CUỐN SÁCH MÀ KHÔNG CON VẬT NGƯỜI NÀO DÁM BỎ QUA.
Ở đây là con Vượn Trần trụi với tất cả những gì nền tảng nhất của nó – trong tình yêu, trong công việc và trong chiến tranh. Tìm hiểu con vật người đúng như bản chất vốn có của nó: là họ hàng của những con vượn, bị cởi bỏ khỏi cái mã văn minh bề ngoài khi chúng ta nhìn nó tán tỉnh bạn tình, yêu đương, ngủ, giao tiếp xã hội, chải chuốt, chơi trò chơi gia đình.
Tác phẩm kinh điển của nhà động vật học Desmond Morris, cùng với Nguồn gốc muôn loài của Darwin, đã thể hiện con người không phải như một thiên thần sa ngã mà là một con vượn mới lên ngôi, đầy dẻo dai, nghị lực và trí tưởng tượng, tuy vậy vẫn chỉ là một con vật đang có nguy cơ quên mất nguồn gốc của mình.
Với sự hiểu biết thấu suốt vào các căn nguyên, cuộc sống tình dục, các thói quen của con người và các ràng buộc đáng ngạc nhiên của chúng ta với thế giới động vật, tác phẩm ăn khách nhưng cũng gây vô vàn tranh cãi Vượn trần trụi là cột mốc lớn trên chặng đường con người tìm hiểu bản thân mình.
Desmond Morris sinh năm 1928 tại Wiltshire. Sau khi tốt nghiệp Đại học Birmingham chuyên ngành động vật học, ông đạt được học vị tiến sĩ tại Đại học Oxford. Năm 1959, ông trở thành người phụ trách bộ phận động vật có vú tại Vườn thú London và giữ chức vụ này trong tám năm. Ông là tác giả của khoảng năm mươi bài báo khoa học và bảy cuốn sách trước khi hoàn thành cuốn Vượn trần trụi năm 1967, bán được hơn 10 triệu bản khắp thế giới và được dịch sang rất nhiều thứ tiếng. Ông cũng thực hiện nhiều chương trình truyền hình và phim về tập tính của người và động vật. Cách tiếp cận thân thiện, dễ hiểu khiến ông trở thành nổi tiếng với cả người lớn và trẻ em. Trong số loạt tác phẩm quen thuộc của ông có:
***
Vượn trần trụi được xuất bản lần đầu tiên năm 1967. Mọi điều viết trong đó dường như hiển nhiên đối với tôi, nhưng lại gây sốc cho nhiều người.
Họ khó chịu vì nhiều lý do. Sự bất bình chủ yếu là ở chỗ họ cho rằng tôi đã viết về những con người như thể đấy chỉ là một loài động vật khác để nghiên cứu. Trong vai trò của một nhà động vật học, tôi đã mất tới 20 năm để xem xét tập tính của một loạt các sinh vật, từ cá tới bò sát và từ chim tới thú. Các bài báo khoa học của tôi về các chủ đề từ tập tính tán tỉnh của cá tới sự cặp đôi của chim, cho đến tích trữ thức ăn ở thú đã được một số chuyên gia đọc và ít khi hoặc không gây ra tranh luận. Khi tôi quay sang viết sách cho những độc giả bình dân hơn, về các động vật như rắn, vượn và gấu trúc thì cũng không có gì om sòm. Chúng được một lượng nhỏ độc giả quan tâm đọc và chấp nhận. Nhưng sau đó, khi tôi tiến hành một nghiên cứu tương tự về loài linh trưởng khác thường với làn da trần trụi thì mọi chuyện đã thay đổi hẳn.
Đột nhiên, mọi từ tôi viết ra đã trở thành chủ đề tranh luận nóng bỏng. Con vật người, như tôi đã phát hiện, vẫn còn thấy khó có thể chấp nhận bản tính sinh vật của nó.
Tôi phải thú nhận rằng tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy mình đang giao chiến trong hậu quân của phe Charles Darwin. Sau một thế kỷ tiến bộ khoa học và phát hiện ngày càng nhiều các hóa thạch tổ tiên loài người, tôi cứ tưởng rằng hầu hết mọi người đã sẵn sàng đối mặt với thực tế chúng ta là bộ phận cố hữu của tiến hóa linh trưởng. Tôi cứ nghĩ rằng đầu óc họ đã sẵn sàng thực hiện việc xem xét tỉ mỉ hơn các phẩm chất động vật của mình và học hỏi từ chính chúng. Đó là mục tiêu của cuốn sách này, nhưng chẳng mấy chốc mọi thứ té ra rằng tôi phải tả xung hữu đột mạnh mẽ hơn.
Tại một số nơi trên thế giới, Vượn trần trụi đã bị cấm, các cuốn sách truyền tay nhau ngấm ngầm bị giáo hội tịch thu và đốt, hoặc là ý tưởng loài người tiến hóa bị nhạo báng và cuốn sách được xem như một trò đùa nhạo tệ hại với khiếu thẩm mỹ kinh khủng. Tôi đã bị các bài hệ luận tôn giáo dồn ép tới tấp nhằm buộc tôi “cải tà quy chính”.
Nhật báo Chicago Tribune đã phải hủy bỏ toàn bộ một số ra do những người sở hữu tờ báo cảm thấy chướng tai gai mắt bởi một bài phê bình cuốn sách này đã xuất hiện trên mặt báo. Tại sao họ lại bực mình như vậy? Là vì bài phê bình nói trên có chứa từ “dương vật”.
Dường như sự thẳng thắn về chủ đề tình dục lại là một cái lỗi khác cần phải bới ra trong cuốn sách này. Thế nhưng cũng chính tờ báo đó lại đưa ra các bản tin tràng giang đại hải về bạo lực và giết người. Từ “súng ống” thường xuyên xuất hiện. Như tôi đã chỉ ra vào thời gian đó, một điều kỳ quặc là người ta sẵn sàng đề cập chuyện gì đó bắn chết người, chứ không phải điều gì đó “chụp” lại sự sống.[3] Nhưng ở đây không có chỗ cho lôgic. Bằng cách hoán đổi những con cá và chim của tôi thành những người đàn ông và những người đàn bà, tôi đã đánh thức gã khổng lồ đang ngủ là định kiến của con người.
Ngoài việc bị coi là đã phá vỡ các cấm kị tôn giáo và tình dục, tôi cũng bị kết tội là “biến con người trở thành thú vật” qua việc khẳng định rằng loài người được dẫn dắt bởi các thôi thúc bẩm sinh mạnh mẽ. Điều này công khai chống lại nhiều lý luận tâm lý hợp mốt rằng mọi việc chúng ta làm đều do học tập và phản xạ có điều kiện quyết định.
Người ta cũng tuyên bố rằng tôi đã nêu ra một ý tưởng nguy hiểm về việc nhân loại đã bị mắc kẹt vào các bản năng động vật tàn bạo và không thể thoát ra. Đây là sự hiểu biết lệch lạc khác về những gì tôi đã viết. Không có giải thích chính đáng cho việc tại sao đề xuất của tôi về “các xung lực bản năng động vật” bẩm sinh lại có thể làm cho con người trở nên tàn bạo theo nghĩa xúc phạm ngụ ý trong đó. Chỉ cần liếc qua các chương khác nhau của cuốn sách cũng thấy rằng các kiểu mẫu bẩm sinh tôi đã đề cập tới khi đưa ra các đặc trưng như vậy, chẳng hạn như thôi thúc mạnh mẽ nhằm hình thành các liên kết đôi yêu đương, nhằm chăm sóc con cái của chúng ta, nhằm tìm kiếm các thức ăn khác nhau, nhằm giữ cho bản thân chúng ta sạch sẽ, nhằm giải quyết các tranh chấp bằng sự phô trương và các nghi thức chứ không phải bằng sự đổ máu, và hơn tất thảy, nhằm thể hiện tính vui đùa, tính tò mò và óc sáng tạo. Đó là “các thôi thúc động vật” chính yếu của chúng ta và nói rằng những thôi thúc ấy làm cho chúng ta trở thành dã man hay tàn bạo là cố tình diễn giải sai lệch phương thức động vật học khi xem xét hành vi của con người.
Ngoài ra, còn có sự hiểu sai về mặt chính trị. Người ta cho rằng, một lần nữa lại là lầm lẫn, tôi đã khắc họa loài người theo kiểu quy kết vào một hiện trạng nguyên thủy nào đó. Những người có quan điểm chính trị cực đoan nhìn nhận điều này là sự xúc phạm. Đối với họ, con vật người phải hoàn toàn dễ bảo, có khả năng thích ứng với bất kỳ chế độ nào áp đặt lên nó. Ý tưởng rằng, dưới lớp da, tất cả mọi người đều có thể dẫn dắt bằng một tập hợp các ám thị di truyền được thừa hưởng từ cha mẹ họ, là gớm guốc đối với các bạo chúa chính trị. Có nghĩa là các vị thủ lĩnh này sẽ luôn luôn chạm trán với sự phản kháng ẩn sâu đối với các ý tưởng xã hội cực đoan của họ. Mà như lịch sử dạy chúng ta, đó chính là điều đã xảy ra nhiều lần. Các chính thể chuyên chế có thể được thiết lập, nhưng rồi cũng ra đi. Bản chất con người thân thiện, hợp tác cuối cùng cũng tái khẳng định chính nó.
Cuối cùng, có những người cảm thấy việc gọi con người là “Vượn trần trụi” là sỉ nhục và bi quan. Không có điều gì sai sự thật hơn thế. Tôi sử dụng tiêu đề này đơn giản chỉ để nhấn mạnh rằng tôi đã cố gắng khắc họa chân dung động vật của loài chúng ta. Được xem xét cùng các linh trưởng khác, “Vượn trần trụi” là miêu tả có căn cứ. Quy kết nó là sỉ nhục thì cũng có nghĩa là đang sỉ nhục các con vật. Quy kết nó là bi quan thì cũng có nghĩa là không thấy ấn tượng gì về câu chuyện thành công khác thường của loài động vật có vú được “thiết kế” hết sức khiêm tốn này.
Khi ấn bản có minh họa của Vượn trần trụi được xuất bản năm 1986, người ta đề nghị tôi cập nhật cuốn sách. Chỉ có một sửa đổi tôi cảm thấy cần thực hiện. Tôi đã thay đổi con số 3 thành số 4. Năm 1967, khi cuốn sách lần đầu xuất hiện, dân số thế giới ở mức 3 tỷ. Đến năm 1986, con số này đã tăng lên thành 4 tỷ. Năm 1994, nó lại tăng thêm một lần nữa tới trên 5 tỷ. Vào năm 2000 nó sẽ là 6 tỷ.[4]
Các tác động của sự gia tăng dân số ồ ạt đối với cuộc sống của con người làm tôi lo lắng. Trong hàng triệu năm tiến hóa, chúng ta từng là những sinh vật thưa thớt trên mặt đất, sinh sống trong các bộ lạc nhỏ. Cuộc sống bộ lạc đó nhào nặn chúng ta, nhưng nó không trang bị cho chúng ta để sống trong đô thị hiện đại. Vượn bộ lạc đã thích nghi như thế nào trong vai trò của Vượn đô thị?
Câu hỏi này là chủ đề phần tiếp theo của Vượn trần trụi. Tôi thường nghe thấy người ta nói rằng “đô thị là rừng rậm nhiệt đới bê tông”, nhưng tôi biết điều này không đúng. Tôi từng nghiên cứu các khu rừng nhiệt đới và thấy chúng khác với đô thị. Chúng không quá đông đúc. Chúng có tổ chức và chỉ thay đổi rất chậm. Còn các đô thị sinh sôi nảy nở qua mỗi đêm. Nói theo kiểu sinh học, Roma được xây xong chỉ trong một ngày.[5]
Trong vai trò một nhà động vật học, khi tôi nghiên cứu tập tính của các cư dân đô thị, họ gợi cho tôi một điều gì đó. Sinh sống trong các khu dân cư tù túng của mình, họ không gợi cho tôi liên tưởng đến động vật hoang dã trong rừng rậm nhiệt đới mà lại gợi đến các con vật bị giam hãm trong vườn thú. Đô thị, như tôi đã miêu tả, không phải là rừng nhiệt đới bê tông, mà là vườn thú người, và điều này trở thành tên gọi của quyển hai trong bộ ba tác phẩm Vượn trần trụi.
Trong Vườn thú người tôi xem xét tỉ mỉ hơn các tập tính gây hấn, tình dục và làm cha mẹ của loài chúng ta, như được thể hiện ra dưới các căng thẳng và áp lực của cuộc sống đô thị. Điều gì xảy ra khi bộ lạc trở thành siêu bộ lạc? Điều gì xảy ra khi địa vị trở thành siêu địa vị? Bản năng sinh dục dựa trên gia đình của chúng ta sống sót như thế nào khi mỗi cá nhân bị bao quanh bởi hàng nghìn kẻ xa lạ?
Nếu các đô thị là quá căng thẳng thì tại sao con người lại vẫn tụ tập về đây? Đáp án cho câu hỏi cuối cùng này bổ sung một yếu tố thú vị vào bức tranh đôi khi đáng thất vọng. Vì một đô thị, mặc cho mọi thiếu sót của nó, có vai trò như một trung tâm kích thích khổng lồ, nơi óc sáng tạo vĩ đại của chúng ta có thể bay bổng và phát triển.
Để hoàn thành bộ ba tác phẩm này, trong cuốn sách mang tên gọi Tập tính gần gũi cơ thể,[6] tôi hướng vào chủ đề về những gì đã xảy ra với các mối quan hệ cá nhân của chúng ta trong môi trường mới này. Bản chất tình dục và yêu đương mãnh liệt của chúng ta phản ứng lại với cuộc sống hiện đại như thế nào? Trong các mối quan hệ thân thuộc của chúng ta, những gì đã mất đi và những gì đã đạt được?
Theo nhiều cách, chúng ta vẫn trung thành rõ rệt với nguồn gốc sinh học của mình. Sự lập trình di truyền được chứng minh là linh hoạt, tuy nhiên vẫn đề kháng kém trước những thay đổi lớn. Tại nơi nào mà các quan hệ yêu đương cởi mở trở nên không thể đạt được đối với chúng ta, chúng ta vận dụng óc sáng tạo nghĩ ra các quan hệ thay thế để vượt qua. Tài trí của một loài như chúng ta cho phép chúng ta tận hưởng các tiện nghi kĩ thuật và sự sôi động của cuộc sống hiện đại trong khi vẫn tuân theo được các sai khiến nguyên thủy.
Điều này từng là bí mật về thành công khác thường của chúng ta, và nếu chúng ta may mắn, sẽ cho phép chúng ta tiếp tục tiến bước trên sợi dây tiến hóa chênh vênh ngày càng nguy hiểm. Những ai vẽ ra tương lai như một cảnh quan đổ nát và ô nhiễm đều đang nhầm lẫn. Họ theo dõi các bản tin, chùn lòng trước những điều tồi tệ nhất chúng ta có thể làm và nâng lên hàng nghìn lần nhằm tạo ra kịch bản đầy ảm đạm. Họ bỏ sót hai điều. Thứ nhất, các tin tức được đưa tới cho chúng ta gần như luôn là các tin xấu, nhưng với mỗi hành động bạo lực và phá hoại xảy ra thì lại có hàng triệu hành động thân thiện hòa bình. Quả thật, chúng ta là loài yêu hòa bình đến không ngờ, với dân số khổng lồ của mình nhưng tính hòa bình rộng khắp của chúng ta lại không thể trở thành các đầu đề nổi bật trên báo chí.
Thứ hai, khi mường tượng tương lai, họ thường bỏ qua khả năng xuất hiện các phát minh mới mang tính cách mạng. Mỗi thế hệ đều có các tiến bộ kĩ thuật không ngờ và không có lý do gì để giả định rằng các tiến bộ này sẽ dừng lại đột ngột. Ngược lại, chúng gần như chắc chắn sẽ gia tăng mãnh liệt. Không gì là không thể. Nếu chúng ta có thể tưởng tượng ra nó, chẳng chóng thì chầy chúng ta sẽ làm được điều đó. Nhưng ngay cả khi chúng ta đã tạo ra các máy tính lớn cồng kềnh thuộc thế hệ đầu tiên trông cũng nguyên thủy như các tấm bảng đất sét[7] thì tự bản thân chúng ta vẫn chẳng là gì hơn là những con Vượn trần trụi, được tạo ra từ máu và thịt. Ngay cả nếu như vì theo đuổi gắt gao sự tiến bộ, chúng ta tiêu diệt toàn bộ các họ hàng động vật gần gũi của mình, thì chúng ta sẽ vẫn cứ là các hiện tượng sinh học, tuân theo các quy luật sinh học.
Với tất cả những ý nghĩ đó trong đầu, tôi vui mừng thấy rằng tác phẩm bộ ba Vượn trần trụi của mình, vốn được xuất bản trong giai đoạn từ năm 1967 tới năm 1971, hiện nay lại được tái bản. Sau 1/4 thế kỉ, thông điệp vẫn là như vậy - bạn là thành viên của loài động vật khác thường nhất đã từng sống trên Trái đất. Hãy hiểu bản chất động vật của mình và chấp nhận nó.
DESMOND MORRIS
Oxford, 1994
Mời các bạn đón đọc Vượn Trần Trụi của tác giả Desmond Morris.