Trước hết phải khẳng định rằng, các chúa Nguyễn Đàng Trong đã tận dụng tối đa tiềm năng của vùng đất, từ vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cho đến các sản phẩm của kinh tế nông nghiệp và thủ công nghiệp vì mục đích thương mại. Tính năng động của cin người sinh sống trên vùng đất phía Nam là động lực kích thích sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa phát triển ở Đàng Trong.
Chính sách cởi mở, sự ưu đãi của chúa Nguyễn đối với thương nhân nước ngoài có tác dụng lớn trong việc biến Hội An, Thanh Hà, Nước Mặn, Nông Nại…. thành đại đô hội, những đầu mối kinh tế của Đàng Trong trong nền kinh tế nội địa và là một thị trường quốc tế vào thế kỷ XVII - XVIII. Với vai trò “chuyển khẩu”. Đàng Trong trở thành nơi tập trung hàng hóa của nhiều nước trong vùng như Xiêm, Cao Miên, Brunei, Trung Quốc, Indonesia, Hà Lan,… Khối lượng hàng hóa được xuất bến tại Hội An ước tính gấp khoảng ba lần hàng hóa do Đàng Trong sản xuất ra. Có đến hàng trăm loại hàng được trưng bày ở các chợ, đến độ người ta không thể kể tên hết được. Chính sự phong phú này là một đặc điểm thương mại Đàng Trong ở các thế kỷ XVII - XVIII. Điều đó giúp chúng ta giải thích tại sao cảng chính của Đàng Trong là hơn hết tất cả các cảng khác ở Đông Nam Á. Hội An như một “điểm hẹn” để các nước đến buôn bán và thông qua đó, chúa Nguyễn đã thu được một nguồn lợi lớn từ thuế đánh vào thuyền buôn các nước.
Tình hình trên cho thấy thời cơ đã đến với Tây Sơn để thu phục vùng đất Thuận Hóa và xa hơn nữa là cả Bắc Hà. Nguyễn Huệ đã đề nghị nhưng Hoàng đế Thái Đức tỏ ra ngần ngại chưa dám quyết. Mãi đến khi Nguyễn Hữu Chỉnh tâu bày, nhà vua mới quyết.
Nguyễn Nhạc cử Nguyễn Huệ làm tổng chỉ huy các cánh quân thủy bộ, Vũ Văn Nhậm làm Tả quân đô đốc, Nguyễn Hữu Chỉnh làm Hữu quân đô đốc, Nguyễn Lữ chỉ huy đội dự bị thủy quân. Theo giáo sĩ La Grand de la Liraye trong cuốn Notes historiques sur la nation annamite, tổng số quân Tây Sơn tham chiến lên đến cả vạn người, Quân Trịnh có hơn 3 vạn với hệ thống đồn trại bố phòng từ sông Gianh tới đèo Hải Vân, tuy nhiên, do chủ tướng Phạm Ngô Cầu chỉ lo tư lợi, không lo việc phòng bị nên quân Trịnh rơi vào thế yếu và bị động.
Lợi dụng thời tiết mùa hè, gió nồm thổi mạnh có thể đưa thủy quân tiến nhanh ra phía Bắc, Nguyễn Huệ chia quân làm ba cánh: Một đạo quân thủy tiến đánh Phú Xuân; một đạo thủy quân của Nguyễn Lữ chỉ huy tiến thẳng ra sông Gianh rồi chia làm hai: một cánh án ngữ sông Gianh ngăn viện binh quân Trịnh ở Nghệ An vào cứu, cánh kia đánh xuống các đồn ở Bố Chính, Leo Heo và hợp với cánh quân từ Phú Xuân tiến ra đánh Dinh Cát; toàn bộ bộ binh tập trung đánh đèo Hải Vân rồi tiến ra Phú Xuân.
Biết Phạm Ngô Cầu là người hay tin bói toán, Nguyễn Huệ sai một thủ hạ người Hoa giả làm thầy bói khuyên Cầu nên lập đàn giải hạn, Cầu nghe theo, bèn lập đàn chay ở chùa Thiên Mụ trong 7 ngày 7 đêm, bắt quân phục dịch vất vả. Đồng thời, Nguyễn Hữu Chỉnh dùng kế ly gián Cầu và phó tướng Hoàng Đình Thể. Quân Tây Sơn bất ngờ đánh úp thành Phú Xuân. Thể tử trận, Cầu dâng thành đầu hàng Tây Sơn.
Chiến dịch Phú Xuân 1786 toàn thắng, Tây Sơn tiêu diệt đại bộ phận quân Trịnh ở phía nam sông Gianh, vùng đất mà chính quyền Lê - Trịnh mới làm chủ từ năm 1774, 1775.
Đến đây, mục đích thu phục đất Phú Xuân đã hoàn thành. Từ khi khởi phát cuộc khởi nghĩa (1771), chưa bao giờ Tây Sơn làm chủ toàn bộ Đàng Trong như thời điểm này (1786). Về danh nghĩa, từ sông Gianh đến Cà Mau thuộc quyền quản lý của Tây Sơn (mặc dù bấy giờ quân Nguyễn đã không ngừng củng cố lực lượng ở Gia Định). Tuy nhiên, lịch sử của vương triều không dừng lại ở đây, mà chính vào thời điểm Tây Sơn đạt đến đỉnh cao cũng là lúc khởi đầu cho sự nảy sinh mâu thuẫn giữa hai anh em Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ.
Mời các bạn đón đọc Đàng Trong Lịch sử và Văn hóa của tác giả Trần Thuận.