Ngày 19/8, độc giả nước Mỹ cầm trên tay cuốn tiểu thuyết 'The man in dark' của nhà văn Paul Auster. Và cùng ngày này, bản dịch cuốn sách do dịch giả Trịnh Lữ thực hiện với tựa 'Người trong bóng tối' cũng xuất hiện trên các kệ sách.
Người trong bóng tối là câu chuyện về August Brill, một nhà phê bình văn học 72 tuổi, bị tai nạn phải ngồi một chỗ. Trong khi ông ngồi trên xe lăn hay nằm lì trên giường, chong chong mất ngủ, thì một thế giới khác, một "thực tại song hành" đang diễn ra với đầy những phức tạp và phi lý. Thực tại ấy đúng là do trí tưởng tượng của August Brill tạo ra, đưa đẩy ảo thuật gia Owen Brick vào một nước Mỹ khói lửa của cuộc nội chiến lần thứ hai, như cách lý giải của tác giả: "Chuyện chiến tranh. Cứ mất cảnh giác một tí thôi là chúng ào đến, từng trận một, từng trận một". Và chiến tranh vẫn chỉ là cái cớ để Paul Auster kể những câu chuyện nhiều ngụ ý của mình.
Trước đó, hai tác phẩm của Paul Auster là Trần trụi với văn chương và Nhạc đời may rủi đã được dịch và phát hành tại Việt nam.
***
Paul Auster sinh năm 1947 tại thành phố Newark, bang New Jersey (Mỹ) trong một gia đình Do Thái trung lưu gốc Ba Lan. Tốt nghiệp đại học Columbia năm 1970, ông sang Paris và sống bằng việc dịch văn học Pháp. Năm 1974, ông trở lại Mỹ và bắt đầu sáng tác. Tên tuổi Paul Auster bắt đầu nổi lên khi bộ ba tiểu thuyết The New York Trilogy (đã được dịch sang tiếng Việt với tựa Trần trụi với văn chương), trong đó ông tạo nên hình thức hậu hiện đại riêng biệt của mình.
***
Tôi một mình trong bóng tối, đang quay cuồng vật lộn với một cơn mất ngủ nữa, một đêm trắng nữa trong chốn hoang mạc Mỹ vĩ đại. Trên gác, con gái và cháu gái tôi đang ngủ trong phòng của chúng, đứa nào cũng một mình. Miriam, bốn mươi bẩy tuổi, đứa con duy nhất của tôi, đã ngủ một mình từ 5 năm qua, và Katya hai mươi ba tuổi, đứa con duy nhất của Miriam, trước đây vẫn ngủ với một thanh niên tên là Titus Small, nhưng giờ thì Titus đã chết rồi, và Katya ngủ một mình với con tim tan nát của nó.
Sáng trưng, rồi bóng tối. Nắng dội xuống từ mọi ngả trời, sau đó là đêm đen, những vì sao im lặng, gió xao động lá cành. Lệ thường là vậy. Tôi đã sống trong ngôi nhà này được hơn một năm nay, suốt từ ngày họ cho tôi xuất viện. Miriam cứ nhất định là tôi phải về đây. Lúc đầu chỉ có hai bố con, với một hộ lý hàng ngày đến chăm tôi trong lúc Miriam đi làm. Thế rồi, ba tháng sau đó, tai họa giáng xuống đầu Katya, và nó bỏ dở trường điện ảnh New York để về nhà với mẹ ở Vermont.
Cha mẹ thằng bé ấy đã lấy tên đứa con trai của nhà danh họa Rembrandt ngày xưa để đặt cho nó, thằng bé của những bức tranh, đứa nhỏ tóc vàng với cái mũ đỏ, cậu học trò mơ mộng ngỡ ngàng với những bài học của mình, thằng bé đã lớn lên trong bệnh tật và chết khi mới trên hai chục tuổi đầu, hệt như Titus của Katya[1]. Một cái tên tuyệt mệnh, nhẽ ra phải bị cấm tiệt từ lâu rồi. Tôi thường nghĩ đến cái chết của Titus, câu chuyện khủng khiếp của cái chết ấy, những hình tượng của cái chết ấy, đám tro tàn trắng xóa của nó bao phủ lên đứa cháu gái buồn khổ của tôi, nhưng tôi không muốn lại về miền ý nghĩ ấy nữa, nhất là bây giờ, tôi phải tránh xa nó, càng xa càng tốt. Đêm còn rất dài, và khi tôi nằm trên chiếc giường này nhìn vào bóng tối, một thứ bóng tối đậm đặc đến mức cả trần nhà cũng không còn thấy đâu nữa, tôi bắt đầu nhớ đến câu chuyện mình đã bắt đầu đêm hôm trước. Đó là việc tôi làm khi giấc ngủ không chịu đến. Tôi nằm trên giường và tự kể chuyện cho mình. Có thể những câu chuyện ấy chẳng đi đến đâu, nhưng cứ còn sống với chúng thì tôi còn không phải nghĩ đến những thứ mình vẫn muốn quên đi. Nhưng tập trung cũng không phải là dễ, và thường thì cuối cùng tâm trí tôi vẫn cứ trôi khỏi câu chuyện mình đang cố kể và dạt vào những thứ mình chẳng muốn nghĩ đến chút nào. Chẳng biết làm sao được. Tôi vẫn cứ thua như thế, thua nhiều hơn được, nhưng không có nghĩa là tôi không chịu gắng hết sức mình.
…
Mời các bạn đón đọc Người Trong Bóng Tối của tác giả Paul Auster.