“Chỉ cần có thể truy ngược dòng dõi lên được bốn đời, ít gia đình nào không cho rằng mình có các quyền đối với một tước hiệu mơ ngủ nào đó, hoặc đối với lâu đài hay khu đất nào đó, những quyền chắc hẳn khó lòng đứng vững trước một phiên tòa nhưng chúng ve vuốt trí tưởng tượng và làm ngắn lại các giờ khắc vô công rồi nghề.
Các quyền của một con người đối với quá khứ chính anh ta còn chập chờn hơn nhiều.”
R. L. Stevenson, Một chương về những giấc mơ
***
Patrick Modiano là Nhà văn Pháp với hơn 30 tác phẩm bao gồm tiểu thuyết, kịch bản phim,… các tác phẩm của ông đã được dịch 36 thứ tiếng trên thế giới, đạt nhiều giải thưởng danh tiếng, phải kể đến giải Nobel Văn học năm 2014.
"Lối viết văn của Modiano rất dễ đọc. Các tác phẩm của ông trông có vẻ đơn giản bởi vì nó tinh tế, thẳng thắn, đơn giản và rõ ràng. Bạn mở sách đọc một trang, và sẽ nhận ra ngay là sách của ông ta, rất thẳng thắn, câu văn ngắn gọn, không cầu kỳ - nhưng nó rất là tinh vi trong cách đơn giản của nó."_ Bí thư thường trực của học viện Nobel Peter Englund
Để từ đó người đọc có thể thấy được văn chương của Patick Modiano là văn chương của ký ức, bất định tương lai.
***
[Kho đựng nỗi đau](https://www.dtv-ebook.com/tim-kiem.html?keyword=kho đựng nỗi đau) (tựa gốc: Remise de peine, viết năm 1988), [Hoa của phế tích](https://www.dtv-ebook.com/tim-kiem.html?keyword=hoa của phế tích) (tựa gốc: Fleurs de ruine, 1991), Con chó mùa xuân (tựa gốc: Chien de printemps, 1993) được nhà văn Patrick Modiano ([giải Nobel](https://www.dtv-ebook.com/tim-kiem.html?keyword=giải nobel) Văn học, 2014) hoàn thành trong ba mốc thời gian khác nhau, nhưng mang đầy đủ những nét đặc thù của không khí, phong cách văn chương ông.
Kho đựng nỗi đau lần đầu tiên bức chân dung thời thơ ấu của chú bé Patrick cùng em trai sống trong căn hộ của những diễn viên xiếc ở vùng ngoại vi Paris. Hoa của phế tích là cuộc lần theo manh mối về một vụ tự sát với lý do bí hiểm của đôi vợ chồng kỹ sư trẻ tuổi vào một ngày tháng 3 năm 1933. Còn Con chó mùa xuân là cuộc dò tìm của một người viết tiểu thuyết trẻ tuổi với nỗ lực phục dựng bản tiểu sử của Jasen - một nhiếp ảnh gia sống và ghi chép về Paris nhưng căn cước cá nhân lại nhiều điểm mù bởi dư chấn của thời Đức tạm chiếm…
Ba cuốn tiểu thuyết này là dẫn chứng xuất sắc, thuyết phục cho điều mà Patrick Modiano viết trong diễn từ nhận giải Nobel Văn học vào năm 2014:
“Người ta có thể lạc lối hoặc biến mất trong một đô thị. Người ta thậm chí có thể thay đổi căn cước và sống một đời khác. Người ta có thể lao mình vào một cuộc điều tra rất dài lâu để tìm lại những dấu vết của một ai đó, và lúc khởi đầu chỉ có một hoặc hai địa chỉ trong một khu phố đã mất biệt. Chỉ dấu ngắn ngủi đôi khi hiện lên trên những phiếu tra cứu luôn luôn tìm được một âm hưởng trong tôi: Nơi cư trú cuối cùng được biết.”
Trong lần ấn hành ba tiểu thuyết này, Phanbook cũng phát hành hộp giấy đựng sách Patrick Modiano với thiết kế đẹp, trang nhã dành cho độc giả sưu tầm đủ ba tác phẩm.
***
VỀ NHÀ VĂN PATRICK MODIANO
Patrick Modiano là nhà văn người Pháp, sinh năm 1945.
Ông đạt giải Nobel văn học năm 2014.
Nhiều tác phẩm của Modiano đã được in tại Việt Nam.
Ba tác phẩm của Patrick Modiano do Phanbook ấn hành: Kho đựng nỗi đau, Hoa của phế tích, Con chó mùa xuân, đều do Hoàng Lam Vân dịch.
***
Tôi chưa hai mươi khi đọc Remise de peine lần đầu. Việc đọc này cũng ít nhiều xảy ra cùng thời điểm của phần đầu câu chuyện kết nối tôi với những cuốn sách của Modiano. Tôi không nhớ cuốn đầu tiên là cuốn nào. Có thể là Voyage de noces, Quartier Perdu, Fleurs de ruines, Les boulevards de Ceinture. Tôi không nhớ nữa. Nhưng tôi nhớ đó là một trong mấy cuốn này. Và cũng nhớ anh tôi, người đã mua một cuốn sách bỏ túi gần như tình cờ, một buổi sáng, trong quán Hachette của nhà ga Juvisy, vì anh đã quên ở nhà cái cuốn mà anh định đọc trong lúc ngồi tàu đến trường Đại học Paris, nơi anh theo ngành Luật. Tôi nhớ là anh đã ào vào phòng tôi, tôi nhớ những bức tường màu vàng nhạt treo một tấm poster mà hình dung lại tôi thấy đẫm chất Modiano đến kỳ lạ, mặt tiền bí hiểm bị các bụi gai cào xước và các dây thường xuân bám chặt của một biệt thự trùng với những gì người ta thường tưởng tượng về các biệt thự ngoại ô Paris với một cửa sổ sáng đèn, cổng cao và thấp thoáng một khu vườn, những bóng người đây đó, những dấu vết, những mảnh đời bí hiểm, một hình ảnh như vừa bước thẳng từ chính cuốn sách đó, nơi mà sự phân bố địa lý ít chất của một Paris bấp bênh rất đặc trưng cho tác giả, nhưng nhiều chất của những ngoại ô xa, “chưa phải là ngoại ô như bây giờ”, những thị trấn nhỏ yên tĩnh và giàu có lạc lõng sát cạnh nông thôn mà tôi thoáng thấy vào những dịp đi thi dương cầm ở rìa hạt Essonne. Tôi nhớ anh tôi chia cho tôi cuốn sách và nói “Đọc cái này đi, em sẽ thích đấy” và tôi nghe lời, để ngay lập tức bị hút vào đó và tiếp theo chỉ còn biết thán phục. Đương nhiên, tất cả những gì của Modiano đều có hết ở đây: các tên phố, danh bạ, địa tầng thời gian chồng chất, những hình bóng mờ ám, những vụ mất tích, quá khứ xấu xa, gợi nhớ thời hợp tác và phố Lauriston, những cuộc điều tra mà tưởng như đi lang thang, những mối giao du khả nghi, nỗi cô đơn, sự bỏ bê, một ông bố lâu lâu xuất hiện sau các hoạt động và các chuyến công tác đáng ngờ, người mẹ diễn viên thấp thoáng đâu đó sau các buổi diễn, sự thiếu vắng của phả hệ, cách viết kín đáo và thanh lịch, nỗi sợ và niềm đau giữ lại trong lòng, những vùng chưa tỏ và những hố đen, tóm lại là tất cả cái huyền thoại quý báu và duy nhất đó, trong một văn phong có âm điệu đặc sắc, buồn bã và dịu nhẹ, nhưng lại giản dị, không mang tính cách rõ ràng, không gây ấn tượng, không có vẻ phong phú. Những ngày tiếp theo, tôi đến thư viện và ngấu nghiến tất cả tiểu thuyết ghi tên Modiano. Rồi mùa hạ giá trong khu Saint-Michel và tiền tiết kiệm có được từ nhiều tháng nhịn ăn đã cho phép tôi bổ sung và bằng cách ấy mà tự cập nhật: ngồi rình những đầu sách mới, hầu như hàng năm, những dịp mà từ đấy tôi không bao giờ để lỡ, không bao giờ khiến tôi thất vọng, ngược lại, còn khiến tôi có cảm giác là cứ cuốn sách này ra thì nỗi bồn chồn đợi cuốn tiếp theo còn tăng hơn nữa, giống như khao khát nhấc lên tấm màn tưởng đã nhấc được ở từng cuốn, nhưng cuối cùng để lộ ra những tấm màn khác, và lại phải lao vào nhấc lên mà không chắc mọi sự có rõ ra hay lớp sương mù kia còn dày thêm. Tôi nhớ những tháng ngày đọc sách đó như một thời kỳ của kinh ngạc, như thể được ban phép màu. Đó là quãng thời gian đầu tiên của tôi ở Paris, tôi học không xa rừng Boulogne, thường lai vãng các hiệu sách, các rạp chiếu phim nghệ thuật và thử nghiệm trong khu La-tinh và Saint-Germain-des-Pres, thỉnh thoảng cũng đến nhà bạn nằm trong những con phố yên tĩnh của ngoại ô có nhiều biệt thự và sang trọng hơn khu phố có căn nhà của gia đình tôi mà cứ cuối tuần tôi lại ngồi tàu D để trở về. Tôi lớn lên cùng với những cuốn sách đó, tôi bước đi trong bối cảnh của chúng, tôi là một trong những nhân vật của chúng, hoặc ít ra cũng là một người anh em hay cháu chắt của các nhân vật. Tất cả trộn với nhau, xuyên vào nhau, cuộc đời của chính tôi và những cuốn sách bao trùm nó, tái tạo nó, uốn cong nó, trong một kiểu lẫn lộn giữa thực và ảo. Tất cả đều hòa hợp: nơi chốn, cảm giác đang sống cùng một lúc hai cuộc đời, những chuyến đi dạo bên dưới những tòa nhà cao tầng có cửa sổ sáng đèn, những cái tên ghi trong sảnh chính, tất cả được chiếu bởi một thứ ánh sáng rất đặc biệt, của một hiện tại đầy ứ quá khứ và bị đẩy vào tương lai, của một hiện diện bấp bênh, mờ ảo. Sự phân chia địa lý trong tâm tư tôi vận động, biến đổi, chồng chất lên nhau những lãnh thổ gốc, hoàn toàn ngoại biên, nằm ở ngoại ô, và những lãnh thổ nơi con người tôi lớn lên, những lãnh thổ được các tiểu thuyết của Modiano vẽ lại, chỉnh sửa và sáng tác thêm. Tôi rình rập khắp nơi cái dáng thanh cao của ông, tôi - kẻ chỉ chú ý đến tác phẩm chứ không đến tác giả, tôi - kẻ thường không quan tâm đến những ai đứng đằng sau hay bên trong những cuốn sách mà tôi yêu, ở nơi nào tôi cũng tưởng tượng ông sẽ hiện ra, quanh vườn Luxembourg, trên đại lộ Victor Hugo, dọc theo những hồ nước của rừng Boulogne, nhưng điều ấy không bao giờ xảy ra, chỉ mới cách đây vài hôm, khi vừa bắt đầu viết những dòng này, tôi bắt gặp ông giữa những kệ sách của cửa hàng Bon Marché, vừa rõ ràng, vừa xa xôi, mặc áo mưa màu be, giống như một cái nháy mắt, một sự ra hiệu, một trùng hợp kỳ lạ, “kỳ cục”, có lẽ ông sẽ nói như thế. Đương nhiên tôi không lại gần ông, không dám. Nhưng dù tôi có dám hay không thì huyễn tưởng cũng cho tôi biết đủ về tầm quan trọng của ông trong mắt tôi, sự hâm mộ mà tôi dành cho ông và tôn ông ngang hàng với những huyền thoại của cá nhân tôi. Lùi lại một chút, tôi ước tính bao nhiêu những kỷ niệm có thật về thời kỳ đầu ở Paris đã bị thế chỗ bởi những cuốn sách mà tôi ngấu nghiến lúc đó, hai “câu chuyện” đó, một thì xa xôi nhưng thuộc về tôi trọn vẹn, một thì nằm trong những trang sách mà tôi không phải là tác giả và chẳng thực sự kể gì về tôi, cả hai từ lâu đã lẫn lộn với nhau. Đó chính là sức mạnh của những tác phẩm đã luồn lách vào bên trong bạn. Chúng quyện lấy đời bạn đến mức không sao gỡ ra nổi. Những ngày này đọc lại Remise de peine, hiện ra trước mắt tôi tất cả những thứ đã rèn nên tính cách con người tôi, và từ đó tác động đến cả quang cảnh, nội dung, chất liệu của những gì tôi viết, dù rằng điều này chỉ hiển nhiên với tôi, dù rằng những dấu vết về sự ảnh hưởng đó hầu như là vô hình, hoặc ngầm đến mức không ai nhìn thấy. Ấy thế mà nó mang tính nền tảng, và bên cạnh Annie Arnaux, Raymond Carver hay Henri Calet (vì những lý do và dưới những biểu hiện khác) các cuốn sách của Modiano được xếp một vị trí đặc biệt, giữa những tác phẩm có tầm quan trọng với tôi: các tác giả đã làm tôi chao đảo, chỉnh sửa tôi, chuyển biến tôi vừa trong tư cách nhà văn lẫn con người.
Đọc lại Remise de peine hai mươi năm sau ngày phát hiện ra nó, thế là bởi mối bận tâm phải đuổi kịp sự chậm trễ không tài nào đuổi kịp (ai?, cái gì?, để chống lại cảm giác nào về sự bịp bợm?, ấn tượng gì về tính bất hợp pháp?) tôi không bao giờ mất thời gian đọc lại những tác phẩm và những tác giả đã tạo nên tôi, dù ký ức tôi ngắn ngủi và lỗ chỗ, đến độ mà tôi thường xuyên có cảm giác rằng nó càng xóa đi những gì đã có trước đó thì tôi càng tiến về phía trước mà vẫn không ngừng bị ám ảnh bởi những gì đã mất, cái hố đen vĩnh viễn đó cứ sâu thêm mãi, tác động tới tôi, bao nhiêu dấu vết mà cuốn sách này từng để lại, những dấu vết vừa rõ ràng vừa mờ ảo, như nó phải thế mỗi khi người ta nhắc tới Modiano: ngôi nhà nơi mà ông và em trai bị cha mẹ bỏ mặc, mặt tiền phủ đầy dây thường xuân, và cả những con phố cạnh đó, những người phụ nữ đi đi về về, băng bạn cùng trường, lâu đài bỏ hoang của hầu tước Caussade, gánh xiếc và tai nạn đu bay, một chiếc xe hơi của Mỹ và một áo vét kiểu cao bồi, tên của một hộp đêm, những lần ông bố xuất hiện, những xưởng chữa xe ở Paris, đám người lớn mà cuộc sống và hoạt động chỉ được nhìn thấy qua những thông số, những giấy tờ rời rạc, những dấu hiệu không đầy đủ và thường không thể nào đoán được. Nhưng trên hết, tất cả cảm giác bơ vơ sờ sợ, nỗi bồn chồn âm ỉ, thậm chí không thực, mà tôi cho là đồng nghĩa với thời thơ ấu như tôi cảm nhận, được xây trên cát, thường xuyên tuột qua các kẽ tay, không rõ ràng, không có đường viền và trọng tâm, bề mặt bấp bênh, người ta bước đi như bị mù, chỉ giữ được những mảnh vụn, trong sự lẫn lộn giữa có và không, để mặc bạn bước ra tuổi thiếu niên trong sự chông chênh lơ mơ, không căn cước chẳng cội nguồn, như con chó lạc mà không có vòng đeo cổ. Cảm giác này còn được Modiano xác định trong một tác phẩm khác nữa và có vẻ hoàn toàn thích hợp với Remise de peine, tạo cho nó phạm vi và quá trình “Những sự kiện mà tôi sẽ gợi lại cho đến năm hai mươi mốt tuổi, tôi đã sống một cách không che đậy, cách thức này bao gồm việc cho di chuyển các bối cảnh nền, còn các diễn viên đứng im trên sân khấu trường quay. Tôi muốn giải thích cái cảm giác mà nhiều người khác từng có trước tôi: mọi thứ nối tiếp nhau chuyển động không che đậy và tôi chưa thể sống đời mình”.
Cũng chính dưới ánh sáng của những tác phẩm tiếp theo, đặc biệt là Un pedigree (đang mời chúng ta làm sáng tỏ), mà Remise de peine lại mang một sắc vẻ đặc biệt giữa các tác phẩm của Modiano, một gam màu độc nhất vô nhị. Đầu tiên bởi vì đó là một trong những tiểu thuyết hiếm hoi đã thẳng thừng tự nhận là tự truyện, hay cho ảo tưởng như thế, Modiano có vẻ tự đặt mình lên sân khấu với tên thật, (mỗi khi có dịp lại biến thành “Patoche” cho thân mật, gần gũi hơn), để vẽ lại một cách vừa chính xác vừa đáng ngờ, rất đặc trưng cho hình thức kỷ niệm, một giai đoạn thơ ấu mà chúng ta đã biết là của ông, di chuyển giữa ký túc xá và ngôi nhà ở nhờ, trong những thời gian biểu kỳ bí và một dĩ vãng mờ ám, bà mẹ diễn viên và ông bố có các hoạt động, quá khứ và các mối giao du tất cả đều dính dáng tới vũng bùn thời Đức chiếm đóng, chờ đợi được các vị phụ huynh liên lạc và đón về nhà vài ngày, vài tuần hay vài tháng để rồi lại gửi đến chỗ khác, cho những người khác. Tóm lại, tất cả những chuyện này có xác thực hay không, điều gây xúc động ở đây chính là hiệu quả của việc chiếu sáng, câu chuyện đã được tháo chốt, lột trần, đập ngay vào mắt, đã khiến ta rung động. Và cùng một lúc với mạch tự truyện vẫn được dệt lên bởi một sự lộn xộn kinh hoàng, biết bao ngờ vực và các câu hỏi. Như để đào sâu hơn điều bí mật mà tác giả đang ra vẻ giải tỏa. Như thể là, tận sâu trong cuộc tìm kiếm của mình, Modiano cho thấy sự vắng bóng của một chuyển đổi mang tính hư cấu, hoặc vẻ ngoài của nó, sự trung thành, thật hay bịa, không là bằng chứng cho một cái gì cả, không bảo đảm một sự thật rõ ràng hay một lời giải cho những điều ngờ vực, nhập nhằng nước đôi. Sau đó chính nhờ bám chặt tuổi thơ cùng những cảm nhận và sự hoảng loạn đeo dính mà Modiano có vẻ đã thuật lại những kỷ niệm này. Những mảnh vụn: vừa là những mảnh vụn của một ký ức rách mướp, không đầy đủ, vừa là những mảnh vụn của thời thơ ấu giữa đám người lớn, nghe được ở khe cửa, khoảng cách giữa các tầng nơi mỗi phòng mở ra rồi đóng lại, chỉ cho phép cảm nhận sự việc qua những tiếng vọng đinh tai, những tiếng vỡ biến dạng, những tiếng nói chuyện thì thào và những tiếng động của thìa dĩa, những tiếng vang của xe hơi đang rời ra tít xa. Những mảnh vụn cuộc sống của đám người lớn chỉ được nhìn thấy qua vẻ ngoài những bí mật và những được thua, như là chúng ở trong một bộ phim vô tuyến bị mất tiếng và ta chỉ có thể đoán động tác của các nhân vật, mà không biết hoàn cảnh, đầu đuôi, và cả căn cước chính xác của họ.
Trong trò chơi domino, thuyền buồm thú vị mà văn chương Modiano mời ta tham gia này, tôi luôn bám vào Un pedigree (Một phả hệ) ngay từ khi tác phẩm ra đời, để tiếp sức cho tác giả trong cuộc điều tra của chính ông, lồng giọng của tôi vào đó. Như kiểu điều tra một cuộc điều tra. Điều mà mỗi độc giả đều làm một cách bí mật thông qua những cuốn sách và trong nhiều năm trời, tôi tin là thế. Thời kỳ từng được nhắc đến ở Remise de peine chiếm khoảng một trang trong tiểu thuyết này. “Giữa Jouyuen Josas và Paris, bí ẩn của một vùng ngoại ô mà lúc đó chưa là ngoại ô. Lâu đài tàn phế, và trước mắt anh, đồng cỏ mọc cao nơi chúng tôi từng thả diều ngày nào. Rừng Metz. Và bánh xe khổng lồ của máy chuyển nước thị trấn Marly quay đều trong âm thanh và sự tươi mát như thác.” “Những di chuyển đi về của những người đàn bà kỳ lạ (…) trong số đó có Zina Rachewsky, Suzanne Baulé, hay còn gọi là Frede, giám đốc của Carroll’s, một hộp đêm phố Ponthieu, và một Rose-Marie Krawell nào đó, chủ một khách sạn phố Vieux-Colombier, và thường lái xe hơi Mỹ. Họ mặc áo vét và đi giày đàn ông, và Frede, còn đeo cả cà-vạt (…) Một tối (…) cha tôi (…) hỏi tôi sau này muốn làm nghề gì. Tôi không biết trả lời thế nào.” Sự nghiệp văn chương của Modiano là một work in progess vô cùng lôi cuốn đang tiến hành ngoài trời. Mỗi cuốn sách đều lấy được từ đó một nghĩa đúp. Mời ta ngắm nhìn nó trong sự tự chủ của một tác phẩm đã hoàn thiện, đã khép lại ở trang cuối, nhưng cùng lúc, giống như một phần mới của một puzzle mà không cái gì bị đóng lại hoàn toàn, một vài chỗ còn để “trống” trong khi những chỗ khác cũng dần dần xác định được phạm vi. Tương tự y như thế về nhân vật ông bố, nhân vật kỳ thú trong văn chương Modiano, mà ta tìm lại trong tác phẩm này một sự hiện diện mờ ảo và những tiếng vọng gián tiếp, qua việc tác giả nhắc lại “phố Lauriston”. Ngược lại, Rudy, em trai tác giả, có vẻ là một phái giữa vắng mặt, một sự im lặng hãi hùng. Thế nhưng, ở trang 44 của Một phả hệ, ta có thể đọc được đoạn này, mà Modiano sẽ không còn nhắc lại trong phần sau của cuốn sách: “Tháng Hai năm 1957, tôi mất em trai.(…) Ngoài em Rudy, cái chết của em, tôi tin là chẳng điều gì mà tôi sẽ thuật lại ở đây có liên quan sâu sắc đến tôi”. Nhưng điều khiến xúc động nghẹn ngào hơn nữa trong Remise de peine, điều khiến tim ta se lại khi đọc những dòng chữ này, chính là sự gợi nhắc, vừa thoáng qua lại vừa đều khắp, vừa kín đáo lại vừa tinh tế hé mở, không nói rõ, không bình luận, thận trọng, nhưng vì hiếm mà trở nên nổi bật, về cậu em út của “Patoche”. Ở phương diện này, Remise de peine còn khiến chao đảo hơn, tôi không có ý tán vớ vẩn về Modiano đâu, nhưng tôi có cảm giác tác phẩm này được viết ra vì cái đích ngầm sau đây: khắc lên trang sách những giây phút hai anh em bên nhau, những ký ức về một thời gian mà người ta còn có thể nhớ khi phát âm mấy từ “tôi và em trai tôi”.
OLIVER ADAM
***
Đó là thời các cuộc lưu diễn kịch nghệ không chỉ dọc ngang nước Pháp, Thụy Sĩ và Bỉ, mà cả Bắc Phi nữa. Tôi lên mười. Mẹ tôi đã lên đường lưu diễn một vở kịch và chúng tôi, em trai tôi và tôi, ở nhà những người bạn gái của bà, tại một ngôi làng ven Paris.
Một ngôi nhà hai tầng, mặt tiền phủ dây thường xuân. Một trong số các cửa sổ lồi mà người Anh gọi là bow-window kéo phòng khách dài thêm ra. Đằng sau nhà, có một khu vườn giật nhiều cấp. Ở cuối tầng đầu tiên của vườn, núp dưới đám cây ông tiên, là mộ của bác sĩ Guillotin. Ông từng sống tại ngôi nhà này? Tại đó ông đã hoàn chỉnh cỗ máy chém đầu của mình? Tít trên cao khu vườn có hai cây táo cùng một cây lê.
Những miếng nhỏ tráng men treo trên dây xích bạc thòng vào các lọ đựng rượu, trong phòng khách, mang những cái tên: Izarra, Sherry, Curaçao. Cây kim ngân xâm chiếm thành giếng, chính giữa cái sân ngay trước vườn. Máy điện thoại để trên một cái bàn guéridon, gần sát một trong những cửa sổ phòng khách.
Rào lưới được chăng để bảo vệ mặt tiền nhà, hơi thụt vào so với phố Docteur-Dordaine. Một hôm, người ta đã sơn lại rào sau khi phủ lớp chống gỉ. Có phải đó là sơn chống gỉ, cái chất lỏng sệt màu cam vẫn còn hết sức sống động trong kỷ niệm của tôi? Phố Docteur-Dordaine có dáng dấp làng mạc, nhất là về cuối: một tòa nhà cho các xơ, rồi một trang trại nơi người ta đến để mua sữa và, xa hơn, lâu đài. Nếu đi xuôi phố, trên vỉa hè bên phải, ta sẽ đi qua trước bưu điện; cũng đoạn ấy, phía bên trái, ta nhìn thấy, sau một rào sắt, các nhà kính của ông chủ hàng hoa mà con trai là bạn ngồi cạnh tôi tại lớp học. Xa thêm một chút, cùng phía với bưu điện, là bức tường của trường Jeanne-d’Arc, vùi mình dưới những tán tiêu huyền.
Đối diện nhà, một đại lộ dốc thoải. Bên lề của nó, phía tay phải, là nhà thờ Tin Lành và một khoảnh rừng nhỏ, giữa đám bụi cây ở đó chúng tôi từng tìm được một cái mũ sắt của lính Đức; bên trái, một ngôi nhà dài và sơn trắng nơi vòm tường nhô ra, với khu vườn lớn cùng một cây liễu rủ. Thấp hơn, chung tường với khu vườn ấy, là quán trọ Robin Lục lâm.
Ở cuối dốc, và cắt vuông góc với nó, là đường bộ. Bên phải, quảng trường nhà ga, lúc nào cũng hoang vắng, trên đó chúng tôi đã tập đi xe đạp. Theo hướng ngược lại, ta đi dọc theo công viên. Trên vỉa hè bên trái, một tòa nhà với dãy hành lang làm bằng bê tông nơi nối tiếp nhau hiệu bán báo, rạp chiếu phim và hiệu thuốc. Con trai ông dược sĩ là bạn cùng lớp với tôi và, một đêm nọ, bố cậu ta đã tự sát bằng cách treo cổ lên một sợi dây buộc vào hiên của hành lang. Dường như người ta hay tự treo cổ vào mùa hè. Các mùa khác, họ thích tự sát bằng cách trầm mình xuống sông hơn. Chính ông thị trưởng của làng là người nói điều đó với ông chủ hiệu bán báo.
Sau đó, đến một khu đất hoang được dùng làm chợ, thứ Sáu hằng tuần. Thảng hoặc ở đó dựng lên cái lều một gánh xiếc lưu động cùng đám nhà lán của một phiên chợ.
Ta tới trước tòa thị chính và lối đi trên cao. Sau khi vượt qua đó, ta đi theo đường lớn của làng, nó lên cao mãi cho đến quảng trường nhà thờ và đài tưởng niệm liệt sĩ. Một dịp lễ mixa Giáng sinh, chúng tôi, em trai tôi và tôi, được hát trong dàn đồng ca tại nhà thờ ấy.
Mời các bạn đón đọc Kho Đựng Nỗi Đau của tác giả Patrick Modiano & Hoàng Lam Vân (dịch).