Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Dẫn Luận Về Freud

"Sách Dẫn luận về Freud là một chuyên luận sâu sắc về học thuyết Freud bởi một người đồng cảm. Cuốn sách càng ấn tượng hơn nữa với văn phong đơn giản nhưng hết sức quyến rũ”.

(Christopher Brand, University of Edinburgh)

“Một dẫn luận tuyệt vời về các công trình của Freud”.

(G. Owens, Liverpool University)

“Một giải thích sáng tỏ, không thiên lệch, giúp độc giả hiểu đúng về các khía cạnh của học thuyết Freud”.

(D. Roger, University of York)

“Một cuốn sách đáng đọc: tác giả đã thành công khi đưa ra một tổng quan ngắn gọn và trình bày dễ hiểu cuộc đời và sự nghiệp của Freud… Cách tiếp cận là phê bình xây dựng nhưng trân trọng những thành tựu lớn của Freud”.

(Hans W. Cohn, British Journal of Psychiatry)

***

Phân tâm học (Psychoanalysis) được sáng lập vào khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 bởi nhà thần kinh học người Áo Sigmund Freud, đã được đánh giá, mở rộng và phát triển theo nhiều hướng khác nhau, phần lớn nhờ công của một số môn đệ của Freud như Alfred Adler (với tâm lý học cá nhân), Carl Gustav Jung (với tâm lý học phân tích) và sau nữa là những đóng góp từ các nhà phân tâm học mới như Erich Fromm, Karen Horney, Harry Stack Sullivan, Jacques Lacan…

Những luận thuyết cơ bản của phân tâm học bao gồm:

  • Hành vi, kinh nghiệm và nhận thức của con người phần lớn được định hình bởi các xung năng bẩm sinh và phi lý.
  • Những xung năng này mang bản chất vô thức.
  • Quá trình cố đưa những xung năng này “trồi” lên bề mặt ý thức sẽ gây ra kháng cự tâm lý, được biểu hiện qua các cơ chế phòng vệ.
  • Bên cạnh những cấu trúc tâm thần bẩm sinh, sự phát triển của một cá nhân còn được định hình bởi những sự kiện thuở ấu thời.
  • Những xung đột giữa ý thức về thực tại với phần vô thức của hệ tâm thần (tạo nên sự dồn nén) có thể là nguồn gốc của những chứng rối loạn tâm thần như nhiễu tâm, lo âu, trầm uất…
  • Phương cách để giải trừ những ảnh hưởng từ nội dung vô thức là đưa các nội dung ấy lên bình diện ý thức.

Dưới tầm ảnh hưởng rộng lớn của phân tâm học, đã có hàng chục nhánh lý thuyết nghiên cứu về sự phát triển của tâm trí con người. Phân tâm học cổ điển của Freud là một phương pháp trị liệu đặc thù, mà người được phân tích tâm lý sẽ nói ra các ý nghĩ của mình, qua những liên tưởng tự do, huyễn tưởng và giấc mơ, từ đó nhà trị liệu sẽ rút ra kết luận về những xung đột vô thức là nguồn gốc gây ra các triệu chứng và biểu hiện đặc trưng ở bệnh nhân, rồi diễn giải chúng để có giải pháp cho những vấn nạn tâm lý của họ.

Ngày nay, thuật ngữ “phân tâm học” cùng với tên tuổi của người sáng lập là Sigmund Freud đã trở nên quen thuộc trong nhiều lĩnh vực: tâm lý học, giáo dục học, y học, văn học - nghệ thuật, tôn giáo, đạo đức… 40 năm sau ngày mất của ông, tạp chí Newsweek đánh giá rằng tư tưởng của Freud đã đi sâu vào ý thức của chúng ta đến nỗi “khó mà tưởng tượng được thế kỷ XX lại thiếu ông”. Ông thuộc về số ít những nhà tư tưởng đã làm thay đổi căn bản cái nhìn của chúng ta về chính mình.

Dẫn luận của Anthony Storr sẽ mang lại những hiểu biết mới mẻ và sâu sắc về con người, lý thuyết và ảnh hưởng thực sự của Sigmund Freud trong thế giới ngày nay.

***

Sigmund Freud sinh ngày 6 tháng 5 năm 1856 tại thị trấn Freiberg ở Moravia, nay là Pribor thuộc Cộng hòa Séc. Mẹ ông là Amalie, người vợ thứ ba của Jacob Freud, một nhà buôn len người Do Thái, bà kém chồng khoảng hai mươi tuổi. Năm 1959, khi Sigmund Freud ba tuổi, gia đình ông chuyển tới Vienna. Trong 79 năm tiếp theo, Freud tiếp tục sống và làm việc ở thành phố này, nơi ông nhiều lần biểu lộ sự không ưa nhưng lại rất ngại rời đi. Năm 1938, ông buộc phải tìm nơi trốn tránh Đức quốc xã, và dành năm cuối của cuộc đời ở Anh. Ông mất ngày 23 tháng 12 năm 1939, chẳng bao lâu sau khi Thế chiến II bùng nổ.

Mẹ của Freud, một người đàn bà sôi nổi, quyến rũ và sống đến 95 tuổi, mới 21 tuổi khi Freud được sinh ra. Bà tiếp tục có thêm bảy người con khác, nhưng chỉ Freud - được bà gọi là “mein goldener Sigi” (nghĩa là “Sigi quý như vàng của mẹ”) - mới giữ được vị thế con cưng. Đây là hoàn cảnh được Freud cho là đã dẫn tới sự tự tin của ông. Freud cũng tin rằng thành công sau này của ông có liên quan trực tiếp đến việc ông là người Do Thái. Dù Freud chưa từng thực sự theo Do Thái giáo và cũng bỏ qua mọi niềm tin tôn giáo, coi là không thực tế, ông lại rất ý thức việc mình là người Do Thái. Ông không có nhiều bạn bè không phải là người Do Thái, thường xuyên tham dự những cuộc gặp gỡ của hội Do Thái tại địa phương, và không nhận tiền tác quyền những cuốn sách ông viết được dịch ra tiếng Yiddish và tiếng Hebrew, hai ngôn ngữ của người Do Thái. Ông quy sự tự chủ về tri thức của mình cho việc mình là người Do Thái, và viết rằng khi lần đầu tiếp xúc với chủ nghĩa bài Do Thái tại Đại học Vienna, sự kiện cộng đồng không chấp nhận ông đã khuyến khích khuynh hướng độc lập phê phán của ông.

Khi còn nhỏ, Freud sớm phát triển về trí tuệ và là một người học tập hết sức chăm chỉ. Trong nhiều năm liên tiếp, Freud đều đứng đầu lớp. Khi rời nhà trường, ông không chỉ có một kiến thức thấu đáo về tiếng Hy Lạp, Latin, Đức, Hebrew, mà đã học tiếng Anh, tiếng Pháp và cũng tự học những kiến thức cơ bản của các ngôn ngữ Tây Ban Nha và Italia. Ông bắt đầu đọc Shakespeare ở tuổi lên tám. Shakespeare và Goethe luôn là những tác giả yêu thích của ông. Từ những năm học đầu tiên, Freud đã là một học sinh nghiêm túc và chuyên tâm, được gia đình và thầy cô kỳ vọng trở thành người ghi dấu ấn trên thế giới, và bản thân ông cũng tin rằng mình được sinh ra để tạo nên một đóng góp quan trọng cho sự hiểu biết. Đời sống gia đình xoay quanh những nghiên cứu của ông. Ông ăn tối tách biệt với gia đình, và khi ông bị quấy rầy bởi âm thanh từ cây piano mà người em gái Anna đang tập chơi, cha mẹ ông đã đưa cây đàn ra khỏi căn hộ.

Mùa thu năm 1873, Freud đăng ký học khoa Y tại Đại học Vienna, và mãi đến ngày 30 tháng 3 năm 1881 mới tốt nghiệp. Mối quan tâm ban đầu của ông là nghiên cứu động vật học. Từ năm 1876 đến 1882, ông làm việc tại Viện Sinh lý học của Ernst Brücke, một chuyên gia được ông ngưỡng mộ và đã có ảnh hưởng đáng kể lên cung cách tư duy của ông. Brücke và các đồng nghiệp chuyên tâm hướng tới một ý tưởng khi đó chưa được chấp nhận rộng rãi, đó là mọi tiến trình của sự sống rốt ráo đều có thể được giải thích bằng vật lý và hóa học, qua đó loại trừ những khái niệm tôn giáo khỏi sinh học. Trong suốt cuộc đời, Freud luôn là người theo thuyết tất định, tin rằng mọi hiện tượng của sự sống, kể cả những hiện tượng như ý nghĩ, cảm giác và tưởng tượng đều được quyết định một cách cứng nhắc bởi nguyên lý nhân quả.

Freud hành nghề y khoa một cách miễn cưỡng, và chỉ mãn nguyện với việc dành cả cuộc đời cho hoạt động nghiên cứu. Nhưng vào năm 1882, ông đính hôn với Martha Bernays. Nếu vẫn làm việc ở phòng thí nghiệm của Brücke, ông sẽ không kiếm đủ tiền để nuôi gia đình, nên Freud miễn cưỡng rời bỏ sự nghiệp nghiên cứu, và dành ba năm tiếp theo tích lũy kinh nghiệm y khoa tại Bệnh viện đa khoa Vienna, sẵn sàng dấn thân vào y khoa. Năm 1885, ông được chỉ định làm giảng viên bệnh học thần kinh tại Đại học Vienna. Từ tháng 10/1885 đến tháng 2/1886, ông làm việc tại Bệnh viện Salpêtrière ở Paris dưới sự chỉ đạo của nhà tâm thần học vĩ đại Charcot, người với học thuyết về rối loạn phân ly (hysteria) đã đánh thức nơi ông sự quan tâm đến các vấn đề liên quan đến chứng nhiễu tâm (loạn thần kinh chức năng), nhằm phân biệt với những bệnh thực thể của hệ thần kinh. Tháng 4/1886, Freud mở phòng khám tư tại Vienna, và ngày 13 tháng 8 năm ấy, ông cưới Martha Bernays.

Đứa con đầu lòng của họ, Mathilde, sinh ra tháng 10/1887. Thêm năm đứa trẻ khác ra đời, con gái út là Anna Freud, sinh năm 1895, người con duy nhất của Freud sau này trở thành nhà phân tâm học. Vợ ông, Martha, hài lòng với việc dành trọn bản thân cho hạnh phúc của chồng và sáu đứa con trong suốt đời sống hôn nhân dài và bình lặng của họ. Từ những lá thư, chúng ta biết rằng đời sống tình dục của họ tụt dốc khá sớm, nhưng cuộc sống gia đình vẫn hòa hợp. Sau khi ông mất, bà đã viết cho một người bạn.

Thật khó khăn khủng khiếp khi không có ông ấy, khi tiếp tục sống mà không có sự nhân hậu và sáng suốt như vậy bên mình. Nhưng có một điều dễ chịu nhỏ, tôi biết rằng trong 53 năm đời sống hôn nhân, đã không có một từ ngữ giận dữ nào thốt ra giữa hai chúng tôi, và tôi luôn bằng mọi cách có thể để con đường của ông không bị chướng ngại bởi những khổ sở của đời sống thường ngày.

Từ giữa những năm 1890 trở về sau, cuộc sống của Freud trở thành lịch sử phát triển phân tâm học. Những nghiên cứu về rối loạn phân ly, được ông viết cùng Josef Breuer, đã xuất hiện năm 1895. Nếu xem xét ảnh hưởng của Freud lên tư tưởng đương đại, và nếu biết rằng những đóng góp của ông cho phân tâm học là lớn đến nỗi bộ Toàn tập(1) có đến hai mươi bốn tập, thật ngạc nhiên khi thấy công trình phân tâm học đầu tiên chỉ được công bố khi ông đã 39 tuổi.

(1) Xem danh mục tài liệu tham khảo cuối sách. (ND)

Kiểu nhân cách nào có khả năng đạt được nhiều thành tựu như vậy chỉ trong quãng thời gian nửa đời người? Hầu hết những người có thành tựu trí tuệ nổi bật đều bộc lộ những nét tính cách mà các nhà tâm thần học gọi là “ám ảnh”. Nói cách khác, họ tỉ mỉ, kỹ càng, chính xác, đáng tin cậy, chân thành, rất quan tâm đến sự sạch sẽ, kiểm soát, thứ tự. Chỉ khi những nét tính cách đáng quý này trở nên bị phóng đại, chúng ta mới gọi là nhiễu tâm ám ảnh, một chứng rối loạn có mức độ trầm trọng trải từ những ước muốn khó chế ngự, đến việc thích kiểm tra và tái kiểm tra, đến một trạng thái hoàn toàn bất lực, sự tồn tại của người bệnh quá bị chi phối bởi những nghi thức đến nỗi cuộc sống bình thường trở thành không thể.

Bản thân Freud cũng nhận ra mình thuộc loại nhân cách ám ảnh, nên nói với Jung rằng nếu ông bị rơi vào chứng nhiễu tâm, nó sẽ là nhiễu tâm ám ảnh. Đặc trưng của ông là sự phát triển sớm về trí tuệ và sự chuyên tâm với công việc - đây luôn là những xu hướng khó cưỡng từ khi còn nhỏ. Ông viết cho bạn là Fliess rằng ông cần “một niềm say mê chi phối”, ông nói không thể hình dung cuộc sống của mình sẽ ra sao nếu không có công việc, và đối với ông, sự tưởng tượng sáng tạo đi liền với công việc. Ông là một người viết rất sung sức. Hầu hết những công trình được ông viết vào các ngày Chủ nhật hoặc vào ban đêm, sau một ngày dành tám hoặc chín giờ căng thẳng gặp gỡ bệnh nhân. Dù cũng có những kỳ nghỉ hè dài ngày, khi ấy ông sẽ tích cực đi bộ, nhưng trong tuần làm việc, ông lại dành cho bản thân rất ít thời gian nghỉ ngơi.

Giống như hầu hết những người thuộc nhân cách này, Freud vô cùng cẩn trọng trong ăn mặc và vẻ ngoài, kể cả vào thời kỳ nghèo khó ban đầu. Một lá thư gửi Wilhelm Fliess tiết lộ rằng thợ cắt tóc đến gặp ông hàng ngày. Ông biểu lộ tất cả những nét tính cách đặc trưng và có giá trị nhất ở loại nhân cách này, đó là cực kỳ chu đáo, kiểm soát bản thân, chân thật và say mê theo đuổi chân lý. Bản thân Freud đã mô tả loại nhân cách ám ảnh là “đặc biệt ngăn nắp, chi licứng đầu” (Toàn tập, IX.169). Tất nhiên ông là người ngăn nắp và cứng đầu, có thể chi li vào thời trẻ khi còn rất nghèo, phải lệ thuộc vào sự giúp đỡ tài chính của bạn bè. Phong cách của ông trước sau vẫn đơn giản, và Ernest Jones cho chúng ta biết rằng ông không bao giờ có quá ba bộ vest, ba đôi giày, ba bộ quần áo lót. Trong những năm sau này, ông cũng không chịu được việc nợ nần, và rộng rãi giúp đỡ tài chính những người có nhu cầu, kể cả một số bệnh nhân, người thân và sinh viên nghèo.

Ông cũng phải chịu một số căng thẳng đi liền với những nét tính cách của loại nhân cách ám ảnh. Ông mê tín những con số. Trong một lá thư gửi Jung (16/4/1909), ông tiết lộ rằng trong nhiều năm, ông đã tin mình sẽ chết ở giữa tuổi 61 và 62. Theo những gì ông viết, ông tới Hy Lạp cùng người em, thấy có một điều “thật sự kỳ lạ” là con số 61 hoặc 60 cứ liên tục xuất hiện một cách bất ngờ liên quan đến số 1 hoặc 2. Căn phòng khách sạn của ông ở Athens là phòng số 31, nghĩa là một nửa của 61. Ông nói với Jung rằng sự ám ảnh này xuất hiện lần đầu năm 1899.

Lúc ấy, có hai sự kiện xảy ra. Đầu tiên, tôi viết “Diễn giải giấc mơ” (được công bố với thời gian để lùi thành năm 1900), và thứ hai, tôi nhận được một số điện thoại mà ngày nay vẫn còn: 14362. Dễ thấy có một nhân tố chung ở hai sự việc này. Năm 1899, khi viết “Diễn giải giấc mơ”, tôi 43 tuổi. Vì vậy, có thể cho rằng những con số khác nói lên sự kết thúc của cuộc đời tôi, tức 61 hoặc 62.

(Thư từ giữa Freud và Jung, trang 219)

Những mê tín như vậy, thường được kết hợp với những nghi thức khó cưỡng và sự ám ảnh về cái chết, là điều hay gặp ở những trường hợp nhiễu tâm ám ảnh. Như Ernest Jones đã chỉ ra, giống như nhiều thiên tài sáng tạo khác, Freud bộc lộ một sự dao động đặc thù giữa thái độ hoài nghi và tính cả tin. Dù Freud không tán thành những niềm tin về đồng cốt và “thuyết duy linh” - những thứ đã lôi kéo rất nhiều nhà khoa học vào cuối thế kỷ 19 - ông vẫn giữ một niềm tin phi lý về ý nghĩa sâu kín của các con số và một niềm tin không hẳn thật tâm vào thần giao cách cảm.

Freud biểu lộ một số thói quen và tính cách ám ảnh khác. Chẳng hạn, ông không thể cưỡng nổi việc hút xì gà. Kể cả trong những năm từ 1893 đến 1896, khi bị một chứng loạn nhịp tim dễ tái phát, có thể phần nào do hút thuốc, ông cũng thấy không thể cai thuốc quá lâu. Ở tuổi 67, ông hình thành khối u vòm miệng, bị tái phát trong suốt phần còn lại của cuộc đời khiến ông phải chịu hơn 30 lần phẫu thuật. Dù biết hút thuốc là một tác nhân khiến tái phát ung thư bằng cách gây ra sưng tấy, ông vẫn không bỏ được thói quen ấy. Những nhân cách ám ảnh thường biểu lộ sự tự kiểm soát đến mức có vẻ bị ức chế, thiếu tự nhiên, và Freud không phải là ngoại lệ. Nhưng hút thuốc là gót chân Achilles của ông, một thành phần cưỡng bức trong hành vi mà ông không làm chủ được.

Thói quen sưu tập cũng là điểm đặc trưng của Freud. Ông say mê với đồ cổ, được khơi gợi bởi những nghiên cứu kinh điển, sự khát khao lãng mạn dành cho Rome và mối quan tâm đến những khía cạnh xa xôi của lịch sử loài người. Những bức hình chụp căn hộ của ông ở Vienna và việc tái xây dựng căn hộ đó tại văn phòng ở 20 Maresfield Gardens, Hampstead - hiện là Bảo tàng Freud - cho chúng ta thấy bộ sưu tập những bức tượng cổ nhỏ của ông. Những bức tượng này choán đầy kệ và đứng sát nhau trên mặt bàn làm việc đến nỗi không một bức tượng nào có thể được chiêm ngưỡng như một đối tượng thẩm mỹ độc lập. Kiểu trưng bày này không phải của một người am hiểu, mà của một nhà sưu tập ám ảnh, quan tâm đến tích lũy hơn là vẻ đẹp. Bản thân Freud thừa nhận sự quan tâm của ông đến những đối tượng ấy giống như sự quan tâm tới tác phẩm điêu khắc, phụ thuộc vào những liên tưởng lịch sử, ý nghĩa cảm xúc và trí tuệ hơn là vào hình thức mỹ thuật của nó. Ông thẳng thắn thừa nhận như vậy trong tiểu luận “Bức tượng Moses của Michelangelo”, một công trình cũng biểu lộ sự chú ý tỉ mỉ của Freud đến những chi tiết nhỏ mà hầu hết các nhà quan sát khi nhìn chăm chú vẫn có thể bỏ qua. Sự sát sao đến các chi tiết cũng lộ ra trong những diễn giải lâm sàng của ông về triệu chứng, giấc mơ hay những yếu tố tâm lý khác của bệnh nhân.

Freud có thị hiếu thưởng thức sắc sảo đối với văn học. Sự xuất sắc trong phong cách văn chương của bản thân Freud đã được nhận ra khi ông còn là học sinh. Năm 1930, ông trở thành người thứ tư nhận giải thưởng văn học Goethe do thành phố Frankfurt trao tặng. Trong tuyển tập của Freud, có nhiều trích dẫn Goethe và Shakespeare hơn công trình của bất kỳ nhà tâm thần học nào. Khả năng thưởng thức âm nhạc của ông giới hạn trong opera - loại hình biểu diễn âm nhạc có sức thu hút nhất với những người ít khả năng thưởng thức âm nhạc. Một người cháu trai mô tả Freud như một người coi thường âm nhạc.

Bản chất kìm nén và kiểm soát của Freud còn lan sang tự truyện, trong đó ông tập trung gần như toàn bộ vào sự phát triển của phân tâm học và hầu như không nói điều gì về đời sống riêng. Ngay từ năm 1885, ông viết cho hôn thê rằng ông đã tiêu hủy những ghi chép, thư từ và bản viết tay của 14 năm qua, và nói thêm như thể biết trước rằng ông không muốn tạo điều kiện dễ dàng cho những người viết tiểu sử tương lai của mình. Freud, người đã dành cả đời khám phá những bí mật sâu kín mà mọi người cố gắng che giấu khỏi bản thân cũng như khỏi người khác, lại vô cùng miễn cưỡng tiết lộ những bí mật của chính mình.

Trong công tác lâm sàng, Freud lại nhân hậu và khoan dung đúng như những nhà phân tâm học phải làm vậy. Tuy nhiên, sự nhân hậu của ông không dựa trên bất kỳ mong đợi lớn lao nào về loài người - giống loài bị ông nhìn nhận với sự chán ghét hoặc xa rời thay vì với tình yêu. Ông viết trong một bức thư:

Xét tổng thể, tôi chẳng thấy nhiều những điều “tốt” ở con người. Theo kinh nghiệm của tôi, đa phần họ là đồ rác rưởi.

(“Phân tâm học và sự tin cậy”, trang 61-62)

Một người thực hiện phân tích tâm lý kể lại rằng mối quan tâm của ông là…

khách quan một cách tò mò… Ông quá tập trung vào việc tìm hiểu mà ông đang theo đuổi đến nỗi bản thân ông vận hành như một công cụ.

Những người gần gũi ngưỡng mộ ông không chỉ vì sự thông minh và uyên bác, mà còn vì sự chính trực và dũng cảm. Có lẽ ông thiếu một thứ gì đó để khiến người khác cảm nhận được ngay sự ấm áp. Trong một lá thư gửi Jung (2/12/1907), Freud viết:

Tôi luôn cảm thấy một điều gì đó trong nhân cách, suy nghĩ và lời nói của tôi khiến mọi người thấy lạ và có ý khước từ, trong khi mọi tấm lòng lại mở ra với anh. Nếu một người khỏe mạnh như anh xem bản thân là kiểu rối loạn phân ly, tôi chỉ có thể nói tôi là kiểu “ám ảnh”, và mỗi loại người của hai kiểu nhân cách này đều sống đơn điệu trong thế giới khép kín của riêng mình.

(Thư từ giữa Freud và Jung, trang 82)

Sự trung thực của Freud đã buộc ông điều chỉnh hoặc sửa đổi đáng kể ý tưởng của mình ở một số lần trong suốt cuộc đời, nhưng điều này có vẻ luôn xảy ra do những hiểu biết sâu xa mới của chính ông thay vì nhằm đáp lại những phê phán của người khác. Khi Freud đã đạt tới một kết luận nhất định, ông sẽ không chịu được sự bất đồng, và sự cứng nhắc này dẫn tới việc một loạt những người cộng tác và học trò rời bỏ ông - điều vô cùng đáng tiếc trong lịch sử phân tâm học. Freud xem những rời bỏ ấy như sự phản bội thay vì như sự bất đồng quan điểm. Breuer, người cộng tác đầu tiên xa rời Freud, đã viết cho Forel:

Freud là người thuộc về những phát biểu tuyệt đối và không ai được xen vào… Đây là một nhu cầu tinh thần, theo tôi dẫn tới sự khái quát hóa quá mức.

Breuer đúng ở cả hai điểm. Trong những trường hợp liên quan đến tình trạng dễ bị thương tổn của loài người, Freud biểu lộ sự khoan dung phi thường. Điều này dã dẫn tới một quan điểm văn minh hơn về nhiễu tâm, lệch lạc tính dục và những hình thức thích ứng sai lạc khác về cảm xúc, nên nó là một trong những di sản giá trị nhất Freud để lại. Nhưng trong thời kỳ đầu của phân tâm học, ông không thể cho phép những người gần gũi với ông tranh luận về những gì ông đã tuyên bố là nguyên lý nền tảng, tuyệt đối của môn khoa học mới về tâm trí mà ông khơi xướng. Điều này không chỉ dẫn tới những cắt đứt với Breuer và Fliess mà cả sự ra đi của Adler, Stekel, Jung, Rank và nhiều người khác của trào lưu phân tâm học.

Nhận xét của Breuer về “sự khái quát hóa quá mức” cũng rất có cơ sở. Freud là một nhà tư tưởng táo bạo và độc đáo, nhưng tính chất và độ dài của tiến trình phân tích tâm lý mà ông phát minh cho thấy những kết luận của ông về bản chất con người được dựa trên một mẫu rất nhỏ của loài người. Những bệnh nhân của Freud chủ yếu thuộc tầng lớp cao hoặc trung cao. Hơn nữa, loại bệnh trạng được lý thuyết phân tâm học thời đầu dựa vào - chứng rối loạn phân ly trầm trọng đã biến đổi(2) ở phụ nữ - lại hiếm thấy ngày nay.

(2) Đã chuyển thành một triệu chứng trên cơ thể. (ND)

Sự khái quát hóa quá mức là một cám dỗ đối với tất cả những nhà tư tưởng khởi xướng, những người thường yêu thích ý tưởng của chính mình nên đánh giá chúng quá cao. Có lẽ những ý tưởng mới mẻ và không phổ biến sẽ không bao giờ được người ta để ý đến trừ phi những người khởi xướng hoàn toàn tin rằng chúng là đúng. Freud không chỉ chắc chắn mình đã khám phá những khía cạnh mới của sự thật về loài người, mà còn là một tác giả có sức thuyết phục, người cố gắng đương đầu với mọi phê bình mà độc giả có thể đưa ra trong quá trình phát biểu lý thuyết của ông - một kỹ thuật cố tình có tính chất “làm nguôi giận”. Ông trông đợi sự chống đối và hoài nghi, và thường gặp cả hai. Nhưng kỹ năng văn chương và sự tin tưởng tuyệt đối của ông vào tính đúng đắn của mình cuối cùng đã biến phân tâm học thành một thế lực phải được tính đến trong khắp thế giới phương Tây.

Còn có một lý do khác cho sự khái quát hóa quá mức, không phải bắt nguồn từ sự đánh giá quá cao những ý tưởng mới, mà từ một ham muốn hoặc nhu cầu đặc trưng cho những nhà tư tưởng có kiểu nhân cách ám ảnh. Do tâm lý của họ dựa trên nhu cầu về trật tự và kiểm soát, họ có khuynh hướng tìm kiếm và bị thu hút tới những hệ tư tưởng bao quát toàn diện, hứa hẹn những giải thích gần như trọn vẹn về sự tồn tại của con người, do vậy cũng là những hệ tư tưởng đem lại hy vọng rằng cá nhân có thể làm chủ cả bản chất của mình lẫn thực tại bên ngoài thông qua những hiểu biết mới. Nhiều triết gia vĩ đại, kể cả Kant và Wittgenstein đều là loại người này, những người tạo ra hệ tư tưởng của riêng họ mà những suy nghĩ của người khác không thể xâm nhập, và họ thường không thể đọc công trình của các triết gia khác mà tìm được sự hữu ích hay niềm vui.

Freud tuyên bố mình là một nhà khoa học, và đương nhiên không phải là một triết gia theo ý nghĩa chặt chẽ của từ này, cũng không đặc biệt quan tâm đến triết học, dù hồi trẻ ông đã dịch một cuốn sách của John Stuart Mill. Tuy nhiên, ông giống một triết gia ở chỗ là người tạo nên một hệ tư tưởng. Từ rất sớm trong lịch sử của phân tâm học, bộ môn này đã rời bỏ những bức tường hạn hẹp của phòng khám để xâm nhập vào nhân loại học, xã hội học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật và huyền học. Nếu không phải là một hệ thống triết lý, ít nhất nó đã trở thành một Weltanschauung, “thế giới quan”, và sự mở rộng phi thường này từ một phương pháp điều trị chứng nhiễu tâm thành cách nhìn mới về bản chất loài người đã bắt nguồn từ những nhu cầu tâm lý của người sáng lập nó.

Freud phản bác tôn giáo, xem như điều không thật, nhưng lại cần một cách tiếp cận có hệ thống nào đó để tạo ra một ý nghĩa mạch lạc về thế giới. Ông gọi hệ tư tưởng mà ông phát minh ra là một khoa học, nhưng phân tâm học không phải và chưa bao giờ có thể là một khoa học giống như khi người ta nói vật lý hay hóa học là khoa học, bởi lẽ những giả thuyết của nó có tính chất hồi tưởng quá khứ và không thể được sử dụng cho dự báo, và hầu hết không dễ có được bằng chứng rốt ráo. Quan điểm theo thuyết tất định và sự khẳng định phân tâm học là khoa học đã làm những khám phá của ông mất đi giá trị dưới con mắt các triết gia như Popper hay những khoa học gia như Medawar, hệ quả là họ không thể nhận thức đúng tầm quan trọng của phân tâm học như một phương thức diễn giải về tôn giáo và một cách nhìn vào bản chất con người. Một cuốn sách dẫn luận không thể nói hết mọi điều về Freud. Những chương tiếp theo là một nỗ lực nhằm đánh giá những lý thuyết quan trọng hơn cả của ông dưới ánh sáng của tri thức hiện đại.

Mời các bạn đón đọc Dẫn Luận Về Freud của tác giả Anthony Storr.