221 khẩu súng máy biến mất khỏi kho vũ khí quân sự quốc gia. Mười vụ cướp tàn bạo. Một quả bom phát nổ ở Nhà ga Trung tâm Stockholm. Không nhân chứng nào tường tận chuyện đã xảy ra, giới cảnh sát như bị bịt mắt, cả đất nước chìm trong hoảng loạn…
Đó không chỉ là những tình tiết trong Băng cướp Thụy Điển mà chính là chuỗi sự kiện gây chấn động đất nước này hồi đầu thập niên 1990, và giờ đây tất cả được thuật lại sống động dưới ngòi bút người anh em trai của ba tên cướp lừng danh. Khắc họa rõ nét và chân thực từng vụ cướp khét tiếng, đồng thời cũng đi sâu vào mối quan hệ gia đình phức tạp nhưng khăng khít, Băng cướp Thụy Điển là một trong những tiểu thuyết tội phạm đáng đọc nhất năm nay.
“Hoàn toàn điên rồ, hoàn toàn liều lĩnh, và hoàn toàn xuất sắc…” - Nordjyske Stiftstidende
“Độc nhất và choáng ngợp. Một trong những tiểu thuyết lôi cuốn nhất của năm.” - Nhà văn Stephen Booth
“Một cuốn sách sâu sắc… miêu tả và phân tích tâm lý tội phạm vô cùng khéo léo và thuyết phục.” - Diversioni
“Sự hòa hợp hoàn hảo của thực tế và hư cấu.” - Skanska Dagladet
***
Từ xưa đến nay, bạo lực và giận dữ chẳng bao giờ giải quyết được vấn đề. Mahatma Gandhi từng nói “An eye for an eye only ends up making the whole world blind” (tạm diễn dịch: Nếu ai cũng báo thù bằng cách 1 mắt trả 1 mắt thì thế giới sẽ toàn là người mù). Bạo lực có thể nào xuất phát từ tình thương và sự che chở không? Nếu dựa vào thứ gọi là “tình cảm gia đình” mà tự cho mình cái quyền đối xử bạo lực với người thân thì Biển nghĩ hành động đó thật sai lầm, vừa hại mình vừa hại người, và chỉ đẩy mọi người vào cảnh chỉ còn thân thể tồn tại nhưng tâm hồn đã hoàn toàn mất đi.
Đã lâu rồi mới có 1 quyển sách đem đến cho Biển nhiều cung bậc cảm xúc như thế. Tuy mới vài tuần trước, quyển “Trảng đất trống” của Robert Dugoni đã khiến Biển khóc 3 lần, nhưng chính quyển “Băng cướp Thụy Điển” này mới khiến Biển từ bất mãn, giận dữ chuyển sang thỏa mãn, rồi lại hoang mang suy tư đủ điều. Qủa thật, những quyển sách được viết bởi 2 tác giả có những nét rất đặc sắc so với những quyển được viết bởi 1 tác giả. Nếu như ở quyển “Dị chủng”, từng dòng chữ bình thường cũng đem lại cảm giác bất an bồn chồn, thì ở quyển “Băng cướp Thụy Điển”, từng chương sách đều khiến Biển cảm thấy 1 sự giận dữ ngấm ngầm.
Tính ra thì Biển đọc quyển này suốt 3 tháng, từ tháng 3~5/2018, vì những đoạn đầu khiến Biển rất bất mãn & không muốn đọc tiếp. 1 người vợ bị chồng bạo hành, 1 người phụ nữ khác thì chấp nhận lìa xa con mình để sống chung / để yêu 1 người đàn ông, người mà đem đến cho cô nhiều ngày giờ căng thẳng hơn là những giây phút yêu thương và an toàn. Nhưng rốt cuộc Biển đã lướt qua cảm giác bất mãn ban đầu để theo dõi tiếp quyển sách, càng về sau câu chuyện càng lôi cuốn. Tuy đầu sách có 2 dòng mang tính chất rất đánh đố như sau “Điều này cũng chẳng lấy gì làm quan trọng. Nhưng cuốn sách này được viết dựa trên một câu chuyện có thật” thì Biển cũng không hoàn toàn tin là nó có thật. Nhưng dù có thật hay không thì đây vẫn là 1 câu chuyện rất ấn tượng.
Tưởng như bạo lực tràn ngập các vụ cướp, nhưng cá nhân Biển lại tập trung vào những tình tiết mà tính nhân văn được hé mở, tập trung vào những khoảnh khắc mà sự thiện lương còn nguyên vẹn chưa bị đánh mất. Chính những khoảnh khắc ấy đã lôi kéo Biển tiếp tục đọc. Những câu chữ miêu tả tâm lý tuyệt vời, cứ như người đọc đang được ở cạnh và chứng kiến trực tiếp từng khung hình. Đọc xong quyển này và những quyển khác của các nhà văn Thụy Điển, Biển chợt tự hỏi : chẳng lẽ ở 1 đất nước thuộc Châu Âu văn minh lại có tỷ lệ tội phạm và bạo lực cao như vậy sao, hay đó chỉ là tiểu thuyết?
Sách khá to, dày, đúng kiểu Biển thích. Bìa có màu sắc đẹp, thiết kế sáng tạo. Trình bày hoàn hảo, chữ in to rõ, dịch thuật rất tốt, không có lỗi chính tả hay lỗi đánh máy. Nhã Nam đã thành công rực rỡ khi xuất bản quyển sách này. Biển không thuộc loại thích khen 1 cách quá mức như thế này, nhưng Biển buộc phải khen quyển “Băng cướp Thụy Điển” này vì không có chỗ nào để chê. Biển cho điểm 10/10 vì đây là 1 siêu phẩm xứng đáng với mức điểm đó, nhưng nếu kết cuộc của nó lạc quan hơn thì Biển sẽ cho điểm cao hơn, khoảng 14/10. Đây là 1 quyển sách xứng đáng có trên kệ của các mọt sách nói chung và các mọt trinh thám nói riêng.
***
Bà Ariadne Oliver đi với người bạn ở cùng, bà Judith Butler, giúp chuẩn bị một bữa tiệc cho các trẻ em trong vùng, diễn ra vào buổi tối hôm ấy.
Khung cảnh hoạt động chuẩn bị lúc này hết sức rộn rịp. Các bà các cô hăng hái đi ra đi vào, người kê bàn, người giúp chuyển những chiếc ghế nhỏ, bê lọ hoa, và rất nhiều quả bí ngô đặt vào những chỗ được định sẵn một cách có chủ ý.
Hôm nay là tiệc Hallowéen cho các vị khách độ tuổi từ mười đến mười bảy.
Tách ra khỏi đám người hối hả trong phòng, bà Oliver đứng dựa vào bức tường trống, săm soi nhìn trái bí ngô khổng lồ trên tay.
“Lần gần đây nhất tôi nhìn thấy bí ngô,” bà nói, tay khẽ vuốt những sợi tóc muối tiêu vương trên vầng trán cao, “là ở Mỹ hồi năm ngoái - cả trăm trái ấy. Bày khắp trong nhà. Đời tôi chưa thấy nhiều bí ngô thế bao giờ. Mà kỳ thực,” bà nói thêm, vẻ trầm ngâm, “tôi chẳng phân biệt nổi đâu là bí ngô và đâu là bí đao. Đây là loại nào nhỉ?”
“Xin lỗi, bồ,” bà Butler vội nói khi vấp phải chân bà bạn.
Bà Oliver càng nép sát vào tường.
“Là lỗi của tôi,” bà nói. “Tại tôi cứ đứng quẩn chân, chắn lối mọi người đi lại. Nhưng hồi đó họ tổ chức cũng hoành tráng lắm, bao nhiêu là bí ngô, hay bí đao gì đó. Đi đâu cũng thấy, trong cửa hàng cửa hiệu, rồi thì từ nhà ra ngõ, khắp mọi nơi, người ta còn thắp nến hoặc đèn bên trong trái bí, hoặc buộc dây treo chúng lên. Hết sức vui mắt. Nhưng dịp ấy lại không phải trang trí cho tiệc Hallowéen, mà là Lễ Tạ ơn. Tôi thì cứ thấy bí ngô là lại nghĩ đến Hallowéen, tức là cuối tháng 10. Lễ Tạ ơn muộn hơn nhiều chứ nhỉ? Có phải tháng 11 không? Tầm tuần thứ ba của tháng 11 gì đấy? Dẫu sao thì, lại nói, Hallowéen là ngày 31 tháng 10 phải không? Đầu tiên là Hallowéen, rồi sau đó là gì nhỉ? Lễ Các đẳng linh hồn à? Ngày ấy ở Paris người ta đến nghĩa trang và đặt hoa viếng mộ. Cũng không phải ngày lễ buồn thảm gì đâu. Ý là, cả trẻ con cũng đi viếng nữa, và chúng thích thú lắm. Đầu tiên mọi người phải ra chợ hoa và mua thật nhiều nhiều hoa đẹp. Chẳng hoa ở đâu trông đẹp mắt bằng hoa ở Paris bán ở chợ ấy cả.”
Các bà các cô hối hả qua lại, thi thoảng lại vấp phải bà Oliver, nhưng chẳng ai nghe bà nói. Ai cũng quá bận với công việc đang làm.
Đa số họ là các bà mẹ, có một vài bà cô chưa chồng tháo vát; cũng có những cậu trai mười sáu mười bảy trèo thang hoặc đứng lên ghế để treo đồ trang trí, bí ngô hoặc bí đao, hoặc treo những quả cầu màu sắc sặc sỡ ở ngang tầm mắt; còn các cô bé mười một mười lăm tuổi túm tụm thành nhóm cười khúc khích.
“Rồi sau ngày Các đằng và viếng mộ ấy,” bà Oliver lại tiếp tục, khẽ tựa người xuống tay vịn ghế sofa nhỏ, “là đến Lễ Các thánh. Tôi nói có đúng không nhỉ?”
Không ai trả lời bà. Bà Drake, một phụ nữ trung niên quý phái, cũng là gia chủ tổ chức bữa tiệc, cất tiếng tuyên bố:
“Tôi không định gọi đây là tiệc Hallowéen gì cả, dù tất nhiên, nó đúng là như thế. Tôi sẽ gọi đây là bữa tiệc Trên Mười Một Tuổi. Để chỉ độ tuổi người tham dự, hầu hết là những người sắp học hết trường Elms* và tiếp tục học lên các trường khác.”
Elms là trường nội trú nam nữ ở Colwall, Herefordshire, Anh, dành cho trẻ em từ 2,5 đến 13 tuổi.
“Nhưng gọi thế không chính xác lắm, có đúng không, Rowena?” cô Whittaker nói, tay chỉnh cặp kính không gọng trên mũi, ra vẻ không tán thành.
Cô Whittaker vốn là giáo viên trường làng, rất kỹ tính về chuyện đúng sai trong lời ăn tiếng nói.
“Vì chúng ta đã bãi bỏ chế độ trên mười một tuổi từ lâu rồi mà.”
Bà Oliver đang ngồi tựa vào tay ghế vội đứng dậy, tỏ vẻ hối lỗi. “Nãy giờ tôi chẳng giúp được gì cả, toàn ngồi đây nói chuyện linh tinh về bí ngô với bí đao.” Và cho phép chân mình ngơi nghỉ một lúc, bà nghĩ thầm, lương tâm hơi có chút bứt rứt, nhưng lại chẳng đủ cảm giác tội lỗi để nói to suy nghĩ ấy ra.
“Tiếp theo tôi có thể giúp gì đây?” bà hỏi, rồi chợt thốt lên: “Mấy quả táo này đẹp quá đi mất!”
Ai đó mới bưng một tô lớn đựng táo vào đặt trong phòng. Bà Oliver vốn rất mê táo.
“Táo đỏ đẹp quá,” bà tấm tắc khen.
“Ăn không ngon lắm đâu,” bà Rowenda Drake tiếp lời. “Nhưng được cái trông đẹp mắt và hợp với buổi tiệc. Chỗ táo này là để cho bọn trẻ chơi trò dùng miệng lấy táo trong thau nước. Chúng khá mềm nên dễ cắn hơn. Bưng tô này vào trong phòng đọc sách được không, Beatrice? Trò cắn táo này lúc nào cũng làm nước bắn tung tóe khắp sàn, nhưng thôi kệ, thảm phòng đọc sách đằng nào cũng cũ rồi. Ôi! Cảm ơn cháu nhé Joyce.”
Joyce, cô bé mười ba tuổi người rắn rỏi, hăng hái bưng tô đựng táo lên. Hai quả bị rơi xuống sàn và lăn tới chân bà Oliver thì ngừng lại, như thể có ai vẩy đũa phép điều khiển chúng vậy.
“Bà thích táo mà, phải không,” Joyce nói. “Cháu có đọc được là bà thích táo, hoặc có khi cháu nghe trên tivi người ta nói thế cũng nên. Bà chính là người hay viết truyện trinh thám đúng không ạ?”
“Đúng vậy,” bà Oliver đáp.
“Chắc phải mời bà làm gì đó liên quan đến mấy vụ án mạng mới được. Bà dựng một vụ án mạng trong buổi tiệc tối nay và cho mọi người phá án đi.”
“Không, cảm ơn cháu,” bà Oliver nói. “Đủ lắm rồi.”
“Là sao ạ? Sao lại đủ lắm rồi?”
“Ờ thì, ta từng làm thế một lần, và kết quả không thành công chút nào,” bà Oliver nói.
“Nhưng bà đã viết rất nhiều sách,” Joyce hào hứng, “bà kiếm được rất nhiều tiền nhờ đó phải không ạ?”
“Ở một chừng mực nào đó,” bà Oliver đáp, tâm trí lang thang trở về Inland Revenue.
“Và bà có một thám tử là người Phần Lan nữa.”
Bà Oliver thừa nhận. Một cậu bé khác trông có vẻ lãnh đạm, bà Oliver đoán hẳn phải hơn mười một tuổi, nói với vẻ nghiêm nghị: “Sao lại là Phần Lan?”
“Ta cũng thường tự hỏi như thế,” bà Oliver thành thực trả lời.
Bà Hargreaves, vợ người đánh đàn ống ở nhà thờ thở hổn hển bước vào phòng, tay bê một xô nhựa lớn màu xanh lá cây.
“Cái này thì sao,” bà nói, “để chơi trò cắn táo ấy? Có vẻ màu mè rực rỡ đấy, tôi nghĩ thế.”
Cô Lee, người bán thuốc theo toa bác sĩ, đáp: “Xô mạ kẽm thì tốt hơn. Thế mới khó lật. Bà định đặt cái này ở đâu đây, bà Drake?”
“Tôi đã nghĩ trò cắn táo nên tổ chức trong phòng đọc sách. Tấm thảm phòng ấy cũng đã cũ rồi, và thể nào cũng có nước vương vãi cho xem.”
“Được rồi. Vậy để chúng tôi bưng xô này theo luôn. Rowena, đây thêm một giỏ táo nữa này.”
“Để tôi giúp,” bà Oliver xăng xái.
Bà nhặt hai quả táo dưới chân lên. Gần như quên bẵng mất mình đang làm gì, bà đưa một quả lên miệng cắn và bắt đầu nhai rau ráu. Bà Drake đưa tay giật lại quả táo thứ hai và đặt trở vào giỏ. Cả phòng dậy lên tiếng nói chuyện ồn ào.
“Vâng, nhưng giờ biết tìm đâu ra hoa mõm sói?”
“Bà phải có hoa mõm sói đặt trong phòng đọc sách chứ, đấy chắc là phòng tối nhất nhà rồi.”
“Không, chúng ta phải đặt hoa trong phòng ăn.”
“Ta phải phủ cái gì lên bàn trước đã.”
“Bàn đã bọc một lớp vải len tuyết dài, rồi lại phủ một tấm cao su lên nữa.”
“Thế còn các tấm gương? Chúng ta sẽ nhìn được các ông chồng trong đó chứ?”
Len lén cởi giày và vẫn khẽ nhai miếng táo trong miệng, bà Oliver lại thả người trở xuống chiếc sofa nhỏ và chăm chú quan sát căn phòng đầy người qua lại. Lúc này bà bắt đầu dùng đầu óc nữ tác giả của mình để suy nghĩ: “Giờ thì, nếu mình định viết một cuốn sách về tất cả những người này, mình nên viết gì nhỉ? Họ đều là những người tử tế, mình nghĩ là vậy, nhưng ai mà biết được?”
Một mặt, bà cảm thấy thật thú vị khi không biết gì về họ. Tất cả đều sống ở Woodleigh Common, vài người bà có biết đôi chút qua lời kể của Judith. Cô Johnson - hình như có liên quan nhà thờ, nhưng không phải là em gái của mục sư. À không, cô ấy là em người đánh đàn ống mới phải, đúng rồi. Rowena Drake, hình như chuyên chỉ đạo các hoạt động chung trong vùng Woodleigh Common này. Và cả người phụ nữ đang thở hổn hển sau khi bưng cái xô nhựa lúc nãy, một cái xô xấu đến phát gớm. Bản thân bà Oliver vốn chẳng bao giờ ưa nổi đồ nhựa. Rồi bọn trẻ con và các cô cậu tuổi choai.
Đến bây giờ tất cả chỉ mới là những cái tên trong đầu bà Oliver. Cô bé Nan này, Beatrice này, Cathie, Diana này và Joyce, một cô bé khoác lác và hay hỏi lung tung. Mình không thích cô bé Joyce này lắm, bà Oliver thầm nghĩ. Cô bé kia tên là Ann, trông cao ráo và kẻ cả. Rồi hai cậu thiếu niên, hình như thích thử các kiểu tóc khác lạ, chỉ có điều kết quả không được tốt đẹp lắm.
Một cậu bé người nhỏ nhắn rụt rè bước vào phòng.
“Mẹ bảo cháu đem những tấm gương này đến xem có dùng được không,” cậu nói, giọng như hụt hơi.
Bà Drake đón lấy các tấm gương: “Cảm ơn cháu nhiều nhé, Eddy.”
“Chỉ là gương cầm tay bình thường thôi mà,” cô gái tên Ann lên tiếng. “Có thật bọn cháu sẽ nhìn thấy mặt chồng tương lai trong đó không?”
“Có đứa sẽ thấy, có đứa không,” Judith Butler đáp, vẻ bí hiểm.
“Bà đã bao giờ thấy mặt chồng mình khi đến một bữa tiệc chưa ạ - ý cháu là những bữa tiệc như thế này này?”
“Tất nhiên là chưa rồi,” Joyce đáp thay.
“Có lẽ bà ấy đã thấy rồi,” Beatrice lên giọng kẻ cả. “Cái đó người ta gọi là giác quan thứ sáu,” cô bé nói thêm, giọng hài lòng vì mình thông thạo những từ ngữ hợp thời.
“Cháu đã đọc truyện của bà,” Ann nói với bà Oliver, “The Dying Goldfish. Cuốn đó hay đấy ạ.” cô bé lịch sự tán dương.
“Cháu lại không thích cuốn đó,” Joyce lên tiếng. “Không đủ máu me. Cháu thích những vụ án đổ máu thật nhiều ấy.”
“Thế thì hơi bẩn,” bà Oliver nói, “cháu không thấy vậy sao?”
“Nhưng rất ly kỳ,” Joyce đáp.
“Cũng không hẳn,” bà Oliver nói.
“Cháu đã chứng kiến một vụ án mạng đấy,” Joyce la lên.
“Đừng có ăn nói hàm hồ vậy chứ, Joyce,” cô giáo Whittaker lên tiếng.
Mời các bạn đón đọc Băng Cướp Thụy Điển của tác giả Anders Rosluno & Stefan Thunberg.