Alessandro Baricco đã dệt nên một tấn thảm kịch pha trộn bạo lực và máu lửa, khiến người đọc thoạt tiên có thể nhầm lẫn nó với loại truyện báo thù theo kiểu gangster. Nhưng những trang viết tiếp nối nhau đã hé lộ dần một câu chuyện nhân sinh. Đó là bi kịch của những con người, vì lỗi lầm của chính mình hay của người thân của mình, đã vĩnh viễn bị giam cầm trong mê cung không lối ra của những xung đột không hề liên quan đến mình. Đó là ám ảnh về chiến tranh cũng như tội ác và hệ quả của nó. Đó là sự giằng xé nội tâm giữa nỗi khao khát phục thù và lòng khoan dung tha thứ…
***
… Vào một ngày xa xưa sau khi kết thúc chiến tranh, ở một trang trại tồi tàn nơi vùng quê hẻo lánh, đã xảy ra một vụ thảm sát mà nạn nhân là Roca, người chủ trang trại đang sống với hai đứa con nhỏ. Một nhóm người lạ mặt từ xa tìm đến, kết tội Roca đã giết hại nhiều tù binh khi ông ta còn là bác sĩ trong một bệnh viện thời chiến. Roca và con trai bị hạ sát tại chỗ. Riêng Nina, đứa con gái hơn 10 tuổi, được cha kịp thời giấu xuống hầm, đã may mắn thoát chết sau khi bọn sát thủ phóng hỏa thiêu hủy trang trại.
Năm mươi năm sau, có một cuộc gặp gỡ giữa hai người luống tuổi trong một nhà hàng ở thủ đô: người phụ nữ chính là cô bé năm xưa sống sót sau thảm họa, và người đàn ông - Pedro Cantos, tên trẻ tuổi nhất trong đám sát thủ, người vào phút cuối đã quyết định cứu đứa bé bằng cách không tiết lộ với đồng bọn về chỗ ẩn nấp của nó.
Cuộc đối thoại nhẹ nhàng diễn ra trong khung cảnh yên tĩnh không tiếng súng nổ và máu loang hôm nay xem ra khốc liệt hơn rất nhiều so với tấn thảm kịch năm xưa. Quá khứ được tái hiện, những biến cố kinh hoàng được giải thích từ cái nhìn của hai phía. Và cùng với việc làm sống lại quá khứ, là sự phơi bày những số phận bị vùi dập, bị hủy diệt trong cơn lốc của tội ác và hận thù, mặc dầu chiến tranh đã thực sự lùi xa…
“Đất nước đang tiến về phía trước, bỏ xa chiến tranh đằng sau, với một vận tốc đáng kinh ngạc, quên đi tất cả. Nhưng có một đám người không bao giờ ra khỏi chiến tranh, và họ không sao làm lại cuộc đời trong cái đất nước hạnh phúc này.”
… Khi đặt bút xây dựng tiểu thuyết này, Alessandro Baricco không dự định viết về chiến tranh, như lời bộc bạch của ông với độc giả The New Yorker, một tờ báo nổi tiếng ở Mỹ. Trong ý đồ sáng tác của ông, chiến tranh chỉ đơn thuần là cái nền, còn cốt truyện chính lại xoay quanh việc một đứa bé được cứu thoát nhờ chỗ ẩn nấp, đã dành suốt cuộc đời còn lại của mình để đi tìm một chỗ trú ẩn tương tự với ước ao được cứu rỗi vĩnh viễn. Tuy nhiên, khi câu chuyện nên hình nên vóc và đến với độc giả, nó đã được đón nhận như là một trong những tiểu thuyết đặc sắc viết về chiến tranh.
Alessandro Baricco đã dệt nên một tấn thảm kịch pha trộn bạo lực và máu lửa, khiến người đọc thoạt tiên có thể nhầm lẫn nó với loại truyện báo thù theo kiểu gangster. Nhưng những trang viết tiếp nối nhau đã hé lộ dần một câu chuyện nhân sinh. Đó là bi kịch của những con người, vì lỗi lầm của chính mình hay của người thân của mình, đã vĩnh viễn bị giam cầm trong mê cung không lối ra của những xung đột không hề liên quan đến mình. Đó là ám ảnh về chiến tranh cũng như tội ác và hệ quả của nó. Đó là sự giằng xé nội tâm giữa nỗi khao khát phục thù và lòng khoan dung tha thứ…
Với Không lấm máu, Alessandro Baricco đã đưa người đọc đến với lời cảnh báo nóng bỏng: mối quan hệ giữa lịch sử của một đất nước với thân phận từng cá thể trong cộng đồng ấy. Cho dẫu là quốc gia nào, ở bất cứ thời kỳ nào, những tham vọng và tội ác tập thể mù quáng đều có nguy cơ như những quả đại bác có sức hủy diệt khó lường cho các thế hệ mai sau. Tác giả lại đặt câu chuyện trong một bối cảnh không xác định về cả thời gian lẫn không gian, phải chăng nhằm truyền đi một ẩn dụ sâu xa, rằng tội ác có thể xảy ra ở bất cứ nơi đâu trên hành tinh này, rằng con người trong chiến tranh thường phạm phải những lỗi lầm giống nhau, như hiệu ứng dây chuyền lây lan từ đời này sang đời khác, gây nên tấn thảm kịch triền miên cho toàn nhân loại! Những chủ đề ấy làm cho quyển tiểu thuyết chỉ vỏn vẹn có hai chương, tràn ngập bạo lực ở phần 1 và hồi hộp căng thẳng ở phần 2, với cuộc đối thoại chông chênh giữa tình thương và căm hận, lại thấm đẫm màu sắc nhân văn và mang dáng dấp của một ngụ ngôn với kết thúc đầy chất thơ, khi tình người sau cùng đã thực sự chiến thắng những cừu oán riêng tư.
Với thông điệp trên, rất dễ hiểu vì sao Không lấm máu lại nhanh chóng nhận được sự đồng cảm sâu sắc của công chúng văn học và được giới thiệu ở nhiều nước trên thế giới. Nhân loại vốn đã có quá nhiều trải nghiệm xương máu trong chiến tranh, giờ đây cần nỗ lực hàn gắn mọi vết thương quá khứ và cùng chung tay xây dựng “một thế giới công bằng, trong đó người thấp cổ bé họng không phải đau khổ vì cái ác của người khác, nơi mà ai ai cũng có thể có quyền hưởng hạnh phúc”.
…
Mời các bạn đón đọc Không Lấm Máu của tác giả Alessandro Baricco.