Theo Ngô Bắc thì nguyên tác Chân Lạp Phong Thổ Ký “đã được dịch đầu tiên sang tiếng Pháp bởi nhà Trung Hoa học Jean-Marie Abel-Rémusat năm 1819 và sau đó được dịch lại bởi Paul Pelliot trong năm 1902. Sau đó nó đã được chuyển ngữ sang Anh văn và Đức văn”. Cũng theo Ngô Bắc, Wikipedia có liệt kê nhiều “bản dịch sang Anh Ngữ, Pháp Ngữ, và Đức Ngữ”, nhưng còn thiếu: “bản dịch sang Việt Ngữ của Lê Hương, do nhà xuất bản Kỷ Nguyên Mới xuất bản tại Saigòn năm 1973” và “bản dịch sang tiếng Anh của Jeannette Mirsky, nhân viên thỉnh giảng của Department of Oriental Studies, Đại Học Princeton University, được đăng tải trong quyển The Great Chinese Travelers của cùng dịch giả Jeannette Mirsky, xuất bản năm 1964 tại Princeton, New Jersey”. Ông còn cho biết: “Bản dịch được đăng tải nơi đây chiếu theo bản dịch sang Anh ngữ của Jeannette Mirsky, và được đối chiếu với bản dịch sang Việt Ngữ của Lê Hương cùng các chú thích phần lớn của Pelliot mà dịch giả Lê Hương đã viện dẫn. Người dịch có kèm theo nguyên bản tiếng Hán quyển Chân Lạp Phong Thổ Ký để độc giả tiện tham khảo nơi Phụ Lục 2 của người dịch”.
Hành trình của Chu Đạt Quan đến Cam Bốt được kể lại trong tập Chân Lạp Phong Thổ Ký và Ngô Bắc nói thêm trong phần giới thiệu, ở đây tôi xin góp thêm bản đồ (hình trên) chép từ trang blog.ylib.com/jimyang.
Thông qua tác phẩm này, Chu Đạt Quan đã phác họa nên bức tranh đầy màu sắc về “phong thổ, quốc sự” của vương quốc Chân Lạp trong quá khứ.
Đây là một chuyến đi khá đặc biệt bởi nó được thực hiện sau khi nhà Nguyên chịu những thất bại nặng nề trong cuộc chinh phục Đại Việt và Champa bằng vũ lực diễn ra trước đó. Vì vậy, việc thu phục các quốc gia Đông Nam Á theo phương thức ngoại giao mềm dẻo hơn được ráo riết tiến hành.
Là tư liệu hiếm hoi về Chân Lạp trong quá khứ, vì vậy, cuốn sách này được xem như một trong những nguồn tham khảo đặc biệt quan trọng của nhiều nhà nghiên cứu phương Tây khi thực hiện những nghiên cứu khảo sát về đời sống, xã hội của vùng đất này trong giai đoạn về sau.
Đồng thời, Chân Lạp phong thổ ký cũng góp phần bổ sung khiếm khuyết của sử nhà Nguyên trong việc thiếu vắng những ghi chép về Chân Lạp như lời khảo xét của các đại thần nhà Thanh trong phần đề yếu khi đưa cuốn sách này vào bộ Khâm định tứ khố toàn thư dưới triều Càn Long.
***
Chu Đạt Quan (1266-1346 sau Công Nguyên) là một nhà ngoại giao Trung Hoa dưới thời Hoàng Đế Thành Tông nhà Nguyên. Ông được hay biết nhiều nhất nhờ tập bút ký về các phong tục của Căm Bốt và toàn thể khu vực đền đài Angkor trong thời gian ông đến thăm viếng nơi đó. Ông đã đến Angkor vào Tháng Tám năm 1296, và đã ở lại triều đình của Nhà Vua Indravarman III cho đến Tháng Bẩy, 1297. Ông không phải là đại điện Trung Hoa đầu tiên hay cuối cùng đến thăm viếng Kambuja. Tuy nhiên, sự lưu ngụ của ông được biết đến là bởi sau này ông đã viết một tập tường trình chi tiết về đời sống tại Angkor, quyển Chân Lạp Phong Thổ Ký. Sự tường thuật của ông ngày nay là một trong những nguồn tài liệu quan trọng nhất để tìm hiểu lịch sử Angkor và Đế Quốc Khmer. Cùng với sự mô tả nhiều ngôi đền vĩ đại, chẳng hạn như Bayon, Baphuon, Angkor Vat, và các ngôi đền khác, bản văn cũng cung cấp các tin tức quý giá về đời sống hàng ngày và các thói quen của cư dân ở Angkor.
***
…
Khi một phụ nữ vừa sinh con, bà ta nấu cơm, lăn nắm cơm với muối, và đắp nó vào các bộ phận sinh dục của mình. Sau một ngày và một đêm, bà ta gỡ nó ra và chính nhờ thế việc mang thai của bà ta không có các hậu quả không hay; người đàn bà bảo tồn một dáng vẻ của thời thiếu nữ. Khi lần đầu tiên nghe thấy điều này, tôi lấy làm sững sờ và không khó có thể tin điều đó. Nhưng tôi đã có thể nhìn thấy điều này cho chính mình khi, trong gia đình mà tôi cùng sinh sống, một thiếu nữ sinh ra một đứa nhỏ, và ngay trong ngày kế tiếp, cô ta đã ôm đứa bé khi đi tắm tại một dòng sông. Đó là một điều thực sự kỳ lạ!
Điều được nói là phụ nữ xứ này rất dâm dật. Chỉ một hay hai ngày sau khi sinh đẻ, họ ăn nằm với chồng họ. Khi một người chồng không thỏa mãn các khát khao của họ, họ bỏ rơi anh ta. Nếu người chồng bị gọi đi xa trong một thời gian kéo dài, người vợ có thể vẫn còn chung thủy trong nhiều đêm, nhưng sau hai tuần lễ, bà ta sẽ thường nói, “Tôi không phải là một con ma, làm sao tôi có thể ngủ một mình được?” Đối với một thời gian dài như thế, hành động sa đọa lôi họ đi! Tôi có nghe rằng có một số đàn bà vẫn giữ lòng chung thủy. Các phụ nữ chóng già; có thể bởi họ kết hôn khi còn trẻ và sinh con quá sớm. Ở tuổi hai mươi hay ba mươi, họ trông như phụ nữ Trung Hoa ở tuổi bốn mươi hay năm mươi.
…
Mời các bạn đón đọc Chân Lạp Phong Thổ Ký của tác giả Chu Đạt Quan.