Jules Verne là một ngôi sao sáng trên bầu trời văn học Pháp trong thể loại "Tiểu thuyết khoa học viễn tưởng”.
Bạn đọc Việt Nam, ai là người chẳng từng đọc qua các tác phẩm tiêu biểu của ông về đề tài này như Vòng quanh thế giới trong 80 ngày, 20. 000 dặm dưới đáy biển, Năm tuần trên khinh khí cầu.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực tiểu thuyết phiêu lưu mạo hiểm, ngòi bút của ông cũng không kém phần sắc sảo. Bạn đọc nào ưa thích thể loại này hẳn đã phải đọc qua: Những đứa con của thuyền trưởng Grant, Phiêu lưu vào vùng mỏ Aberfoyle của ông, cũng do Nhà Xuất bản Trẻ xuất bản.
Lần ấn hành này, chúng tôi cho ra mắt bạn đọc cuốn Ngọn hải đăng nơi cuối trời, một cuốn tiểu thuyết phiêu lưu mạo hiểm của Jules Verne để đóng góp thêm vào tủ sách Văn học dịch của Việt Nam.
Chuyện xoay quanh việc chính phủ nước cộng hòa Argentina cho xây dựng trên một hòn đảo mang tên “Đảo các quốc gia" một ngọn hải đăng, nhằm hướng dẫn các tàu bè qua lại eo biển Lemaira, một eo biển hẹp lởm chởm các bãi đá ngầm.
Sau khi khánh thành ngọn đèn biển này, toàn bộ công nhân xây dựng, kỹ sư… đã được rút đi chỉ để lại trên đảo một toán bảo vệ gồm ba người là Vasquez, Felipe và Moriz. Tổ bảo vệ này có trách nhiệm vận hành đèn hằng đêm và bảo vệ nó. Họ sẽ ở lại đảo trong một thời gian nhất định, sau đó ở đất liền sẽ có một tổ bảo vệ khác ra thay thế họ để tiếp tục công việc trên.
Mọi việc đã diễn ra khá suông sẻ trong thời gian đầu. Cho đến một ngày kia, trong một lần đi săn thú để có thịt tươi cải thiện bữa ăn, toán bảo vệ hạ được một con nai đã bị thương do một viên dạn mà ai đó đã bắn vào nó trước khi bị toán bảo vệ bắt được.
Sự việc này đem đến một nỗi lo ngại: trên hoang đảo này đã có người ngoài họ, mà những người này lại có súng.
Những người đó là ai, người lương thiện hay kẻ bắt lương?
Câu trả lời đến ngay sau đó với cái chết của hai nhân viên bao vệ là Felipe và Moriz. Họ bị hạ sát trong khi đang thi hành nhiệm vụ, bởi một băng cướp có vũ trang; bọn chúng khoảng 12 tên, tên cầm đầu là Kongre, một tên cướp khét tiếng ở vùng biển này.
Chỉ còn lại một mình tổ trưởng Vasquez đối mặt với một băng cướp có số lượng đông hơn gấp nhiều lần.
Anh sẽ phải hành động ra sao để có thể tự bảo vệ mình, đồng thời vẫn hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ "Ngọn hải đăng nơi cuối trời” nhằm tránh cho các tàu bè qua lại eo biển khỏi gặp hiểm nguy.
***
Mặt trời sắp lặn đằng sau những quả đồi phía tây. Thời tiết rất tốt. Về phía trước, mặt biển như hòa vào bầu trời ở phía đông và đông-bắc, những đám mây nhỏ còn phản chiếu những tia nắng cuối cùng, những tia nắng mà chẳng mấy chốc nữa sẽ chìm vào bóng hoàng hôn, một hoàng hôn rất dài ở một nơi có vĩ độ năm mươi lăm độ của nam bán cầu. Đúng vào lúc đĩa mặt trời vừa khuất hẳn dưới đường chân trời thì một phát đại bác vang lên trên tuần dương hạm Santa-Fé, và lá cờ của nước Cộng hòa Argentina được kéo lên đỉnh cột buồm sau, nó phần phật cuộn bay trong gió biển.
Cùng lúc đó một chùm tia sáng tỏa lan rực rỡ từ đỉnh ngọn hải đăng được xây cách vịnh Elgor, nơi tuần dương hạm Santa-Fé thả neo, một tầm súng. Hai người gác đèn cùng đám thợ tụ tập trên bãi cát còn thủy thủ đoàn thì tập họp trên boong trước của chiến hạm, tất cả cùng reo vang chào đón chùm tia sáng đầu tiên được thắp lên ở nơi bờ biển xa xôi này.
Hai phát đại bác nữa lại vang lên như đáp lại những tiếng reo hò đó, những tiếng nổ đập vào những ngọn núi xung quanh vang dội trở lại nhiều lần. Những lá cờ trên chiến hạm lại được hạ xuống đúng theo nghi thức hải quân; và sự im lặng lại bao trùm lên hòn đảo “đa quốc gia” nằm đúng ở nơi gặp nhau của hai biển lớn Đại Tây dương và Thái Bình dương.
Sau đó, đám thợ bước lên boong của chiếc Santa-fé và như vậy trên bờ chỉ còn lại ba người để làm công việc gác đèn.
Một người gác đang làm nhiệm vụ trong phòng, hai người kia chưa về nơi nghỉ ngay mà còn dạo bước chuyện trò dọc theo bờ biển.
- Anh Vasquez này! - Người trẻ nói - ngày mai chiếc tuần dương hạm mới nhổ neo chứ…
- Đúng thế Felipe - Vasquez đáp - và tao hy vọng là chuyến đi về này được suôn sẻ.
- Có xa không anh Vasquez?…
- Chuyến đi bao xa thì trở về cũng y như thế.
- Chưa chắc thế đâu - Felipe vừa cười vừa đáp.
- À này - Vasquez tiếp - đôi khi lúc đi, thời gian lâu hơn lúc về trừ trường hợp gió không được ổn định lắm!… Nhưng nói cho cùng một ngàn rưỡi hải lý cũng không phải là xa nếu như con tàu có máy móc ngon lành và chuyến đi thuận buồm xuôi gió.
- Và nếu như thuyền trưởng chiếc Lafayate lại rành đường đi nữa thì hẳn là…
- Thì tàu cứ việc thẳng đường mà đi, lúc đi đã theo hướng nam, như vậy lúc về ta cứ hướng bắc mà tiến, và nếu gió cứ tiếp tục thổi từ đất liền ra thì ta cứ men theo bờ biển mà đi, cứ như đi trên con sông mà thôi.
- Nhưng con sông đó chỉ có một bờ - Felipe tiếp.
- Mặc, miễn là có gió, tốt nhất là luôn luôn được gió thổi.
- Đúng thế - Felipe nhận xét - nhưng nếu gió cứ luôn đổi chiều thì…
Mời các bạn đón đọc Ngọn Hải Đăng Nơi Cuối Trời của tác giả Jules Verne.