Amélie Nothomb là người Bỉ nhưng sinh ra tại thành phố Kobe, Nhật Bản và sống tại đây 5 năm cùng gia đình. Vòng tay Samurai dành hầu hết trang viết cho những trải nghiệm cuộc sống tình cảm ở Nhật Bản, xứ sở vốn được coi là bí ẩn phương Đông.
Vòng tay Samurai" kể về mối tình của Amélie Nothomb với Rinri - một chàng trai Nhật Bản - vị hôn phu Tokyo "chính hiệu". Câu chuyện tình lạ thường này bắt đầu từ mối quan hệ: cô - trò.
Bằng cái nhìn tinh tế và bút pháp tự truyện duyên dáng nhưng không kém phần hóm hỉnh, Amélie Nothomb đã tái hiện lại một cách sinh động toàn bộ cuộc sống và con người ở xứ sở Mặt trời mọc dưới những lát cắt thú vị nhất. Đó là cuộc sống sinh hoạt của một gia đình Tokyo "kiểu mẫu", là những phong tục khi giới thiệu bạn gái, những nét đặc sắc trong ẩm thực, âm nhạc và đặc biệt là sự phức tạp trong ngôn ngữ diễn đạt.
Từ những nhầm lẫn trong cách diễn đạt này mà vô tình, "cô giáo" Bỉ trở thành "cô bồ" của cậu trai Nhật Bản, rồi cũng lại bởi bất đồng ngôn ngữ mà cô gái một lần nữa "vô tình" đồng ý lời cầu hôn của chàng trai, để rồi bất đắc dĩ phải thực hiện cuộc chạy trốn khỏi đất nước mà cô yêu quý lẫn tôn sùng.
Có thể có một chút tiếc nuối, một chút dằn vặt khi câu chuyện tình trong tác phẩm là dang dở nhưng người đọc có quyền thở phào nhẹ nhõm, có quyền hạnh phúc như niềm hạnh phúc của Amélie trong vòng tay Rinri khi anh nói trong ngày cô trở lại: "Anh muốn ôm em bằng vòng tay bạn hữu của Samurai"
"Ta có thể tìm thấy tất thảy trong thiên diễm tình giữa Đông - Tây này…" - Marianne Payot, L'Express.
***
Amélie Nothomb xuất hiện trên văn đàn năm 1992 với tiểu thuyết đầu tay Hồ sơ kẻ sát nhân (Hygiene de l'assassin). Danh tiếng một tác giả trẻ tài năng càng được khẳng định vững chắc nhờ với những tác phẩm ngay sau đó là Phá ngầm tình tứ (1993) với các giải thưởng Vocation và Chardonne; Sững sờ và run rẩy (1999) với Giải thưởng lớn của Viện Hàn lâm Văn học Pháp; Vòng tay Samurai (2007) với Giải thưởng Flore dành cho tác giả trẻ triển vọng…
Được mệnh danh là “công chúa” của thế giới xuất bản Pháp, là "con cưng" của giới truyền thông, những tác phẩm của Amélie đã được dịch ra 14 thứ tiếng, cuốn nào khi xuất hiện cũng đều đứng vào hàng best-seller. Báo chí Pháp ca ngợi: “Amélie Nothomb là người có phép màu, biết biến thủy ngân thành vàng, biến một câu chuyện nhẹ nhàng lôi cuốn thành một triết lý nho nhỏ. Cô giúp cho người đọc được tiêu khiển, nhưng cũng bắt họ phải suy nghĩ”.
***
Tôi thấy có lẽ cách học tiếng Nhật hiệu quả nhất là đi dạy tiếng Pháp. Vậy nên tôi để lại mẩu tin rao vặt tại siêu thị: “Nhận dạy kèm tiếng Pháp, giá cả hấp dẫn”.
Ngay tối hôm đó, điện thoại đổ chuông. Cuộc hẹn được ấn định vào ngày hôm sau, tại một quán cà phê trên đại lộ Omote-Sando. Người gọi có nói tên anh ta, nhưng tôi chẳng hiểu gì cả, anh cũng không hiểu tên tôi. Lúc bỏ điện thoại xuống, tôi mới chợt nhận ra là cả tôi và anh đều không biết sẽ nhận ra nhau bằng cách nào. Đã vậy, tôi lại không nhanh trí hỏi số điện thoại của anh, thật chẳng biết phải làm sao nữa. “Có thể anh ta sẽ gọi lại cho mình vì lý do đó”, tôi nghĩ vậy.
Anh chẳng gọi lại cho tôi. Tôi nhớ giọng anh có vẻ còn trẻ. Điều đó không giúp ích gì nhiều. Vào năm 1989, ở Tokyo không hiếm thanh niên. Huống chi là vào tầm ba giờ chiều ngày 26 tháng Giêng tại quán cà phê trên đại lộ Omote-Sando này.
Tôi không phải là người nước ngoài duy nhất, còn rất nhiều người khác nữa. Song anh đi thẳng tới chỗ tôi ngồi mà không hề do dự.
- Cô là giáo viên dạy tiếng Pháp phải không?
- Sao anh biết?
Anh nhún vai. Rồi anh ngồi xuống lưng thẳng đơ và chẳng nói năng gì. Tôi hiểu mình là giáo viên nên phải là người quan tâm tới anh. Tôi hỏi anh vài câu và được biết anh hai mươi tuổi, tên là Rinri và đang học tiếng Pháp ở trường đại học. Anh thì biết tôi hai mươi mốt tuổi, tên là Amélie và đang học tiếng Nhật. Anh không hiểu tôi là người nước nào. Tôi quen với điều này rồi.
…
Mời các bạn đón đọc Vòng Tay Samurai của tác giả Amelie Nothomb.