Thuở thiếu niên, Takezō ôm mộng xuất thế lập thân, rủ người bạn thân là Matahachi cùng rời bỏ làng Miyamoto để xuất trận hòng tìm công danh với đời. Tây quân bại trận tan tác, để báo tin Matahachi đã lưu lạc tha phương, Takezō trở về làng Miyamoto nhưng gặp phải sự phản kháng, truy đuổi từ bà cụ Osugi, mẹ của Matahachi. Như con thú hoang bị dồn vào đường cùng, Takezō ra sức chém giết bất kỳ ai đến gần mình, tâm cảnh lâm vào chỗ rách nát khôn cùng. Giữa lúc đó, thiền sư Takuan Sōhō và thiếu nữ thánh thiện Otsū xuất hiện, giúp Takezō làm lại cuộc đời. Trải qua 3 năm giam mình trong thạch thất, đọc sách thánh hiền, Shinmen Takezō lấy tên làng Miyamoto làm họ, đổi tên thành Musashi và lập chí xuất thân bằng kiếm đạo, truy đuổi cái ráo riết tột cùng của kiếm đạo trên con đường "kiếm thiền nhất như" đầy gian khổ. Tác phẩm kết thúc sau khi Musashi trải qua quá trình rèn luyện thân, tâm khắc kỷ, trở thành kiếm khách được thiên hạ mến mộ và đánh bại địch thủ Sasaki Kojirō trên đảo Ganryū.
***
Miyamoto Musashi
Như nhiều người đã biết, Miyamoto Musashi trước khi mất đã để lại hai bộ sách có giá trị là Gorin no sho và Dokkodo. Về Gorin No Sho thì đó là một quyển sách chỉ nam về kiếm thuật, nhưng người ở những giới khác nhau lại thấy được trong nó những giá trị khác nhau. Những nhà quân sự luôn xem đó là một quyển sách không thể thiếu trong tủ sách chiến thuật, binh thư trong khi những nhà mỹ thuật lại không thể xem nhẹ nó. Những nhà kinh doanh, giáo dục đều có những đánh giá cao về quyển sách viết về kiếm thuật này. Ở đây không có ý định đi sâu vào phần này mà xin để một dịp khác. Còn Dokkodo là quyển sách mang nhiều ảnh hưởng của Chứng Đạo Ca (Shoudouka), một quyển sách về Thiền, nó thể hiện nhân sinh quan của Musashi đối với cuộc đời trong cõi Ta Bà. Luôn đứng trên đôi chân của mình và đi trên đôi chân của mình, không dựa vào tha lực, không mong cầu vào tha lực. Nó thể hiện sự tinh tấn dũng mãnh cũng như tinh thần cầu đạo tích cực của Musashi . Musashi còn là một nhà mỹ thuật tuyệt vời mà người ta không thể không nhắc đến khi nói về tranh thuỷ mặc, điêu khắc và thư pháp. Rất nhiều tác phẩm của Musashi ở ba lĩnh vực nghệ thuật này còn được lưu giữ đến ngày nay. Trong số đó có nhiều hoạ phẩm Thiền không xa lạ với chúng ta, như bức Bồ Đề Đạt Ma (Bodai Daruma) và con hổ, Bố Đại (Hotei) với cặp gà chọi,… Musashi còn là đề tài bất tận cho không biết bao nhiêu loại hình nghệ thuật, giải trí như điện ảnh, văn chương, hội hoạ và ngày nay là đề tài cho nhiều tác phẩm Manga, Anime,Game…
Miyamoto Musashi còn đựơc biết đến nhiều qua bộ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Yoshikawa Eiji sống vào thời Meiji. Ông viết rất nhiều, nhưng có lẽ chính bộ tiểu thuyết Miyamoto Musashi mới là thứ làm cho tên tuổi ông sống mãi với thời gian.
Có thể nói người trong Thiên Hạ đã quá quen thuộc với hình ảnh Miyamoto Musashi qua bộ tiểu thuyết này. Đó là hình ảnh một vĩ nhân, vâng, một vĩ nhân thực sự với xuất phát điểm rất bình dị như chúng ta, thậm chí có phần thấp kém hơn. Napoleon, Alexander, cùng bao nhiêu vĩ nhân khác, họ giống như những pho tượng đẹp đẽ mà chúng ta chỉ có thể từ xa đứng nhìn chứ không thể trực tiếp chạm vào. Nhưng đối với Miyamoto Musashi , chúng ta có thể thấy đựơc hình ảnh của chính mình trong nhân vật này qua một quá trình rèn luyện liên tục, lâu dài, từ cái ấu trĩ đi lên cái vĩ đại. Ngày hôm nay thấy mình tốt hơn hôm qua và ngày mai thấy mình mạnh hơn hôm nay. Ngay cả khi đã được xem là danh nhân trong Thiên Hạ, vẫn thấy mình còn quá nhiều yếu kém. Miyamoto Musashi chính là hiện thân của một tinh thần tinh tấn dũng mãnh, một tinh thần cầu đạo hướng thượng và là hình mẫu Samurai điển hình. Ngoài ra Musashi còn là một biểu tượng của sự phá chấp, huỷ bỏ hết mọi chấp ngã, trong suy nghĩ lẫn hành động. Ở điểm này có thể nói Musashi là một thiền sư lớn, một nhà sáng tạo, một người luôn có những cách tân và gần với những khoa học gia chân chính. Không đi theo lối mòn, luôn tìm kiếm cái mới, đả phá những cố chấp trong bản thân.
Nhưng có những cái nhìn khác nhau về Miyamoto Musashi . Yoshikawa viết trong tiểu thuyết của mình:
“ Tori no naki oto mo, naku tokoro ni yotte chigau. Mata, hito no kokoro ni yottemo chigau.”
Cùng là tiếng chim hót, nhưng hót ở những nơi khác nhau và tuỳ tâm trạng người nghe thì nó khác nhau. Cùng đối với một sự việc,nhưng ở từng hoàn cảnh, từng góc nhìn khác nhau thì chúng ta thấy khác nhau. Có nhiều sử liệu không thống nhất với nhau về nhiều chi tiết trong cuộc đời của Musashi nên từ đó phát sinh nhiều thuyết khác nhau về nhân vật này. Và một trong những thuyết đó được diễn giả Itou Ryocho đề ra trong quyển sách “Koudan Miyamoto Musashi”.
Đây là quyển sách được Dai Nippon Yubenkai Koudansha (bây giờ là Koudansha) phát hành name Showa thứ tư do diễn giả Itou Ryocho diễn. Koudan (giảng đàm) là một hình thức hùng biện về các vấn đề lịch sử, nhân vật lịch sử mà qua đó các diễn giả trình bày những lý luận, sử liệu mình tìm đựơc về các nhân vật, sự kiện này. Đây là một loại diễn thuyết rất phổ thông thời Minh Trị.Quyển sách này với lời văn giản dị, mạch lạc lôi cuốn người đọc từ đầu chí cuối. Đây là một trong những quyển sách hấp dẫn nhất mà tôi từng đọc được, thú thật tôi đã không muốn buông tay ra mỗi khi cầm nó, như có một ma lực mãnh liệt khiến tay tôi lật từ trang này sang trang khác cho đến hết. Vì thế tôi thấy mình cần phải làm một việc gì đó có ích , có thể chỉ là để thoả mãn cho cá nhân tôi, nhưng tôi nghĩ ít ra nó cũng truyền tải được điều gì đến với bạn đọc Việt Nam.
Quyển sách được viết bằng ngôn ngữ cổ Nhật Bản nên việc chuyển nó sang tiếng Việt hiện đại là một vấn đề không đơn giản. Và cũng do quỹ thời gian rất hạn hẹp nên việc biên dịch rất sơ sài, không hề có bất cứ sự chuẩn bị nào và cốt chỉ để truyền đạt những thông tin chính đến độc giả. Rất mong bạn đọc thông cảm, lấy tinh thần làm trọng và bỏ qua cho những sai sót về tiểu tiết. Hy vọng trong thời gian gần tôi sẽ đăng tải nguyên bản tiếng Nhật để mọi người cùng đóng góp và sửa chữa cho những phần dịch không thích đáng.
…
Mời các bạn đón đọc tiểu thuyết kiếm hiệp Koudan Miyamoto Musashi của tác giả Eiji Yoshikawa.