Milan Kundera là một tiểu thuyết gia, điều này không có gì phải bàn cãi. Các nhà nghiên cứu văn chương Kundera thường cũng chỉ tập trung vào các tiểu thuyết mà bỏ qua tập truyện ngắn có thể nói là mở đầu văn nghiệp của ông: Những mối tình nực cười (Smesne lasky, tên bản tiếng Pháp của François Kérel là Risibles amours). Là các tác phẩm đầu tay, song bảy truyện ngắn trong Những mối tình nực cười không phải là những thử bút non nớt, nhiều khi tệ hại và ngớ ngẩn như ở trường hợp nhiều nhà văn, ngay cả các nhà văn lớn nhất. Kundera của Những mối tình nực cười (được viết tại Bohême từ 1959 đến 1968) đã ngay lập tức khẳng định được “đường cày” cho riêng mình trong cánh đồng văn xuôi rộng lớn. Các tiểu thuyết sau này sẽ tiếp tục triển khai các ý tưởng, khung cảnh, ngay cả cách hành văn và kết cấu của những truyện ngắn này. Trong một chừng mực nào đó, có thể nói rằng công việc nhà tiểu thuyết Kundera là một loạt các thao tác liên văn bản với đối tượng là các văn bản của chính mình: ông sẽ pastiche, chuyển hóa các văn bản đó để xây dựng các văn bản về sau. Khuôn khổ tiểu thuyết sẽ giúp Kundera mở rộng và đi sâu hơn những vấn đề mà Những mối tình nực cười đặt ra. Đường văn của Kundera bắt đầu từ một tâm điểm Những mối tình nực cười - và sẽ tỏa về các hướng khác nhau giống như hình một ngôi sao nhiều cánh đều đặn. Tính đều đặn đó có thể thấy rõ ở dung lượng mỗi tiểu thuyết, ở kết cấu (nhất là kết cấu bảy chương hết sức đặc trưng mà ngay Những mối tình nực cười đã có - Năm 1970, khi đem xuất bản tập truyện, ông đã quyết định rút từ mười truyện ban đầu xuống còn có bảy, tự ấn định cho mình một mô hình văn xuôi.)
“Sau khi viết xong Điệu van giã từ, vào đầu những năm 70, tôi coi con đường văn chương của tôi như thế là đã xong”, Kundera viết trong Những di chúc bị phản bội (bản dịch của Nguyên Ngọc), ông cho biết tiếp là khi đến Pháp, ông quyết định viết văn trở lại nhưng không biết viết gì, nên đã thử viết một Những truyện tình nực cười thứ hai, mong tìm được lối thoát. Điều đó cho thấy tầm quan trọng mà Kundera gán cho tập truyện ngắn đầu tay và có thể nói là duy nhất của mình. (Ý định viết tập truyện đó không thành, nhưng nhà văn có thêm được một tiểu thuyết độc đáo là Sách cười và lãng quên). Khung cảnh bệnh viện và thành phố điều trị nước nóng của Cuộc hội thảo và Bác sĩ Havel hai mươi năm sau báo hiệu Điệu valse vĩnh biệt [tôi dịch tên tiểu thuyết La Valse aux adieux khác với nhà văn Nguyên Ngọc - ND] và phần nào Cuộc sống không ở đây; cô gái trong Trò chơi xin quá giang mang rất nhiều nét của Tereza trong Đời nhẹ khôn kham; các tư tưởng của Trò đùa đã nằm gọn trong Sẽ không ai cười và Edouard và Chúa; chiều tôn giáo của Edouard và Chúa sẽ được đào sâu đến kiệt cùng trong Điệu valse vĩnh biệt, trong đó tất cả các nhân vật đều muốn làm một vị chúa, chứ không chỉ có Edouard “tình cờ” đóng vai Chúa như trong truyện ngắn cuối cùng của tập này.
Trong một bài phỏng vấn năm 1989 trên tờ The Review of Contemporary Fiction, Kundera cho biết: “Cho đến năm 30 tuổi, tôi đã viết nhiều thứ: nhiều nhất là về âm nhạc, nhưng có cả thơ và một vở kịch. Tôi làm việc theo nhiều hướng khác nhau - để tìm kiếm giọng nói của mình, phong cách của mình và đi tìm chính mình. Với truyện đầu tiên của tập Những mối tình nực cười (được viết năm 1959), tôi đã có thể chắc là “đã tìm thấy mình”. Tôi trở thành người viết văn xuôi, tiểu thuyết gia, và tôi không còn là cái gì khác ngoài đó nữa.” (trích theo François Ricard, trong Lời cuối sách cuốn Risibles amours của nhà xuất bản Gallimard in năm 1998). Truyện ngắn đó là Sẽ không ai cười, mở đầu cho sáu truyện tiếp theo gồm Quả táo vàng của ham muốn vĩnh cửu, Trò chơi xin quá giang, Cuộc hội thảo, Người chết cũ phải nhường chỗ cho người chết mới, Bác sĩ Havel hai mươi năm sau và Edouard và Chúa.
Dịch từ bản tiếng Pháp Risibles amours của dịch giả François Kérel, in trong bộ sách folio của NXB Gallimard, 1998.
Mời các bạn đón đọc Sẽ Không Ai Cười của tác giả Milan Kundera.