Tập truyện Bông hoa đỏ gồm 10 truyện ngắn hay nhất tập hợp trong những khoảng thời gian sáng tác khác nhau của nhà văn Garshin. Tập truyện thể hiện phong cách truyện ngắn đặc sắc của tác giả.
Chiến tranh đã để lại dấu ấn sâu sắc trong đời sống tâm lý cũng như trong sáng tác của Garshin. Những truyện ngắn có cốt truyện và cấu trúc giản dị đã hấp dẫn độc giả, bởi mở ra trước mắt họ là thế giới cảm xúc đầy phức tạp của các nhân vật, phơi bày những mâu thuẫn rất con người của thế hệ tri thức khi đối diện với chiến tranh.
***
Vsevolod Mikhailovich Garshin (1855-1888) bước vào lịch sử văn học Nga với tư cách một bậc thầy truyện ngắn. Di sản văn học của Garshin không lớn, hoạt động sáng tác của ông kéo dài chỉ khoảng mười năm. Tuy nhiên, dấu ấn của con người tài năng độc đáo này để lại cho văn học Nga là rất quan trọng. Ông được xem là một trong những người đi tiên phong trong tiến trình phát triển truyện ngắn Nga, thậm chí trước cả A.P. Chekhov.
Garshin sinh ngày 02 tháng 02 năm 1855 (tức 14 tháng 2 theo lịch hiện hành) tại điền trang Priatnaya Dolina thuộc huyện Bakhmutsky, tỉnh Ekaterinoslavnaya (nay thuộc Ukraina) trong một gia đình quý tộc lâu đời. Cha là một sĩ quan từng tham gia chiến tranh Krym 1853 - 1856, mẹ là một kiểu phụ nữ tiêu biểu của những năm 1860 rất quan tâm đến văn học và chính trị.
Thuở ấu thơ, Garshin là đứa trẻ hết sức nhạy cảm, dễ bị kích động, có trí tuệ phát triển rất sớm. Người thầy đầu tiên của cậu bé Garshin, nhà cách mạng P.V.Zavadsky, đã dạy cậu học chữ qua những trang Người đương thời - mà vào đầu những năm 1860 đang là tờ tạp chí dân chủ cách mạng có tầm ảnh hưởng xã hội lớn nhất của Nga. Garshin đã đọc tiểu thuyết Làm gì? của nhà văn N.G. Chernyshevsky khi mới lên tám tuổi, tập viết văn theo hình mẫu của Iliad lúc đang ở trung học.
Ở tuổi lên năm, một bi kịch gia đình đã ảnh hưởng rất nhiều đến tính cách của nhà văn tương lai: mẹ nhà văn đem lòng yêu người gia sư Zavadsky. Khi ông này bị bắt (do sự tố cáo của người cha) và bị đày đi Petrozavodsk với cáo buộc hoạt động chính trị, bà chuyển đến sống ở Petersburg để có thể thăm nuôi người tù. Garshin sống với cha cho tới năm 1864 tại điền trang gần thành phố Starobelska thuộc tỉnh Kharkov, sau đó về với mẹ ở Petersburg.
Năm 1874, chàng trai trẻ vào học Đại học Mỏ Petersburg nhưng không tốt nghiệp. Năm 1876, Garshin bắt đầu xuất hiện trên văn đàn với tác phẩm bút ký châm biếm Câu chuyện có thực về hội đồng tự quản huyện Ensk, trong đó ghi lại những hồi ức của nhà văn về cuộc sống tỉnh lẻ. Thời sinh viên, Garshin gần gũi với các peredvizhniki - những họa sĩ lưu động vẽ theo khuynh hướng hiện thực và chống lại hội họa hàn lâm của Nga những năm 1870. Nhà văn xuất hiện khá nhiều trên báo chí với những bài phê bình nghệ thuật.
Tháng 4 năm 1877, cuộc chiến tranh Nga - Thổ bùng nổ. Garshin tình nguyện gia nhập quân đội, không phải vì lòng yêu nước, cũng không vì muốn phiêu lưu, mà đơn giản tin rằng nếu như nhân dân chịu đau khổ ngoài chiến trận, thì bản thân ông cũng phải có trách nhiệm cùng chịu đựng những đau khổ đó. Garshin đã chiến đấu dũng cảm, nhưng bốn tháng sau, ông bị thương trong một trận đánh ở một ngôi làng nhỏ Bulgaria mang lên Ayaslar. Những ấn tượng của lần bị thương này trở thành chất liệu cho truyện ngắn Bốn ngày đã khiến tên tuổi Garshin nổi tiếng khắp nước Nga.
Garshin trở về Petersburg nghỉ phép dưỡng thương, rồi sau đó xuất ngũ với cấp bậc sĩ quan. Trong giới văn nghệ thủ đô, ông đặc biệt được nhóm các nhà văn mang tinh thần dân chủ của tờ tạp chí Bút ký tổ quốc như M.E. Saltykov-Shchedrin, G.I. Uspensky, v.v. nồng nhiệt đón chào.
Chiến tranh đã để lại dấu ấn sâu sắc trong đời sống tâm lý cũng như trong sáng tác của Garshin. Những truyện ngắn với cốt truyện và cấu trúc giản dị đã hấp dẫn độc giả, bởi mở ra trước mắt họ là thế giới cảm xúc đầy phức tạp của các nhân vật. Garshin thường kể chuyện từ ngôi thứ nhất, sử dụng hình thức ghi chép cá nhân, nhật ký, quan tâm sâu sắc đến những trạng thái tinh thần đau đớn, đầy thương tật của các nhân vật. Điều này tạo ấn tượng về sự đồng nhất giữa tác giả và nhân vật. Các nhà phê bình đương thời thường dùng cụm từ: “Garshin đã viết bằng máu” để nói về truyện ngắn Garshin. Trong các tác phẩm của ông có thể thấy sự kết hợp những thái cực của cảm xúc con người: tinh thần quả cảm, anh hùng, sẵn sàng xả thân hy sinh đi cùng với thái độ ghê tởm chiến tranh (Bốn ngày, 1877), cảm nhận về trách nhiệm khi có chiến tranh đồng hành với mong muốn né tránh nó và sự bất lực không thể thoát khỏi nó (Kẻ hèn nhát, 1879). Sự hèn yếu của con người trước cái ác, những kết cục bi kịch của nó - đó không chỉ là đề tài trong các truyện ngắn viết về chiến tranh. Như truyện ngắn Sự cố (1878) - một cảnh đường phố, một câu chuyện về người phụ nữ sa ngã, nhưng đằng sau là bộ mặt đạo đức giả của xã hội và sự tàn bạo của đám đông. Trong truyện ngắn Một cuộc gặp gỡ (1879), những lý tưởng đẹp đẽ của một ông giáo trẻ đã vấp phải sự đê hèn, tầm thường, tội lỗi ngay trong ngày đầu nhận nhiệm sở.
Thậm chí cả trong thế giới những nghệ sĩ, những người tạo ra cái đẹp, Garshin cũng không tìm thấy được câu trả lời cho những kiếm tìm tinh thần đầy trăn trở của mình. Trong Những người họa sĩ (1879), nhà văn đặt ra vấn đề về vai trò của nghệ thuật trong xã hội, vấn đề “nghệ thuật vị nhân sinh” trong sự đối lập với “nghệ thuật vị nghệ thuật”, suy tư về sự không cần thiết của nghệ thuật đương thời. Nhân vật trong truyện, họa sĩ trẻ tài năng Ryabinin, đã từ bỏ hội họa để về nông thôn dạy học.
Biểu tượng là một cách thể hiện cảm quan thế giới của nhà văn. Attalea princeps (1880) là một ví dụ. Cây cọ yêu tự do khao khát thoát khỏi ngục tù đã vươn cao, phá vỡ mái nhà kính và chết. Tiếp cận cuộc sống một cách lãng mạn, Garshin cố gắng tháo gỡ những vấn đề cuộc sống, nhưng trạng thái tinh thần bệnh tật và tính cách phức tạp đã đưa nhà văn trở lại sự tuyệt vọng không lối thoát.
Trạng thái đó càng trở nên trầm trọng hơn bởi những sự kiện diễn ra đầu những năm 1880. Tháng hai năm 1880, nhà cách mạng theo xu hướng khủng bố là I.O. Mlodedsky đã mưu sát bá tước M.T. Loris-Melikov, người đứng đầu Hội đồng trật tự tối cao (một cơ quan đặc biệt của chính phủ Nga hoàng được thành lập sau vụ khủng bố Cung điện Mùa Đông do nhóm dân túy “Ý dân” tiến hành ngày 05 tháng 02 năm 1880). Garshin, với tư cách là nhà văn nổi tiếng, đã xin được gặp bá tước Loris, cầu xin vị đại thần này ân xá cho kẻ phạm tội. Nhà văn cố gắng thuyết phục ông ta, rằng tử hình kẻ khủng bố chỉ làm tăng thêm số người bị chết trong cuộc chiến giữa chính phủ với những người cách mạng. Tuy nhiên, án tử hình vẫn được thực thi. Sau sự cố đó, các dấu hiệu rối loạn tâm thần, vốn xuất hiện từ đầu những năm 1870, càng trở nên rõ rệt nơi Garshin. Các chuyến du lịch không làm bệnh thuyên giảm, nhà văn được đưa vào các cơ sở điều trị tâm thần ở Oriol, Kharkov và sau đó là Petersburg.
Sau hai năm điều trị, mặc dù tạm thời khỏi bệnh, nhưng một thời gian khá lâu Garshin không trở lại sáng tác. Năm 1882, tập truyện của ông được xuất bản gây nên những tranh luận gay gắt trong giới phê bình. Người ta phê phán Garshin do giọng điệu u ám và bi quan trong truyện của ông. Các nhà dân túy đem truyện của ông làm ví dụ về sự đau khổ dằn vặt lương tri của giới trí thức đương thời.
Mùa đông năm 1883, nhà văn kết hôn với một nữ bác sĩ và vào làm thư ký trong văn phòng Hội đồng đại diện ngành đường sắt. Thời gian này, Garshin đã dồn nhiều tâm huyết để viết truyện ngắn nổi tiếng nhất của mình, Bông hoa đỏ (1883). Đó là một tác phẩm đậm đặc cảm xúc, ý nghĩa triết lý và đầy kịch tính. Tri giác quá kịch liệt về cái ác của thế giới nơi nhân vật đã khiến cả những hiện tượng đời thường, như những bông hoa anh túc đỏ, cũng biến thành những hình ảnh biểu tượng.
Dưới ảnh hưởng của L.N. Tolstoy, Garshin có xu hướng đơn giản hóa phong cách tự sự. Xuất hiện những truyện ngắn viết theo kiểu Tolstoy, mà Tín hiệu, hay truyện đồng thoại Con ếch du hành là những ví dụ tiêu biểu, cả hai đều được viết trong năm 1887, năm sáng tác cuối cùng của nhà văn.
Những cơn trầm cảm trở lại, ngày càng thường xuyên và nặng nề hơn. Garshin buộc phải rời bỏ công việc, cộng thêm vào đó là những xung đột trong gia đình giữa mẹ và vợ nhà văn. Tất cả những điều này đã dẫn đến kết cục bi thảm: ngày 19 tháng 3 năm 1888, sau một đêm mất ngủ vật vã, nhà văn đã nhảy từ tầng lầu phía dưới căn hộ của ông ở Petersburg, bị chấn thương nặng và qua đời năm ngày sau đó, khi mới ở tuổi 33.
Cái chết của Garshin gây một tiếng vang lớn trong giới độc giả Nga thuộc nhiều tầng lớp khác nhau. Danh họa I.E. Repin trong niềm thương tiếc đã xúc động vẽ bức chân dung cuối cùng của nhà văn khi nằm giữa những bông hoa đỏ trước khi về với đất. Hai tập sách được ấn hành để tưởng niệm nhà văn, trong đó bên cạnh những hồi ức của bạn bè và người thân, còn có những truyện ngắn và những bức họa của các nhà văn và các họa sĩ nổi tiếng đương thời, được gợi cảm hứng từ con người và tác phẩm của Garshin.
Trong cuộc đời sáng tác ngắn ngủi của mình, Garshin hết sức tận tâm với thể loại truyện ngắn. “… Những truyện rất ngắn đôi khi chỉ có vài trang nhỏ của ông đã khai thác triệt để toàn bộ nội dung cuộc sống của chúng ta” - nhà văn G.I. Uspensky đã viết như thế. Ảnh hưởng của Garshin có thể tìm thấy trong truyện ngắn của các nhà văn cùng thời hay về sau, như A.P. Chekhov, V.G. Korolenko, Maxim Gorky.
***
TÔI NHỚ CHÚNG TÔI ĐÃ chạy băng qua rừng, đạn rít bên tai, những cành cây gãy đổ, chúng tôi chui qua những bụi táo gai. Đạn bắn rát hơn. Ngoài bìa rừng thấp thoáng cái gì đó màu đỏ. Sidorov, cậu binh nhì trẻ măng (“không biết sao hắn lại rơi vào đội của bọn ta?” - tôi thoáng nghĩ), đột nhiên ngồi bệt xuống đất và lặng nhìn tôi với đôi mắt mở to kinh hãi. Một dòng máu chảy ra từ miệng cậu ta. Phải, tôi nhớ rất rõ cảnh đó. Tôi còn nhớ gần như ngay ở bìa rừng, trong những bụi cây rậm rạp, tôi trông thấy…hắn. Hắn là một tên Thổ to lớn, nhưng tôi lao thẳng vào hắn, mặc dù tôi ốm yếu và gầy nhom. Cái gì đó đổ phịch xuống, một cái gì đó, tôi cảm thấy thế, rất to lớn bay ngang qua, rít lên trong tai. “Đó là hắn vừa bắn mình” - tôi nghĩ. Còn hắn ta rú lên kinh hãi, tựa lưng vào bụi táo gai. Có thể đi vòng quanh bụi táo, nhưng vì sợ quá nên hắn chẳng nhớ gì cả, cứ lao thẳng vào những cành cây đầy gai. Chỉ một phát tôi tước được súng của hắn, phát tiếp theo lưỡi lê của tôi đâm thọc vào một cái gì đó. Một âm thanh không ra tiếng rống, cũng chẳng phải tiếng rên. Tôi bỏ chạy tiếp. Quân ta reo lên: “U ra!”, ngã xuống, nổ súng.
Tôi nhớ mình cũng bắn vài phát, và đã ra tới khoảng trống ngoài bìa rừng. Bỗng nhiên tiếng “U ra” vang lên to hơn, và chúng tôi lập tức vượt lên phía trước. Nghĩa là không phải chúng tôi, mà là quân ta, bởi vì tôi thì ở lại. Tôi cảm thấy rất lạ. Lạ hơn nữa là bỗng nhiên mọi thứ biến mất hết; mọi tiếng la hét và tiếng súng nổ bỗng câm lặng. Tôi không nghe thấy gì hết, mà chỉ thấy một cái gì đó xanh xanh, có lẽ là bầu trời. Rổi sau đó cả nó cũng biến mất.
Tôi chưa bao giờ rơi vào tình trạng kỳ lạ như vậy. Hình như tôi đang nằm sấp và chỉ nhìn thấy ở phía trước một mô đất bé tí. Một vài ngọn cỏ, một con kiến chúi đầu bò ra từ một ngọn cỏ, mấy mẩu rác từ đám cỏ năm ngoái - đó là toàn bộ thế giới của tôi. Và tôi nhìn thấy nó chỉ bằng một con mắt, bởi con kia bị cái gì đó cứng cứng, chắc là cành cây mà đầu tôi đang tựa vào, che bịt mất. Tư thế của tôi thật hết sức bất tiện, tôi rất muốn, nhưng hoàn toàn không hiểu tại sao mà mình không thể nhúc nhích được. Cứ thế thời gian trôi qua. Tôi nghe thấy tiếng dế gáy, tiếng ong bay rù rì. Ngoài ra chẳng có gì cả. Cuối cùng tôi gắng hết sức giải phóng tay phải bị đè dưới thân mình, rồi tì hai tay xuống đất định quỳ gối ngồi dậy.
Một cái gì đó sắc và nhanh như tia chớp đâm xuyên vào toàn thân tôi từ đầu gối qua ngực đến đỉnh đầu, và tôi lại ngã xuống. Lại bóng đêm bao phủ, lại chẳng thấy gì hết.
Tôi tỉnh dậy. Tại sao tôi lại nhìn thấy những vì sao chiếu rất sáng trên bầu trời Bulgaria đen thẫm? Chẳng lẽ tôi không nằm trong lán trại? Tại sao tôi lại ra khỏi đó? Tôi ngọ nguậy và thấy đau ghê gớm ở hai chân.
…
Mời các bạn đón đọc Bông Hoa Đỏ của tác giả V. M. Garshin.