Đã từng có một làn sóng tẩy chay hàng Tàu diễn ra rất sớm vào những năm đầu thế kỷ trước, bắt đầu từ Sài Gòn và lan rộng ra trên cả nước ta. Điều gì đã làm người dân Việt Nam lúc ấy làm nên phong trào này? Ấy là bởi thế lực của của các Chú Khách Tàu ở Nam kỳ. Dân tàu di dân sang nước ta, làm kinh tế, làm thương mại, làm nông dân, làm ngư dân, làm tất cả những ngành nghề chân lấm tay bùn và cả làm tội phạm nữa. Họ lập bang hội, họ cưới vợ bản xứ, họ sinh con đẻ cái, phát triển tư bản, không gì là các Chú Khách không làm. Như tằm ăn rỗi, các Chú Khách đã thao túng gần như được toàn bộ nền kinh tế Nam kỳ những năm đầu thế kỷ 20. Dân Việt mất toàn bộ thị phần kinh tế ngay trên chính xứ sở của mình.
Vậy làm thế nào để xử lý được vấn đề này? Học giả Đào Trinh Nhất đã đưa ra được giải pháp xác đáng để vãn hồi nền kinh tế trong nước lúc ấy và làm thế nào nào để Nam Trung Bắc chung tay chống lại được thế lực các Chú: đó là di dân vào Nam và phát triển nền kinh tế. Khi sách được xuất bản lần đầu tiên năm 1924, lịch sử sự đọc vẫn chưa quên, “Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ” đã từng gây nên một “best-seller lộn kèo”, sách vừa ra đến tiệm thì các nhóm Khách trú đã thuê sẵn người, mua vét cho kỳ hết mà đem đốt.
***
THẾ LỰC KHÁCH TRÚ VÀ VẤN ĐỀ DI DÂN VÀO NAM KỲlà tư liệumà tôi có ý thức tìm kiếm từ mấy chục năm trước, và mới đây, thực may mắn, được Đoàn Lê Giang- chủ nhân của kho tư liệu đồ sộ, sẵn sàng cung cấp văn bản khi tôi tỏ ý muốn đưa ra cho công chúng rộng rãi trên nguyenducmau.blogspot.com và trên vanhoanghean.com.vn - Nhân đây xin cảm ơn Đoàn Lê Giang, người bạn luôn luôn hào phóng và nhiệt tình với những ý tưởng vì cộng đồng.
Nhưng vì lí do thời gian nên bản vi tính này, do một người bạn khác của tôi giúp đỡ, không được hoàn hảo như bản gốc, một vài chỗ vẫn còn lỗi đánh máy, mong muốn có thời giờ sửa chữa trong tương lai.
Tôi cũng đã thử đưa chữ Hán vào văn bản như bản gốc đã có, nhưng nhiều chữ bị thiếu trong Từ điển Việt Hán Nôm 2004, không đáp ứng được đầy đủ các chữ mà văn bản đòi hỏi, và do khả năng kĩ thuật hạn chế, nên tôi đành gác công đoạn này lại, sửa sau, chỉ vì lí do muốn sớm đưa ra cho bạn bè xa gần có tư liệu dùng tạm. Những chữ trong ngoặc ( TQ) là chỗ người đánh máy đánh dấu chỗ nguyên gốc là chữ Hán để điền sau.
Mong rằng sẽ có nhiều tư liệu đến được với giới nghiên cứu và những người có nhu cầu tri thức.
Hà Nội ngày 28 tháng 6 năm 2011
Nguyễn Đức Mậu
Mời các bạn đọc Thế Lực Khách Trú Và Vấn Đề Di Dân Vào Nam Kỳ của tác giả Đào Trinh Nhất.