Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Bão

Trong Bão, có một hòn đảo, biển và gió, cơ thể những người đàn bà, một đứa trẻ cô đơn không bố, một người đàn ông bị quá khứ gặm nhấm và cơn bão rửa sạch tất cả.

Trong Bão, còn có cả Phi châu, Paris và một đứa trẻ lạc lối khác đi tìm danh tính của mình. Hai câu chuyện đầy chất thơ ấy được thổi đến bằng cơn bão của thế giới của tâm hồn.

Trong Bão, những số phận kì lạ gặp đầy trắc trở của Le Clezio vẫn tìm thấy phép màu, tim thấy điều níu giữ họ lại với cuộc sống, bởi "kí ức không quan trọng,không hậu quả, duy có hiện tại mới là đáng kể".

Trong Bão, độc giả vẫn tìm thấy chất thơ lãng mạn từ những câu văn giản dị nhưng đầy sức nặng của tác giả từng được nhận giải Nobel Văn chương 2008.

Cuốn sách kể chuyện bằng cách đưa ra các hình ảnh, những gợi mở, niềm hy vọng ở phép màu và những điều hão huyển, và phải nhìn nó qua một tấm màn thi vị hóa. Từ đầu tới cuối, tính nhạc trong từng câu chữ giữ chân người đọc.

***

Bão là tập truyện mới nhất của Le Clézio - nhà văn đoạt giải Nobel năm 2008. Tác phẩm được xuất bản tại Pháp năm 2014, vừa phát hành ở Việt Nam.

Có thể ví hai truyện vừa BãoNgười đàn bà không danh tính trong cuốn sách như một file nén. Với dung lượng trang sách, số con chữ không lớn nhưng nén trong đó những câu chuyện đầy sức nặng và nhiều tầng cảm xúc, triết lý. Và bởi thế, mỗi độc giả có "mã giải nén" của riêng mình.

Là hai câu chuyện độc lập song bằng những chủ đề chung, tác giả đã tạo cho nó một mạch ngầm kết nối: từ cô gái June sống ở một hòn đảo hẻo lánh của Nhật Bản đến Rachel của một vùng đất thuộc địa cũ của châu Phi, từ vùng trời nước hoang sơ đến những thành thị ngột ngạt, và từ một bé gái không cha đến một thiếu nữ không mẹ đi tìm nguồn cội của mình.

Câu chuyện của Bão đưa người đọc đến những vùng đất xa xôi, những xã hội như nằm bên kia nền văn minh, nơi con người đắm mình vào thiên nhiên hoang dã, sống trong nó và chết trong nó. Ở đó, những con người còn rất trẻ đang bước qua lằn ranh mỏng manh giữa ấu thơ và trưởng thành, tâm hồn còn trong sáng vô ngần, nhạy cảm vô ngần, hồ như căng mình ra trước mọi sóng gió cuộc đời, không có khả năng tự bảo vệ khỏi những nỗi đau. Thậm chí họ dấn mình vào nỗi đau: đi tìm nguồn cội, đi tìm danh tính. Trên hết, những cô gái luôn vươn mình tới một thứ tình yêu nguyên sơ, thánh thiện, bất chấp sự già cỗi của những thứ ranh giới, khoảng cách thường tình.

Đó là thứ tình yêu từ cội nguồn sự sống có trong mỗi con người mà cô bé June cảm nhận được. Tình yêu ấy đôi khi làm thương tổn chính các cô gái. Bởi nó mạnh mẽ như bão, hủy diệt như bão, và cũng tái sinh sau bão. Hai cô gái trẻ của Bão mang trong mình một tâm hồn có thể bật lên, tự tái tạo, tự giải thoát mình khỏi nỗi đau và nỗi tuyệt vọng. Cũng nhờ sức sống tươi mới tiềm tàng ấy, Kyo - người đàn ông toan đến hòn đảo hoang vắng để kết thúc cuộc đời - được giải thoát khỏi "nhà tù" của quá khứ, khỏi sự ám ảnh của ký ức và những vết thương. Bão đã rửa sạch tất cả - "ký ức không quan trọng, không hậu quả, duy có hiện tại mới là đáng kể".

Bão tiếp tục những chủ đề ưa thích của Le Clézio: những thế giới, vùng đất, con người bị bỏ quên, dường như sống bên lề thế giới và nền văn minh. Ông luôn dành một sự ưu ái, trìu mến cho người trẻ và phụ nữ. Có thể thấy trong câu chuyện của ông, họ là những đối tượng dễ dàng bị thế giới nuốt chửng hay làm tổn thương. Nhưng đó cũng chính là những tâm hồn tiềm tàng khả năng tái sinh mạnh mẽ, khơi dậy niềm thiết tha sống ở những con người khác. Bên cạnh đó, chủ đề đi tìm danh tính dường như chưa bao giờ là câu chuyện cũ trong sáng tác của Clézio, nhất là khi con người đang ngày càng đánh mất mình giữa sắt thép, bê tông, phương tiện hiện đại và những thành phố xa hoa, đồ sộ.

Những câu chuyện không có những tình huống gay cấn, tình tiết hấp dẫn hay chi tiết mùi mẫn của Clézio dường như thách thức sự kiên nhẫn của độc giả. Thay vào đó, ông theo sát và xoáy sâu vào những biến động tâm lý bất ngờ của nhân vật: June (Bão) đã mạnh mẽ và quyết liệt ra sao trong niềm tin của riêng mình; Rachel (Người đàn bà không danh tính) đã để mình trôi dạt, lạc lối thế nào trong nỗi cô đơn của mình, trong những ngóc ngách thành phố. Mỗi câu chuyện đều mang đến một niềm xúc động sâu xa bằng lối văn phong giản dị, trong trẻo mà đa thanh. Những câu ngắn đầy chất thơ, chất nhạc. Và những mệnh đề, câu chữ, hình ảnh trở đi trở lại như một giai điệu ám ảnh.

Song, giống như hành trình tự nhiên của một cơn bão, cấu tứ câu chuyện của Clézio nương theo đó đi về phía chân trời hừng sáng sau cơn biến động của đất trời. Ở phía đó, có sự đổi thay, sự tái sinh và có niềm tin không bao giờ lụi tắt. Đó cũng là chất thơ lãng mạn chảy len lách giữa khoảng trắng của những con chữ - là chất thơ của thiên nhiên vĩnh hằng và của từng khoảnh khắc sống.

Clézio được ví như một "nhà văn đi bộ" với lối bút pháp "lãng du". Mỗi câu chuyện ông kể giống như cất lên một bản du ca u buồn, sâu lắng nhưng đẹp đẽ dành cho những nơi ông từng đi qua, những con người từng gặp gỡ. Đó còn là những lời an ủi dịu dàng, thiết tha dành cho bao tâm hồn cô độc và lạc lõng.

***

Đêm buông trên đảo.

Đêm lấp đầy những chỗ trũng, len lỏi giữa ruộng đồng, một đợt thủy triều bóng tối dần bao phủ vạn vật. Cũng vào thời khắc đó, đảo vắng bóng người. Sáng nào du khách cũng tới trên chuyến phà lúc tám giờ, họ làm đông đúc những không gian trống, họ lấp đầy những bãi biển, họ trôi như một thứ nước bẩn dọc theo cả những con lộ lớn lẫn những nẻo đường đất. Rồi khi đêm tới, họ lại rời khỏi những vũng vịnh, họ lùi ra xa, họ mất tăm. Những con tàu mang họ đi. Và đêm tới.

Tôi tới đảo lần đầu cách đây đã ba mươi năm. Thời gian đã biến đổi mọi thứ. Tôi chỉ loáng thoáng nhận ra những nơi chốn, những ngọn đồi, những bãi biển, và dáng hình của miệng núi lửa sạt lở phía Đông.

Tôi quay lại vì lẽ gì nhỉ? Phải chăng không còn nơi nào khác cho một nhà văn đang kiếm tìm lối viết? Một chốn nương náu khác, xa sự ồn ào của thế gian, đỡ om sòm hơn, đỡ ngạo ngược hơn, một chốn khác để ngồi vào bàn làm việc và gõ lên máy những dòng chữ, đối diện với bức tường chăng? Tôi đã muốn thăm lại hòn đảo này, nơi tận cùng thế giới này, nơi không lịch sử, không ký ức này, một mỏm đá bị dập vùi bởi sóng gió đại dương, rã rời vì du khách.

Ba mươi năm, tuổi đời của một con bò. Tôi từng đến vì gió, vì biển, vì lũ ngựa bán hoang dã lang thang kéo theo dây buộc, vì lũ bò cái ban đêm giữa những nẻo đường, tiếng rống thê thiết của chúng nghe như tiếng tù và báo sương mù, vì những tiếng sủa ăng ẳng của lũ chó bị xích.

Cách đây ba mươi năm trên đảo không có khách sạn, chỉ có các phòng ngủ cho thuê theo tuần gần đê chắn sóng, và những lán gỗ bán đồ ăn bên bờ biển. Chúng tôi đã thuê một ngôi nhà gỗ nhỏ trên đồi, không tiện nghi, ẩm ướt và lạnh giá, nhưng vậy là lý tưởng rồi. Mary Song hơn tôi một giáp, mái tóc tuyệt đẹp đen nhánh gần như ngả biếc, đôi mắt màu lá thu, nàng hát những tình khúc buồn trong một khách sạn dành cho du khách giàu có tại Bangkok. Cớ gì nàng lại muốn cùng tôi tới hòn đảo hoang vu này? Tôi chắc đây không phải ý tưởng của mình, chính nàng đã bàn đến chuyện này trước. Hoặc nàng đã nghe ai đó nhắc đến một đảo đá hoang sơ, mỗi khi có bão là hết đường tới. “Em cần tĩnh lặng.” Hoặc giả đó là ý của tôi, chính tôi đã nghĩ tới sự tĩnh lặng. Để viết, để lại bắt đầu viết sau nhiều năm uổng phí. Sự tĩnh lặng, khoảng cách. Sự tĩnh lặng, trong gió và biển. Những đêm lạnh, những đám sao.

Giờ thì toàn bộ chuyện này chỉ còn là một kỷ niệm. Ký ức không quan trọng, không hậu quả. Duy có hiện tại là đáng kể. Tôi đã học được điều ấy qua những kinh nghiệm xương máu của mình. Gió là bạn tôi. Gió thổi không ngừng trên các mỏm đá, gió đến từ chân trời phía Đông rồi vấp phải bức vách gãy vỡ của núi lửa, ập xuống những ngọn đồi rồi luồn lách giữa những bức tường nham thạch thấp, lướt trên cát san hô và vỏ sò vỏ ốc vỡ. Ban đêm, trong phòng khách sạn nơi tôi ở (Happy Day*, làm cách nào cái tên này tới được tận đây, một cái tên không trọn vẹn trên chiếc thùng gỗ mắc cạn), gió lùa qua khe cửa sổ và cửa ra vào, xuyên qua căn phòng trống nơi chiếc giường sắt han gỉ cũng y hệt một mảnh tàu đắm. Không có lý do nào khác cho chuyến biệt xứ của tôi, cho nỗi cô đơn của tôi, duy có sắc xám của trời và biển, và tiếng gọi ám ảnh của những người đàn bà mò bào ngư, tiếng kêu của họ, tiếng huýt của họ, một dạng ngôn ngữ cổ, xa lạ, ngôn ngữ của những động vật biển đã từng lui tới thế giới rất lâu trước con người… Aouah, iya, ahi, ahi!… Những thiếu nữ làng chài đã ở đó khi Mary dẫn tôi đi thăm đảo. Bấy giờ mọi chuyện khác hẳn. Những thiếu nữ mò ốc tuổi chừng đôi mươi, họ lặn không trang phục, thắt lưng buộc đá, đeo những mặt nạ dưỡng khí lấy từ xác lính Nhật. Các cô không có bao tay cũng chẳng có giày. Giờ đây họ đã già đi, họ mặc bộ đồ lặn liền thân bằng cao su đen, họ đeo bao tay dệt bằng sợi hóa học, đi giày nhựa màu sắc sặc sỡ. Kết thúc ngày làm việc, họ bước đi dọc con đường ven biển, đẩy xe nôi chở những thứ thu hoạch được. Đôi khi họ có xe máy điện, xe ba bánh chạy xăng. Họ có dao inox giắt ở thắt lưng. Họ cởi bộ đồ lặn giữa những mỏm đá, gần một túp lều gạch nén xây riêng cho họ, họ giội rửa ở vòi nước lộ thiên rồi trở về nhà bước thấp bước cao, tiều tụy vì chứng thấp khớp. Gió đã cuốn theo những năm tháng của họ, những năm tháng của tôi cũng vậy. Bầu trời xám xịt, màu của hối hận. Biển động, nổi sóng lừng, biển xô vào đá ngầm, vào những chỏm nham thạch, biển quay cuồng và vỗ bập bềnh trong những vũng lớn, nơi lối vào những vịnh hẹp. Không có những phụ nữ ngày ngày mò hải sản này, biển có lẽ sẽ thù địch, khó gần. Mỗi sáng tôi lắng nghe tiếng kêu của những người đàn bà của biển, âm thanh rè rè từ hơi thở của họ khi họ ngoi đầu khỏi mặt nước, ahouiii, iya,tôi hình dung khoảng thời gian đã qua, tôi hình dung ra Mary, đã mất tích, tôi nghĩ đến giọng hát tình ca của nàng, đến tuổi thanh xuân của nàng, đến thời trai trẻ của tôi. Chiến tranh đã xóa đi tất cả, chiến tranh đã phá tan tất cả. Thời đó tôi thấy chiến tranh đẹp, tôi muốn viết về nó, trải nghiệm nó và rồi viết về nó. Chiến tranh là một cô gái đẹp với thân hình trong mộng, mái tóc dài đen nhánh, đôi mắt sáng, giọng nói mê hoặc, rồi nàng biến thành mụ già tóc tai bù xù và nanh nọc, thành ác phụ báo oán, bất nhân, tàn nhẫn. Đây là những hình ảnh trở lại trong tâm trí tôi, chúng dâng lên từ nơi sâu thẳm nhất. Những thân thể trật trẹo, những cái đầu bị cắt rời, rải khắp các đường phố bẩn thỉu, những vũng xăng, những vũng máu. Một vị hắc trong miệng, một thứ mồ hôi nặng mùi. Trong một căn nhà không cửa sổ, chỉ có một bóng đèn điện không chao duy nhất, bốn gã đàn ông giữ chặt một người đàn bà. Hai gã ngồi lên chân cô, một gã đã trói hai cổ tay cô bằng một dây đai, gã thứ tư mải miết với một vụ cưỡng hiếp bất tận. Không có tiếng động, như trong những cơn mơ. Ngoại trừ tiếng thở khàn khàn, tiếng thở của kẻ cưỡng hiếp, và một hơi thở khác, nhanh, dữ dội, của người phụ nữ, nghẹt lại vì sợ, có lẽ thoạt đầu cô đã kêu bởi dấu vết một cú đánh vẫn còn lưu trên môi dưới của cô, nó đã rách toạc, và máu chảy tạo thành một vết loang hình sao trên cằm. Hơi thở của kẻ cưỡng hiếp dần gấp gáp, một dạng thở khò khè sâu, nghẹt lại, một âm thanh trầm và giật cục của máy móc, một âm thanh gấp gáp và dường như sẽ không bao giờ ngưng.

Mary là lâu sau đó, Mary uống rượu nhiều quá mức, và biển đã mang nàng đi. “Em có thể làm điều đó,” nàng đã nói khi chúng tôi băng qua eo biển ngăn cách đảo với đất liền. Nàng đi vào lòng biển lúc hoàng hôn. Thủy triều đã làm láng mượt những con sóng, những vòng tròn chậm rãi tiến lên, màu rượu vang. Những người đã nhìn thấy nàng đi vào lòng biển đều nói rằng nàng điềm tĩnh, rằng nàng mỉm cười. Nàng đã mặc đồ bơi, một bộ liền màu lam không tay, rồi nàng luồn lách giữa những mỏm đá đen, nàng bắt đầu bơi cho đến khi những con sóng, hoặc ánh mặt trời lặn che khuất nàng khỏi tầm mắt những người chứng kiến.

Tôi đã không biết gì, không thấy gì, không dự đoán gì. Trong phòng ngủ ở căn lều của chúng tôi, quần áo của nàng được gấp và xếp sắp như thể nàng đi du lịch, thế thôi. Những chai rượu gạo rỗng không, những bao thuốc lá bóc dở. Một túi xách đựng vài vật dụng thân thuộc, lược và bàn chải tóc, nhíp, gương, phấn, son môi, khăn mùi soa, chìa khóa, ít tiền Mỹ và tiền Nhật, mọi thứ như thể hai tiếng nữa nàng sẽ quay lại. Viên cảnh sát duy nhất trên đảo này - một người đàn ông trẻ tuổi, tóc húi cua, trông như một thiếu niên - đã kiểm kê. Nhưng anh ta đã để lại cho tôi mọi thứ, như thể tôi là một người họ hàng, một người bạn. Tôi là người được yêu cầu tùy tâm xử lý những di vật, nếu họ tìm thấy, hỏa thiêu chúng, quăng chúng xuống biển. Nhưng không bao giờ có gì khác ngoài những đồ dùng không quan trọng kia. Bà chủ nhà trọ đã chọn trong đám quần áo, bà ta giữ lại đôi giày màu lam xinh xắn, chiếc mũ rơm, đôi tất dài, cặp kính râm, chiếc túi xách. Tôi đã mang các giấy tờ ra sân đốt. Những chiếc chìa khóa, những đồ vật riêng tư, tôi đã quăng chúng xuống biển, từ boong con tàu đưa tôi trở lại đất liền. Một ánh vàng rực lấp lánh giữa hai làn nước, tôi nghĩ một chú cá phàm ăn, một chú cá tráp hồng, một chú cá đối đã nuốt chửng chúng.

Thi thể chưa bao giờ được tìm thấy. Mary, với làn da mềm mại, óng vàng sắc hổ phách, đôi chân chắc lẳn của vũ nữ, của vận động viên bơi lội, mái tóc đen dài. “Nhưng vì lý do gì?” viên cảnh sát đã hỏi. Đó là tất cả những gì anh ta đã nói. Như thể một ngày nào đó tôi có thể có câu trả lời. Như thể tôi có chìa khóa giải mã ẩn ngữ.

Giờ đây khi bão nổi, khi gió thổi liên hồi từ chân trời phía Đông, Mary trở lại. Không phải tôi gặp ảo giác, cũng không phải chớm điên (nhưng tay bác sĩ của nhà tù, khi thảo báo cáo, hắn đã viết lên đầu hồ sơ của tôi chữ Y nguy hại), ngược lại là khác, mọi giác quan của tôi thành sắc bén, cảnh giác, nhạy cảm đến cực độ để thu nhận thứ mà biển và gió mang lại. Chẳng có gì rõ rệt, tuy nhiên đó là một cảm giác sống chứ không phải chết, nó tỏa vầng hào quang quanh da tôi, điều này đánh thức ký ức về những trò yêu đương của chúng tôi, của Mary và tôi, những mơn trớn dài từ dưới lên trên, trong bóng tối phòng ngủ, hơi thở, vị đôi môi, những nụ hôn sâu khiến tôi rùng mình, cho đến tận con sóng tình chậm rãi, cơ thể hai chúng tôi hòa quyện, bụng áp bụng, toàn bộ những chuyện này tôi đã bị cấm đoán từ lâu, là tôi tự cấm đoán, bởi tôi đang ở chốn ngục tù cho phần đời còn lại.

Trong bão tôi nghe thấy giọng nàng, tôi cảm thấy trái tim nàng, tôi cảm thấy hơi thở nàng. Gió rít qua các khe của vách kính lớn, lùa vào qua phía mặt hẹp han gỉ, xuyên qua căn phòng và khiến cánh cửa đập đập. Bấy giờ trên đảo mọi thứ ngưng lại. Những con phà không băng qua lạch nữa, những chiếc xe máy và ô tô ngừng vũ điệu của chúng, ngày giống như đêm, âm u, có những tia chớp không kèm tiếng sấm xuyên qua. Mary đã ra đi vào một buổi chiều tĩnh mịch, trong mặt biển phẳng lặng như một tấm gương. Nàng trở về trong cơn bão, từng mảnh nhỏ li ti bị biển thẳm tống xuất. Ban đầu, tôi không muốn tin vào điều đó. Tôi từng ghê sợ, từng ép chặt thái dương giữa hai bàn tay để dập tắt những hình ảnh này. Giờ đây tôi nhớ đến một người chết đuối. Không phải một phụ nữ mà là một đứa trẻ lên bảy, một tối nọ thằng bé mất tích, Mary và tôi đã cùng dân làng tìm bé nhiều giờ trong đêm. Chúng tôi men dọc bờ biển, tay cầm đèn pin, chúng tôi gọi bé nhưng không biết tên nó, Mary hét gọi: “Này cưng ơi!” Nàng thảng thốt, nước mắt giàn giụa trên má. Bấy giờ có chính cơn gió này, những đợt sóng này, thứ mùi đáng nguyền rủa này của vực biển sâu thẳm. Rạng sáng có tin báo đã tìm thấy xác thằng bé. Trên một bãi cát lẫn sỏi giữa các mỏm đá, chúng tôi lại gần, nhờ một tiếng thở than giống như tiếng gió dẫn đường, nhưng đó là mẹ thằng bé. Chị ngồi trên cát đen, thằng bé đặt trong lòng. Thằng bé trần truồng, áo quần biển đã lột sạch, trừ chiếc áo phông bẩn tạo thành một chuỗi vòng xoắn vặn quanh thân trên. Gương mặt bé trắng bệch, nhưng điều tôi tức khắc nhìn thấy, đó là lũ cua và cá đã bắt đầu rỉa xác bé, gặm chớp mũi và cu của bé. Mary không muốn lại gần, nàng run lên vì sợ và vì lạnh, và tôi đã ôm nàng sát gần mình, chúng tôi ở lại trong phòng, nằm quấn lấy nhau trên giường, không vuốt ve nhau, chỉ miệng kề miệng thở.

Giờ đây hình ảnh ấy ám ảnh tôi, thân thể người đàn bà ấy nằm dang chữ thập trong khi tụi lính hành sự, và dưới khuôn miệng bầm giập máu đã khô thành hình ngôi sao đen. Và đôi mắt cô đang nhìn tôi, trong khi tôi lùi lại gần cửa, đôi mắt cô nhìn thấy xuyên qua tôi, nhìn thấy cái chết. Tôi chưa bao giờ nói gì với Mary, vậy mà chính vì cảnh tượng tàn bạo ấy nàng đã ngụp xuống biển để không bao giờ trở lại. Biển rửa cái chết, biển gặm nhấm, phá hủy và không trả lại gì, hoặc trả một cái xác trẻ em đã bị róc rỉa. Thoạt đầu, tôi đã nghĩ rằng cả mình cũng trở lại hòn đảo này để chết. Tìm lại được dấu vết của Mary, đi vào lòng biển một tối rồi biến mất.

Giờ đây trong cơn bão, nàng tới phòng tôi. Đó là một giấc mơ tỉnh thức. Tôi bị mùi thân thể nàng quyện với mùi biển thẳm đánh thức. Một mùi hương nồng và hắc, chua, gắt, u uất, xộc lên. Tôi ngửi thấy mùi rêu tảo trong tóc nàng. Tôi cảm thấy làn da nàng hết sức mịn màng, nhẵn mượt nhờ sóng bào mòn, lóng lánh ánh xà cừ vì muối. Thân hình nàng bồng bềnh trong ánh sáng lờ mờ buổi hoàng hôn, luồn vào trong chăn, và bộ phận sinh dục cương cứng của tôi đi vào nàng, tới rùng mình, quấn siết tôi trong niềm mê đắm lạnh băng của nàng, thân nàng trườn sát thân tôi, môi nàng kề trên dương vật tôi, tôi hoàn toàn quyện vào nàng, nàng quyện vào tôi, cho tới cơn cực khoái. Mary, chết từ ba mươi năm nay, chưa bao giờ tìm thấy xác. Mary trở về từ đáy đại dương, đang nói vào tai tôi bằng chất giọng hơi khàn, trở về để hát cho tôi nghe những ca khúc bị lãng quên, những ca khúc về những ngôi sao trời, mà nàng đã hát tôi nghe ở quán bar khách sạn Phương Đông, lần đầu tôi gặp nàng. Không hẳn là quán bar dành cho lính tráng, và nàng không hẳn là ca sĩ quán bar. Khi nhìn thấy nàng tôi đã không hình dung ra nàng là ai, con một lính Mỹ được một gia đình nhà quê vùng Arkansas nhận nuôi, sinh ra từ một vụ cưỡng hiếp, bị bỏ rơi và trở về để chiến thắng kẻ thù truyền kiếp của mình, để hoàn thành một cuộc báo oán, hay đơn giản chỉ do sự lại giống vốn hay xua loài người đi theo vết cũ cội nguồn một cách tất yếu. Nhưng tôi, tôi đâu phải một tên lính, nàng hiểu vậy, và chắc hẳn đó là lý do nàng chọn tôi, cái gã mặc đồ lao động và mái tóc húi cua, bám theo đám lính trong những cuộc hành quân, tay cầm máy ảnh để tường thuật mọi cuộc chiến tranh. Tôi còn nhớ lần đầu chúng tôi trò chuyện, sau lượt trình diễn của nàng, vào lúc đêm muộn, hoặc sáng sớm, trên khoảnh sân hiên nhô ra trên dòng Menam Chao Phraya, nàng đã cúi xuống để nhìn thứ gì đó trên mặt đất, một con bướm đêm màu đen đang đập cánh hấp hối, và qua phần cổ khoét của chiếc váy đỏ nàng mặc, tôi đã nhìn thấy bầu ngực nàng buông lơi, hết sức mịn màng, khêu gợi. Nàng không biết gì về tôi và tôi cũng không biết gì về nàng. Bấy giờ tôi đã mang vết thương nham nhở của tội ác, tôi cứ ngỡ chuyện đó sẽ qua đi. Tôi từng quên đi quá khứ, việc xử vụ khiếu kiện bốn tên lính đã cưỡng hiếp một phụ nữ ở Huế. Cái gã giữ tay cô gái quặt ra sau đã thụi vào môi cô để bắt cô im miệng, còn gã kia xâm nhập cô chẳng ngại ngần, thậm chí không cởi quần, và tôi nhìn, không nói gì, không làm gì hoặc gần như thế, chỉ chớm cương cứng, nhưng nhìn và làm thinh, đó là hành động.

Có lẽ tôi sẽ đánh đổi bất cứ thứ gì để khi ấy đã ở nơi nào khác, để không từng chứng kiến. Trước tòa, tôi đã không tự biện hộ. Thiếu phụ có mặt tại đó, ngồi hàng ghế đầu. Tôi đã liếc trộm và không nhận ra cô. Cô có vẻ trẻ hơn, gần như một đứa trẻ. Cô ngồi trên ghế băng, bất động, gương mặt được ống đèn nê ông của phòng xử án chiếu sáng. Khuôn miệng nhỏ, mím chặt, da mặt kéo căng ra vì búi tóc đen. Ai đó đã đọc lời chứng của cô bằng tiếng Anh, còn cô vẫn không nhúc nhích. Bốn gã nhà binh ngồi trên một ghế băng khác, cách cô vài mét, và chúng cũng không nhúc nhích. Chúng không nhìn ai, chỉ nhìn bức tường đối diện, cái bục nơi thẩm phán ngồi. Chúng thì ngược lại, tôi thấy chúng già hơn, đã phị ra vì mỡ, với nước da nhợt nhạt của những kẻ tù phạm.

Tôi chưa từng kể chuyện này với Mary. Khi tôi gặp nàng tại khách sạn Phương Đông ấy, nàng hỏi tôi đã làm gì lúc rời quân ngũ. Tôi trả lời: “Không làm gì hết… Anh đi đây đi đó, vậy thôi.” Nàng không căn vặn, vả chăng tôi có lẽ chẳng bao giờ đủ can đảm để nói với nàng sự thật: “Anh đã bị kết án tù vì đã chứng kiến một tội ác, và đã không làm gì để ngăn cản tội ác đó.”

Tôi muốn sống cùng Mary, đi đây đi đó cùng nàng, nghe nàng hát, san sẻ tấm thân nàng và cuộc đời nàng. Nếu tôi kể với nàng toàn bộ chuyện kia, hẳn là nàng sẽ xua đuổi tôi. Tôi đã sống cùng nàng một năm, cho tới khi đến hòn đảo này. Rồi một ngày nọ nàng đã quyết định đi vào lòng biển. Tôi chưa bao giờ hiểu được. Chúng tôi ẩn mình. Không ai quen biết chúng tôi, không ai có thể kể cho nàng nghe. Có lẽ nàng điên, chỉ vậy thôi, có lẽ chẳng có lời giải thích nào cho hành động của nàng. Nàng đã tự để sóng cuốn đi. Nàng vốn là tay bơi giỏi khác thường. Ngày còn ở Mỹ, năm mười sáu tuổi, nàng được chọn đi dự Olympic Melbourne. Nàng mang họ Farrell, Mary Song Farrell. Song bởi nàng được bố mẹ nuôi nhận về dưới cái tên này. Mẹ đẻ nàng tên là Song cũng nên. Hoặc giả bà ấy hay hát*, tôi không biết nữa. Có lẽ chính tôi về sau này đã suy diễn ra toàn bộ câu chuyện đó.

Tôi không suy diễn cho những người khác, họ không khiến tôi bận tâm. Tôi không phải kiểu người kể chuyện đời mình trong những quán bar. Tôi không quen những người gốc Arkansas này, những người nhà Farrell này. Những chủ trang trại. Mary học cách chăm sóc gia súc, cách sửa xe máy, cách lái máy kéo tại nhà họ. Rồi một ngày nọ, năm mười tám tuổi, nàng bay đi để tới nơi khác sống, để hát. Đó là thiên hướng của nàng. Nàng đã có một cuộc sống khác, nàng chưa bao giờ trở lại trang trại. Khi nàng mất tích trên biển, tôi đã cố gắng liên lạc với bố mẹ nàng, tôi đã viết vài lá thư gửi đến quận, để biết địa chỉ của họ. Tuyệt không thấy hồi âm.

Khi tôi quen Mary, nàng gần bốn mươi, nhưng có vẻ trẻ hơn tuổi nhiều. Bấy giờ tôi hai mươi tám. Tôi vừa mãn hạn tù.

Bão truyền sang tôi cơn thịnh nộ. Tôi cần những tiếng ó biển của bão, những ống bễ lò rèn của bão. Chính vì bão mà tôi quay trở lại hòn đảo này. Bấy giờ, mọi thứ khép kín, mọi người mất hút trong nhà của họ, họ đóng cửa chớp và chặn cửa ra vào, họ thu lu trong vỏ ốc, trong lớp mai của mình. Họ cũng đã biến mất, những du khách mặt bự phấn, những kiểu tạo dáng, những điệu bộ, những trò õng ẹo của họ. Những cô gái mặc quần soóc cực ngắn đạp xe, những cậu trai cưỡi mô tô địa hình, những cặp kính Polaroid, những ba lô, máy ảnh, họ đã quay về thành phố, về những tòa chung cư, về xứ sở không bao giờ có bão của họ.

Người dân đảo này đã tự chôn mình. Họ chơi bài, họ ngồi bệt trong những căn hầm với cửa kính mờ hơi nước mà uống bia. Ánh điện chập chờn, chẳng mấy chốc sẽ cắt điện trên diện rộng. Tủ cấp đông của các cửa hàng sẽ rỉ thứ nước vàng như nước tiểu, những con cá ướp muối sẽ chảy nước và long mắt, những thanh sô cô la đông lạnh sẽ mềm nhũn trong bao bì. Chính vì bão mà tôi quay trở lại. Tôi lại cảm thấy mình đang trong thời chiến, trong rủi may, theo cuộc bỏ chạy tán loạn của các đoàn quân, nghe những chiếc loa thét lác những mệnh lệnh khó hiểu. Tôi ngược dòng thời gian, dựng lại đời mình. Tôi những muốn quay trở lại ngưỡng cửa ngôi nhà ở Huế, nhìn, và cái nhìn của tôi sẽ ngưng thời gian lại, sẽ gieo mơ hồ lẫn lộn, sẽ giải thoát người đàn bà khỏi những kẻ hành hạ cô. Nhưng trong những điều tôi biết sẽ không có điều gì nhạt nhòa đi. Hòn đảo là sự đoan chắc về nỗi vô phương cứu chuộc. Bằng chứng của sự bất lực. Hòn đảo là ụ nổi cuối cùng, bến đỗ cuối cùng trước hư không. Chính vì điều này mà tôi trở lại. Không phải để tìm lại quá khứ, không phải để đánh hơi tìm lối như một con chó. Mà để chắc chắn rằng mình sẽ không nhận ra điều gì. Để bão xóa đi tất cả, vĩnh viễn, bởi biển là chân lý duy nhất.

Mời các bạn đón đọc Bão của tác giả J. M. G. Le Clézio.