Người bạn bí ẩn là tác phẩm đoạt giải thưởng John Newberry – giải thưởng cho tác phẩm đóng góp xuất sắc cho văn học thiếu nhi Mỹ – năm 2010. (Kira-Kira là tác phẩm đoạt giải thuởng này năm 2005)
Truyện lấy bối cảnh nước Mỹ những năm bảy mươi của thế kỷ 20, kể về cuộc sống của hai mẹ con cô bé Miranda 12 tuổi. Câu chuyện được kể dưới dạng một lá thư, đồng thời cũng như là nhật kí viết cho một người bí ẩn của Miranda, mà lúc viết, cô chưa thể nhận ra ai sẽ là người nhận bức thư của mình. Miranda sống cùng với mẹ trong một chung cư cũ, cuộc sống hai mẹ con cứ trôi qua lặng lẽ. Đến một ngày, hai mẹ con phát hiện ra chìa khoá dự phòng căn hộ của họ giấu ở ống cứu hoả bị mất. Họ phát hiện ra có người đột nhập vào nhà mà không hề mất thứ gì.
Sau đó, Miranda nhận được những lá thư bí ẩn, chữ viết tay nguệch ngoạc. Cô bé nhận ra, người viết lá thư này là người biết rất rõ về cuộc sống của cô, biết cả nhưng chuyện chưa xảy ra. Những lá thư tiếp tục được gửi tới, vào những trường hợp mà cô bé không ngờ đến. Những lá thư cho Miranda những chi tiết rời rạc về một chuyện kinh khủng sắp xảy ra, đầy bí ẩn, dần dần cô bé có đủ thông tin để tin tưởng mình là người duy nhất có thể ngăn chặn một cái chết bi thảm sẽ xảy đến nhưng không biết nạn nhân sẽ là ai.
Rồi cô bé đã tự mình nối kết những thông tin, làm sáng tỏ mọi chuyện.Câu chuyện được thể hiện qua giọng kể của cô bé 12 tuổi với cái nhìn trong trẻo, những cảm nhận rất trẻ con nhưng cũng rất sâu sắc về cuộc sống, về tình bạn và những vấn đề xã hội đáng để chúng ta suy nghĩ. Độc giả sẽ không khỏi ngạc nhiên và xúc động trước quyết tâm chuộc lỗi của “người bạn bí ẩn” trong tác phẩm này, và tự hỏi “Sao một đứa trẻ lại có thể hành động với tinh thần trách nhiệm cao như thế?”
***
Những Thứ Bạn Cất Trong Hộp
Hôm nay mẹ nhận được một tấm thiệp. Tấm thiệp viết một dòng chữ lớn bay bướm: Chúc mừng. Phía trên góc trái là địa chỉ người gởi: Trường quay TV-15, đường số 58 Hướng Tây. Sau ba năm cố gắng, cuối cùng mẹ đã thành công. Mẹ sẽ trở thành một trong những người tham gia trò chơi truyền hình Kim Tự Tháp 20.000$ của Dick Clark.
Trên tấm thiệp liệt kê một số món đồ cần mang theo. Mẹ cần mang thêm một số quần áo để thay nếu chiến thắng vào vòng trong. Dù khi phát sóng họ giả vờ như đó là ngày tiếp theo nhưng thật ra thì họ quay tất cả chỉ trong một buổi mà thôi. Tấm thiệp không yêu cầu mang theo kẹp tóc, nhưng tôi chắc chắn mẹ sẽ đem theo vài chiếc. Không giống tóc tôi, mái tóc đỏ bồng bềnh nếu để xõa có thể che lấp gương mặt với những nét đặc trưng Mỹ của mẹ.
Phía dưới tấm thiệp là một dòng chữ ghi vội bằng viết mực xanh, ngày mà mẹ phải có mặt: Ngày 27 tháng 4 năm 1979. Đúng như bạn đã nói.
Tôi kiểm tra cái hộp dưới gầm giường. Tôi cất tất cả những lá thư của bạn trong đó suốt mấy tháng qua. Nó đây rồi: Ngày 27 tháng Tư: Trường quay TV-15, dòng chữ nhỏ xíu viết nguệch ngoạc như thể bạn đã viết trên xe điện ngầm. “Bằng chứng” cuối cùng của bạn.
Tôi vẫn còn suy nghĩ về lá thư mà bạn muốn tôi viết. Nó cứ ám ảnh tôi mãi, dù bạn đã ra đi và tôi không còn ai để trao lá thư đó nữa. Đôi khi tôi cố gắng hình dung lại câu chuyện bạn bảo tôi phải kể, về những gì xảy ra trong những tháng vừa qua. Mọi thứ vẫn ở đó, như một bộ phim có thể xem lại bất cứ khi nào, dù muốn hay không. Và tôi biết mình sẽ không bao giờ muốn xem lại.
Mời các bạn đón đọc Người Bạn Bí Ẩn của tác giả Rebecca Stead.