Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Cây Đàn Miến Điện - Takeyama Michio

Là tác phẩm giúp Takeyama Michio đạt giải thưởng văn chương do cơ quan báo chí Mainichi trao tặng. Đây là một câu chuyện cảm động, kể về những người thanh niên thường dân Nhật biến thành lính tráng, dấn thân vào một cuộc chiến mà họ không hiểu rõ hoàn toàn, để rồi phải trải qua bao nhiêu gian truân và bi đát. Tình tiết chuyện hấp dẫn, lối kể hiện thực và lời văn đơn giản, dễ hiểu. Ba yếu tố phiêu lưu, bi đát và hài hước kết lại thành một truyện chiến tranh đặc sắc và ly kỳ.

Cây Đàn Miến Điện là một câu chuyện về Đệ Nhị Thế Chiến; tuy nhiên, chủ đề của nó là chủ đề muôn thuở. Nhờ thế, với tình tiết hấp dẫn, lối kể hiện thực và lời văn đơn giản, kể từ khi ra đời, tác phẩm này đã lôi cuốn, thỏa mãn không biết bao nhiêu độc giả mà nói, ở trong cũng như ở ngoài nước. Ấy là chưa kể sự kiện nó đã được đưa lên màn ảnh và sân khấu.

Như tác giả quan niệm: Chính vì thế hệ trẻ của dân tộc Phù Tang mà ông viết truyện này. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn, sau khi xuất bản, tập truyện đã trở nên phổ thông ngay cả trong đám người lớn và đã được dịch sang tiếng Anh - đó là bản dịch của Howard Hibbett, xuất bản ở Hoa Kỳ năm 1966.

Bề mặt, Cây Đàn Miến Điện, hấp dẫn, ly kỳ, kể chuyện những người thanh niên thường dân biến thành lính tráng, dấn thân vào một cuộc chiến mà họ không hiểu rõ hoàn toàn, rồi phải trải qua bao nhiêu gian truân, bi đát, não nề.

Trong tập truyện chẳng thiếu yếu tố phiêu lưu, bi đát và hài hước - cả ba kết lại tạo thành một truyện chiến tranh đặc sắc. Song lẽ, như tác giả đã nói, ông hy vọng độc giả sẽ không bắt gặp một truyện chiến tranh phiêu lưu nào khác nữa ở Miến Điện. Nếu truyện này đạt được mục đích, ít nhất nó cũng khiến độc giả suy ngẫm; như vậy tác giả lấy làm sung sướng lắm rồi.

***

Takeyama Michio sinh năm 1903 và hai mươi ba năm sau tốt nghiệp đại học Hoàng gia Tokyo, chuyên về văn chương Đức. Sau một thời gian dạy học ở Tokyo, ông rời Nhật Bản qua châu Âu du học.

Tên tuổi Takeyama nổi bật trong giới nhà văn Nhật Bản, sau đệ nhị thế chiến, nhờ những bài phê bình văn học đầy những nhận định xác đáng và lý luận đanh thép. Ông trở lại trường cũ năm 1949 và làm giáo sư tại đây ba năm. Ngoài ra, ông dồn hết cố gắng vào công việc dịch thuật những tác phẩm văn học Đức sang tiếng mẹ đẻ.

Cuốn Cây Đàn Miến Điện (Biruma no Tategoto), xuất bản năm 1946, đã đem lại cho ông giải thưởng văn chương do cơ quan báo chí Mainichi trao tặng.

***

Chắc chắn là chúng tôi đã hát rất nhiều. Dù sung sướng hay khổ sở, lúc nào chúng tôi cũng hát. Có lẽ bởi vì luôn luôn sống dưới sự đe dọa của trận mạc và chết chóc, nên chúng tôi cảm thấy ít nhất cần làm công việc duy nhất này cho thật tốt chừng nào còn sống. Dầu sao chúng tôi cũng đã đem hết sức lực và tâm hồn ra để hát. Chúng tôi thích những bài ca trang nghiêm, những bài ca ý nghĩa sâu xa chứ không phải loại bài ca bình dân tầm phào. Dĩ nhiên, đa số anh em trước kia chỉ là nông dân hoặc công nhân, nhưng chúng tôi đã cố gắng học ít nhạc đồng ca hay hay.

Tôi vẫn còn nhớ lòng tràn đầy vui sướng ra sao khi chúng tôi đứng hát bên một bờ hồ.

Chúng tôi đã thực hiện một cuộc di hành dài qua rừng cây rậm rạp đi xuống một thung lũng. Bất thình lình một cái hồ hiện ra trước mặt với những ngôi nhà trắng toát đứng lù lù trên bờ nước. Đó là một thôn làng, nơi ngày xưa một vị vua Miến Điện đã cất một lâu đài đá nghỉ mát. Các ngôi nhà, túm tụm vào nhau, tường quét vôi trắng, xây trên một cái vịnh nhỏ, một nửa chìm dưới sâu, đang soi bóng trên mặt nước. Những mái nhà chỏm tròn, những đỉnh tháp nhọn hoắt và những gác chuông lạ mắt đâm thẳng lên trời - bầu trời nhiệt đới chói chang.

Đã có bao giờ anh nhìn thấy màu trắng đục như đá mắt mèo chưa? Vâng, bầu trời Miến Điện có đúng cái loại màu trắng ấy, đó đây lại thắm hơn vì những vệt ánh sáng lấp loáng màu ngũ sắc. Nhìn những ngọn tháp đá hoa cương theo hình trôn ốc xoắn tít lên một bầu trời như thế, anh sẽ cảm thấy như thể đang sống trong mộng vậy.

Ba ngày liền đóng quân tại làng ấy, ngày nào chúng tôi cũng tập hát. Chúng tôi hát những bài đạo ca, những bài hát ngày xưa có tính cách nhớ nhà chúng tôi thích như bài Trăng Trên Lâu Đài Hoang Tàn những điệu vui vui như les Toits de Paris, và ngay cả những bài ca Ý, Đức khó thuộc. Tại đó, bên mặt hồ nên thơ ấy, đại úy vui sướng múa đũa điều khiển trong khi anh em binh sĩ chúng tôi, bị âm thanh của chính mình thốt ra lôi cuốn, say sưa hát hết bài này đến bài khác.

Một hôm để chấm dứt buổi hát chúng tôi tập lại bài hát của đại đội Hanyu no Yadochia thành nhiều bè, hát đi hát lại nhiều lần. Hanyu no Yado - “Trở về Mái Nhà Xưa" - là một bài hát mong nhớ, bài hát chẳng bao giờ không làm tâm hồn chúng tôi rung động. Trong lúc hát chúng tôi nghĩ đến gia đình và ao ước có thể cho gia đình nhìn thấy cảnh đẹp này, và nghe thấy tiếng chúng tôi đang hát.

Sau cùng, đại úy nói: "Được rồi, các bạn, hôm nay thế là đủ. Ngày mai, cũng vào giờ này, chúng ta sẽ tập cái gì mới. Đại đội tan hàng!" Thế rồi đại úy quay lại gọi một người trong bọn: "Ê, Mizushima, chú đã sẵn sàng phần đệm ấy chưa?"

Mizushima là một trung sĩ; người gân guốc, mảnh khảnh, tầm thước, nước da hầu như đen kịt vì ánh nắng, đôi mắt sâu hoắm, to tướng, trong vắt. Trước khi gia nhập đại đội, Mizushima không được học qua nhạc nào, nhưng có lẽ anh có tài thiên bẩm vì anh tiến bộ thật nhanh, âm nhạc là đam mê duy nhất của anh; anh không nghĩ đến gì khác ngoài âm nhạc. Anh tự tay chế lấy cây thụ cầm để hòa âm theo đội đồng ca của chúng tôi, và anh chơi đàn khéo đến độ Chẳng bao lâu đã có thể đánh theo bất kỳ điệu nào chúng tôi hát.

Mời các bạn đón đọc Cây Đàn Miến Điện của tác giả Takeyama Michio.