Dường như có một rào cản vô hình quanh những đỉnh núi cao nơi đây mà không một ai có thể vượt lên được. Dĩ nhiên, nguyên nhân thật sự nằm ở chỗ từ độ cao 8.847m trở lên, tác động của áp suất không khí thấp lên cơ thể con người nghiêm trọng đến mức làm cho việc leo núi gần như bất khả thi, một cơn bão nhỏ cũng có thể gây chết người. Điều kiện thời tiết và mặt tuyết hoàn hảo nhất cũng chỉ cho họ một cơ hội thành công nhỏ nhoi nhất, và không một đoàn thám hiểm nào có thể quyết định trước được ngày chinh phục đỉnh…
Người ta không lấy làm ngạc nhiên khi đỉnh Everest không hề chịu khuất phục con người chỉ sau vài nỗ lực đầu tiên; thật ra, nếu việc chinh phục đơn giản như vậy thì các nhà leo núi hẳn sẽ cảm thấy ngạc nhiên và rất buồn lòng, bởi vì nó không còn là một ngọn núi vĩ đại nữa. Có lẽ chúng ta đã trở nên hơi kiêu ngạo với những công nghệ tiên tiến như đôi đế đinh và giày cao su, với kỷ nguyên chính phục dễ dàng bằng phương tiện cơ giới. Chúng ta đã quên rằng Everest vẫn đang nắm giữ chiếc chìa khoá mà các nhà leo núi cần để đi đến thành công và nó sẽ chỉ trao cho họ khi nó muốn mà thôi. Còn lý do khác khiến cuộc phiêu lưu này quyến rũ các nhà leo núi đến như vậy?
Khi Jon Krakauer lên được đỉnh Everest vào đầu giờ chiều ngày 10 tháng 5 năm 1996, anh đã không ngủ trong 57 giờ liền và đang quay cuồng vì những tác động lên não của chứng hạ oxy huyết. Khi anh quay lưng để bắt đầu chuyển xuống núi nguy hiểm từ độ cao 8.848m (xấp xỉ độ cao của một chiếc máy bay Airbus), hai mươi nhà leo núi khác vẫn đang tận lực bò lên đỉnh mà không biết rằng bầu trời đã bắt đầu vần vũ mây…
Trong hồi ức sau cùng này về mùa leo núi tang tóc nhất trong lịch sử Everest, Jon Krakauer đã đưa người đọc từng bước một từ Kathmandu lên đến đỉnh núi chết chóc, mở ra một câu chuyện nghẹt thở, làm người đọc rùng mình và kinh hãi.
***
“Một câu chuyện đau lòng về những nguy hiểm của môn leo núi cao, một câu chuyện về vận rũi, nhận định sai lầm và chủ nghĩa anh hùng đầy bi tráng” – Tuần báo People
“Thắt tim… nhưng tỉnh táo… không thể không cảm động khi đọc quyển sách” – Tạp chí Entertainment Weekly
“Từng chữ một đều hấp dẫn và đau đớn giống như bestseller Into the Wild năm 1996 của tác giả” – Nhật báo New York Times
“Một trong một quyển sách mạo hiểm hay nhất của mọi thời đại” – Nhật báo Wall Street Journal
***
Chùi những bông tuyết bám vào mặt nạ oxy, khẽ rùng mình vì những cơn gió lạnh, tôi nhận ra mình đang đứng trên nóc nhà của thế giới, một chân ờ Nepal, còn chân kia trên đất Trung Quốc. Tôi lơ đãng nhìn xuống thung lũng Tây Tạng bao la và mơ hồ nhận thấy cảnh vật ở phía dưới thật hùng vĩ. Tôi đã mơ về phút giây với những cảm xúc dâng trào này nhiều tháng rồi. Và giờ đây, cuối cùng tôi cũng đã đặt chân đến đây, thực sự đứng trên đỉnh của ngọn Everest. Nhưng lúc này, tôi không còn đủ sức lực để có thể tận hưởng phút giây mơ ước đã lâu này.
Lúc đó vào khoảng đầu giờ chiều ngày 10 tháng 5 năm 1996. Tôi đã không ngủ trong suốt 57 giờ liền. Thức ăn mà tôi cố nuốt trong ba ngày trước đó là một tô mì ramen2 và một vốc sôcôla M&M nhân đậu phộng. Chứng ho suốt nhiều tuần trước đó đã làm cho tôi bị rạn hai xương sườn, nên mỗi một việc thở cũng là một sự cố gắng đầy khó nhọc. Ở độ cao 8.847m trên tầng đối lưu, hầu như có rất ít không khí cung cấp đến não. Vì thế tư duy của tôi lúc ấy không hơn gì một đứa trẻ nhỏ. Thật sự, tôi không còn một cám giác gì khác ngoại trừ sự lạnh lẽo và mệt mỏi.
Tôi đến đỉnh Everest sau Anatoli Boukreev vài phút. Boukreev là một hướng dẫn viên leo núi người Nga, đang làm việc cho một đoàn thám hiểm thương mại Mỹ. Ngay phía sau tôi là Andy Harris, hướng dẫn viên của đoàn New Zealand mà tôi đang tham gia. Tôi chỉ mới biết Boukreev, nhưng đã quen với Harris từ sáu tuần trước đó. Tôi nhanh tay chụp cho Harris và Boukreev bốn tấm ảnh đứng trên đỉnh núi, rồi quay lại và xuống núi. Lúc ấy đồng hồ của tôi chỉ 1 giờ 17 chiều, nghĩa là tôi chỉ ở trên nóc nhà của thế giới chưa đến năm phút.
Ít phút sau, tôi dừng lại để chụp một tấm ảnh nhìn xuống Triền Đông Nam (Southeast Ridge), đường chúng tôi đã leo lên. Khi tôi đang chĩa máy ảnh về phía vài nhà leo núi đang leo lên, tôi chú ý đến một thứ gì đó mà tôi trước đây tôi không để ý. Nhìn về phía nam, khi mới cách đó một giờ đồng hồ, bầu trời vẫn còn hoàn toàn quang đãng, tôi thấy một đám mây khổng lồ đang che khuất các ngọn Pumori, Ama Dablam và những đỉnh khác xung quanh ngọn Everest. –
Sau đó – khi sáu thi thể đã được xác định, và cuộc tìm kiếm hai người nữa đã bị hủy bỏ và bác sĩ đã buộc phải cắt bỏ bàn tay phải bị hoại từ của người đồng đội Beck Weathers của tôi – người ta đặt câu hỏi khi thời tiết bắt đầu xấu đi, tại sao các thành viên đoàn leo núi trên cao hơn vẫn không nhận thấy được dấu hiệu nào? Tại sao các hướng dẫn viên leo núi Himalaya kỳ cựu vẫn tiếp tục leo lên, và đưa các thành viên nghiệp dư tương đối ít kinh nghiệm – những người đã bỏ ra đến 65.000 đô la để được dắt lên đỉnh Everest an toàn – vào cái bẫy chết người rõ rành rành?
Không ai trả lời thay cho hai trường đoàn gặp nạn bởi cả hai người đều đã chết. Nhưng tôi có thể làm chứng rằng vào thời điểm đó, buổi chiều định mệnh ngày 10 tháng 5, tôi không thấy có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy một cơn bão chết người đang tiến đến. Theo những gì còn đọng lại trong trí nhớ thiếu oxy của tôi lúc đó, những đám mây đang bay lượn lờ trên thung lũng tuyết khổng lồ phía tây3 (Thung lũng Tây) trông rất nhẹ nhàng, hiền lành và thưa thớt. Lấp lánh trong một buổi trưa nắng chói chang, trông chúng không khác gì những luồng khí đối lưu ngưng tụ vô hại mỗi buổi chiều lại bốc lên từ thung lũng bên dưới.
Khi tôi bắt đầu leo xuống núi, tôi vô cùng lo lắng, nhưng sự lo lắng của tôi không chút liên quan gì đến thời tiết: vừa mới kiểm tra đồng hồ đo trên bình oxy, tôi phát hiện ra nó gần cạn. Tôi cần phải nhanh chóng xuống núi.
Phần sống núi trên cùng của Triền Đông Nam có dạng vi cá bằng đá dài và mảnh, phủ đầy tuyết và uốn lượn khoảng một phần tư dặm giữa đỉnh núi và đỉnh phụ được gọi là Đỉnh Nam (South Summit). Chinh phục triền núi hình răng cưa này không phải là một vấn đề kỹ thuật khó khăn gì, tuy nhiên lối đi lại cực kỳ cheo leo. Mười lăm phút sau khi rời đỉnh núi, với những bước dò dẫm cẩn trọng qua một vực thẳm sâu 2.134m, tôi đến được Bậc Hillary khét tiếng, một hẻm núi nhô ra đòi hỏi người leo núi phải có kỹ thuật. Khi tôi bám chặt vào sợi dây thừng và chuẩn bị đu xuống, tôi chứng kiến một cảnh tượng nguy hiểm.
Gần 10 mét bên dưới, tôi trông thấy hơn 12 người đang xếp hàng dưới chân Bậc Hillary. Ba người trong số họ đã bắt đầu leo lên sợi dây mà tôi chuẩn bị dùng để leo xuống. Trong tình huống như vậy, tôi chỉ còn một lựa chọn là tháo móc ra khỏi sợi dây cố định chung và tránh sang một bên.
Vụ “kẹt dây” này là do các nhà leo núi từ ba đoàn khác nhau: đoàn mà tôi đang tham gia – gồm các khách leo núi trả tiền, trưởng đoàn là nhà leo núi nổi tiếng Rob Hall; một đoàn khác do người Mỹ Scott Fischer dẫn đầu; và thêm một đoàn phi thương mại của Đài Loan. Di chuyến chậm như sên ở độ cao 7.925 mét, đám đông từ từ nhích lên Bậc Hillary từng người một, trong khi tôi lo lắng đợi đến lượt mình.
Rời đỉnh Everest sau tôi một lúc, thế nhưng bây giờ Harris cũng đã nhanh chóng đến ngay sau tôi. Khi ấy, tôi quyết định nhờ Harris mở ba lô của tôi để tắt van bình oxy nhằm bảo toàn lượng oxy hiếm hoi còn lại. Trong vòng 10 phút sau đó, rất bất ngờ là tôi cảm thấy cực kỳ thoải mái. Trí óc tôi bỗng trở nên minh mẫn. Tôi thậm chí cảm thấy bớt mệt hơn khi để bình oxy mở. Thế rồi, đột nhiên tôi cảm thấy nghẹt thở. Mắt tôi mờ đi và đầu tôi quay cuồng. Tôi sắp sửa bị ngất đi.
…
Mời các bạn đón đọc Tan Biến của tác giả Jon Krakauer.