn như mẹ bây giờ. Còn họ , đều đã xa – những người đã từng rất quan trọng đối với mẹ, trong đó có cha con. Họ đã đi trên con thuyền đang chìm dần xuống đáy nước, về phía tiên giới lạnh lẽo. Sẽ chẳng có ai kịp chứng kiến con lớn khôn, chẳng ai kịp cùng con qua hết mọi ghềnh vượt thác, để tới những đỉnh cao hạnh phúc của cuộc đời. Họ bất quá chỉ là những thời khắc – dài ngắn khác nhau - trong đời một người. Sẽ đến một ngày, mẹ cũng trở thành - chỉ một đoạn – trong cuộc đời con, con yêu.
Nhưng đừng vì vậy mà đau buồn quá. Khi còn trẻ mẹ cũng đã từng ăm ắp những kỷ niệm: chia li, vĩnh biệt, mất mát. Mỗi khi nghĩ đến sự xa lìa với những người mình yêu, tim nhói đau mà chẳng cam tâm, bởi mẹ còn quá tham lam, quá ham mê với cuộc đời này. Mẹ tin con sẽ trưởng thành nhanh chóng, và sẽ như mẹ: đến một ngày có thể buông xuôi những gì mình vốn không thể nắm bắt được, trong tâm trạng thoải mái. Con có nhớ về một giấc mơ mẹ kể, về chuyện thả cá chép không?
Mẹ thường mơ về thành cổ Lệ Giang có con sông nhỏ, nước chảy rì rào, như ước mơ được bay nhảy chưa bao giờ thôi. Mẹ mơ thấy cùng cha con ra bờ sông thả cá chép. Trời ngả tối, cô bé mặc bộ áo rực rỡ của dân tộc NẠP TÂY ngồi bên thùng gỗ đầy cá chép, tay cầm cây nến hình bông hoa. Mẹ đưa tiền cho cô ấy. Cô bé dùng chiếc gáo gỗ vớt lên hai chú cá chép, xách nến dẫn hai người ra bờ sông. Cha của con là một chàng trai cao lớn, lúc nào cũng đứng bên trái mẹ.
Cha mẹ cúi xuống, nhìn nhau cười, rồi nhắm mắt ước nguyện. Sau đó, thả hai chú cá chép vàng óng ánh xuống nước. Chỉ một loáng chúng đã bơi đi. Dưới ánh nến yếu ớt, chỉ thấy cá chép ve vẩy cái đuôi rực rỡ, dần dần mất hút. Con sẽ hỏi mẹ đã ước điều gì – con nhất định là một đứa bé hiếu kì, nhưng thú thật, mẹ cũng không nhớ rõ. Đại khái cũng chỉ là những điều mà nam nữ yêu nhau vẫn quan tâm, những lời vàng đá, những thủy chung, gắn bó. Con yêu, con có biết khi mẹ nhúng tay xuống nước, cá chép vùng vẫy để thoát thân, đến lúc nó bơi đi, mẹ tiếc đến nhường nào. Nhưng thời gian chờ đợi quá dài, khi ước nguyện thành hiện thực, tâm hồn có lẽ không còn là của lúc ấy nữa. Vậy nên, thời khắc ước nguyện mới chính là điều trân trọng nhất, tựa như bông hoa đầu tiên nở với mùa xuân, hương thơm chợt bừng lên, nhắm mắt lại cũng cảm thấy như đang đứng giữa một rừng hoa. Thời khắc ấy, thời gian đã dừng lại.
Con yêu, con đến vào ngày thu, như một bông bồ công anh bay giữa trời, mệt nhoài đậu xuống trong cơ thể mẹ. Con là một đứa bé yên tĩnh và biết điều, con biết cuộc sống của mẹ lúc đó rối bời, nên chẳng hề làm cho mẹ thêm vất vả. Chân tay con ngọ nguậy rất nhẹ, khi mẹ đang ngủ. Vì vậy lần đầu tiên mẹ thấy con, là trong giấc mơ. Từ khi con đến, mẹ thường mơ giấc mơ thả cá chép vàng. Giấc mơ rực rỡ, lung linh, tựa hoa đăng không tắt trong đêm trăng của mùa xuân. Lúc đó, mẹ còn chưa biết rằng con đã đến, nhưng giấc mơ, đã mang lại một dự báo mơ hồ.
Sách giải mộng viết, mơ thấy cá chép là điềm lành, sau đó không lâu thì con đến. Con là đóa san hô rực rỡ, dưới đáy nước, cô độc. Mẹ đoán con là bé gái, hay mang đến cho mẹ cảm xúc lãng mạn nho nhỏ và những giấc mơ. Hơn nữa, ở trong mẹ, con luôn tạo ra cảm giác dằng dai, giống như một cuộc thi kéo co. Cảm giác ấy thật kì diệu, nhưng chắc chắn đó là cuộc kéo co giữa một phụ nữ với một phụ nữ. Có lúc con nhõng nhẽo, có lúc lại bao dung. Mẹ gọi con là Narcicuss, bởi con xinh đẹp như chàng thiếu niên Narcicuss của thần thoại Hi Lạp, có khuôn mặt trắng ngần như hoa thủy tiên, và tĩnh lặng như bông hoa trong nước. Trong giấc mơ của mẹ, cá vàng bơi đi, và con đã đến. Vì thế, con sẽ sinh ra bên mặt nước, và mẹ muốn con biết yêu bản thân mình, biết tự hào về mình, tìm được niềm vui khi chỉ có một mình. Con phải biết rằng, chẳng có ai có thể vĩnh viễn đi cùng con. Nếu một khi họ bỗng nhiên ra đi, con không được hốt hoảng, không được sợ hãi. Con cần học theo Narcicuss yêu chính mình, cậu ta yêu cả cái bóng của mình, suốt ngày vui chơi cùng cái bóng, không hề chán.
Mẹ ước được đem con đến thăm khu thành cổ mơ màng trong ánh nắng dịu ấy, mua cho con những áo quần sặc sỡ nhiều màu như những dải cờ đuôi nheo, ước được ngồi trên chiếc kỉ, xem con chơi xếp hình. Khi con bắt đầu bi bô, tiếng con trong như tiếng suối, con nhất định sẽ rất giỏi kể chuyện, ngồi trên xích đu, xung quanh là một vòng những người bạn nhỏ háo hức lắng nghe. Không biết con có giống mẹ, thích những câu chuyện buồn, lặng lẽ nhìn bạn bè đang rơi nước mắt, trong lòng lại thấy vui vui mãn nguyện?… Đợi con lớn thêm chút nữa, con sẽ tình cờ tìm thấy trên giá những cuốn sách mẹ viết, con có háo hức reo lên “Mẹ ơi, mẹ ơi!” và chạy về phía mẹ? Lúc đó, mẹ thấy con như chú chim đang tập bay, lông cánh rung rung dưới nắng mặt trời.
Nhưng trên thực tế, mẹ đã quyết định ngăn cản con đến. Chính là hôm nay, sau ba giờ chiều, sẽ dứt con ra khỏi cơ thể của mẹ. Chúng ta sẽ xa nhau, không bao giờ gặp lại. Cho nên những điều trên chỉ là những ảo ảnh. Con ơi, mẹ của con là một nhà văn, viết lách để sống, bà ta viết rất nhiều câu chuyện. Từ những hồn ma trên tường thành cổ đến những thanh niên thác loạn trong thôn xóm, từ những bông hoa tuẫn tiết theo tình đến những con mèo đen truyền kiếp. Thế nhưng những câu chuyện của bà ta chẳng có cái nào là thật. Bà ta coi chuyện của người khác như của chính mình, coi câu chuyện của mình như của người khác. Bà ta viết truyện của người khác thì rơi lệ, viết truyện của mình thì tê dại vô cảm.
…
Mời các bạn đón đọc Thủy Tiên Đã Cưỡi Chép Vàng Đi của tác giả Trương Duyệt Nhiên.