Truyện vừa - hay cũng có thể được coi là một đoản thiên tiểu thuyết xót xa buồn về cảnh vật và những con người Trung Hoa xưa cũ của nhà văn nổi tiếng Thẩm Tùng Văn.
Câu chuyện diễn ra tại một bến đò lặng lẽ vùng biên thành miền Tây Hồ Nam - nơi cô bé Thúy Thúy sống với người ông quản đò sau cái chết của mẹ. Mặc dù chỉ mới 14 tuổi nhưng Thúy Thúy đã trở thành một thiếu nữ phổng phao, xinh đẹp, được nhiều chàng trai để ý, trong đó có hai anh em nhà ông chủ bến: cậu cả Thiên Bảo và cậu hai Na Tống. Trước tấm chân tình của hai anh em đối với cô cháu gái, ông ngoại cô bé cảm thấy vô cùng sung sướng nhưng cũng không giấu nổi những lo lắng cho tương lai. Đặc biệt là khi cô bé vẫn thờ ơ với chuyện cưới xin. Sự thực thì trái tim cô bé đã rung động trước tấm lòng và tiếng hát của cậu hai Na Tống nhưng Na Tống đang bị gia đình ép lấy một cô gái con nhà gia thế…
Thẩm Tùng Văn được coi là “tiểu thuyết gia trữ tình lớn nhất của Trung Quốc hiện đại”. Biên thành như là một bài thơ mang giọng điệu hoài cổ với âm hưởng buồn man mác. Những cảnh vật đồng nội, những con người nhỏ bé trong tác phẩm của ông như những hình ảnh nhạt nhòa trôi dần đi và cuối cùng mất hút trong dòng chảy thời gian và nhịp điệu gấp gáp của cuộc sống hiện đại. Biên thành khiến người đọc ngậm ngùi bởi tác phẩm “tràn trề cái thiện nhưng đều không gặp may. Vì không gặp may nên cái thiện chất phác ấy cuối cùng khó tránh khỏi bi kịch” (Thẩm Tùng Văn). Dưới văn phong của ông, ngôn ngữ Trung Hoa đã tìm được vẻ đẹp của mình và vẻ đẹp ấy cũng đã được chuyển ngữ thành công bằng thứ tiếng Việt giản dị, trong sáng và khúc chiết của dịch giả Phạm Tú Châu.
***
Nhận định
“Vẻ đẹp tạo hình của Biên thành – thiên tiểu thuyết có nhân vật chính là một ông lão và cô cháu gái này luôn được giới phê bình nhấn mạnh; nó làm ta nghĩ tới một bức tranh Trung Hoa cổ điển, và mời gọi ta trở lại kiếm tìm một thế giới trữ tình đã mất của những ai chài, của đồng nội… Một kiệt tác của một tác giả quan trọng.”
- SDM -
“Bị khuất đi nhiều bởi những đồng nghiệp nổi tiếng có lối viết thiên về chính trị như Lỗ Tấn hay Lão Xá… Tác phẩm của Thẩm Tùng Văn đan dệt phức tạp, giàu có tầng lớp và trữ tình. Trung Hoa của quá khứ và hiện tại sống động trong văn ông một cách tự nhiên như vốn thế. Nỗi buồn thấm qua nhưng cảnh đồng quê… có gì đó không chắc chắn và cũng nhiều hy vọng… Trong khi Lỗ Tấn là nhà ký sự của siêu ý thức xã hội thì Thẩm giống như một nhà nhân loại học, và trong ý nghĩa này, dương như ông gần với độc giả hiện đại hơn. Trong khi những người khác hướng đến một xã hội Trung Hoa của tự phê bình, của các thay đổi, thì Thẩm, một cách đẹp đẽ và giản dị, chỉ cho ta cuộc sống vốn dĩ vẫn hiện hữu như thế đó. Tác phẩm của ông là sự hoà quyện giữa nỗi buồn sâu xa cho quá khứ, hy vọng cho tương lai, và hơn tất cả, là vẻ đẹp và sự trong sáng của cõi sống hiện tại”.
- Matthew W.Baker -
***
Thẩm Tùng Văn (1902 - 1988) là nhà văn hiện đại nổi tiếng của Trung Quốc. Ông sinh trưởng trong một gia đình quan võ đời Thanh; quê huyện Phượng Hoàng tỉnh Hồ Nam, bà nội là người dân tộc Miêu.
Bắt đầu sáng tác từ năm 1924, kể từ đó cho tới những năm 40 của thế kỷ trước, ông đã viết một số lượng lớn đáng kinh ngạc về đủ các thể tài, từ tản văn, thơ, kịch, tùy bút, chính luận, truyện ký, truyện dài, song chủ yếu là truyện vừa và ngắn. Đề tài trong truyện của ông có diện rất rộng, từ nông thôn xa xôi, hẻo lánh tới đô thị phồn hoa, nội dung tư tưởng cũng cực kỳ phong phú. Trong số đó, những truyện viết về cuộc sống và số phận của dân tộc thiểu số vùng biên khu giữa bốn tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc, Tứ Xuyên, Quý Châu là giàu đặc sắc nghệ thuật nhất. Tiêu biểu trong số đó là truyện vừa Biên thành.
Biên thành (Thành trên núi) làm nổi bật bi kịch của cái thiện. Khác hẳn với mẫu hình bi kịch huỷ diệt của cái vĩ đại và cái cao cả ở Phương Tây, xuất hiện trong truyện đều là những con người bình thường hiền lành, chất phác. Số phận của họ đúng như tác giả nói: “Mọi thứ đều tràn trề cái thiện nhưng đều không gặp may. Vì không gặp may nên cái thiện chất phác ấy cuối cùng khó tránh khỏi bi kịch”.
Nhà văn Nhật Bản Takashi Shizuka thì nhận xét: “Xem ra dưới giọng văn hết sức bình tĩnh, e rằng đã ẩn giấu sự phê phán và phản kháng sâu sắc - ít nhất cũng là sự chán ghét nền văn minh hiện đại, đó chính là chủ ý của tác phẩm”.
Biên thành, cũng như nhiều tác phẩm khác của Thẩm Tùng Văn, từ lâu đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, do đó được biết rộng rãi trong bạn đọc ngoài Trung Quốc. Ở Việt Nam, đây là lần đầu tiên Biên thành được dịch.
***
Ngày Tết Đoan ngọ, đàn bà con trẻ nơi đây đều mặc áo mới, trên góc trán dùng rượu ngâm hùng Hoàng[15] viết một chữ Vương. Bất kỳ người nào đến ngày này cũng được ăn cá, ăn thịt. Khoảng mười một giờ sáng, toàn thể dân Trà Đồng đều đã ăn cơm trưa; ăn xong, mọi nhà trong thành đều khoá trái cửa, cả nhà ra khỏi thành tới bờ sông xem chèo thuyền. Ai có người quen ở cửa phố bờ sông, có thể đứng bên cửa gác sàn mà xem, nếu không thì đứng ở cửa Cục thuế quan hoặc ra bến đò mà xem. Thuyền rồng trên sông lấy một chỗ nào đó làm điểm xuất phát, trước Cục thuế quan là đích, bởi vì ngày này các sĩ quan, nhân viên thu thuế và những người có địa vị ở địa phương đều đứng xem ở trước Cục thuế quan.
Trước đó mấy ngày, mọi người đã chuẩn bị cho cuộc đua thuyền. Chia tổ, chia bang xong, nhóm nào nhóm nấy tự chọn ra những trai tráng lanh lợi và chắc khoẻ nhất, tập tiến thoái ở chỗ nước sâu. Hình thức của thuyền cũng khác với thuyền gỗ thường ngày, hình thể nhất loạt phải dài và hẹp, hai đầu ngỏng cao, thân thuyền vẽ những đường chỉ dài màu hồng và đỏ thắm. Thường ngày, những thuyền này được gác trong hang khô ráo bên sông, khi dùng đến mới kéo xuống nước. Mỗi thuyền có thể ngồi từ mười hai đến mười tám tay chèo, một người dẫn đầu, một tay trống và một người đánh thanh la. Mỗi người chèo cầm trong tay một mái chèo ngắn, theo nhịp trống nhanh hay chậm mà chèo thuyền về phía trước. Người dẫn đầu ngồi ở mũi thuyền, đầu bịt một vuông khăn đỏ, tay cầm hai ngọn cờ lệnh nhỏ vẫy sang trái hoặc phải, chỉ huy thuyền tiến hoặc lùi. Tay trống và tay thanh la phần nhiều ngồi ở giữa thuyền, thuyền vừa khởi động bèn tùng tùng cheng cheng gõ trống và đánh thanh la theo nhịp đơn thuần để điều tiết nhịp chèo của các tay chèo. Thuyền chèo nhanh hay chậm không thể không dựa vào nhịp trống, cho nên khi hai thuyền đua nhau găng nhất thì trống đánh dồn như tiếng sấm, lại thêm người xem đứng hai bên bờ hò reo trợ oai, khiến ai nấy đều nghĩ tới tiếng trống trong trận thuỷ chiến trên sông Lão Hạc của Lương Hồng Ngọc[16]. Hồi Ngưu Cao[17] bắt sống Dương Ma trên sông cũng trong trận thủy chiến có trống đánh cầm trịch. Thuyền nào về trước một chút đều được lĩnh thưởng ở trước Cục thuế quan; một tấm lụa đỏ, một tấm ngân bài, bất kể treo hoặc chít trên đầu một người nào đó trên thuyền đều nói lên vinh dự nhờ cả thuyền biết hợp tác. Mỗi khi có thuyền về trước đều có một anh lính rách việc nào đó đứng bên bờ nước đốt một tràng pháo Ngũ bách hưởng để mừng thắng lợi.
Đua thuyền xong, ngài Trưởng doanh lính thú trong thành muốn vui cùng dân chúng, tăng thêm niềm phấn khởi trong ngày Tết bèn cho thả xuống sông loài vịt đực lớn con, cổ dài, lông đầu xanh mướt, cổ buộc dải lụa đỏ, quân dân người nào bơi giỏi thì xuống sông đuổi vịt. Bất kể ai bắt được vịt thì vịt là của người ấy. Thế là một trò vui mới được thay đổi trên sông, trên mặt sông đâu đâu cũng là vịt, đâu đâu cũng có người bơi đuổi theo vịt.
Cuộc đua tranh giữa thuyền và thuyền, giữa người và vịt kéo dài đến tối mới kết thúc. Ông quản bến - Long đầu đại ca Thuận Thuận, hồi trẻ là tay bơi lội cực giỏi, đã xuống sông đuổi vịt thì dù có thế nào cũng không chịu trở về tay không. Nhưng khi con trai thứ của ông là Na Tống ngoài mười hai tuổi đã biết xuống sông, lặn một hơi đến bên con vịt rồi bỗng chồm người từ dưới nước nhô lên tóm ngay lấy vịt thì người làm cha bèn nói như chữa thẹn.
- Hay lắm, việc này đã có các con làm, cha bất tất phải xuống sông nữa!
…
Mời các bạn đón đọc Biên Thành của tác giả Thẩm Tùng Văn.