Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Jennie Gerhardt - Theodore Dreiser

Trong bầu trời văn chương của nước Mỹ đầu thế kỉ thứ hai mươi. Theodore Dreiser nổi bật lên như một trong những ngôi sao sáng nhất.

Ông sinh ngày 27 tháng 8 năm 1871 tại Terre Haute bang Indiana và mất ngày 28 tháng 12 năm 1945 tại Hollywood bang California. Trong hơn bốn mươi năm lao động sáng tạo Dreiser đã cho ra đời tất cả năm bộ tiểu thuyết cùng với một số đáng kể các truyện ngắn, ký sự, tiểu luận, chín vở kịch, hai tập tự truyện và hai tập thơ. Nôi tiếng nhất trong số đó là hai cuốn tiểu thuyết: “Một bi kịch nước Mỹ” và “Jennie Gerhardt”. Chính hai cuốn này đã đưa ông lên địa vị hàng đầu trong văn đàn và được coi là người cha của nền văn học hiện thực nước Mỹ.

“Jennie Gerhardt”, tên sách đồng thời cũng là tên của nhân vật chính trong truyện. Một cô gái xinh đẹp, giàu lòng nhân ái, yêu lao động, hoàn toàn xứng đáng có hạnh phúc và có quyền được hưởng hạnh phúc. Nhưng xã hội tư bản với sự thống trị tuyệt đối của thế lực đồng tiền đã cướp đi của cô tất cả, từ miếng cơm manh áo, đến quyền làm vợ, làm mẹ và thậm chí cả quyền được yêu thương, được xả thân cho người mình yêu dấu. Jennie yêu Brander, một thượng nghị sĩ, có con với ông ta, nhưng Brander thất bại trên đường sự nghiệp và chết đột ngột. Sau đó vài năm cô lại yêu Lester Kane, con trai một nhà đại tư bản. Với Lester, Jennie là người đàn bà lý tưởng mà anh đã bao năm tìm kiếm. Anh hết lòng yêu cô, mong muốn được là chồng chính thức của cô, mang lại cho cô một cuộc sống êm đềm hạnh phúc. Mặc dù thế anh vẫn không làm sao vượt qua nổi cái cơ chế khắc nghiệt và vô nhân đạo của chủ nghĩa tư bản mà anh đang bị khuôn vào trong đó. Hai người vẫn phải chung sống một cách vụng trộm trong nỗi thắc thỏm, lo âu. Cuối cùng để được giữ quyền thừa kế tài sản, Lester buộc lòng phải rời bỏ Jennie để kết hôn với một cô gái khác thuộc dòng dõi giàu có và quyền quý. Jennie tưởng rằng mình có thê sống một cuộc sống tạm gọi là hạnh phúc với đứa con duy nhất, con của thượng nghị sĩ Brander và chút tài sản mà Lester gây dựng cho. Nhưng thần chết đã cướp mất đứa con, cướp đi nốt nguồn an ủi cuối cùng của người đàn bà bất hạnh. Chỉ còn lại một thân một mình, bị bao vây giữa muôn ngàn khổ ải, Jennie vẫn cố sống và dành hết lòng nhân ái của mình vun đắp cho hai đứa con nuôi. Người đàn bà bị xã hội tư bản chà đạp ấy tuy căm giận đến cùng cực chế độ bất công vẫn không để mất đi ở mình lòng tin vào lương tri và nhân phẩm của con người.

***

Một buổi sáng mùa thu năm 1880, một người đàn bà đứng tuổi đi cùng một thiếu nữ trạc tuổi mười tám đến bàn tiếp khách của khách sạn chính thành phố Columbus, bang Ohio, hỏi xem ở đó có thể có việc gì thích hợp cho bà không. Tạng người bà béo bệu và yếu ớt, vẻ mặt thẳng thắn, cởi mở, cung cách hồn hậu, rụt rè, đôi mắt to đầy vẻ nhẫn nại, ngưng đọng bóng đen của đau khổ mà chỉ ai đã từng nhìn vào vẻ mặt những người nghèo khó, cùng quẫn và không nơi nương tựa với nỗi thương cảm mới có thể hiểu được phần nào. Bất kỳ ai cũng có thể hiểu vì đâu cô con gái đứng sau bà lại rụt rè bẽn lẽn, – chính nỗi niềm ấy đang đẩy cô lùi lại, hờ hững nhìn ra phía khác. Cô là hoa trái sinh ra từ đầu óc hay tưởng tượng, giàu tình cảm và lòng yêu thương bẩm sinh trong tâm hồn mộc mạc nhưng thơ mộng của người mẹ, kết hợp với sự trầm mặc và đĩnh đạc vốn là đặc tính của người cha. Cái nghèo đang dồn họ tới đường cùng. Mẹ và con gộp lại tạo ra hình ảnh rất đỗi thương tâm về cảnh cơ hàn, lương thiện khiến người thư ký cũng phải mủi lòng.

- Bà muốn làm việc gì?

- Có lẽ ông cho tôi quét dọn hoặc lau chùi gì đó – bà trả lời rụt rè – Tôi có thể rửa sàn nhà.

Nghe mẹ nói, cô con gái bối rối quay đi, không phải công việc làm cô khó chịu, mà bởi cô không thích người ta đoán được nỗi bần bách đã bắt mình phải ngửa tay ra xin việc. Người thư ký mủi lòng trước nông nỗi hiển nhiên của cái đẹp trong bước đường cùng. Sự bất lực thơ ngây của cô con gái làm cho hoàn cảnh của hai mẹ con càng có vẻ gay go thực sự.

- Chờ một lát nhé, – ông nói, rồi vừa bước vào phòng làm việc phía trong vừa gọi bà quản lý khách sạn.

- Việc làm thì có đấy. Cầu thang chính và phòng khách chưa được quét dọn vì vắng chị lau sàn thường ngày.

- Có phải con gái bà ta cùng đứng đấy không? – Bà quản lý hỏi, bà có thể nhìn thấy hai mẹ con từ chỗ bà đang đứng.

- Vâng, có lẽ thế.

- Nếu bà ấy muốn, chiều nay đến cũng được. Chắc cô con gái cũng giúp bà ta chứ?

Mời các bạn đón đọc Jennie Gerhardt của tác giả Theodore Dreiser.