Trong công trình sử học “Sách đen về chủ nghĩa cộng sản” (Le livre noir du communistme, Robert Laffont, Paris 1997), tác giả Rémi Kauffer - một chuyên gia về tình báo và khủng bố - đã dành bảy chương sách để nói về mối quan hệ giữa các thể chế “cộng sản hiện thực” (hiểu theo nghĩa: các thể chế tự nhận mình là “cộng sản”, không nhất thiết phải tuân thủ các nguyên tắc của chủ nghĩa Marx) và chủ nghĩa khủng bố.
Tác giả cuốn sách trên khẳng định: trong hai thập niên 20 và 30, phong trào cộng sản thế giới dốc toàn lực để chuẩn bị những cuộc khởi nghĩa vũ trang nhưng đều thất bại. Do đó, trong thập niên 40, họ đã lợi dụng cuộc chiến chống phát-xít Đức và giới quân phiệt Nhật, và trong hai thập niên 50 và 60, họ đã nhân danh những cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc để tạo dựng những đội du kích chính qui, dần dần biến thành những đạo quân thực thụ để giúp các Đảng Cộng sản cướp chính quyền tại nhiều xứ như Nam Tư, Trung Hoa, Bắc Hàn…
Tuy nhiên, phải đương đầu với sự chống đối của các thế lực thân Hoa Kỳ, thất bại của phong trào “du kích” Nam Mỹ đã khiến một số phe, nhóm cộng sản nhận thấy họ nên trở lại những phương pháp khủng bố “truyền thống”. Lấy danh nghĩa “đấu tranh giải phóng dân tộc”, ở nhiều nơi trên thế giới, khủng bố và chiến tranh du kích đã được hòa quyện một cách “hữu hiệu” trong các hành động vũ trang, như trong trường hợp Mặt trận Giải phóng Dân tộc Algeria hoặc các tổ chức khủng bố Palestine.
Có thể tranh luận với các luận điểm trên của tác giả Rémi Kauffer, tuy nhiên, lần giở kho lưu trữ mật được “bạch hóa” sau khi Liên Xô sụp đổ, có thể thấy trong không ít trường hợp, Liên bang Xô-viết đã trợ giúp và ủng hộ một cách hữu hiệu các nhóm khủng bố ở Trung Đông và Mỹ - La Tinh.
Đặc biệt, trong nhiều năm liền, Ilich Ramirez Sanchez, một trùm khủng bố khét tiếng từng hoành hành ngang dọc ở các nước Ả Rập và phương Tây, đã được sự che chở của hầu hết các quốc gia “xã hội chủ nghĩa” ở Đông Âu: bằng những tấm thông hành và hộ chiếu giả, y đã sử dụng thủ đô Budapest (Hungary) như một địa bàn chính yếu để tổ chức và tham gia các vụ khủng bố đẫm máu.
Dầu vậy, cần phải nói là bản thân các quốc gia “xã hội chủ nghĩa” (cũ) ít khi đứng ra tổ chức khủng bố, vì mức độ mạo hiểm quá lớn. Một ngoại lệ là trường hợp Bắc Hàn: trong những năm tháng căng thẳng dưới thời “Chiến tranh lạnh”, xứ này đã thường xuyên cử các mật vụ ra nước ngoài để ám sát, giết chóc, bắt cóc và thực hiện những hành vi khủng bố, nhất là đối với các nhân vật Nam Hàn.
Nhiều phụ nữ Nhật đã bị bắt cóc và đưa về Bình Nhưỡng để đào tạo thành những điệp viên kiêm khủng bố. Đó là chưa nói đến chuyện trong hai thập niên 60 và 70, Bắc Hàn là nơi ẩn mình của vô số nhóm khủng bố Nhật, Palestine, Phillippines…, với một mục tiêu chính yếu là “lật đổ chế độ tư bản thối nát”. Có thể nói trong một thời gian dài, Bắc Triều Tiên là quốc gia cộng sản duy nhất đã chủ trương khủng bố một cách có hệ thống ở cấp nhà nước.
Trong số các hành động khủng bố đẫm máu nhất của Kim Nhật Thành, cần phải kể đến vụ ám sát 16 người xảy ra ở Rangun (trong số đó có bốn bộ trưởng Nam Hàn), hoặc vụ nổ máy bay Hãng hàng không Korean Airline ngày 29-11-1987, gây nên cái chết của 115 hành khách vô tội.
Kim Hyun Hee là một trong hai thủ phạm chính của vụ nổ máy bay nói trên. Cùng một điệp viên đứng tuổi và dày dạn kinh nghiệm (Kim Soung Ir), người phụ nữ trẻ trung 25 tuổi và xinh đẹp đó được nhận nhiệm vụ phải “dạy cho Hán Thành một bài học”: mục đích chính của vụ khủng bố là hạ uy tín Nam Hàn, khiến nước này “mất mặt” và chứng tỏ cho thế giới thấy rằng Hán Thành không đủ sức để giữ gìn an ninh cho Thế vận hội 1988, sẽ được tổ chức sau đó ít tháng.
Tuy nhiên, ý định đó của nhà độc tài Kim Nhật Thành đã hoàn toàn phá sản. Thế vận hội Hán Thành 1988 thành công mỹ mãn, trở thành một biểu tượng của hòa bình và hữu nghị, khi các vận động viên “tư bản” và “xã hội chủ nghĩa” lại bắt tay nhau trên tinh thần bằng hữu và thể thao sau hai kỳ Olympic không trọn vẹn (1980: Moscow, và 1984: Los Angeles).
Sau vụ đặt bom, nhóm khủng bố bị phát hiện: Kim Soung Ir uống độc dược tự tử, còn Kim Hyun Hee định tẩu thoát nhưng bị bắt giam. Sau một thời gian dằn vặt nội tâm và đấu tranh với chính mình, cô gái trẻ tuổi đã cung khai mọi sự trước nhà chức trách Nam Hàn. Về sau, họ Kim đã thuật lại chi tiết những hoạt động gián điệp và khủng bố của mình trong cuốn hồi ký “Giọt lệ trong hồn” (The Tears Of My Soul, 1993), khiến thế giới phải kinh hoàng trước sự tàn ác của các nhà lãnh đạo Bắc Hàn.
Cho dù, vì những lý do dễ hiểu, cuốn hồi ký chưa thể nói lên hết được những gì tại hậu trường các sự kiện của 20 năm trước, nhưng đây là một nguồn tư liệu có độ xác tín tương đối cao về một xã hội, một thể chế khép kín mà thế giới có rất ít thông tin. NCTG xin giới thiệu đến quý độc giả “Giọt lệ trong hồn”, thông qua bản dịch tiếng Hung ( “Kémek iskolája: Egy terroristanő vallomásai”, fordította: Gálvölgyi Judit, JGX Kiadó, Budapest 1994).
Xin tặng cuốn sách này cho người nhà các nạn nhân chuyến bay 858 của Hãng Hàng không Triều Tiên.
Mọi thu nhập xuất phát từ cuốn sách đều dành cho họ.
Kim Huyn Hee
Mời các bạn đón đọc Giọt Lệ Trong Hồn của tác giả Kim Hyun Hee.