Một cô gái trẻ phương Tây làm việc cho một công ty của Nhật, do sự khác biệt văn hóa, nên đã chu du một vòng công sở với những công việc ít ai ngờ tới nhất.
Điểm hấp dẫn đầu tiên trong cuốn sách nhỏ nhắn này: đây là một câu chuyện có thật, từng xảy ra với Amélie Nothomb.
Với điểm xuất phát chân thực đó, một câu chuyện phiêu lưu hài hước đã mở ra với cả tá tình huống dở cười dở mếu. Thay vì có một vị trí ổn định trong công ty, đổi chỗ cho cái nhìn trân trọng đối với một đồng nghiệp nước ngoài, Amélie loay hoay hết chỗ nọ tới chỗ kia, thậm chí, có lúc cô thấy mình thậm chí chưa phải là con số không.
Cuốn sách được trải ra giữa hai thế giới đối lập. Ước muốn trở thành một phiên dịch, song Amélie giống một kẻ vô công rồi nghề ở công ty; đổi lại cho bao công sức thi đầu vào, Amélie lượn lờ khắp các ngóc ngách như một hình ảnh lố bịch khi đi bóc lịch hoặc tranh việc phân phát thư của người đưa thư; lẽ ra phải đau khổ, vật vã lắm, nhưng Amélie lại cảm thấy nhẹ nhõm và rất đỗi bằng lòng trước những công việc vớ vẩn nhất mà cô tự xin hoặc bị giao phải làm. Sự khôi hài của hoàn cảnh và lối kể chuyện bình dị, chân thực, tao nhã đã tạo nên sự quyến rũ thú vị cho Sững sờ và run rẩy, lôi kéo độc giả trong một khám phá mới mẻ: hiện đại hóa mâu thuẫn lâu đời giữa phương Đông và phương Tây. Nó khiến người ta đón nhận những điều vô lý nhất đang dồn ép Amélie theo chiều hướng tích cực: lo lắng nhưng không sợ hãi, thất vọng nhưng không sụp đổ.
Không mô tả nhiều song thế giới nhân vật trong Sững sờ và run rẩy hiển hiện thật đậm nét với phát hiện tinh tế của Amélie Nothomb, từ nét tính cách của mỗi cá nhân tới hình ảnh chung về những người trong hệ thống công sở ở Nhật. Tất tật chỉ có bốn người: ông Haneda là chủ tịch hội đồng quản trị, ông Omochi là cấp phó, sau đó là ông Saito và cô Mori. Mọi va chạm, mâu thuẫn, xung đột đều liên quan tới chừng ấy người. Nhưng họ là sức mạnh không gì phá vỡ nổi khi xếp đặt cạnh nhau và được kết nối bằng thứ keo dính đặc biệt có tên là “nguyên tắc”. Amélie bị đẩy thành bà “Nước Tiểu” trong cơ quan cũng chỉ vì cô không sao hiểu nổi hệ thống ấy, và điều này như một thứ gia vị hài hước, tạo cho cuốn tiểu thuyết góc nhìn sắc sảo mà đậm chất hài hước.
***
Amélie Nothomb sinh ngày 13/8/1967 tại Kobe, Nhật Bản và chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa đất nước mặt trời mọc. Năm 1992, cô xuất bản tiểu thuyết đầu tay, Hygiène de l’assassin (Hồi ức kẻ sát nhân), cuốn sách đánh dấu thành công đầu tiên của cô. Đến nay, Amélie đã xuất bản 17 tiểu thuyết và trở thành một hiện tượng văn học không chỉ của nước Pháp. Các tác phẩm của cô được dịch ra gần 40 thứ tiếng khác nhau, trong đó Sững sờ và run rẩy ra mắt năm 1999, đánh dấu một bước ngoặt trong sự nghiệp của nữ nhà văn trẻ. Đây chính là cuốn sách thành công nhất của Amélie Nothomb, giành Giải thưởng Lớn của Viện hàn lâm Pháp cho thể loại tiểu thuyết. Tờ Le Soir nhận xét: “Amélie Nothomb là một trong những nhà văn nổi bật nhất trong thời đại cô. Với sự đều đặn của máy đếm nhịp, cây bút này cho ra đời những tiểu thuyết thường được ca ngợi bởi sự độc đáo, tính nhân văn và chất dữ dội của chúng”.
***
Ông Haneda là cấp trên của ông Omochi. Ông Omochi là cấp trên của ông Saito. Ông Saito là cấp trên của cô Mori. Và cô Mori là cấp trên của tôi. Còn tôi không là cấp trên của ai hết.
Hoặc có thể nói theo cách khác. Tôi làm theo lệnh của cô Mori, cô Mori làm theo lệnh của ông Saito, và cứ tiếp tục như thế, các mệnh lệnh được truyền từ trên xuống dưới qua các cấp thứ bậc với sự chính xác này.
Vậy là, trong công ty Yumimoto, tôi y theo lệnh của tất cả mọi người.
Ngày mùng 8 tháng Giêng năm 1990, chiếc thang máy nhả tôi lên tầng cuối cùng trong tòa nhà của công ty Yumimoto. Ô cửa sổ cuối sảnh thu hút tôi, giống như người ta bị hút về phía cửa sổ máy bay bị vỡ. Ở phía xa, rất xa là thành phố xa tới mức tôi cứ ngỡ như chưa bao giờ đặt chân tới đó.
Thậm chí tôi không nghĩ tới việc phải trình diện ở lễ tân. Thực ra, lúc đó trong đầu tôi chẳng có ý nghĩ gì khác ngoài cái khoảng không hấp dẫn kia, ngoài cái khuông cửa mênh mông toàn kính kia.
Cuối cùng, một giọng khàn khàn gọi tên tôi từ đằng sau. Tôi quay lại. Một người đàn ông trạc năm mươi tuổi, dáng người nhỏ thó, gầy và xấu xí, nhìn tôi vẻ khó chịu.
- Sao cô đến mà không báo cho lễ tân? - ông ta hỏi tôi.
Tôi chẳng biết trả lời sao nên im lặng. Tôi cúi gập người và nhận thấy là trong vòng mười phút, dù chưa nói lời nào, tôi đã gây ấn tượng không hay vào ngày đầu tiên đến nhận việc ở công ty Yumimoto.
Người đàn ông nói ông ta là Saito. Ông dẫn tôi qua vô số những căn phòng rộng thênh thang và giới thiệu tôi với nhiều nhóm người có mặt trong đó, nhưng ông ta nêu tên họ tới đâu thì tôi cũng quên dần tới đó.
Sau đó, ông dẫn tôi vào phòng làm việc của cấp trên của ông ta, đó là ông Omochi, dáng người đồ sộ và đáng sợ, chứng tỏ ông ta chính là phó chủ tịch.
…
Mời các bạn đón đọc Sững Sờ và Run Rẩy của tác giả Amélie Nothomb.