Evan Hunter lúc chưa lấy tên Ed Mc Bain, đã viết nhiều tiểu thuyết và truyện ngắn dưới nhiều tên khác nhau, được một nhà xuất bản đề nghị viết một loạt truyện về vụ án. Ông chọn nhân vật chính trong loạt truyện đó là cả một đơn vị cảnh sát. Ông nói:
“Tôi muốn nói về những người khám phá ra án mạng trong thực tế. Tôi cố gắng thể hiện công việc hàng ngày của những nhân viên cảnh sát ở một thành phố lớn, muốn xây dựng một lớp người hình dạng và tính cách khác nhau nhưng tập hợp lại cùng tạo ra một người anh hùng: đội Cảnh sát Quận 87. Việc đó chưa từng được làm và quan niệm này cho phép tôi đưa những nhân vật mới vào tập thể đã có. Toàn đội là người anh hùng trong truyện và không người nào trong đội buộc phải có hoặc không thể thay thế được. Trong đời sống thực tế, một cảnh sát có thể bị giết hay bị thương.”
Trong các thanh tra cảnh sát ở Quận 87 Steve Carella được nói đến nhiều nhất, cả về tiểu sử. Gốc Ý, sinh ở Jsola, anh tham gia mặt trận Ý trong thế chiến thứ hai và vào ngành Cảnh sát 21 tuổi.
Steve Carella là một cảnh sát liêm khiết, nhân hậu, có trách nhiệm cao trong công việc. Anh cũng là còn người bình tĩnh, không tha thứ đầu óc phân biệt chủng tộc, không thờ ơ với cái chết và có khả năng thông cảm với tất cả những ai anh phải tiếp xúc vì nghề nghiệp. Trực giác nhạy cảm, minh mẫn, ngoan cường, anh có khả năng cảm thụ rất cao: điều này được Mc Bain nói lên một cách hình ảnh bằng gán cho anh một người vợ câm điếc: Teddy.
Gia đình sống hạnh phúc - họ có hai con sinh đôi - Carella không ngừng suy nghĩ về cuộc đời mỗi khi có dịp nghề nghiệp đưa lại. Chính tiềm năng nhân đạo, cái nhìn nhiệt tình đối với mọi người và cuộc sống làm anh trở thành hấp dẫn, được trìu mến.
Xung quanh Carella, Quận 87 như là cả một gia đình: cảnh sát trưởng Peter Byrnes lãnh đạo đơn vị, như một người cha; Meyer Meyer là anh cả có đức tính kiên nhẫn nổi bật. Là người Do thái nhưng không cố chấp về giáo lý, anh đặt ra nhiều vấn đề về tính cách Do Thái và vị trí của người Do Thái hiện đại. Bert Kling là em út, rất gắn bó với Carella, trải qua hai cuộc thực tập khó khăn trong quá trình trưởng thành: nghiệp vụ cảnh sát nhiều khi rất nguy hiểm và lĩnh vực tình cảm riêng tư.
Và những người khác: Cotton Hawes tóc hung, con của một mục sư, rất nhiều quan hệ với phái nữ; Arthur Brown, người da đen duy nhất trong đội; Hal Willis người nhỏ bé nhưng không kém nổi danh; Rogeru Havilland, anh cảnh sát hung bạo và thoái hóa; Grossman, người phụ trách phòng xét nghiệm.
Tất cả đều có vai trò; quan trọng trong bối cảnh xuất hiện, len lỏi khắp nơi và có vẻ trở về hậu trường Quận 87.
Còn một lớp người khác không là thành phần của Quận 87 nhưng đóng vai trò những kẻ điên khùng, lúc này lúc khác làm cho các thanh tra cảnh sát “điên người”: Những hung thủ, những kẻ vô lại gian ngoan luôn xuất hiện từ hư không, chơi trò trốn tìm với cảnh sát.
Ed Mc Bain diễn tả những vụ việc trong một thành phố tưởng tượng, thành phố lớn Isola với những khu vực xen kẽ rất khác nhau: có những khu dinh cơ tầng lớp trên, những khu trung lưu, những khu Do Thái và những căn nhà lụp xụp, rác bẩn. Thành phố tập trung mọi tầng lớp xã hội và tiếp nhận dân cư của mọi bộ tộc thiểu số.
Việc điều tra những vụ án tiến hành trực diện hoặc theo bước nhảy trong cùng một việc như diễn biến ở một đơn vị mà cảnh sát viên phải giải quyết nhiều vụ cùng một lúc. Như vậy, sự việc này có thể đối chiếu với sự việc khác, phối hợp giữa chúng với nhau, gây ra những bất ngờ, nhận rõ được nhiều mặt của sự việc. Tác giả biết thay đổi kết cấu, nhiều khi dựa vào tính chất xảo quyệt của tội phạm, thay đổi phương pháp kể, phân tích diễn biến tâm lý phá án, phong cách xã hội trong suốt ba mươi năm tại của Quận Cảnh sát 87 sử dụng lối ghi chép việc để dõi theo số phận các nhân vật.
***
Nhà văn trinh thám Mỹ Salvadore Lombino sinh năm 1926 tại một xóm người Italia ở New York. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, ông vào học Trường cao đẳng Mỹ thuật. Trong những năm chiến tranh, Lambino phục vụ tại binh chủng Hải quân và bắt đầu viết truyện ngắn. Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, ông tốt nghiệp Trường cao đẳng Hunter.
Năm 1952 Lombino chính thức đổi tên thành Evan Hunter, theo tên của ngôi trường phổ thông và cao đẳng nơi ông đã học. Ông từng làm nhân viên bán tôm hùm, chơi piano trong một giàn nhạc jazz, dạy học ở trường phổ thông, làm nhân viên quảng cáo. Một lần, với tư cách là đại lý văn học, Salvadore Lambino đã mang tới nhà xuất bản những tập bản thảo của Evan Hunter, nghĩa là của chính mình.
Evan Hunter rất nổi tiếng trong giới những người hâm mộ thể loại trinh thám với bút danh Ed McBain độc nhất vô nhị, tác giả của những cuốn tiểu thuyết về đồn cảnh sát 87 - một chùm tiểu thuyết trinh thám dài, đa dạng và rất nổi tiếng.
Theo ý đồ của tác giả, đồn 87 nằm ở một “thành phố tưởng tượng” nào đó, tuy nhiên độc giả tinh ý dễ dàng nhận ra trong đó New York, mặc dù tên gọi các đường phố, đại lộ và các địa danh khác đã được thay đổi. “Thành phố” chia thành 5 quận: Isola (Manhattan), nơi đồn 87 đóng, Riverhad (Bronks), Magesta (Quins), Calm-Point (Brooklin) và Bestawn (Steiten-Ireland).
Ai đó có thể lấy làm ngạc nhiên rằng hai con sông xuyên qua “thành phố” - Hurb và Dike (Goojon và East-River), chảy về phía tây, trong khi “thành phố” lại nằm bên bờ phía đông. Theo chủ ý của Ed McBain, New York “quay” xung quanh trục của nó, vì vậy phía bắc trở thành phía đông, phía đông trở thành phía nam… phù hợp hoàn toàn với cực từ của trái đất.
Đồn 87 nằm ở một vị trí khiến các nhân viên của nó buộc phải trình diễn tài năng trinh thám của mình khi khám phá các vụ tội phạm xảy ra trong các tầng lớp trên, cũng như ở dưới “đáy” xã hội của nước Mỹ. Phạm vi của đồn bao quát cả những khu sang trọng, vùng ngoại vi trù phú, phần lãnh thổ, nơi sinh sống của đại diện giai cấp trung lưu, lẫn các khu nhà ổ chuột, phố “đèn đỏ”, và thậm chí một số biệt thự kiến trúc kiểu gothique cổ kính.
Các cuốn tiểu thuyết của Ed McBain đáp ứng tất cả những tiêu chuẩn của thể loại trinh thám. Hoạt động trong đó không chỉ là một người hùng đơn độc, mà còn cả một đội cảnh sát nhà nghề được phối hợp chặt chẽ. Thậm chí nếu một nhân vật nào đó của Ed McBain trở nên vượt trội (ví dụ, trong nhiều tiểu thuyết công lao khám phá tội phạm thuộc về Stev Carrele), hành động của anh ta cũng không thể mang lại những kết quả mong muốn, nếu như không có sự giúp đỡ và ủng hộ của các thám tử khác.
Đồn 87 có cái gì đó giống như Con thuyền Noe, nơi tập hợp rất nhiều những con người khác nhau, được liên kết bởi một mục đích chung: quét sạch bọn tội phạm, xây dựng cuộc sống trong “thành phố” trở nên hạnh phúc và bình yên. Trong số đó có Trung úy Berne, Cảnh sát trưởng, được các nhân viên cấp dưới của mình, thậm chí cả bọn tội phạm nể trọng; Meier Meier, một thám tử cực kỳ chịu khó, xuất thân từ một gia đình gốc Do Thái, tuổi thơ của anh ta trôi qua trong sự đụng độ của những tín điều; Bert Kling trong cuộc sống và trong công việc không tìm kiếm những con đường dễ dãi, vì vậy anh đã phạm phải rất nhiều sai lầm mà lẽ ra có thể tránh được; Coton House, con trai của một linh mục đạo Tin Lành được phái đẹp hết sức hâm mộ, cũng như những chiến binh tận tụy khác đấu tranh vì sự bình yên của những người dân lương thiện.
Một điều hết sức đặc trưng đối với Ed McBain là nhân vật của ông không phải là những con người xơ cứng, bất biến, không phải là những chiếc mặt nạ nào đó, ngược lại, họ biết tận hưởng cuộc sống, trưởng thành và hoàn thiện tài năng của mình. Nhân vật Stev Carelle là một ví dụ, một cảnh sát mẫu mực “đến tận xương tủy”.
Thông thường, khi một nhà văn gặt hái được thành công ban đầu thì anh ta hay sản xuất ra những tác phẩm na ná nhau cho tới khi độc giả chán ngấy sự đơn điệu đó. Tuy nhiên, đối với Ed McBain, điều đó đã không xảy ra. Ông không bao giờ ngần ngại thử nghiệm. Trong tiểu thuyết “Cái nêm” có hai cốt truyện cùng phát triển song song, thoạt đầu không hề liên quan gì với nhau: một bên là câu chuyện khủng khiếp về một người phụ nữ mất trí vì quá đau khổ đã dọa đánh bom Đồn 87, và bên kia là một thủ pháp hơi lỗi mốt, khi một nhân vật xuất thân từ thành phần bất hảo đã trở thành kẻ sát nhân và chỉ bằng con đường suy diễn logique các thám tử mới vạch mặt được kẻ tội phạm.
Hai cốt truyện này nối với nhau bằng một biểu tượng nào đó được tác giả gửi gắm trong tên gọi của tác phẩm. “Giá của sự ngờ vực” là câu chuyện về một “vụ giết người lý tưởng”, hơn nữa tác giả còn thử nhìn các sự kiện bằng con mắt của kẻ tội phạm, trong khi các thám tử thể hiện vai trò của mình một cách mờ nhạt. Tiểu thuyết “Công việc bình thường” đáng chú ý bởi trong đó có sự tham gia của hầu hết các thám tử thuộc Đồn 87 và họ buộc phải khám phá 14 vụ án. Tiểu thuyết “Sợi lông tơ” là một hài kịch, mặc dù luôn luôn tỏ ra làm việc căng thẳng, các nhân viên cảnh sát không thể vượt qua được bọn tội phạm.
Không thể không nhắc tới nhân vật gã Điếc rất thành công của Ed McBain - đó là một kẻ bất khả chiến bại, may mắn thoát chết trong tiểu thuyết “Tên cướp”, lại xuất hiện trong tiểu thuyết “Sợi lông tơ” và muộn hơn trong “Hãy nghe gã điếc nói gì”.
Mỗi một cảnh có sự tham gia của nhân vật này đều một pha mạo hiểm tiếp theo của y mà các thám tử tìm mọi cách ngăn chặn. Nhưng gã điếc đều thoát chết và lành lặn sau những hoàn cảnh hiểm nghèo, để rồi lại bất ngờ xuất hiện trong một cuốn tiểu thuyết tiếp theo nào đấy.
Ed McBain được công nhận là một bậc thầy về văn xuôi trào phúng. Thực sự không một cuốn tiểu thuyết nào về Đồn 87 thiếu chất hài hước, điều này góp phần làm nên thành công của chùm tiểu thuyết nói trên. Chính chất hài hước đã “hồi sinh” các nhân vật, vì những nguyên nhân nào đó mà chân dung tâm lí của họ chỉ được tác giả phác qua một cách sơ sài.
Tất nhiên, đôi khi trong các tác phẩm của Ed McBain bạn đọc cũng bắt gặp những hoàn cảnh và số phận bi kịch thực sự, nhưng chính chất hài hước đã trở thành một phẩm chất lành mạnh của toàn bộ chùm tiểu thuyết của ông
Mời các bạn đón đọc Những Vụ Án Nổi Tiếng Thế Giới: Món Nợ Truyền Kiếp của tác giả Ed McBain.