Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Napoleon Bonaparte - Yevgeny Viktorovich Tarle

Người mà tôi phải viết về thân thế và giải thích về tính cách là một trong những hiện tượng kỳ lạ nhất của lịch sử thế giới, và cũng không lấy gì làm ngạc nhiên khi thấy người ta đã viết, đang viết và còn phải viết rất nhiều cuốn sách nữa về con người ấy.

Cuộc tàn sát trên thế giới trong những năm 1914 - 1918 tất nhiên làm thức tỉnh và làm tăng thêm sự chú ý tới nhân vật mà các chuyên gia đều đã nhất trí coi là thiên tài quân sự lớn nhất của các thời đại. Những tướng bất tài như loại Robert Georges Nivelle ở Pháp, Helmuth Johannes Ludwig von Moltke cháu và Erich von Falkenhayn ở Đức, John French và Frederick William Hedges ở Anh, Paul von Rennenkampf và Nikolai Nikolaevich Yanushkevich ở Nga thì nhiều vô kể, đến nỗi buộc người ta phải coi đến cả những nhân vật mà tài năng hạn chế như Erich Ludendorff, Ferdinand Jean Marie Foch, hay Harold Aleksandr là những nhà chiến lược thiên tài. Ngay sự tồn tại của những nhà chỉ huy bất lực ấy của hàng triệu người vũ trang cũng đã chứng minh một cách không thể chối cãi được rằng, tình trạng chiến tranh và sử dụng những quân đội khổng lồ tự thân nó không có khả năng tạo nên một nhà chỉ huy thiên tài, cũng như toàn thể những mỏ đá Cara đẹp nhất không có khả năng sinh ra một nhà điêu khắc như Phidias hay một họa sỹ như Michelangelo được. Sau cuộc chiến tranh thế giới, sự thật ấy đã được thừa nhận một cách không cần bàn cãi, và một điều rất tự nhiên là nó đã làm sống lại một cách mạnh mẽ sự chú ý tới một số bậc thầy về nghệ thuật chiến tranh như Annibal (Hannibal Barca), Julius Caesar, Alexander Vasilyevich Suvorov, và dĩ nhiên, trước hết là tới “người đứng đầu trong số những người đứng đầu" về nghệ thuật này: Napoléon.

Theo quan điểm của Napoléon thì những cuộc chiến tranh, những cuộc xung phong, những cuộc hành quân, những cuộc xâm lược đều nhằm đánh bại kẻ địch, bắt chúng phải làm theo ý muốn của mình, bắt chúng phải hàng phục một cách chắc chắn và lâu dài, hàng phục “mãi mãi", rồi từ đó nhào nặn lịch sử nước bị đánh bại theo ý muốn của mình, hay nếu không có khả năng đạt được mục đích đó ngay, thì ít ra cũng làm ảnh hưởng đến lịch sử của nước ấy. Những thắng lợi không chiến quả, nghĩa là những thắng lợi không mang lại những quyền lợi chính trị trực tiếp thì Napoléon không bao giờ cần đến.

Đương nhiên là chỉ ở vào thời kỳ thơ ngây của lối viết lịch sử duy tâm và đặc biệt là của “trường phái anh hùng" - một trong những cách viết theo quan điểm duy tâm - người ta mới gán cho Napoléon vai trò của kẻ đã sáng tạo ra thời đại mà Napoléon đã sống, thời đại mà Napoléon được coi là người mang lại cả ý nghĩa lẫn tinh thần tầm quan trọng về mọi mặt đối với sự tiến bộ của nhân loại.

Sau khi bóp chết được cách mạng Pháp, Napoléon đã làm cho mọi người không còn nhớ gì đến cuộc cách mạng ấy nữa; ông ta đã khủng bố dữ dội những người Jacobins vào tháng 12 năm 1800 không phải vì phái này đã tổ chức “vụ bom nổ" (ngay sau đó ông ta biết phái nay không dính dáng gì vào việc ấy), mà chỉ bởi họ là những người Cộng Hòa và họ nhất định không muốn vì cái danh dự của lòng yêu nước theo lối chauvinism và hiếu chiến mà phản lại truyền thống cách mạng. Trên con đường phản động chính trị, Napoléon đã làm tất cả những cái gì cần làm trước hết và trên hết cho giai cấp đại tư sản thương nghiệp và công nghiệp; ông ta đã chỉnh đốn toàn bộ chính sách đối nội và đối ngoại của mình để làm thế nào có thể thỏa mãn hoàn toàn những quyền lợi của giai cấp này.

Kẻ chuyên chế ấy đã gạt ra khỏi sinh hoạt chính trị và xã hội thuộc đế quốc của y ngay cả những khái niệm còn chưa phải là khái niệm tự do. Trong suốt thời gian ngự trị của Napoléon, một không khí im lặng tuyệt đối đã bao trùm lên đế quốc rộng lớn của ông ta. Ông ta muốn chỉ đạo mọi việc, chỉ huy mọi người, đến nỗi ở triều đình, ngay trong đám đại thần và tướng lĩnh, người ta lấy vợ lấy chồng cũng phải theo lệnh và chỉ thị của ông ta, và người ta phải ly dị nhau khi Napoléon thấy là cần thiết.

Chiến tranh đã làm nước Pháp kiệt quệ. Vào những năm 1814 - 1815, có những làng không còn đàn ông từ 15 tuổi trở lên đến 70 tuổi trở xuống nữa. Napoléon đã đấu tranh một cách kiên quyết và luôn luôn tàn bạo chống lại tinh thần cách mạng của thợ thuyền. Chính bản thân ông ta cũng biểu hiện điều đó và đã có lần nói, với cái lối thẳng thắn đặc biệt của ông ta, rằng thợ thuyền không có một lý do gì để yêu ông ta được, rằng ông ta “thấy họ sống cùng khổ và cứ để mặc cho họ khổ". Nhưng, ông ta đã quên nói thêm rằng không có một chính phủ nào của cuộc cách mạng tư sản bị ông ta đè bẹp tỏ ra có được tài năng tuyệt diệu bằng ông ta trong việc tìm ra những thủ đoạn bóc lột đến tận xương tủy giai cấp thợ thuyền, vì việc lập ra “tiểu bạ công nhân"[1] của ông ta đã vĩnh viễn tước đoạt mất của thợ thuyền khả năng bảo vệ quyền lợi của mình, dù rất ít hiệu lực, để chống lại sự bóc lột của bọn chủ.

Ông hoàng Pyotr Andreyevich Vyazemsky, bạn lớn tuổi của Pushkin, sống vào thời kỳ Napoléon, đã nói rằng sự áp bức thường xuyên, sự hoảng hốt và sự lo lắng nơm nớp cho một ngày mai bấp bênh đã bao trùm lên cả Châu Âu trong suốt thời gian Đế chế thứ nhất. Không ai có thể biết được rằng ngày mai đây sự gì sẽ đến với bản thân họ và đất nước họ, vì không biết Napoléon, có chuẩn bị một đòn bất ngờ nào không. Là kẻ ngưỡng mộ, tán dụng Napoléon, Albert Count Vandal đã khéo dùng một từ bóng bẩy để gợi đến những “biên giới di động" của cái đế quốc do người anh hùng mà ông ta yêu chuộng lập nên. Nhưng, dù cho độc giả chẳng hiểu rõ thế nào là “biên giới di động" thì rồi ngay đây độc giả cũng sẽ tin lời hoàng thân P.A. Vyazemsky và sẽ hiểu tại sao tình trạng áp chế và náo động đã đè nặng lên Châu Âu trong thời đẫm máu đó. Biên giới của đế quốc Napoléon không những chỉ “di động" trong và sau chiến tranh, mà còn di động cả trong những khoảng thời gian ngắn ngủi mà Napoléon không đi chinh chiến. Khi có thời cơ thuận tiện, ông ta chỉ việc đưa ra một sắc lệnh sát nhập vô điều kiện các nước mà ông ta muốn vào đế quốc của ông ta. Đối với Napoléon các hiệp ước đều không có một chút giá trị gì. Sự cướp bóc đã được công khai tổ chức và diễn ra trên tất cả các nước mà Napoléon đã giữ cho nền tài chính của nước Pháp vẫn ở tình trạng khả quan và hầu như không bị mắc nợ (còn như nước Anh, suốt 40 năm chưa trả hết nợ đã mắc trong thời kỳ Napoléon) và về vấn đề này, các nhà viết sử Pháp “yêu nước" đã quá dễ dàng cảm kích, họ quên rằng kết quả rực rỡ đó chẳng qua chỉ là do sự cướp bóc thả cửa chưa từng thấy ở các nước bị chinh phục.

Độc giả của cuốn sách này thường hỏi tôi, liệu có thể đánh giá như tôi rằng “chiến tranh của Napoléon là chiến tranh đế quốc" không, mặc dầu chủ nghĩa đế quốc, như hiện nay chúng ta hiểu, chưa xuất hiện vào đầu thế kỷ thứ XIX. Lẽ dĩ nhiên người ta có thể gọi, và thậm chí phải gọi như vậy, vì từ ngữ “chiến tranh đế quốc" được áp dụng một cách hoàn toàn chính xác vào các cuộc chiếm đoạt của Napoléon, nếu xét về tính chất và ý nghĩa của chúng, Lenin đã nhiều lần nói đến vấn đề này, và trong thời kỳ những hoạt động nổi tiếng của Người cho Hòa Ước Brest - Litovsk, Người đã nói như sau: “Những cuộc chiến tranh đế quốc của Napoléon đã diễn ra trong nhiều năm, bao gồm cả một thế kỷ, và đã làm xuất hiện một hệ thống đặc biệt phức tạp những mối quan hệ đế quốc chủ nghĩa trong những mâu thuẫn của chúng với các phong trào giải phóng dân tộc". Và như đoán trước được câu hỏi của độc giả tôi, Người liền nói rõ thêm: “Ở đây, tôi gọi chủ nghĩa đế quốc là sự cướp bóc các nước khác nói chung và chiến tranh đế quốc là chiến tranh giữa quân ăn cướp để chia nhau những của ăn cướp được".

Vin vào tất cả mọi cớ có thể vin được để nô dịch về mặt chính trị và cướp bóc thả cửa, đó là ý nghĩa của các cuộc chiến tranh của Napoléon đối với các nước bị chinh phục.

Giai cấp đại tư sản cần thống trị về mặt kinh tế trên lục địa Châu Âu bị nô dịch. Giai cấp ấy giúp Napoléon giữ được uy quyền tuyệt đối ở trong nước và ở Châu Âu. Đó là quy tắc của đế quốc Napoléon. Nhưng đó mới chỉ là một hình ảnh cục bộ của nền thống trị Napoléon và nếu cho thế là hết thì quả thật là không hiểu hết ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp của con người dị thường này.

Châu Âu phong kiến và chuyên chế sụp đổ dưới những đòn của Napoléon là một sự kiện hiển nhiên và không thể chối cãi được, phủ nhận ý nghĩa lịch sử tích cực và tiến bộ của sự kiện ấy là không công bằng và không xứng đáng với bất cứ một nhà học giả nào, dù rằng chỉ có đôi chút tinh thần nghiêm túc.

Điều mà K. Marx và Fr. Engels nói về nước Đức đều có thể vận dụng vào các nước khác trên lục địa: “Nếu Napoléon tồn tại là người chiến thắng ở nước Đức thì, với đường lối chính trị kiên quyết nổi tiếng của mình, Napoléon ắt đã loại trừ ít ra là ba tá các vị phụ mẫu yêu quý của nhân dân. Pháp chế và nền cai trị của nước Pháp ắt đã tạo nên một nền móng vững chắc cho sự thống nhất nước Đức và ắt đã giải thoát cho chúng ta khỏi 33 năm nhục nhã và bạo ngược… Của Quốc Hội Liên Bang. Chỉ cần hai hay ba đạo luật của Napoléon là hủy bỏ vĩnh viễn được chế độ lao dịch nhục nhã của thời trung cổ, mọi đặc quyền đặc lợi, toàn bộ nền kinh tế phong kiến và chế độ gia trưởng còn đè nặng lên chúng ta trên khắp mọi ngả, mọi nơi trong tổ quốc của chúng ta”.

Napoléon đã giáng cho chế độ phong kiến những đòn chí tử, làm cho nó không bao giờ còn có thể ngóc đầu lên được, và đó cũng là ý nghĩa tiến bộ của thiên sử anh hùng ca gắn liền với tên tuổi Napoléon.

Với tư cách là một thực tế lịch sử, Napoléon là một hiện tượng không bao giờ có thể tái sinh ở bất cứ đâu, trong lịch sử thế giới, không bao giờ có thể tái diễn tình hình đã xảy ra ở nước Pháp và ở Châu Âu vào cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX.

Mục đích chủ yếu của tác giả là cố dựng một bức họa thật chi tiết về thân thế và sự nghiệp của ông Hoàng Đế đầu tiên của nước Pháp, với đặc điểm như là một con người, một nhân vật lịch sử, cùng với tài năng, bản chất và ước vọng của ông ta. Chúng tôi cho rằng ít ra độc giả cũng đã có một hiểu biết chung về thời đại, về các lực lượng trong lịch sử có tính chất quyết định, về cơ cấu giai cấp xã hội nước Pháp sau cách mạng và ở Châu Âu phong kiến và chuyên chế.

Trong hoàn cảnh của Châu Âu lúc đó, chính Napoléon là người đã giáng vào trật tự phong kiến nhiều đòn khủng khiếp. Không biết lịch sử nền đế chế Napoléon, độc giả sẽ không hiểu gì về toàn bộ lịch sử của Châu Âu từ năm 1815 đến năm 1848.

Độc giả, dẫu làm quen rất ít với các tác phẩm viết về Napoléon hẳn đều đồng ý rằng cái định nghĩa của tôi ở đây, dù xấu hay tốt, cũng không phù hợp với định nghĩa mà các nhà viết sử tư sản đã gán cho Napoléon, kể cả những người đã tán tụng và những người dèm pha Napoléon. Lý do là vì tôi đã cố gắng mô tả một cách hoàn toàn khách quan nhân vật vừa rộng lớn lại vừa phức tạp này và vì không phải tôi chỉ chú ý (và chú ý nhiều) đến động cơ hành động của nhân vật đó hơn là đến ý nghĩa lịch sử của những hành động ấy. Jens (Gien-xơ?) nhà ký giả người Áo, một trong những kẻ thù hăng nhất của Napoléon, đã gọi Napoléon là một hiện tượng của tạo hóa, mặc dầu đã tin như vậy, Jens cũng vẫn đả kích kịch liệt cái “hiện tượng của tạo hóa" ấy. Pushkin đã gọi Napoléon là “người đã được thiên định để chấp hành những định mệnh bí ẩn" của lịch sử. Nhắc lại lời của Pushkin là cốt để nói lên rằng, chính điểm ấy đã làm tôi phải chú ý và tìm xem Napoléon đã làm tròn nhiệm vụ lịch sử lớn lao của mình như thế nào.

Cuốn sách này không phải là một tác phẩm phổ thông, mà là kết quả của một sự tìm tòi chuyên đề, một bản tóm tắt cô đọng những kết luận mà tác giả đã đạt được sau khi nghiên cứu các tài liệu lưu trữ hoặc đã được xuất bản. Tác giả đã khai thác những tài liệu ấy (và có một số tài liệu, tác giả là người đầu tiên đã tìm ra) trong khi biên soạn hai chương nghiên cứu về cuộc phong tỏa lục địa cũng như khi nghiên cứu về tình hình báo chí dưới thời Napoléon. Lẽ tất nhiên, tôi cũng đã tham khảo những tài liệu có liên quan đến các mặt khác trong sự nghiệp của Napoléon.

Ngày 15 tháng 8 năm 1769, tại thành phố Ajaccio thuộc đảo Corsica[2], Letizia Bonaparte, 19 tuổi, vợ một người quý tộc địa phương làm nghề luật sư, đang đi ngoài phố bỗng thấy đau đẻ, vội rảo bước về nhà thì sinh được một đứa con trai. Lúc bấy giờ, quanh Letizia không có ai nên đứa bé đã bị đẻ rơi. Thế là gia đình của Carlo Bonaparte, một luật sư nghèo ở thành phố Ajaccio, thêm một người. Carlo Bonaparte quyết định cho con mình hấp thụ nền giáo dục Pháp chứ không phải nền giáo dục Corsica. Khi đứa bé lớn lên, gia đình đông người ấy không có đủ tiền cho con ăn học, Carlo Bonaparte đã xin được học bổng cho con vào theo học ở một trường võ bị Pháp.

Đảo Corsica, sau nhiều năm thuộc về nước Genoa[3], đã nổi dậy dưới sự lãnh đạo của một địa chủ địa phương tên là Paoli, và năm 1755, đã đuổi được người Genoa ra khỏi đảo.

Lẽ dĩ nhiên, đó là một cuộc khởi nghĩa của tầng lớp tiểu quý tộc nông thôn và của nông dân được những người săn bắn, những người chăn cừu ở trên núi và dân nghèo ở một vài thành thị ủng hộ. Tóm lại, đó là cuộc khởi nghĩa của một dân tộc muốn thoát ra khỏi ách bóc lột hà khắc về thuế khoá và cai trị của một nước Cộng Hòa buôn bán. Cuộc khởi nghĩa thu được thắng lợi, và từ năm 1755, đảo Corsica sống độc lập dưới sự lãnh đạo của Paoli. Những tàn dư của xã hội tộc trưởng vẫn còn mạnh (đặc biệt ở trong nội địa đảo). Thỉnh thoảng, các thị tộc lại giao tranh ác liệt và dai dẳng. Tệ tục “thù truyền kiếp” rất phổ biến, thường được kết thúc bằng những trận chiến đấu khủng khiếp.

Năm 1768, nước Genoa đã bán lại cho vua nước Pháp Louis XV “quyền hành của mình” ở Corsica - thực tế quyền hành ấy đã bị thủ tiêu, và mùa xuân năm 1769, quân đội Pháp đã đánh bại quân của Paoli (việc này xảy ra vào tháng 5 năm 1769, ba tháng trước khi Napoléon ra đời). Đảo Corsica trở thành đất đai thuộc Pháp.

Như vậy, Napoléon đã sống những ngày thơ ấu trong một thời mà lòng dân đảo Corsica còn luyến tiếc nền độc lập chính trị đã mất đi một cách quá đột ngột, còn như một bộ phận của giai cấp địa chủ và tư sản thành thị thì tự nhủ rằng tốt hơn hết là hãy trở thành những thần dân trung thành và tự nguyện của nước Pháp. Bố Napoléon, Carlo Bonaparte, thuộc phái thân người bảo vệ đảo Corsica đã bị đưa đi đày, và căm ghét những người xâm lăng.

Ngay từ hồi còn nhỏ, Napoléon đã tỏ ra không nhẫn nại và nôn nóng. Sau này, khi ôn lại những kỷ niệm thời ấu thơ của mình, Napoléon nói rằng: Không ai bắt nạt được mình, hay gây gổ, hay đánh đứa này, chọc đứa khác và mọi đứa bé đều sợ cậu ta. Đặc biệt là Joseph, anh Napoléon, đã phải chịu đựng chuyện ấy nhiều.

Napoléon đánh anh, cắn anh, nhưng chính Joseph lại bị quở mắng, vì sau cuộc ẩu đả, Joseph chưa kịp hoàn hồn thì Napoléon đã đi mách mẹ. Napoléon kể thêm: Mưu mẹo đã giúp tôi như vậy đấy, nếu không mẹ tôi đã phạt tôi về tội hay cãi nhau và không bao giờ tha thứ những hành động gây gổ của tôi.

Napoléon là một đứa trẻ lầm lì và nóng tính. Tuy bà mẹ yêu con, nhưng dạy dỗ Napoléon cũng nghiêm khắc như đối với anh em của Napoléon. Gia đình sinh hoạt tằn tiện nhưng không túng bấn. Trông bề ngoài, ông bố là một người đàn ông tốt và bà Letizia, người chủ thật sự của gia đình, một người đàn bà quả quyết, nghiêm khắc và cần cù. Napoléon thừa hưởng của mẹ tinh thần ham làm việc và nếp sống trật tự nghiêm ngặt.

Mời các bạn đón đọc Napoleon Bonaparte của tác giả Yevgeny Viktorovich Tarle.