Michael Noonan là tác giả của 18 cuốn tiểu thuyết và nhiều truyện ngắn nổi tiếng dành cho độc giả ở nhiều lứa tuổi, bao gồm series truyện dài kì Flying Doctor, Magwitch và A Different Drummer. Ông cũng là nhà viết kịch bản, nhà soạn kịch cho các chương trình phát thanh, đài truyền hình, phim truyện và sân khấu. Các tác phẩm của ông đã được xuất bản, dựng thành phim và trình chiếu tại nhiều quốc gia trên thế giới. Cuốn sách đầu tay của ông có tên là In the Land of the Talking Trees được sáng tác khi ông còn đang phục vụ trong quân ngũ ở New Guinea trong Chiến tranh Thế giới thứ II. Cuốn tiểu thuyết dành cho các độc giả tuổi teen của ông có tên là McKenzie’s Boots (có tên trong dang sách “Những cuốn sách bán chạy nhất cho thanh thiếu niên” vào năm 1988 do American Library Association bầu chọn) được dựa theo những kinh nghiệm mà ông có được trong suốt thời kì chiến tranh. Tác phẩm The Patchwork Hero đã được Đài truyền hình ABC chuyển thể thành phim và dành giải thưởng cao. Giống như The December Boys, bối cảnh cho câu chuyện xảy ra vào năm 1930.
Sau chiến tranh, Michel Noonan theo học ngành hội hoạ tại Phòng tranh Quốc gia ở Melbourne ( ông là tác giả của cuốn tiểu sử về hoạ sĩ Turner, cha đẻ của bức tranh The Sun Ir God nổi tiếng ), tiếp đó là ngành kịch nghệ, văn học, lịch sử và triết học tai Đại học Sydney. Từ năm 1957 đến năm 1979, ông sống ở Anh, sau đó quay trở về Australia và sống nốt quãng đời còn lại ở Queensland. Ông mất năm 2000.
Những chàng trai tháng 12 (The December Boys) từ lâu đã được coi là một tác phẩm kinh điển của Australia.
Đó là câu chuyện về 5 cậu bé đến từ Cô nhi viện St.Roderick. Tên của 5 cậu là Maps – thích lần theo đường bờ biển, Sharks – tóc đỏ và đầy chấm tàn nhang, Fido – được đặt tên theo một chú cún trong truyện tranh, Misty – có một mắt bình thường còn mắt kia không tốt, và bị che bởi cái mắt kính mờ tịt, và Choker – được đặt tên như thế (“Choker” có nghĩa là kẻ hay bị nghẹt, nói không nên lời) vì chẳng bao giờ trả lời được các câu hỏi trong lớp học.
Năm người bạn này được gọi là “Những chàng trai tháng Mười Hai” vì mọi người đều nghĩ chúng đều được sinh vào tháng Mười Hai. Chúng được đưa đến bãi biển vào kì nghỉ, do bà Hodge “tài trợ”. Câu chuyện này được kể qua lời của Choker với một cái nhìn mới mẻ, ngây thơ và lạ lẫm đối với môi trường xung quanh cũng như với những sự việc xảy ra ở đó.
Khi các cậu bé mới đến , tất cả đều sung sướng vì cảm giác tự do. Vì trước đó chưa đứa nào được đến bãi biển, nên chúng thích thú từ cơn sóng, bãi cát và mọi trò khám phá mà chúng có thể thực hiên quanh bãi biển. Captian’s Folly là một thị trấn nổi lên từ cuộc Đại Khủng hoảng những năm 1930 và khá vắng vẻ. Các cậu bé được giới thiệu với một đám dân cư sinh sống ở đây – những người lập dị một cách ngộ ngĩnh và thú vị. Trong đó gồm chủ nhà – ông bà McAnsh, và mấy cậu bé nhanh chóng phát hiện ra rắng hai ông bà dễ dàng bị “hạ gục” bời vài chai rượu vang, cho phép chúng được tự do nhiều hơn. Mấy cậu cũng kết bạn với một đôi vợ chồng – cô Teresa và chú Can Đảm, cùng với ông Lão Làng O’Leary – một người có rất nhiều kiến thức về địa phương. Qua O’Leary mà các chú còn gặp những người khác như Galore Bàn Tay Vàng, Hai Martin và Porter Bụng Phệ.
Vào đêm Giao Thừa, Choker tình cờ nghe được chú Can Đảm nói với ông Lão Làng rằng họ (chú Can Đảm và cô Teresa) không thể sinh con và họ muốn nhận một đứa con nuôi. Cảm thấy quá “nặng gánh” nếu cứ giữ bí mật này một mình, Choker đành thú nhận với vị linh mục, và ông khuyên cậu nói ra với những người bạn của mình. Kể từ đó, kỳ nghỉ hầu như bị phá hỏng bởi sự ganh đua và cạnh tranh căng thẳng của các cậu bé, nhằm thể hiện mình vượt trội hơn những đứa khác, để thu hút sự chú ý và cảm tình của cô Teresa, với mong muốn được nhận làm con nuôi, trở thánh thánh viên của một gia đình thật sự…
Xuyên suốt câu chuyện là chủ đề về tình bạn, về ước mơ có một gia đình, vế mong muốn rất hường hấy của tuổi mới lớn là được “hoà nhập” với xã hội, được “bình thường” như những người khác.
“The December Boys” đã được dựng thành phim, với vai chính thuộc về Daniel Radcliffe (diễn viên đóng vai Harry Potter).
Thân tặng Ted Willis – chủ nhân của căn nhà nơi cuốn sách này được thai nghén – vì tình bạn lâu năm và những lời động viên chân thành của anh.
***
“Con còn lời nào muốn xưng tội nữa không, con trai?”
Một giọng thì thầm khàn đục cất lên, phía bên kia tấm lưới sắt là cái bóng của vị linh mục.
Có chứ, tôi vẫn còn muốn xưng tội tiếp nhưng không biết phải mở lời như thế nào.
Từ trước tới nay mọi tội lỗi của tôi chỉ xoay quanh mấy chuyện nhỏ nhặt hàng ngày, không có gì là đặc biệt: lỡ miệng nói bậy, gọi tên Người, bật cười trong nhà thờ, nói dối về việc rửa chân mỗi tối, bỏ qua các buổi cầu nguyện sáng và đêm. Tuy nhiên tôi luôn cảm thấy mình có lý do để bỏ qua mấy buổi cầu nguyện đó, bởi lâu nay tôi vốn đã không chăm chú lắm vào điều được coi là Thiên đường của mọi người – các tín đồ Công giáo, Tin Lành…
“Hãy nói ta nghe, con trai.”
Biết phải giải thích thế nào đây? Tôi tình cờ nghe được thông tin đó thì đâu phải là lỗi của tôi. Nó đè nén trong tôi suốt quãng thời gian qua, như một thứ trái cấm mà tôi không có sự lựa chọn nào khác ngoài mong muốn được nếm thử một lần xem sao.
“Con có một bí mật.” – Cuối cùng tôi cũng cất lời.
“Một bí mật sao, con trai?”
“Vâng, thưa Cha.”
“Và nó khiến con phải lo lắng?”
“Vâng, thưa Cha.”
“Có lẽ con đã bị cám dỗ bởi những suy nghĩ tội lỗi?”
Mọi việc có thể không phải bắt đầu theo cái cách mà Cha nghĩ, nhưng rõ ràng là những suy nghĩ tội lỗi của tôi thì có thật. Sự thật là mấy tuần gần đây trong đầu tôi luôn tràn ngập cái ý nghĩ tội lỗi ấy. Thông tin mà tôi nghe lỏm được thật quý giá, và tôi đã bị ám ảnh bởi ý nghĩ phải làm sao để ngăn không cho thông tin ấy lọt vào tai của bốn đứa bạn thân.
“Một bí mật cũng có thể là tội lỗi, con trai ạ.”
Đó chính là điều mà tôi đã luôn lo sợ.
“Hãy bày tỏ nỗi lòng của con và rồi tâm hồn con sẽ được thanh thản.”
Và thế là tôi kể cho Cha nghe. Về việc tôi đã nghe lỏm được, một cách vô tình, cuộc nói chuyện giữa hai người đàn ông có tên Foley Can Đảm và O’Leary Lão Làng về một phụ nữ tên Teresa.
Có lẽ Cha hiếm khi phải nghe lời xưng tội từ một con chiên mới 12 tuổi như tôi. Cha ngồi trầm ngâm suy tư bên trong căn buồng buông rèm tối đó, nơi những suy nghĩ vẩn đục được các con chiên tự do thổ lộ và chế ngự. Phía bên kia tấm lưới sắt là tôi, đang quỳ gối xưng tội. Toàn bộ căn phòng được bao trùm bởi một sự yên lặng như tờ, đâu đó thỉnh thoảng vang vọng những tiếng thì thầm xưng tội của những con chiên đang ngồi trên các băng ghế dài phía bên ngoài.
“Con trai của ta,” – Cha khẽ nói – “bằng việc muốn giữ riêng thông tin này cho bản thân, liệu con đã công bằng với những người khác chưa? Nếu con vẫn tiếp tục giữ im lặng, thì có nghĩa là con đang ích kỷ và trong mắt của Chúa, đó là một tội lỗi. Do đó, để tìm lại sự thanh thản cho mình, có lẽ tốt nhất là con nên chia sẻ thông tin mà con nghe được với những người bạn của mình. Hãy chia sẻ bí mật với họ, con trai của ta. Niềm vui và những nỗi lo trong cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn nếu chúng ta được chia sẻ”.
Tiếp đó Cha nói lời xá tội cho tôi bằng tiếng Latinh. Ngày nay phương thức sám hối có vẻ cũng thay đổi, từ việc đọc ba lời cầu nguyện của kinh Kính Mừng hằng đêm đến việc đọc kinh Mân Côi trong 10 ngày liên tục, phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ và độ thường xuyên của tội lỗi mà người đó mắc phải. Tôi đã được Cha miễn cho không phải sám hối nhưng vốn kiến thức ít ỏi về tín ngưỡng vẫn đủ để tôi hiểu được rằng tội lỗi của tôi sẽ chỉ được gột rửa hoàn toàn khi tôi chịu làm theo lời khuyên của Cha và tiết lộ với tám cái tai thính kia của tụi bạn về cái điều sẽ khiến chúng phải ồ lên vì kinh ngạc.
“Hãy cầu nguyện cho ta, con trai” – vừa nói Cha vừa kéo tấm gỗ nhỏ đằng sau tấm sắt và quay qua tiếp tục nghe lời cầu nguyện ở phía bên kia của căn phòng.
Cầu nguyện cho Cha nữa ư? Với “nhiệm vụ” mà Cha vừa giao, chắc chắn tôi sẽ vô cùng bận rộn cầu nguyện cho bản thân mình ấy chứ.