Beloved được xuất bản tại Mỹ năm 1987 và đoạt giải Pulitzer năm 1988. Tác phẩm kể về cuộc đấu tranh sinh tồn của Sethe và cô con gái Denver sau khi thoát khỏi kiếp sống nô lệ. Một ngày, một cô gái trẻ xuất hiện tại ngôi nhà của hai mẹ con, tự xưng tên mình là “Beloved”. Sethe tin rằng đây chính là đứa con gái xấu số đã bị cô tự tay giết chết từ lúc hai tuổi để đánh đổi lấy sự sống cho mình và Denver. Cuốn tiểu thuyết dựa trên cuộc đời thực của một người phụ nữ da đen tên là Margaret Garner.
Là sáng tác quan trọng nhất trong sự nghiệp văn chương của Toni Morrison, cuốn sách được đánh giá là: “Lịch sử thân phận cá nhân tải nặng cả một quá khứ tập thể. Một bản thánh ca dâng tặng tình yêu, tình mẫu tử. Một cuốn tiểu thuyết của lầm lỗi và lòng khoan dung, của sự lãng quên và nỗi ám ảnh, của cái chết cũng như sự hy sinh tất yếu và khát vọng sống mãnh liệt, của những dày vò đau đớn đối với tâm hồn và ngọn lửa yêu thương bất diệt”. Cuốn sách từng được bình chọn là tác phẩm văn học hay nhất của Mỹ 25 năm qua.
Toni Morrison sinh năm 1931. Bà là nhà văn da đen đầu tiên của Mỹ đoạt giải Nobel Văn học (1993), ngoài Beloved (Thương), Morrison còn nổi tiếng với những tác phẩm như: The Bluest Eye (Con mắt xanh biếc), Song of Solomon (Bài ca của Solomon), Sula…
***
I24 hằn học. Đầy nọc độc trẻ thơ. Những người đàn bà trong nhà biết thế và lũ trẻ cũng biết thế. Đã nhiều năm, mỗi người chịu đựng sự hằn học ấy theo cách riêng của mình, nhưng đến năm 1873, chỉ còn Sethe và con gái Denver là nạn nhân của nó. Bà nội Baby Suggs đã mất, và hai đứa con trai Howard và Buglar đã trốn đi khi chúng mười ba tuổi − khi chỉ nhìn vào gương thôi đã đủ làm nó vỡ tan (dấu hiệu cho Buglar); ngay sau khi hai vết bàn tay nhỏ hiện ra trên mặt chiếc bánh ngọt (thế là xong với Howard). Chúng không đợi để chứng kiến thêm nữa; thêm một nồi đậu đổ chất đống bốc khói trên sàn nhà; bánh quy giòn bóp vụn và rải dọc theo bệ cửa. Chúng cũng không đợi đến lúc mọi chuyện nguôi ngoai, khi nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng trôi qua mà không điều gì bị xáo trộn. Không. Từng đứa tức thì bỏ đi − ngay khi căn nhà phạm một điều đối với chúng là sự lăng mạ không chịu đựng nổi hay không thể chứng kiến đến lần thứ hai. Trong vòng hai tháng, ngay giữa mùa đông, chúng để mặc bà nội Baby Suggs, mẹ Sethe và em gái Denver tự mình xoay sở trong căn nhà trắng xám ở đường Bluestone. Lúc ấy nhà không có số, vì Cincinnati chưa kéo dài đến chỗ ấy. Thật ra, lúc thằng anh rồi đến đứa em nhồi chăn vào mũ, chụp đôi giày, và lẻn trốn khỏi sự hằn học dữ dội căn nhà dành cho chúng thì Ohio chỉ mới tự nhận là tiểu bang được bảy mươi năm.
Baby Suggs không buồn nhấc đầu dậy. Từ giường bệnh bà nghe chúng đi, nhưng không phải vì vậy mà bà nằm yên. Với bà, chuyện lạ là mãi đến lúc ấy hai thằng cháu mới nhận ra không ngôi nhà nào giống như ngôi nhà trên đường Bluestone. Ở lưng chừng giữa cuộc sống khốn nạn và cái chết ác mó, rời bỏ cuộc đời hay tiếp tục sống bà đều không thiết tha, nói gì đến nỗi sợ của hai thằng cháu đang lẻn đi. Quá khứ của bà cũng giống như hiện tại − chịu không thấu − và vì bà biết rằng cái chết không là gì khác ngoài sự quên lãng, bà dùng chút hơi tàn để suy ngẫm về màu sắc.
“Mang chút màu tím nhạt vào nếu con có. Nếu không, thì mang màu hồng.”
…
Mời các bạn đón đọc Thương của tác giả Toni Morrison.