Pa Chin là một đại văn hào của Trung Hoa. Ông sinh năm 1905 tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, một tỉnh hẻo lánh hiểm trở tại miền tây Trung Hoa, nơi còn giữ nhiều cổ tục trong một gia đình đại địa chủ, tôn trọng truyền thống “tứ đại đồng đường”: ông bà, cha mẹ chú bác cô dì và con cháu ở chung với nhau, tuân theo kỷ luật nghiêm khắc của đại gia trưởng. Tên thực của ông là Lý Nghiêu Đường, tự là Phế Cam. Cái bút hiệu Pa Chin của ông không có nghĩa gì, mà chỉ là do ghép vần đầu và vần cuối của hai tên nhà văn người Nga mà ông ngưỡng mộ. Đó là Bakunin và Kropotkin.
Trong cuộc Cách mạng Văn hóa kinh thiên động địa của Mao Trạch Đông nhằm loại trừ các đối thủ chính trị, ông bị buộc tội đã viết “mười bốn tác phẩm độc hại,” trong đó có cuốn tiểu thuyết Gia Đình. Không những ông bị đấu tố dã man và lao động nhục nhằn vì tác phẩm của ông, mà vợ con ông cũng bị hành hạ tàn nhẫn, chỉ vì tội là vợ và con của ông.
Đầu thế kỷ hai mươi là một thời kỳ đại loạn tại Trung Hoa, với một nếp sống hàng ngàn năm đang bị nhổ rễ bởi một cuộc cách mạng cực đoan. Gia Đình là một trong những tiểu thuyết nổi tiếng thời ấy, đã linh động phản ảnh cái giai đoạn đen tối ấy, và có công dụng làm căn bản để hiểu những gì xảy ra sau đó.
Pa Chin viết cuốn Gia Đình năm 1931 như là phần đầu của bộ trường thiên tiểu thuyết thành công nhất của ông: Kích Lưu Tam Bộ Khúc.
Bộ này gồm có ba cuốn:
Nhiều người so sánh cuốn Gia Đình của Pa Chin với tác phẩm Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần, vì cách mô tả tuyệt đích về đời sống gia đình và xã hội đương thời. Người ta cũng có thể coi tác phẩm Gia Đình là một cuốn tự truyện của Pa Chin.
Nhân vật Giác Tuệ chính là Pa Chin, vì cả hai đều có nhiều điểm giống nhau: sinh trưởng trong một gia đình đại địa chủ, năm mười tuổi mồ côi mẹ, rồi vài năm sau mồ côi cha, sau đó lại mất người chị ruột và một người bạn gái rất thân thiết từ thời niên thiếu.
Gia Đình là câu chuyện trong cái dinh cơ giầu có của nhà họ Cao, trong đó nhiều thế hệ sống chung với nhau cùng với rất nhiều gia nhân nô tỳ. Đó là một hình ảnh tương phản giữa nước Trung Hoa cổ và những đợt sóng mới trào dâng lên để hủy diệt cái xã hội cổ ấy, được biểu thị trong đời sống hàng ngày của nhà họ Cao, và đặc biệt là ba anh em nhà họ Cao còn trẻ là Cao Giác Tân, Cao Giác Dân và Cao Giác Tuệ. Tất cả là những xung đột: xung đột giữa các thế hệ và giai cấp, những mối tình tan vỡ đau thương vì bị gia đình ngăn cấm, hành động của các học sinh sinh viên chống lại chính quyền áp bức, và cuộc chiến đấu giải phóng phụ nữ.
Cuốn Gia Đình có thể tạo ra cho độc giả những xúc cảm mạnh mẽ phức tạp và sầu buồn trước những kinh nghiệm tuyệt thảm nhân sầu của con người.
***
Gió thổi mạnh; những bông tuyết trôi như bông gòn từ một chiếc mền bị xé rách, vật vờ rơi xuống. Từng lớp tuyết trắng chất đống tại chân tường hai bên đường, tạo ra một lề đường rộng cho lòng đường lầy lội tối tăm.
Khách bộ hành và phu khiêng kiệu phấn đấu với gió và tuyết mà không có kết quả gì. Tất cả đều mệt mỏi trong khi tuyết đổ xuống mỗi lúc một nặng hơn. Tuyết tràn ngập bầu trời, tuôn xuống khắp nơi – trên dù, trên kiệu, trên áo choàng của phu khiêng kiệu, và trên mặt khách bộ hành.
Gió thổi vùi dập những cây dù về mọi phía; một vài cái tuột khỏi tay người. Tiếng gió hú thê thảm, nhập với tiếng bước chân trên tuyết để làm thành một thứ âm thanh kỳ lạ khó chịu. Trận bão tuyết này sẽ ngự trị thế giới một thời gian thật lâu dài; dường như nó cảnh cáo mọi người ngoài đường rằng mặt trời ấm áp của mùa xuân sẽ không bao giờ trở lại nữa.
Lúc đó gần tối rồi, nhưng đèn đường chưa thắp. Mọi vật dần dần biến mất vào một màn đêm màu xám. Nước và bùn ngập đường phố trong không khí lạnh giá buốt. Chỉ một ý nghĩ khuyến khích những người đi bộ đang phấn đấu giữa cái quang cảnh u ám này – rằng họ sắp được trở về với sự ấm áp và sáng sủa trong nhà.
Một thanh niên 18 tuổi giục em, “Bước mau lên, Giác Tuệ, nếu không chúng ta sẽ về trễ bữa ăn tối.” Chàng một tay cầm dù, tay kia kéo cao mép chiếc áo bông. Bộ mặt tròn của chàng đỏ ửng vì lạnh trong khi chàng quay lại nói với người em; đôi kính gọng vàng nằm trên đầu mũi chàng.
Giác Tuệ, người thanh niên bước phía sau, tuy cùng một khổ người và mặc cùng một thứ y phục, có vẻ trẻ hơn. Mặt chàng gầy hơn, hai mắt rất tinh anh.
“Ðừng lo, chúng ta về gần tới nhà rồi. Anh ơi, trong buổi tập diễn hôm nay anh đóng xuất sắc nhất, tiếng Anh của anh tuôn ra tự nhiên trôi chảy. Anh đóng vai người bác sĩ thật là đúng; lời đối thoại và diễn xuất của anh rất hay.”
Giác Tuệ nói một cách hứng khởi trong lúc chân bước mau hơn. Bùn bắn lên, hai ống quần của chàng đã lấm tấm vương bùn rồi.
Người anh, Cao Giác Dân hơi chậm bước để chờ người em bắt kịp và nói một cách hãnh diện hài lòng: “Có gì đâu, chỉ vì tại anh bạo dạn hơn em thôi. Em quá nhút nhát, và vai Hắc Cẩu của em không đúng lắm. Hôm qua em đã học thuộc lòng vai ấy rồi mà? Tại sao em không nói được trong lúc tập diễn? Nếu không có giáo sư Chu nhắc thì em không thể đóng hết được màn đó.”
Tuy người anh nói hết sức dịu dàng, không ngầm một ý chê trách, nhưng Giác Tuệ cũng mắc cở, máu dồn lên má trong lúc chàng nói một cách bối rối, như thể để tự hồi phục. “Em không biết tại sao, mỗi khi em lên sân khấu là em lại hoảng sợ; em cảm thấy như đứng trước rất đông người đang chăm chú nhìn em. Em cố gắng hết sức, em muốn nói lời đối thoại trơn chu…”
…
Mời các bạn đón đọc Gia Đình của tác giả Pa Chin.