Nếu như có một người Pháp (gốc Thụy Sĩ) trong thời kỳ thuộc địa mà tất cả mọi người ở Việt Nam đồng lòng khi nhắc đến, thì đó chính là Alexandre Yersin, nhân vật mà tên tuổi được biết đến ở miển đất này còn nhiều hơn tại Pháp. Nhà văn Patrick Deville đã đặc biệt quan tâm tới trường hợp của Alexandre Yersin và nhanh chóng phát hiện ra một nhân vật tiểu thuyết hết sức đặc biệt. Một trực cảm chính xác. Bởi vì lần theo dấu chân của Yersin là cả một cuộc phiêu lưu kỳ lạ. Là học trò đầy hứa hẹn của Louis Pasteur, Yersin lại mong muốn những hướng đi mới, để mãi khám phá điều chưa từng được biết đến. Thay vì theo đuổi sự nghiệp tại Viện Pasteur Paris, ông lại quyết định lao vào khám phá trường đời xa lạ và đặt chân tới những con đường núi hiểm trở của một đất nước trồng lúa - đó là Việt Nam. Yersin không phải là nhà văn, nhưng ông đã góp những trang phiêu lưu nhất và kỳ thú nhất trong cuốn sách vĩ đại về thành tựu của những học trò đầu tiên của Pasteur.
Là người khám phá ra trực khuẩn dịch hạch - Yersinia pestis - khi bệnh dịch này hoành hành ở Hồng Kông năm 1894 và là người đầu tiên cứu sống một bệnh nhân dịch hạch, ông không dừng chân tại chỗ mà tiếp tục lao vào khám phá những miền đất xa xôi. Không thỏa mãn, ông thú nhận “sớm chán nản mọi thứ, trừ Nha Trang”. Bởi lẽ nhà thám hiểm không ngừng nghỉ này, người luôn luôn vận động, đã sống một nửa cuộc đời mình tại Nha Trang. Ông chăm sóc những người bệnh xung quanh và phát triển việc trồng cây cao su, cây canhkina và trồng rau trên các cao nguyên miền Trung của đất nước. Những sáng kiến của chỉ riêng ông hiện đã làm nên một phần bản sắc Việt Nam.
Patrick Deville đưa vào văn chương cuộc đời độc đáo và đầy đam mê của một trong những nhà tiên phong trong nghiên cứu y học. Nhà văn lần theo dấu vết của nhà khoa học trên khắp thế giới và nhất là ở Việt Nam, nơi ông liên tục quay trở lại. Virút mang tên Việt Nam mạnh kỳ lạ, nhất là khi virút này lây sang một người Pháp. Liệu pháp duy nhất được biết đến để đối phó với loại virút này là quay trở lại và mãi mãi ở lại Việt Nam. Bác sĩ Yersin hẳn đã hiểu rõ điều đó khi quyết định ở hẳn lại Nha Trang, trên vùng đồi núi cao nhìn xuống thành phố này.
Cuốn Yersin - Dịch Hạch Và Thổ Tả bằng tiếng Việt được xuất bản nhằm tôn vinh Alexandre Yersin và cả Patrick Deville. Cuốn sách được phát hành trong khuôn khổ Năm Pháp - Việt Nam, kỷ niệm 70 năm ngày mất của Yersin và 120 năm hình thành thành phố Đà Lạt nhờ công lao của Alexandre Yersin.
***
Bàn tay già nua cụt ngón cái lấm chấm đồi mồi hé tấm riđô. Sau đêm mất ngủ, rạng hồng bình minh, nhạc điệu huy hoàng. Căn phòng khách sạn màu trắng tuyết pha vàng nhạt. Xa xa ánh đèn đan cài thành phên mắt cáo của ngọn tháp sắt lớn đằng sau màn sương mù phảng phất. Phía dưới, đám cây xanh um của công viên Boucicaut. Thành phố tĩnh lặng trong mùa xuân thời chiến. Đông đặc dân di tản. Đám người này vốn nghĩ rằng đời mình sẽ không xê dịch. Bàn tay già nua buông chốt cửa sổ, cầm quai vali. Sáu tầng bên dưới, Yersin bước qua cái cửa quay bằng gỗ đánh vécni nẹp đồng màu vàng. Một người phục vụ vận áo đồng phục đóng cửa taxi lại sau lưng ông. Yersin không chạy trốn. Ông chưa từng chạy trốn. Chuyến bay này, ông đã giữ chỗ từ nhiều tháng trước tại một hãng lữ hành ở Sài Gòn.
Đó là một người giờ gần như hói, râu bạc và mắt xanh. Áo vét kiểu quý tộc nông thôn, quần màu be và áo sơ mi trắng mở cổ. Cửa kính sân bay Bourget trông ra đường băng có một chiếc thủy phi cơ đang đậu. Một con cá voi nhỏ màu trắng với cái bụng tròn chứa khoảng chục hành khách. Người ta đẩy xe thang sát lại khoang lái từ phía bên trái, vì các phi công đầu tiên, trong đó có Yersin từng là kỵ sĩ1. Ông lên đường để gặp lại những con ngựa An Nam nhỏ thó của mình. Một nhúm người chạy trốn ngồi trên mấy ghế dài của phòng chờ. Giấu kín bên dưới hành lý của họ, dưới đống váy áo là những xấp tiền và vàng thỏi. Lính Đức đã đến các cửa ngõ của Paris. Những người này đủ giàu để không phải nghĩ đến chuyện hợp tác với quân chiếm đóng, bọn họ hết nhìn đồng hồ treo tường lại nhìn xem đồng hồ đeo tay.
Hẳn chỉ cần một chiếc xít-đờ-ca của quân Đức là đủ để ghim chặt tại chỗ con cá voi nhỏ màu trắng. Đã quá giờ. Yersin không buồn nghe những lời lẽ đầy lo lắng, mà viết mấy câu gì đó vào sổ. Cánh quạt đã quay, chúng nằm trên buồng lái, giữa hai cánh máy bay. Ông đi qua đường băng. Những kẻ chạy trốn muốn xô đẩy ông, buộc ông phải chạy. Tất cả đều đã yên vị trên máy bay. Ông được đỡ leo lên thang. Đây là ngày cuối cùng tháng Năm năm 40. Hơi nóng khiến ảo ảnh một vũng nước nhảy nhót trên mặt đường. Chiếc máy bay rung lên và lao đi. Những kẻ trốn chạy lau trán. Đây là chuyến bay cuối cùng của hãng hàng không Pháp trong suốt nhiều năm. Điều này thì chưa ai biết.
Với Yersin đây cũng là chuyến bay cuối cùng. Ông sẽ không bao giờ quay về Paris nữa, sẽ không bao giờ thấy lại căn phòng nhỏ của mình trên tầng sáu khách sạn Lutetia. Điều ấy ông có thoáng nghĩ tới, ông ngắm nhìn phía bên dưới, những dòng người chạy loạn trong vùng Beauce. Xe đạp và xe bò chất đống đồ đạc với chăn đệm. Đám xe tải rì rì giữa những người cuốc bộ. Toàn bộ ướt đẫm dưới cơn giông mùa xuân. Hàng đoàn côn trùng hoảng hốt bỏ chạy để không bị đám súc vật xéo nát. Hàng xóm của ông ở khách sạn Lutetia đều đã rời đi cả. Cái ông Ái Nhĩ Lan cao lênh khênh đeo kính, nhà văn Joyce mặc comlê đủ bộ, đã đang ở vùng Allier rồi. Matisse thì tới Bordeaux rồi đi Saint-Jean-de-Luz. Chiếc máy bay hướng về phía cảng Marseille. Giữa hai gọng kìm đang siết lại, phát xít và chế độ độc tài Franco.Trong khi đó về phía Bắc, cái đuôi của con bọ cạp đang dựng lên trước khi quất xuống. Dịch hạch nâu2.
Ngôn ngữ và văn hóa cả Đức lẫn Pháp, Yersin đều biết rõ, cả những cãi cọ lâu đời giữa hai bên. Dịch hạch, ông cũng biết rõ. Nó mang tên ông. Đã từ bốn mươi sáu năm nay, tính đến ngày cuối cùng tháng Năm năm 40 này khi ông bay phía trên nước Pháp lần cuối, trong bầu trời giông bão.
Yersinia pestis
Mời các bạn đón đọc Yersin: Dịch Hạch và Thổ Tả của tác giả Patrick Deville.