Maxim Gorki đã từng nói: "Tình yêu chính là giai điệu đẹp nhất của cuộc đời. Cuộc sống mà thiếu tình yêu thì không phải là sống, mà chỉ là sự tồn tại. Không thể sống thiếu tình yêu vì con người sinh ra có một tâm hồn chính là dành cho tình yêu."Quả đúng như vậy. Điều đẹp nhất và kỳ diệu nhất trong cuộc sống không gì khác ngoài tình yêu - một thứ tình cảm sâu sắc, lãng mạn; là nguồn động viên tinh thần mạnh mẽ nhất đối với con người và cũng là điều trăn trở, thao thức của bất cứ ai. Theo thời gian, khi mỗi ngày mỗi trưởng thành hơn, chúng ta sẽ nhận ra rằng, cuộc sống không thể nào thiếu vắng tình yêu. Dù thế giới có biết bao đổi thay thì tình yêu thật sự vẫn luôn hiện hữu trong trái tim bạn, trong những kỷ niệm, ký ức của bạn…
***
Hứa Linh Quân được mời tới một khách sạn hào hoa tráng lệ để gặp lại người cha sau ba mươi năm xa cách. Anh hầu như không có cái cảm giác hồi hộp sung sướng đoàn tụ thân nhân, ngược lại bị ức chế khó tả. Ba mươi năm trước cũng một ngày thu như hôm nay, cha anh đã vứt bỏ mẹ anh đang bệnh nặng và anh, lúc ấy mới mười một tuổi, cùng vợ bé rời khỏi Đại lục. Cha anh lưu học ở Mỹ, mẹ anh con gái một gia đình địa chủ, cuộc hôn nhân cổ lỗ ấy tạo nên nỗi bất hạnh, điều mong ước nhất của mẹ là tình yêu ấm áp nơi cha, nhưng cha anh thì lại tìm mọi cách ruồng bỏ, thoát khỏi sự ràng buộc của người vợ có tính tình kỳ quái ấy. Anh mất cả tình yêu của cha lẩn mẹ, từ thuở ấu thơ đã nếm trải mùi vị cô độc, cha ra đi chưa được vài hôm thì mẹ anh liền qua đời trong một bệnh viện của người Đức sáng lập. Sau ba mươi năm dâu bể, bỗng cha trở về và còn muốn đưa anh ra nước ngoài nữa.
Vượt qua hai ngày hai đêm lắc lư trên tàu hỏa và xe hơi, từ một nông trường nơi miền Tây Bắc xa xôi, biên viễn anh đã về tới Bắc Kinh. Cái túi du lịch và bao lưới ny-lông, tất cả hành lý của anh đặt lọt thỏm trong góc sô-pha, trông thật lạnh lẽo và chua xót so với những va-li lớn bé dán đầy mác nhãn các khách sạn lừng danh trên thế giới mà cha anh khuân về. Bao lưới ny-lông còn vài quả trứng chưa ăn hết trên tàu xe, bỗng anh bật cười đau khổ khi nghĩ lại Tú Chi, vợ anh một mực bảo anh phải mang theo thật nhiều trứng để làm quà cho cha. Hôm lên đường, Tú Chi và con gái Thanh Thanh tiễn anh, người lái xe ngựa - Lão Triệu đã chọc Thanh Thanh: Chuyến này thì cha cháu sẽ cao chạy xa bay, không khéo lại cùng ông nội ra nước ngoài chứ lị, Tú Chi nhìn anh mỉm cười, anh đọc được từ nụ cười ấy tất cả lòng trung trinh và tin tưởng vô hạn.
Dùng bữa tối xong, cha anh đưa anh tới vũ trường, nhìn những đôi thanh niên nam nữ nhún nhảy không hề tiếc sức, anh nhớ lại bao thợ gặt đã oằn người dưới nắng hè cháy bỏng khô khốc. Cũng như bữa ăn tối, có những món mới gắp một vài đũa đã bưng đi, dọn mất, không bì với nhà ăn nông trường mỗi người một hộp, ăn chưa hết mang về nhà, anh đau đớn như thắt từng khúc ruột lần đầu tiên tận mắt trông thấy cái cảnh trái ngược này. Tại vũ trường cha khuyên anh hãy ra nước ngoài, ông thổ lộ mọi khổ tâm, hối hận với những lỗi lầm quá khứ và bao ưu tư lo lắng cho hiện tại già nua xế chiều. Kỳ thực thì anh đã có lúc nào không nghĩ đến cha đâu? Sau ngày giải phóng, Đảng Cộng sản đã thu nhặt một đứa con rơi như anh, dạy dỗ đào tạo nó trở thành giáo viên nhân dân, nhưng vì xuất thân từ giai cấp tư sản, khiến anh phải đội cái mũ Hữu phái và lại bị mọi người bỏ rơi, bị đưa lên nông trường Tây Bắc lao động cải tạo. Một đêm mùa thu hai mươi năm về trước, anh co quắp thân mình trong chuồng ngựa, khóc than thảm thiết, lúc ấy cha ở đâu hỡi cha? Còn bây giờ cha hiện diện trước mặt anh, nhưng sao anh cứ cảm thấy xa lạ và không chân thật đến thế. Nghe cha kể lể tình cảnh, anh bỗng nhận ra cái hố ngăn cách giữa cha con anh là thực tế, nhãn tiền, từ con cả, từ cháu đích tôn một gia tộc giàu có anh trở thành người lao động thực thụ. Con đường nối giữa hai điểm cực đoan ấy hàm chứa giao thoa bao nỗi buồn vui. Mãn hạn cải tạo, anh ở lại nông trường làm chân chăn ngựa, cả ngày giọng ruổi trên thảo nguyên bầu bạn cùng trời mây, cây cỏ và súc vật. Những lúc trú mưa trong lều bạt, làm quen với dân, họ không hề kỳ thị xa lánh anh, họ thổ lộ: Hữu phái năm bảy [2] là những người dám nói lên sự thật. Thiên nhiên bao la và tình người ấm áp là liều thuốc chữa trị những vết thương lòng trong anh, giúp anh trở lại yêu và tin cuộc sống. Thời “Văn cách”, có người định lôi anh ra đấu tố, nhưng nhờ những mục dân che chở, đuổi đàn ngựa vào sâu trong núi, anh thoát nạn và thực sự sống tự do trong trời đất, nhưng cũng vô cùng gian khổ. Mùa xuân năm ngoái, nông trường bộ cho người gọi anh về, tuyên bố anh được phục hồi danh dự, cởi cái mũ Hữu phái, mặc bộ đồng phục màu xanh, tiếp tục giấc mơ làm thầy giáo của hai mươi năm trước và anh nhanh chóng được học sinh và mục dân ở đây kính trọng. Từ trong khóe mắt và ánh nhìn của họ, anh nhận ra giá trị của bản thân mình.
…
Mời các bạn đón đọc Một Phút Dành Cho Những Chuyện Tình.