Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Câu Chuyện Dòng Sông - Hermann Hesse

Tất cả tác phẩm của Hermann Hesse đều nói lên niềm cô đơn tâm linh của con người thời đại, nỗi thao thức triền miên của những tâm hồn khát khao đi tìm một chân trời mới cho mình và nhất là những nỗ lực vô hạn để vươn lên mọi ràng buộc của thân phận làm người. Trọn tác phẩm của ông là lới thánh ca bay vút lên chín tầng trời, vọng lên nỗi đau đớn vô cùng của kiếp sống và lòng hướng vọng nghìn đời của con người…

Câu chuyện dòng sông là cuốn tiểu thuyết mang tính cách ngôn của Hermann Hesse kể về hành trình tâm linh của một người Ấn Độ tên là Siddhartha trong thời đại của Tất-đạt-đa Cồ-đàm. Đây là tiểu thuyết thứ chín của Hesse, được viết bằng tiếng Đức, trong một ngôn ngữ đơn giản nhưng có vần điệu.

Cuốn sách kể lại chuyện xảy ra ở Ấn Độ vào thời cổ đại vào khoảng thời gian của Phật (thế kỷ thứ 6 TCN). Truyện bắt đầu khi Siddhartha, con của một Brahmin, bỏ nhà ra đi để tham gia những nhà tu khổ hạnh cùng với người bạn thân là Govinda. Cả hai đều ra đi để tìm sự khai sáng. Siddhartha đã đi qua một chuỗi các thay đổi và tự nhận thức khi anh cố gắng đạt được mục đích này.

***

Cạnh những con thuyền, dưới ánh nắng ven sông, trong bóng cây cổ thụ và trong khu rừng vàng nhạt, Tất Đạt, người con trai Bà La Môn đĩnh ngộ ấy đang lớn lên cùng bạn chàng là Thiện Hữu. Nắng nhuộm màu “bồ quân” đôi vai thon đẹp khi chàng tắm lễ “thánh tẩy”. Mắt chàng thoáng những nét trầm tư mỗi lúc chàng dạo chơi trong khu rừng xoài, khi nghe mẹ hát, trong những buổi học với cha, hay khi chuyện trò cùng những người thức giả. Tất Đạt từ lâu đã sớm dự phần trong các cuộc đàm luận của những bậc tri thức, thường tranh biện với Thiện Hữu và cùng bạn thực tập suy tư quán tưởng. Chàng có thể đọc tiếng “Om”* trong im lặng – nói tiếng ấy trong tâm khi thở vào và thở ra, với tất cả tâm hồn, vầng trán chàng chói ngời tia sáng trí tuệ.

Cha chàng rất sung sướng vì con thông minh và khát khao hiểu biết. Ông tin tưởng chàng sẽ lớn lên thành một học giả, một mục sư, một hoàng tử trong giới Bà La Môn.

Mẹ chàng đầy kiêu hãnh khi nhìn con đi, đứng, khoẻ mạnh, xinh đẹp, dẻo dai. Tất Đạt chào mẹ với một dáng điệu nho nhã.

Và mỗi khi Tất Đạt dạo bước qua phố phường, với vầng trán cao, đôi mắt vương giả, dáng điệu thanh tao, thì những cô gái Bà La Môn bỗng nghe lòng rộn lên một niềm yêu thương rào rạt.

Thiện Hữu bạn chàng, con một người Bà La Môn, yêu chàng hơn ai hết. Chàng yêu đôi mắt và giọng nói trong trẻo của Tất Đạt. Chàng yêu dáng đi của Tất Đạt, cử động của chàng. Chàng yêu tất cả những điều Tất Đạt làm và nói, và trên tất cả, chàng yêu kiến thức của Tất Đạt, những tư tưởng đẹp đẽ và đầy nhiệt tình, ý chí mạnh mẽ và thiên tính cao vời của chàng. Thiện Hữu biết rằng chàng trai kia sẽ không trở thành một người Bà La Môn tầm thường, một người hành lễ tế thần biếng nhác, một kẻ ham nói phù chú, một người hùng biện khoác lác, một mục sư xảo quyệt, hay chỉ một con chiên ngoan ngớ ngẩn giữa đàn chiên đông. Không, và chính chàng, Thiện Hữu cũng không muốn trở thành một Bà La Môn như trăm ngàn Bà La Môn khác. Chàng muốn theo Tất Đạt, con người khả ái tuyệt vời kia. Vì nếu Tất Đạt có ngày trở thành một vị chúa tể, nếu có một ngày chàng bước vào cõi quang minh, thì lúc ấy Thiện Hữu muốn theo chàng như bạn chàng, như người tôi tớ của chàng, như cái bóng của chàng.

Mọi người đều yêu quí Tất Đạt như thế. Chàng làm cho họ vui vẻ hạnh phúc. Nhưng chính chàng, Tất Đạt, lại không hạnh phúc. Lúc lang thang dọc những con đường hồng trong vườn, khi ngồi trầm tư trong bóng xanh nhạt của cụm rừng, khi rửa đôi chân trong buổi thánh tẩy với tư thái đầy trang nghiêm, đâu đâu chàng cũng được mọi người quí trọng và là nguồn vui cho tất cả. Tuy thế thâm tâm chàng lại không được yên vui. Mộng ảo và những suy tư khắc khoải dồn vào tâm tưởng chàng từ khúc sông cuồn cuộn, từ những vì sao lấp lánh, từ ánh mặt trời chan hoà. Mộng tưởng và vọng động xâm chiếm chàng, dâng lên từ làn khói của những cuộc tế thần, phát ra từ những thánh thi tuôn tràn từ những giáo lý của các vị Bà La Môn.

Tất Đạt bắt đầu thấy những hạt giống khổ đau trong chàng. Chàng bắt đầu cảm thấy tình thương của song thân cũng như tình thương của Thiện Hữu không thể cho chàng hạnh phúc bình an, không thể thoả mãn chàng. Chàng bắt đầu ngờ rằng phụ thân đáng kính của chàng và các sư phụ khác, những vị Bà La Môn thông thái đã truyền hết cho chàng những tri kiến của họ rồi, tất cả kiến thức của họ đã trút vào túi khôn của chàng rồi. Nhưng túi khôn không đầy, trí năng chàng không thoả mãn, linh hồn chàng không bình yên và con tim không an nghỉ. Nước tịnh thuỷ tắm hàng ngày thật tốt, nhưng đây cũng chỉ là nước, không thể rửa sạch tội lỗi, không làm vơi bớt khổ đau của tâm hồn. Những cuộc tế thần và khấn nguyện cùng Thượng đế thật là tuyệt diệu, nhưng đấy phải chăng là tất cả… Và thần linh ấy là gì… Có phải thật là đấng sáng tạo ra thế giới… Không phải rằng linh hồn duy nhất đã tạo ra vũ trụ hay sao… Và thần linh phải chăng là những hình thái được tạo dựng như tôi và người, những sinh vật phù du… Và như thế phải chăng rất nên dâng lễ cho các thần linh… Và ta phải dâng cúng lễ vật cho ai nữa, phải kính nể ai nữa nếu không phải thần linh. Linh hồn duy nhất… Và linh hồn ở đâu, trái tim bất diệt ở đâu, nếu không phải Tự ngã, trong phần thâm sâu, bất diệt mà mỗi người đều mang sẵn… Nhưng đâu là Tự ngã ấy, phần thâm sâu ấy… Đấy không phải là thịt xương, cũng không phải tư tưởng hay ý thức. Những người trí thức đều dạy chàng như thế. Vậy thì nó ở đâu… Đi tìm Tự ngã, Linh hồn ấy, có nơi nào khác đáng đặt chân không… Không ai chỉ đường, vì không ai biết, từ cha chàng, thầy chàng, những bậc thức giả cho đến những bài thánh thi. Những người Bà La Môn và những thánh kinh của họ biết hết về mọi sự, họ đã đi sâu vào mọi vấn đề - sự tạo thiên lập địa, nguồn gốc của ngôn ngữ, thức ăn, hơi thở vào, thở ra, sự sắp đặt của những giác quan, hành động của những thần linh. Họ thông thạo vô số vấn đề - nhưng có bỏ công không, nếu họ không thấu hiểu vấn đề quan trọng độc nhất…

Mời các bạn đón đọc Câu Chuyện Dòng Sông của tác giả Hermann Hesse.