Patrick Modiano là Nhà văn Pháp với hơn 30 tác phẩm bao gồm tiểu thuyết, kịch bản phim,… các tác phẩm của ông đã được dịch 36 thứ tiếng trên thế giới, đạt nhiều giải thưởng danh tiếng, phải kể đến giải Nobel Văn học năm 2014.
"Lối viết văn của Modiano rất dễ đọc. Các tác phẩm của ông trông có vẻ đơn giản bởi vì nó tinh tế, thẳng thắn, đơn giản và rõ ràng. Bạn mở sách đọc một trang, và sẽ nhận ra ngay là sách của ông ta, rất thẳng thắn, câu văn ngắn gọn, không cầu kỳ - nhưng nó rất là tinh vi trong cách đơn giản của nó."_ Bí thư thường trực của học viện Nobel Peter Englund
Con chó mùa xuân là một trong bộ ba tiểu thuyết được phanbook phát hành vào năm nay. Vẫn với lối viết đơn giản mà tinh tế, Patick Modiano đã dần người đọc vào một hành trình lạ lùng khi hai con đường ngược nhau, cắt nhau nơi ký ức. Như một tất định của đời sống, có tồn tại rồi sẽ có lãng quên, cuối cùng thì không gì có thể níu kéo được hiện hữu thuộc về quá khứ, và tất cả được chứa đựng trong lặng im vĩnh viễn.
Để từ đó người đọc có thể thấy được văn chương của Patick Modiano là văn chương của ký ức, bất định tương lai.
***
Kho đựng nỗi đau (tựa gốc: Remise de peine, viết năm 1988), [Hoa của phế tích](https://www.dtv-ebook.com/tim-kiem.html?keyword=hoa của phế tích) (tựa gốc: Fleurs de ruine, 1991), Con chó mùa xuân (tựa gốc: Chien de printemps, 1993) được nhà văn Patrick Modiano ([giải Nobel](https://www.dtv-ebook.com/tim-kiem.html?keyword=giải nobel) Văn học, 2014) hoàn thành trong ba mốc thời gian khác nhau, nhưng mang đầy đủ những nét đặc thù của không khí, phong cách văn chương ông.
Kho đựng nỗi đau lần đầu tiên bức chân dung thời thơ ấu của chú bé Patrick cùng em trai sống trong căn hộ của những diễn viên xiếc ở vùng ngoại vi Paris. Hoa của phế tích là cuộc lần theo manh mối về một vụ tự sát với lý do bí hiểm của đôi vợ chồng kỹ sư trẻ tuổi vào một ngày tháng 3 năm 1933. Còn Con chó mùa xuân là cuộc dò tìm của một người viết tiểu thuyết trẻ tuổi với nỗ lực phục dựng bản tiểu sử của Jasen - một nhiếp ảnh gia sống và ghi chép về Paris nhưng căn cước cá nhân lại nhiều điểm mù bởi dư chấn của thời Đức tạm chiếm…
Ba cuốn tiểu thuyết này là dẫn chứng xuất sắc, thuyết phục cho điều mà Patrick Modiano viết trong diễn từ nhận giải Nobel Văn học vào năm 2014:
“Người ta có thể lạc lối hoặc biến mất trong một đô thị. Người ta thậm chí có thể thay đổi căn cước và sống một đời khác. Người ta có thể lao mình vào một cuộc điều tra rất dài lâu để tìm lại những dấu vết của một ai đó, và lúc khởi đầu chỉ có một hoặc hai địa chỉ trong một khu phố đã mất biệt. Chỉ dấu ngắn ngủi đôi khi hiện lên trên những phiếu tra cứu luôn luôn tìm được một âm hưởng trong tôi: Nơi cư trú cuối cùng được biết.”
Trong lần ấn hành ba tiểu thuyết này, Phanbook cũng phát hành hộp giấy đựng sách Patrick Modiano với thiết kế đẹp, trang nhã dành cho độc giả sưu tầm đủ ba tác phẩm.
***
VỀ NHÀ VĂN PATRICK MODIANO
Patrick Modiano là nhà văn người Pháp, sinh năm 1945.
Ông đạt giải Nobel văn học năm 2014.
Nhiều tác phẩm của Modiano đã được in tại Việt Nam.
Ba tác phẩm của Patrick Modiano do Phanbook ấn hành: Kho đựng nỗi đau, Hoa của phế tích, Con chó mùa xuân, đều do Hoàng Lam Vân dịch.
***
Tôi quen với Francis Jansen cái năm tôi mười chín tuổi, vào mùa xuân 1964, và ngày hôm nay tôi muốn kể một ít điều mà tôi biết về ông.
Lúc đó là sáng sớm, tại một quán cà phê trên quảng trường Denfert-Rochereau. Tôi đang ở đó với một cô bạn gái cùng tuổi, và Jansen ngồi bàn đối diện với bàn chúng tôi. Ông vừa mỉm cười vừa quan sát chúng tôi. Rồi ông rút từ cái túi đặt trên băng ghế bọc moleskine, bên cạnh ông, một cái máy ảnh Rolleiflex. Tôi gần như không nhận ra là ông đã chĩa ống kính về phía chúng tôi, vì các động tác của ông vừa mau lẹ lại vừa rất thong dong. Như vậy, ông dùng một chiếc Rolleiflex, nhưng tôi sẽ không thể nói rõ các loại giấy cùng phương pháp in tráng mà Jansen sử dụng để có được thứ ánh sáng vốn dĩ tắm đẫm mọi bức ảnh ông chụp.
Buổi sáng cái ngày chúng tôi gặp nhau, tôi còn nhớ mình đã hỏi ông, vì lịch sự, theo ông đâu là loại máy ảnh tốt nhất, ông đã nhún vai và bảo với tôi rằng xét cho tới cùng ông thích nhất mấy cái máy ảnh bằng nhựa màu đen mà người ta mua được ở các cửa hàng đồ chơi, chúng phụt nước ra khi ta ấn nút.
Ông mời chúng tôi một tách cà phê và đề nghị chúng tôi tiếp tục làm mẫu cho ông chụp nhưng lần này là ngoài phố. Một tờ tạp chí Mỹ đã giao cho ông việc minh họa một phóng sự về tuổi trẻ tại Paris, và thế là ông đã chọn chúng tôi: Vậy thì đơn giản hơn, hẳn lại mau chóng hơn và kể cả nếu bên Mỹ họ không hài lòng thì cũng chẳng có gì quan trọng. Ông muốn trút bỏ cho xong cái công việc thuần tính cách kiếm ăn đó. Ra khỏi quán cà phê, chúng tôi bước đi trong nắng, và tôi nghe thấy ông nói, với chút âm sắc nước ngoài:
- Mùa xuân chó chết[1].
Một suy tư mà ông sẽ còn hay lặp lại, cái mùa năm ấy.
Ông bảo chúng tôi ngồi xuống một ghế băng, sau đó ông cho chúng tôi đứng trước một bức tường lổ đổ bóng hàng cây, trên đại lộ Denfert-Rochereau. Tôi đã giữ một trong số những bức ảnh ấy. Chúng tôi, cô bạn và tôi, ngồi trên ghế băng. Tôi có cảm giác đó là những người khác chứ không phải chúng tôi, do chỗ thời gian đã trôi qua hoặc do những gì Jansen nhìn thấy trong ống kính của ông, mà vào thời ấy chúng tôi sẽ chỉ có thể nhìn được nếu đứng trước một tấm gương: Hai đứa thiếu niên vô danh và lạc lối tại Paris.
* * *
Chúng tôi đi theo ông về xưởng của ông ngay gần đó, trên phố Froidevaux. Tôi cảm thấy ông e sợ nếu lại phải ở một mình.
Xưởng nằm dưới tầng trệt một tòa nhà, có thể đi vào đó qua một cánh cửa mở thẳng ra phố. Một căn phòng rộng tường trắng ở cuối có cầu thang nhỏ dẫn lên gác lửng. Một cái giường chiếm toàn bộ không gian của tầng lửng ấy. Căn phòng chỉ có một trường kỷ màu ghi cùng hai phô tơi đồng màu. Bên cạnh lò sưởi gạch là ba cái va li da màu hạt dẻ chồng đống lên nhau. Các bức tường trống trơn. Chỉ có hai bức ảnh. Bức lớn hơn, chụp một phụ nữ, một người tên là Colette Laurent như sau đó tôi sẽ biết. Trên bức còn lại, hai người đàn ông - một là Jansen, hồi còn trẻ - ngồi cạnh nhau, trong một cái bồn tắm vỡ hoác, giữa đống đổ nát. Mặc cho nỗi rụt rè, tôi đã không sao tự ngăn mình hỏi Jansen giải thích, ông đáp đó là ông, cùng Robert Capa bạn ông, ở Berlin, hồi tháng Tám năm 1945.
Trước cuộc gặp ấy, cái tên của Jansen vẫn còn xa lạ với tôi. Nhưng tôi biết Robert Capa là ai vì đã xem những bức ảnh của ông chụp chiến tranh Tây Ban Nha và đọc một bài báo về cái chết của ông bên Đông Dương.
Nhiều năm đã trôi qua. Thay vì làm rối mù hình ảnh Capa và Jansen, chúng lại có hiệu ứng ngược hẳn lại: Hình ảnh ấy rõ nét trong ký ức tôi hơn nhiều so với nó từng, vào mùa xuân đó.
Trên bức ảnh, Jansen hiện ra như một dạng thế thân của Capa, hay đúng hơn là một đứa em trai mà Capa thấu nhận để bảo trợ. Capa, với mái tóc rất nâu, ánh mắt màu đen, điếu thuốc lá ngậm trễ nơi khóe miệng, tỏa ra lòng quả cảm và niềm vui sống bao nhiêu, thì Jansen, tóc vàng, gầy gò, cặp mắt nhạt màu, nụ cười rụt rè và sầu muộn, có vẻ không được thoải mái bấy nhiêu. Và cánh tay Capa, đặt lên vai Jansen, không chỉ tỏ ý thân tình. Hẳn người ta có thể nói ông đang đỡ lấy bạn.
Chúng tôi ngồi ở ghế phô tơi và Jansen mời chúng tôi uống whisky, ông đi vào góc phòng và mở cánh cửa dẫn sang căn bếp cũ mà ông đã cải tạo thành phòng tôi. Rồi ông quay trở lại:
- Tôi rất tiếc, hết whisky mất rồi.
Người ông hơi đờ ra, hai chân bắt chéo, dịch sát ra tận đầu cái trường kỷ, như thể ông chỉ là người ghé thăm nơi này. Chúng tôi, cô bạn tôi và tôi, không phá vỡ sự im lặng. Căn phòng rất sáng với những bức tường trắng của nó. Hai cái phô tơi cùng trường kỷ đặt quá xa nhau, thành thử ta có cảm giác về sự trống rỗng. Hẳn người ta có thể nghĩ rằng Jansen đã không còn sống ở nơi này nữa. Ba cái va li, mà lớp da bên ngoài phản chiếu ánh nắng, gợi về một cuộc khởi hành sắp sửa.
- Nếu các bạn thích, ông nói, tôi sẽ cho các bạn xem ảnh chừng nào rửa xong.
Tôi đã viết số điện thoại của ông lên một bao thuốc lá. Vả lại, tên ông có trong danh bạ Bottin, ông nói thêm với chúng tôi. Jansen, số 9 phố Froidevaux, Danton 75-21.
Mời các bạn đón đọc Con Chó Mùa Xuân của tác giả Patrick Modiano & Hoàng Lam Vân (dịch).