Tên của cuốn tiểu thuyết mỏng viết bởi một trong những nhà văn đương đại vĩ đại nhất nước Mỹ này được đặt theo tên một vở kịch dụ ngôn khuyết danh từ thế kỷ mười lăm.
Nhưng không hẳn như vở kịch ấy, Người phàm của thời hiện đại này là một nghệ sĩ thị trường làm việc cho một hãng quảng cáo ở New York, với ba cuộc hôn nhân thất bại, ba người vợ hoàn toàn khác nhau, hai đứa con trai căm ghét ông, một cô con gái yêu thương ông hết mực, một tuổi trẻ sống động theo sau đó là cuộc vật lộn dai dẳng với bệnh tật và tuổi già dưới hình hài vô số lần phẫu thuật, sáu ống stent và máy khử rung tim.
Philip Roth đã lần theo số phận của Người phàm này từ lần chạm trán choáng váng với cái chết trên bờ biển New Jersey êm đềm thời thơ ấu tới những năm tháng sau này, khi ông chứng kiến sự lụi tàn của sinh mệnh ở những người cùng thời mình, sự hủy hoại của sức khỏe bản thân, và cả lòng tự tin cùng niềm hy vọng vẫn thường đi kèm sức khỏe ấy. Thông qua người đàn ông không mang tên này, Philip Roth đã kể một câu chuyện vừa riêng tư vừa phổ quát về đời người, về mất mát, về tội lỗi, về ân hận, về nỗi sợ hãi, về lòng ham sống và can đảm vô song của con người trong hành trình đi tới đích cuối của số phận.
***
Nhận định
“Cuốn sách nhỏ tinh tế này lấp lánh những bí ẩn và hối tiếc của cả một đời người…”
- Lionel Shriver, Daily Telegraph
"Nếu ta tìm chỉ một nhà văn xuất sắc nhất trong vòng hai mươi lăm năm qua, [Roth] sẽ là người chiến thắng.”
- Nhà phê bình A.O. Scott, New York Times
“Rất hiếm nhà văn có thể viết sống động như Roth về sức tàn phá của các cuộc hôn nhân thất bại và thuyết phục như Roth về sự bất khả của lòng chung thủy hay tình yêu.”
- Tim Adams, Obserbver
“Văn phong của Roth có vẻ thẳng thắn không thỏa hiệp, nhưng thực ra tinh tế và khéo léo… Một câu chuyện nhân bản dành cho thời đại chúng ta.”
- A.S. Byatt, New Statesman
“Thiên tài của cuốn tiểu thuyết ngắn ảm đạm nhưng xuất sắc này đến từ cái cách Roth chuyển những nhận định u sầu của mình về cái chết thành một điều mang lại sức mạnh: sự chấp nhận đầy giận dữ rằng đạo đức là cái giá ta cần trả để có được cái kỳ quan tối thượng mang tên cuộc sống ấy.”
- Douglas Kennedy, Times
***
[Philip Milton Roth](http://dtv-ebook.com/tim-kiem.html?keyword=philip Roth)
(sinh ngày 19/3/1933) tại New Jersey, Mỹ trong một gia đình Do Thái nhập cư. Ông tốt nghiệp ngành Ngữ Văn tại Đại học Bucknell, tiếp đó học cao học Văn chương Anh tại Đại học Chicago. Roth dạy sáng tác tại Đại học Iowa và Đại học Princeton. Sự nghiệp học thuật của ông tiếp tục tại Đại học Pennsylvania cho tới khi về hưu vào năm 1991.
Trong khi ở Chicago, Roth đã gặp Saul Bellow và Margaret Martinson Williams, người sau này trở thành vợ ông. Cuộc chia tay với Margaret năm 1963, cùng cái chết của bà năm 1968 đã để lại rất nhiều dấu ấn trong các tác phẩm của Roth, đặc biệt là trong When She Was Good và My Life As a Man. Trước khi được xuất bản cuốn sách đầu tiên vào năm 1959, Roth có hai năm phục vụ trong quân đội và từng viết nhiều truyện ngắn, phê bình cho tạp chí. Mãi đến năm 1990, ông mới tái hôn với người bạn lâu năm, Claire Bloom, một diễn viên người Anh. Năm 1994 họ chia tay và hai năm sau Bloom xuất bản một cuốn hồi ký miêu tả chi tiết cuộc hôn nhân ấy. Nhiều nhà phê bình cho rằng một vài chi tiết trong I Married a Communist đã được viết để phản đối những lời buộc tội đưa ra trong hồi ký của Bloom.
Philip Roth là nhà văn đương đại lớn của Mỹ với hai lần được tặng giải thưởng National Book Award, hai lần nhận giải National Book Critics Circle Award (do giới phê bình trao), và ba lần nhận giải PEN/Faulkner Award. Năm 1998, ông nhận giải Pulitzer cho tiểu thuyết American Pastor, khắc họa nhân vật nổi tiếng nhất của ông: Nathan Zuckerman. Cùng năm đó, Philip Roth lại được vinh danh bằng Huân chương Nghệ thuật Quốc gia cao quý tại ngay Nhà Trắng. Năm 2001, The Human stain, một tiểu thuyết nữa về Zuckerman, đã giành được giải WH Smith Literary Award của Anh. Sau đó một năm, ông nhận được giải thưởng cao nhất của Viện hàn lâm Nghệ thuật và Văn học Mỹ - Huân chương Vàng Tiểu thuyết - giải từng được trao cho John Dos Passos, William Faulkner và Saul Bellow. Năm 2005, The Plot Against America nhận được giải của Hội sử gia Mỹ cho "cuốn tiểu thuyết lịch sử xuất sắc có chủ đề nước Mỹ năm 2003-2004", đồng thời được hơn một tờ báo lớn bình chọn là tiểu thuyết xuất sắc nhất năm. Tại Anh, The Plot Against America cũng giành giải WH Smith Literary Award, biến Roth trở thành nhà văn đầu tiên hai lần đoạt giải trong suốt bốn mươi sáu năm lịch sử giải này.
Năm 2005, Philip Roth trở thành nhà văn Mỹ thứ ba được Library of America xuất bản toàn tập ngay từ khi còn sống. Tập thứ tám dự kiến sẽ ra đời vào năm 2013.
Đây, nơi con người ngồi nghe tiếng nhau than thở;
Nơi sự tê liệt làm run rẩy nhúm tóc bạc buồn bã cuối cùng,
Nơi tuổi trẻ úa tàn, mong manh như bóng ma rồi lụi tắt;
Nơi chẳng thể nghĩ gì ngoài nỗi sầu muộn chứa chan…
- JOHN KEATS, "Tụng ca một chú Sơn ca"
Mời các bạn đón đọc Người Phàm của tác giả Philip Roth